Chúc mừng nhà giáo tại các cơ sở đào tạo thuộc Vinatex


Sáng 20/11, ông Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cùng lãnh đạo một số Ban chức năng của Tập đoàn đã tới chúc mừng đội ngũ giảng viên, CBNV đang công tác tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) và trường Cao đẳng nghề Long Biên (LBC) nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023).

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu chúc mừng đội ngũ giảng viên, CBNV HTU nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Chúc mừng thầy, trò HTU, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu bày tỏ, là mô hình nhà trường tương đối đặc biệt – trường công lập tự chủ, hoạt động theo các quy chuẩn của trường công lập nhưng tự chủ hoàn toàn về tài chính, Nhà trường sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi không có nguồn ngân sách hỗ trợ thường xuyên. Tuy nhiên, trong 7 năm bắt đầu triển khai chương trình đào tạo đại học, nhà trường đã gặt hái nhiều thành quả khích lệ, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (năm 2022) và sau đó 1 năm tiếp tục đón nhận Chứng nhận kiểm định chất lượng cho 2 chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp. Hiện nhà trường có 266 giảng viên cơ hữu, trong đó 80% giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ; 30% giảng viên đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 3- 5 năm, đây là một trong những yếu tố quyết định đảm bảo sinh viên của trường được trang bị kỹ năng tư duy, thực hành thao tác kỹ thuật đúng với chuẩn của doanh nghiệp.

 

Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam tặng lẵng hoa chúc mừng nhà trường 

Trong bối cảnh ngành Dệt May Việt Nam đứng trước những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, ông Cao Hữu Hiếu nhận định, đây chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, và dư địa cho ngành vẫn còn phát triển trong 30 năm tới với trọng tâm là đổi mới nguồn nhân lực từ giản đơn sang lao động trí thức. Do đó, hoạt động đào tạo trong thời gian tới của Nhà trường cần có những định hướng rõ rệt hơn, tập trung vào các nội dung sau: (1) Tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nền kinh tế số, trong đó tập trung phát triển các vị trí nhân lực phục vụ cho các khâu mang lại giá trị gia tăng cao và giúp hoàn thiện chuỗi cung ứng từ thiết kế thời trang đến sau bán hàng; (2) Bên cạnh đào tạo kiến thức chuyên môn kỹ thuật cần tăng cường đào tạo về các kỹ năng. Trong bối cảnh thị trường thay đổi một cách bất định, các kỹ năng của người lao động đóng vai trò tiên quyết cho sự thành công của hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt hơn trong tổ chức và điều hành sản xuất. Ưu tiên các kỹ năng làm việc nhóm, tư duy, giải quyết vấn đề… bên cạnh các kỹ năng cốt lõi như ngoại ngữ và tin học; (3) Đặc biệt, để hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình, thực hiện thành công mục tiêu “Một điểm đến – cung cấp trọn gói giải pháp dệt may và thời trang Xanh” của Tập đoàn, rất cần đào tạo đội ngũ kỹ sư về xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật lành nghề – đây là những vị trí nhân lực mà Tập đoàn cũng như ngành Dệt May Việt Nam còn thiếu hụt; (4) Nhà trường tiếp tục xây dựng lộ trình đánh giá các chương trình đào tạo tiếp theo và chuẩn bị các điều kiện để tiến tới đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của Nhà trường, tạo năng lực cạnh tranh, thu hút lực lượng lao động ngày càng đông và có chất lượng cho ngành dệt may, mang lại lợi ích ngày càng lớn cho ngành và cho xã hội.

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu trao tặng Bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2022 – 2023

Trong dịp này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trao bằng khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân của Nhà trường đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2022 – 2023, gồm:

  • Bằng khen tập thể: Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; Bộ môn Quản trị Kinh doanh – Khoa Kinh tế.
  • Bằng khen cá nhân: Bà Nghiêm Thị Hoài, Phó Trưởng phòng, Phòng Tổ chức hành chính; Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng khoa Công nghệ May;  Bà Trần Thị Ngát, Quyền Phó Trưởng khoa Kinh tế; Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng bộ môn Cơ khí, khoa Cơ điện.

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu tặng hoa chúc mừng đội ngũ giảng viên, CBNV trường LBC

Chúc mừng đội ngũ giảng viên, CBNV trường Cao đẳng nghề Long Biên (LBC), Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu chia sẻ, nhà trường luôn là một hạt nhân quan trọng trong hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc Tập đoàn, với mô hình là nhà trường trong doanh nghiệp (trực thuộc Tổng Công ty May 10 – CTCP). Hàng năm, nhà trường đã xây dựng và đào tạo ra hàng trăm cán bộ lành nghề, cán bộ kỹ thuật, chuyền trưởng, tổ trưởng cho ngành may, góp phần tạo ra hiệu quả cho doanh nghiệp.

“Trong thời gian tới, khi các yêu cầu về chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế số, nền kinh tế xanh và tuần hoàn, yêu cầu về đội ngũ nguồn lao động trí thức ngày càng được nâng lên. Trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được triển khai sâu rộng, trước tiên là cung cấp nguồn nhân lực cho Tổng Công ty May 10 – CTCP và sau là cho các DN trong Vinatex và ngành dệt may. Với lợi thế là mô hình “nhà trường trong doanh nghiệp”, LBC cần phát huy hơn nữa thế mạnh để từng bước hoạt động độc lập, có hiệu quả. Đội ngũ giảng viên nhà trường vững tin, trau dồi nghiệp vụ để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đón đầu các cơ hội của ngành dệt may trong thời gian tới”- Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tập đoàn, Tổng Công ty May 10 – CTCP, Ban giám hiệu trường LBC chụp ảnh lưu niệm

Đáp từ tình cảm của Lãnh đạo Tập đoàn, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc May 10 kiêm Chủ tịch Hội đồng trường LBC cảm ơn sự quan tâm, dìu dắt, hỗ trợ từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong suốt thời gian qua. Trong bối cảnh hiện nay cả nước có trên 1.000 cơ sở giáo dục cao đẳng, trung cấp và trường đào tạo nghề, đặt ra cho LBC rất nhiều thách thức trong việc tuyển sinh, do đó Hội đồng trường đã xây dựng và triển khai đào tạo hệ “song bằng” gắn dạy văn hóa với dạy nghề cho học sinh THPT để thu hút học viên và tuyển sinh hiệu quả. Trong thời gian tới, nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tập đoàn, được tham gia các chương trình đào tạo để đội ngũ giảng viên, CBNV của nhà trường được học hỏi các mô hình hay, cách triển khai sản xuất hiệu quả từ các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex.

Ông Cao Hữu Hiếu cùng lãnh đạo, chuyên viên các Ban chức năng của Tập đoàn là cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tới tặng hoa chúc mừng nhà trường

Nhân dịp này, ông Cao Hữu Hiếu cùng lãnh đạo, chuyên viên các Ban chức năng của Tập đoàn là cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã tới tặng hoa chúc mừng nhà trường. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam chúc đội ngũ CBGV nhà trường tiếp tục có những thành công mới và đào tạo ra những lứa cán bộ cho ngành dệt may nói riêng và các ngành kỹ thuật khác nói chung. Nhà trường quan tâm phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn trong công tác đào tạo, cũng như các hoạt động SXKD để gắn kết hơn nữa công tác đào tạo với hướng nghiệp, đẩy mạnh mô hình hợp tác nhà trường và doanh nghiệp…

Quang Nam


Các tin khác