Bà Trần Tường Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Dệt May Hòa Thọ: “May mắn vì được học rất nhiều”


Mỗi khi nhớ lại những khó khăn từng trải qua trong gần ba thập niên làm việc tại Tổng CTCP Dệt May Hòa Thọ, bà Trần Tường Anh bỗng cảm thấy một điều thật thú vị, đó là vượt lên trên tất cả những thách thức lắm khi không tưởng tượng nổi, thì  có một phần thưởng vô giá mà bà giành được, đó là năng lực làm việc với con người được nâng lên một tầng mức mới.

Thấu hiểu

Với 27 năm công tác tại Tổng CTCP Dệt May Hòa Thọ (DM Hòa Thọ), bà Trần Tường Anh đã thực sự tìm được con đường dành cho cuộc đời mình, đó là khám phá tiềm năng từ mỗi con người, và nói một cách hình ảnh, là kích thích để tiềm năng ấy được phát lộ, trổ hoa, mang lại lợi ích trước hết cho bản thân người ấy, và tiếp đó là cho cộng đồng DM Hòa Thọ.

Mỗi Lãnh đạo tại DM Hòa Thọ đều được phân công nhiều mảng công việc khác nhau để phụ trách, bà Tường Anh đều sử dụng các kỹ năng, chuyên môn của Quản lý nhân sự để áp dụng trong quản lý cũng đã tạo ra những hiệu ứng tốt. Với văn hóa của DM Hòa Thọ, bà đã góp phần không nhỏ trong việc truyền thông đến các cấp, đặt tính phục vụ lên hàng đầu. Cấp trên phục vụ cấp dưới bằng cách đào tạo, cấp dưới phục vụ cấp trên bằng những đề xuất, tham mưu tốt… Mỗi ngày phải tự đặt câu hỏi mình học được gì và truyền lại cho cấp dưới được điều gì. Khi thấy một điều bất ý trong sản xuất, trước khi trách cứ người làm việc tại đó, hãy tự hỏi mình đã chỉ ra trước và đào tạo họ về vấn đề đó chưa? Thêm vào đó, bà Tường Anh đã tham mưu cho HĐQT và CQ Tổng Giám đốc xây dựng quy chế đào tạo nội bộ liên tục. Điều này không chỉ giúp đội ngũ gần gũi nhau, hỗ trợ nhau, mà mọi kinh nghiệm thành công và thất bại đều được truyền thông thấu suốt. Trong thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, công tác đào tạo nội bộ đã được đẩy mạnh hơn nữa, trong đó lãnh đạo các cấp trong doanh nghiệp đều cần đứng lớp, các bài giảng, bài viết đều được trả kinh phí, nhuận bút xứng đáng. Bản thân người đứng lớp luôn phải học, cập nhật những thay đổi và sáng tạo để chắt lọc kiến thức truyền đạt trong lớp. Muốn làm thầy, thì chính mình phải học hỏi liên tục, học hỏi nhiều nhất.

“Thông thường chúng ta chỉ phỏng vấn nhân sự trước khi nhận họ vào làm việc, nhưng ít ai phỏng vấn nhân sự sau khi họ nghỉ việc. Khi làm điều này, chúng tôi sẽ hiểu ra, do đâu họ muốn nghỉ việc, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hay vì ấm ức điều gì mà nghỉ việc,… câu chuyện của họ sẽ cho mình bài học bổ ích để rút kinh nghiệm sau này, để thay đổi và cải tiến trong công tác nhân sự.” – Bà Trần Tường Anh chia sẻ.

Với cương vị là Phó Tổng Giám đốc làm việc ở đơn vị có gần 11.000 người lao động, thì kỹ năng làm việc với con người là chìa khóa để bà Tường Anh mở ra những cánh cửa của những thế giới tâm hồn đa dạng, lý thú nhưng cũng vô cùng phức tạp. Với mục đích mà Ban Lãnh đạo DM Hòa Thọ và bản thân bà đặt ra cho mình, đó là với mỗi nhân sự, không chỉ thúc đẩy họ làm việc hoàn thành nhiệm vụ, mà còn phải tạo cơ hội để những khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người được phát huy ở mức cao nhất. Đó là một công việc tinh tế, phức tạp, tỉ mỉ, cần không chỉ kiến thức, kỹ năng, mà cả một tình yêu lớn từ người phụ nữ rắn rỏi, thông minh và năng động này.

