Diễn đàn Hợp tác Công nghiệp Dệt May Việt Nam – Đài Loan 2020
Ngày 28/09/2020, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Liên đoàn Dệt May Đài Loan (TTF) phối hợp tổ chức “Diễn đàn Hợp tác Dệt May Việt Nam – Đài Loan” năm 2020 theo hình thức trực tuyến nhằm tăng cường sự hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam và đài Loan.
Tham dự buổi lễ, về phía đầu cầu Việt Nam có ông Võ Tấn Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch; ông Trương Văn Cẩm – Phó CT thường trực; bà Hoàng Ngọc Ánh – Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas). Về phía đầu cầu Đài Loan có ông Dai Hung Yi – Phó chủ tịch Tổng hội Công nghiệp Đài Loan (CNF) – Ủy ban Xúc tiến Hợp tác Công nghiệp Châu Á- Thái Bình Dương, Tổ xúc tiến thị trường VN; ông Lin Rui Yueh – Phó chủ tịch Liên đoàn Dệt May Đài Loan và đông đảo đại diện của các doanh nghiệp dệt may – thời trang; khối các viện, trường… của Việt Nam và Đài Loan.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, Diễn đàn Dệt may Việt Nam – Đài Loan là sự kiện lớn quan trọng giữa Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Liên đoàn Dệt may Đài Loan, được tổ chức thường niên trong những năm gần đây, nhằm tạo không gian giao lưu giữa các doanh nghiệp ngành Dệt may hai nước. Thời gian qua do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dệt may toàn cầu, trong đó có Việt Nam và Đài Loan. Vì vậy, Diễn đàn Dệt may Việt Nam – Đài Loan năm 2020 chuyển hướng sang diễn đàn trực tuyến với mục tiêu duy trì tính kết nối liên tục của hai bên. Trong những năm qua, hợp tác thương mại dệt may Việt Nam – Đài Loan luôn duy trì tăng trưởng, hỗ trợ lẫn nhau trong kết cấu thương mại. Việt Nam là nước đứng đầu về nhập khẩu nguyên liệu vải may của Đài Loan nhưng cũng xuất khẩu quần áo thành phẩm ngược trở lại Đài Loan với kim ngạch tiềm năng đạt hơn 400 triệu USD trong năm 2019.
Theo ông Vũ Đức Giang, đại dịch Covid – 19 đặt ra những yêu cầu mạnh mẽ về sự thay đổi trong cấu trúc sản phẩm, tính linh hoạt, yêu cầu về chuyển đổi số và đặc biệt là tính bền vững của sản phẩm vải. Trong thời gian tới, hai bên sẽ trao đổi xu thế dệt may thế giới hướng tới tính bền vững; trong đó, Đài Loan sẽ có thêm các nhà đầu tư vào khu vực thượng nguồn của ngành dệt may thúc đẩy quan hệ hợp tác ngành nghề giữa hai bên đi vào chiều sâu.
Ông Lin Rui Yueh – Phó chủ tịch Liên đoàn Dệt May Đài Loan, nhấn mạnh: “Việt Nam và Đài Loan đã thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế và văn hóa trong nhiều năm qua. Đặc biệt trong thời gian gần đây, ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam và Đài Loan đã xây dựng được mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Đây là lần thứ 4 Diễn đàn Hợp tác Dệt May Việt Nam – Đài Loan được tổ chức. Các hoạt động này đã góp phần tích cực vào việc mở rộng hợp tác giữa ngành dệt may Việt Nam và Đài Loan cũng như xác định những giải pháp thích hợp chuyển đổi ngành dệt may Việt Nam theo hướng bền vững. Tiếp nối thành công của những lần diễn đàn trước và do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn đàn lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm tăng cường sự hợp tác theo chiều sâu và cũng vì lợi ích của cả hai bên”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Tấn Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: “Trong 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đài Loan đạt trên 11,5 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Đài Loan đạt trên 2,6 tỷ USD và giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt gần 8,9 tỷ USD. Các mặt xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan chủ yếu là hàng dệt may, da giày, sản phẩm điện tử và linh kiện, dụng cụ phụ tùng… Hiện nay, Việt Nam đứng thứ năm trong nhóm những nước đứng đầu về nhập khẩu nguyên liệu vải may mặc của Đài Loan và Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu lớn thứ hai sản phẩm dệt may vào thị trường Đài Loan”.
Tại diễn đàn, các diễn giả giàu kinh nghiệm của Đài Loan trình bày các nội dung xoay quanh các chủ đề: Sự đổi mới về công nghệ & vải chức năng mới trong ngành dệt; Làm thế nào để xây dựng một nhà máy tự động và thông minh… đã mang đến nhiều thông tin thiết thực cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư, phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Vũ Đức Giang đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa VITAS và TTF trong thời gian qua, đồng thời ông cũng đưa ra một số kiến nghị, cụ thể: Sau diễn đàn lần này TTF cung cấp cho Vitas danh sách những doanh nghiệp Đài Loan đang sản xuất sợi, vải các loại tại Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các doanh nghiệp Việt. Vitas và TTF tiếp tục là trụ cột kết nối cho các doanh nghiệp dệt may Đài Loan và Việt Nam có tính chiến lược, hợp tác mang lại hiệu quả và lợi ích của hai bên. TTF giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư tại Việt Nam tham gia vào thành viên Vitas để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nắm rõ những chính sách mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm quảng bá rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp VN và ĐL về qui mô, năng lực, các dòng sản phẩm vải cao cấp, mang tính khác biệt cao, kể cả công nghệ và thiết bị công nghệ. Xây dựng chương trình hành động cho năm 2021 về hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi của ngành dệt may…/.
Ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được 25,584 tỷ đô la Mỹ (USD); thặng dư thương mại 13,765 tỷ USD, chiếm 53% tỉ lệ giá trị gia tăng, giảm 12,11% so với cùng kỳ. Mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 là 40 tỷ USD, tuy nhiên do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành Dệt May Việt Nam giảm sâu, có mặt hàng giảm đến 80-90%, vì vậy kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May Việt Nam dự kiến chỉ đạt khoảng 33-34 tỷ USD.