Cập nhật tình hình phòng chống bão số 4 của các doanh nghiệp dệt may miền Trung


Ảnh hưởng của cơn bão số 4 trực tiếp tới các tỉnh thành miền Trung, nhưng với sự chuẩn bị kỹ phương án phòng chống bão từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tại khu vực này nên bước đầu ghi nhận không có ảnh hưởng về người và tài sản. Ngay trong chiều 28/9 một số đơn vị tại khu vực Thừa Thiên – Huế sẽ trở lại làm việc, ổn định sản xuất.

4h ngày 28/9, một nửa cơn bão đã đi vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi với sức gió giảm còn 117 km/h (cấp 11), giật tung các mái tôn, vặn đổ cây xanh. Bão số 4 là cơn bão lịch sử với những số liệu mà từ trước đến nay các bản tin dự báo bão chưa bao giờ ghi nhận được. Thời điểm sức gió, bão diễn ra mạnh nhất vào khoảng từ 10h tối 27/9, kéo dài cho đến 6-7h sáng 28/9.

Cùng với nhân dân trên các địa bàn bị ảnh hưởng bởi cơn bão, các DN dệt may thuộc Vinatex đã chủ động có các phương án phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Bà Trần Tường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ cho biết, với sự chuẩn bị kỹ từ phía Tổng Công ty và các đơn vị thành viên, ngay trước khi cơn bão số 4 đổ bộ, toàn bộ nhà máy đã được rào chắn bằng lưới để tránh các cơn gió giật mình. Ngay sau khi bão qua, các đơn vị trong Tổng Công ty đã có báo cáo nhanh và không có thiệt hại về người và tài sản. Với một số nhà máy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện vẫn đang bị mất điện do ảnh hưởng của bão, lãnh đạo các nhà máy đang phối hợp với điện lực để khắc phục nhanh nhất và ổn định sản xuất. Công nhân tại khu vực Đà Nẵng được nghỉ hết ngày 29/8, riêng khu vực Quảng Trị đã trở lại sản xuất ngay trong sáng ngày 28/9.

Công tác phòng chống bão được Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ chuẩn bị kỹ lưỡng

Ông Nguyễn Văn Phong- Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế cho biết, rạng sáng 28/9/2022, bão số 4 (bão Noru) đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung… Sau khi cơn bão đi qua, các nhà máy tại khu vực Thủy Dương, Hương Thủy, nhà máy May 4 tại khu Công nghiệp Phú Đa và Chi nhánh Quảng Bình đều an toàn. Có một số cây cối bị đổ, còn toàn bộ khu nhà xưởng không bị ảnh hưởng.

“Nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của người lao động trước những tình huống khó lường của bão số 4, Công ty đã lên các phương án phòng chống bão, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện công điện khẩn của Tỉnh người dân không được ra đường (cấm đường hoàn toàn) từ 21h ngày 27/9. Khu công nghiệp cho cán bộ, nhân viên, người lao động nghỉ từ 14h ngày 27/9. Đến thời điểm này, tình hình Công ty yên ổn, người lao động, nhà xưởng, hàng hóa an toàn. Theo kế hoạch, 14h hôm nay, Sợi và Dệt nhuộm trở lại làm việc, còn May thì sáng mai…” – Ông Phong thông tin.

Các nhà máy, chi nhánh của Dệt May Huế đều an toàn về người và tài sản trước cơn bão số 4

Bà Trần Thị Kim Chi, Tổng Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Bài thông tin, nghe các thông tin dự báo về ảnh hưởng của cơn bão số 4, cơ quan điều hành đã chỉ đạo công tác chuẩn bị phòng chống bão khẩn trương, cẩn thận. Về cây xanh trong khuôn viên nhà máy, trước khi cơn bão đổ bộ đã cắt tỉa tán để chống gãy đổ. Sau khi bão qua, ghi nhận ban đầu không có thiệt hại về người và tài sản. Công nhân của các nhà máy được nghỉ tránh bão đến hết buổi sáng ngày 28/9, bắt đầu đi làm trở lại vào chiều ngày 28/9.

Công tác chuẩn bị, rào chắn trong nhà máy được Vinatex Phú Hưng chuẩn bị cẩn thận

Bà Nguyễn Tố Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinatex Phú Hưng cho biết: Đến thời điểm sáng 28/9, toàn công ty vẫn đảm bảo an toàn, có mưa và gió nhưng mức độ nhẹ không ảnh hưởng nhiều tới khu vực sản xuất của đơn vị. Ngay từ đầu tuần, cập nhật thông tin về cơn bão, Công ty đã chủ động lên phương án phòng chống bão, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo an toàn bên trong và ngoài nhà xưởng, nhà kho; ngày 27/9 đã rà soát toàn bộ nhà xưởng trước khi đóng máy cho công nhân nghỉ theo công điện của tỉnh. Nếu tình hình ổn như dự kiến, đơn vị sẽ mở máy lại theo kế hoạch từ 14 chiều nay…

Ngày 26/9, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có công văn hỏa tốc số 506/TĐDMVN- VP về việc tăng cường các biện pháp an toàn phòng chống ứng phó cơn bão số 4. Theo đó, trước dự báo tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện các biện pháp an toàn trong phòng chống cơn bão số 4:

  1. Lãnh đạo các đơn vị nằm trong vùng dự báo ảnh hưởng của cơn bão, phân công trực ban liên tục 24/24h trong thời gian mưa bão để kịp thời ứng phó giải quyết sự cố, công việc.
  2. Các đơn vị Phối hợp với Ủy ban phòng chống lụt bão tại địa phương, thường xuyên theo dõi sát tình hình diễn biến của cơn bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để ứng phó kịp thời với lũ lụt có thể xảy ra.
  3. Để không bị gián đoạn trong sản xuất, các đơn vị phải chủ động, linh hoạt trong ứng phó với bão, cần lên kế hoạch, phương án, bố trí nhân lực và phương tiện tại chỗ nhằm sẵn sàng ứng phó kịp thời với cơn bão. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản của đơn vị.

Nhóm PV


Các tin khác