Từ truyền thống quý của gia đình

Đối với người làm nghề dệt may, thì truyền thống gia đình đóng góp một phần rất quan trọng. Cái nghề đòi hỏi sự gắn bó, tỉ mỉ, kiên trì nhưng có cơ hội tích tiểu thành đại. Bà Tường Anh có mẹ từng là kỹ sư Dệt của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, rồi làm quản đốc phân xưởng ở DM Hòa Thọ, nên bà chịu nhiều ảnh hưởng từ mẹ, với hình ảnh đơn vị gần gũi trong tâm tưởng bà từ nhỏ. Sau giải phóng, mẹ bà suốt đời gắn bó với nghề dệt may. Bà học được từ mẹ kỹ thuật của nghề, tính chi ly, sự quyết đoán trong công việc, biết cách tổ chức khéo léo để công việc đạt hiệu quả cao, cuốn hút mọi người cùng làm việc vì mục tiêu chung. Đó là những kinh nghiệm quý mà cả đời mẹ bà tích lũy, truyền lại cho bà. Và bà Tường Anh đã biết phát triển, nhân lên lợi ích từ những kinh nghiệm ấy. Mẹ bà từng trực tiếp làm việc với NLĐ nhiều năm, và mẹ luôn nói với bà về những nỗi khó khăn, vất vả, cực nhọc mà NLĐ phải trải qua. Bà từng nói, mình làm được những gì để khích lệ, chăm lo NLĐ thì phải làm ngay. Bà lấy việc chăm lo NLĐ là niềm vui cho mình. Bài học ấy từ mẹ được Tường Anh luôn ghi nhớ, và áp dụng trong công việc của mình. Nhờ thế mà bà Tường Anh có được sự đồng cảm với NLĐ, rất có ích cho bà ở vị trí quản lý hiện nay.

Đó là những thuận lợi mà bà có được hơn người. Cũng không thể không kể đến sự may mắn khi Tường Anh được chào đón nồng nhiệt lúc bà mới chân ướt chân ráo về với DM Hòa Thọ. Bà được các thế hệ lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện hết mức, khi được bố trí vừa làm việc, vừa đi học thêm rất nhiều để bổ sung kiến thức cần thiết.

Để làm một người quản lý tốt, thì cần cảm thông với NLĐ rất nhiều. Bà Tường Anh cho rằng, mình cần luôn nghĩ cho NLĐ. Nếu có trường hợp để NLĐ phải lên trực tiếp hỏi người quản lý về chế độ chính sách thì có nghĩa là bộ phận quản lý chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với số lượng NLĐ lớn như ở DM Hòa Thọ thì bà phải làm thế nào để mỗi NLĐ đều cảm thấy yên tâm? Với vấn đề này, bà Tường Anh cho rằng, chỉ có tình yêu và sự chú tâm hoàn toàn vào công việc mới có thể giúp bà hoàn thành khối lượng việc khổng lồ mà tỉ mỉ ấy. Bởi lối đi vào tâm hồn người là lối đi khó khăn nhất.

Bà Tường Anh từng trải qua nhiều loại hình công việc trước khi đảm nhiệm vị trí Phó TGĐ DM Hòa Thọ. Từ công việc văn thư, bà kinh qua các công việc như bảo hiểm xã hội, tiền lương, thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, sau đó bà được bổ nhiệm lần lượt vào các vị trí: Phó phòng Tổ chức hành chính, Chánh văn phòng, Giám đốc điều hành, và tới nay là Phó Tổng Giám đốc. Mỗi vị trí lại cho bà những trải nghiệm khác biệt, những kỹ năng quý. Việc văn thư rèn cho bà tính tỉ mỉ, và với công việc quản lý nguồn thông tin ra – vào bà rèn thêm kỹ năng tổng hợp, kỹ năng đối nội, đối ngoại.

