Công đoàn Dệt May VN: Chào mừng, tôn vinh phụ nữ ngành dệt may


Sáng 05/03/2019 tại 3 đầu cầu Hà Nội – Đà Nẵng – TP. HCM, Công đoàn Dệt May Việt Nam (CĐDMVN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác nữ công 2018 và chào mừng, tôn vinh phụ nữ ngành dệt may nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Tới dự Hội nghị có Đ/c Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN; Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có đ/c Lê Tiến Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Tập đoàn, cùng các đ/c trong cơ quan điều hành, Trưởng, Phó các Ban chức năng và CBNV nữ tại 3 đầu cầu; Về phía CĐDMVN có đ/c Lê Nho Thướng – UV BCH TLĐLĐVN, Chủ tịch CĐDMVN, các đ/c trong BCH, cùng đông đảo đại diện các công đoàn cơ sở, đoàn viên CĐDMVN tới tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đ/c Lê Nho Thướng trân trọng gửi lời cảm ơn tới nữ CNVCLĐ trong hệ thống CĐDMVN. Đánh giá cao những cống hiến mà phụ nữ trong ngành Dệt May đã làm được trong suốt thời gian qua, Hội nghị chính là lời cảm ơn, cũng như tôn vinh sự đóng góp thầm lặng của nữ CNVCLĐ ngành Dệt May Việt Nam.

Đ/c Lê Tiến Trường và đ/c Lê Nho Thướng trao những bó hoa tươi thắm cho đại diện nữ CNVCLĐ của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam

Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đang đến gần, đ/c Lê Tiến Trường – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Vinatex đã có những động viên, chia sẻ sâu sắc đối với cán bộ nữ đang công tác tại các đơn vị trong ngành Dệt May Việt Nam. Nhấn mạnh tầm quan trọng của một ngành với đại đa số cán bộ, công nhân là nữ giới, với yêu cầu chất lượng, độ khó của các đơn hàng ngày càng cao, đ/c Lê Tiến Trường cho biết phụ nữ ngành Dệt May mặc dù có thế mạnh là cần cù, khéo léo, đảm đang, tỉ mỉ, chu đáo, nhưng vẫn có những thiệt thòi bởi ngoài thời gian làm việc, luôn phải mang những gánh nặng gia đình, con cái. Do đó, để cải thiện đời sống của chị em, trong những năm qua, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã nỗ lực tăng lương, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân tại các nhà máy, công xưởng. Thậm chí có những đơn vị mức lương đã tương đối cao, trung bình toàn Tập đoàn khoảng 7,5tr đồng/người, nhưng Tập đoàn vẫn cần tiếp tục phát huy được thế mạnh trong đặc điểm “tính nữ” của chị em thành nét văn hóa, thế mạnh riêng của Vinatex cũng như ngành DMVN.

Ngay sau lời chúc từ TGĐ Vinatex, đ/c Nguyễn Thị Thủy – Phó Chỉ tịch CĐDMVN đã báo cáo kết quả công tác nữ năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 với toàn thể Hội nghị. Theo đó, năm 2018 CĐDMVN đã triển khai nhiều hoạt động trong nữ CNVCLĐ như: Tập huấn cán bộ nữ với chủ đề “Thấu hiểu và gắn kết”; Hội thảo “Nâng cao chất lượng nữ công và phong trào nữ CNVCLĐ trong tình hình mới” tại Hà Nội hay cuộc thi “Phụ nữ Dệt May Idol” tại miền Trung… Bên cạnh đó, tiếp tục chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho LĐ nữ bằng nhiều biện pháp thiết thực, được các cấp công đoàn cơ sở đánh giá cao.

Trong năm 2019, CĐDMVN sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động đối với công tác nữ, bên cạnh đó, thực hiện 8 nhóm biện pháp chiến lược, trọng tâm để nâng cao đời sống cho nữ CNVCLĐ.

Cũng trong Hội nghị, đ/c Phạm Thị Thanh Tâm – Phó Chủ tịch CĐDMVN đã giới thiệu “Giải thưởng Nguyễn Thị Sen”, áp dụng cho hệ thống CĐDMVN. Đây là giải thưởng cao quý dành riêng cho nữ CNVCLĐ có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của các thế hệ phụ nữ Ngành Dệt May, dựa theo biểu tượng từ tên gọi của giải thưởng: Nguyễn Thị Sen – Bà Tổ nghề May Việt Nam.

Nhiều tập thể, cá nhân nhận được kỷ niệm chương, giải thưởng của TLĐLĐVN và CĐDMVN

Tại Hội nghị, nhiều công đoàn cơ sở đã được tặng kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam” do TLĐLĐVN trao tặng. Bên cạnh đó, những tập thể, cá nhân xuất sắc trong hệ thống Công đoàn Dệt May cũng đã được trao tặng giải thưởng chuyên đề “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do TLĐ và CĐDMVN bình xét, và lựa chọn trên nhiều tiêu chí.

Đóng góp cho Hội nghị, đ/c Ngọ Duy Hiểu – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN đã chia sẻ chuyên đề với nội dung “Hoạt động công đoàn thời CPTPP – Những vấn đề đặt ra với hệ thống Công đoàn Việt Nam” về những thuận lợi, khó khăn và thách thức khi CPTPP có hiệu lực. Trong đó, nêu bật việc tiếp tục phát triển các công đoàn cơ sở là nhiệm vụ sống còn để công đoàn tiếp tục là tổ chức chính trị, là tiếng nói của công nhân, người lao động không chỉ của riêng ngành Dệt May.

Bài và ảnh: Quang Nam – Cẩm Hà


Các tin khác