“Có bất cứ công văn nào đến – đi, tôi đều đọc bằng hết. Cũng có những nội dung mình đọc mà không hiểu thì mình tìm tài liệu đọc thêm, hoặc hỏi người khác để hiểu. Tôi nghĩ công văn là những văn bản có nội dung chính thức, chắt lọc tinh túy tri thức con người trong công việc. Do đó đọc công văn cũng giúp tôi tích lũy tri thức. Sau này, mỗi khi chuyển vị trí công tác, tôi lại được cấp trên đào tạo thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tôi được học rất nhiều, đó là may mắn riêng và tôi luôn biết ơn vì điều đó.” – Bà Tường Anh nhớ lại một kỷ niệm thời kỳ đầu bà đi làm tại DM Hòa Thọ.

Thời gian chuyển sang làm vị trí Chánh Văn phòng, đòi hỏi cần tâm huyết hơn nhiều, dựa trên cái tâm mà bà xử lý đúng đắn những vấn đề vừa nhạy cảm, vừa thiết thân với NLĐ. Khi làm quản lý, lại cần bà phải quan tâm hơn đến mọi nhân viên của mình, làm sao để họ hướng toàn tâm vào công việc, đóng góp cho sự phát triển của Tổng Công ty. “Quan tâm, quan tâm và quan tâm” – đó là chữ nằm lòng của bà.

Đòi hỏi cao hơn ở chính mình

Là một nữ lãnh đạo, bà Tường Anh biết cách sử dụng ưu thế là nữ của mình. Bà nhạy cảm, tinh tế trong xử lý tình huống. Là nữ, bà cũng mềm mại hơn và dễ tìm được sự chia sẻ, cảm thông với NLĐ. Bà có thể thấu hiểu dễ dàng và thuyết phục đối tượng hiệu quả hơn. Nhân lực là cốt lõi của mọi DN, như các mắt xích phải phối hợp hài hòa và vận động nhịp nhàng. Người điều hành cần phải làm sao để chuỗi mắt xích khổng lồ này vận hành trơn tru. Áp lực của vị trí lãnh đạo với lượng công việc đầy ắp không làm bà mệt mỏi, trái lại như tiếp thêm năng lượng để bà Tường Anh trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua mọi thử thách để tiến bước trên con đường mình đã chọn. Bà còn biết cách biến đặc điểm công việc là phải giao tiếp nhiều thành một thú vui khám phá. Với bà, mỗi nhân viên, hay NLĐ đều là một kho kiến thức để mình khám phá, học hỏi. Làm việc trong một môi trường đa dạng, không chỉ có các vị lãnh đạo DM Hòa Thọ, NLĐ, mà còn nhiều khách hàng khác nhau, bà Tường Anh luôn mang tâm thế học hỏi. Học hỏi là niềm vui. Mỗi người giỏi như một trường đại học, để bà Tường Anh có thể chắt lọc những điều hay mà học mãi.

Một trong những bí quyết của vị nữ lãnh đạo này, đó là bà luôn đòi hỏi cao hơn ở chính mình. Mỗi ngày đều có thể thấy mình chưa ưng ý với một khâu nào đó, và bà đặt mục tiêu cải thiện. Tập trung làm việc với tâm lý nghiên cứu nguồn nhân lực của Tổng Công ty, bà hàng ngày vận động làm việc ở cường độ cao để xây dựng bộ máy nhân lực hoàn thiện hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng sống cho NLĐ. Từ đó tạo động lực để mỗi NLĐ ở DM Hòa Thọ phấn đấu tự học tập, nâng cao chất lượng làm việc của chính mình, đưa đơn vị tiến nhanh, tiến mạnh hơn nữa trong tiến trình hội nhập có nhiều thách thức mới.

Bài: Kiều Bích Hậu


Các tin khác