Xuất khẩu dệt may Việt Nam – chỉ dấu cơ hội cho năm 2024?


Năm 2023 là năm đầy khó khăn với doanh nghiệp dệt may khi phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ suy giảm tại các thị trường lớn khi chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài để kiềm chế lạm phát, sự cạnh tranh gay gắt về đơn giá của các quốc gia cạnh tranh. Liệu ngành Dệt May Việt Nam có tìm được chỉ dấu để có thể biến nguy thành cơ trong bối cảnh kinh tế đầy bất định như hiện nay?

Bối cảnh kinh tế các thị trường tiêu thụ dệt may lớn

Về phía cầu, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ và EU suy giảm do chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất neo cao, đạt mức cao nhất trong 23 năm qua, lãi suất hiện tại ở Mỹ là 5,25% – 5,5%, tại EU là 4%. Cụ thể, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ tháng 8 đạt 10 tỷ USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ, trong đó hàng may mặc đạt 7,7 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ. Tháng 8 cũng là tháng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ cải thiện so với các tháng trước đó, đạt kim ngạch nhập khẩu lớn nhất kể từ đầu năm. Lũy kế 8 tháng năm 2023, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đạt 71,3 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ, trong đó hàng may mặc đạt 53,4 tỷ USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ. Tại thị trường EU, nhập khẩu hàng may mặc 7 tháng đầu năm đạt 52,38 tỷ USD, giảm 7,44% so với cùng kỳ.

Kinh tế Mỹ vẫn “vững” trong bối cảnh lãi suất neo cao. Việc làm mới tại Mỹ tháng 9 tăng hơn 336.000 việc làm, vượt xa dự báo của các chuyên gia kinh tế. Đây là tháng có mức tăng trưởng việc làm mới cao hơn mức tăng trưởng việc làm bình quân theo tháng từ đầu năm 2023, bất chấp một số dự báo kinh tế Mỹ vẫn có khả năng suy thoái, việc làm suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 ở mức 3,8%; thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,2% trong tháng 9 và 4,2% so với cùng kỳ (cả hai đều thấp hơn mức dự báo tương ứng là 0,3% và 4,3%, góp phần giảm bớt áp lực lạm phát). Mặc dù FED vẫn chưa tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 9 nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ có thêm một lần tăng lãi suất vào tháng 11 hoặc tháng 12, đưa lãi suất lên mức 5,75% sau đó dừng chu kỳ tăng lãi suất, nếu các chỉ số kinh tế vĩ mô đi đúng hướng, lạm phát không tăng trở lại, FED sẽ có từ 2-4 lần giảm lãi suất trong năm 2024. Chi tiêu hộ gia đình ở Mỹ, động lực chính cho tăng trưởng quốc gia, vẫn tỏ ra mạnh mẽ giữa tình trạng lạm phát, lãi suất cao. Trong tháng 9, người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức lạm phát dưới 4%. Tại New York, tỷ lệ hộ thực hiện ít nhất một lần mua sắm lớn trong 4 tháng vừa qua cũng tăng từ 57% lên 65% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ năm 2015, theo khảo sát chi tiêu hộ gia đình tháng 8 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. Kết quả là chỉ số PMI vẫn duy trì trên 50 và GDP tăng trưởng ở mức 2,1%.

Hình 1. Việc làm mới tại Mỹ theo tháng

Tại châu Âu, tín hiệu tích cực đến từ việc lạm phát trong tháng 9 giảm còn 4,3% (từ mức 5,2 và 5,3% trong tháng 7 và tháng 8), mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Mặc dù vậy, tăng trưởng tại khu vực EU bị ảnh hưởng từ những nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức (không tăng trưởng trong quý 2/2023 sau khi tăng trưởng âm trong 2 quý trước đó), Ý tăng trưởng âm 0,3% trong quý 2/2023.Do đó, triển vọng kinh tế châu Âu vẫn khá bất định khi mùa đông châu Âu sắp tới, việc Nga đóng đường ống NordStream khiến nguồn cung bất ổn, rủi ro giá khí đốt tăng do phụ thuộc các nguồn cung khí đốt nhập khẩu thay thế Nga.

Trái ngược với khu vực châu Âu, kinh tế Trung Quốc lại có những tín hiệu phục hồi tích cực từ tháng 8 với doanh số bán lẻ tăng 4,6% theo năm (vượt xa mức dự báo 3%), sản xuất công nghiệp cũng tăng 4,5%/năm trong tháng 8 (mức dự báo là 3,9%).

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam

Tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ, kéo KNXK dệt may chỉ giảm 14,2% so với cùng kỳ (KNXK 8 tháng 2023 giảm hơn 15% so cùng kỳ), đạt 29,7 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, điểm sáng ở thị trường Mỹ khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 tăng 2% so cùng kỳ năm trước, đạt 1,05 tỷ USD, vẫn duy trì vị trí nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần trên 18%; xuất khẩu đi Trung Quốc tăng 11% so cùng kỳ, đạt 290 triệu USD.

Nguồn: OTEXA

Những tín hiệu tích cực

Mặc dù bối cảnh chung của thị trường dệt may và kinh tế thế giới vẫn đặt ra những thách thức cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhưng sự cải thiện đáng kể về KNXK dệt may trong tháng 8 (4,06 tỷ USD – cao hơn mức bình quân chung theo tháng của năm 2022 là 3,72 tỷ USD), đơn hàng bắt đầu dần quay trở lại trong những tháng cuối năm cho thấy tín hiệu tích cực. Các yếu tố kinh tế trong nước cũng ủng hộ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng khi:

(i) Lãi suất cho vay trong nước tiếp tục giảm, các doanh nghiệp có cơ hội tận dụng nguồn tín dụng giá rẻ hơn so với thời điểm đầu năm để đáp ứng nhu cầu vốn và gia tăng đầu tư sản xuất.

(ii) Tỷ giá VND/USD bắt đầu có lợi cho xuất khẩu từ tháng 7. Tính từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9/2023, tỷ giá trung tâm VND/USD đã tăng khoảng 1,2%.

Nguồn: Emerging Textile.com

Trong 9 tháng, Việt Nam đồng mất giá 2,71% so với đồng USD, đồng tiền các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh khác đều mất giá so với USD, cụ thể: Rupee Pakistan mất giá 21%, đồng tiền Ai Cập mất giá 20%, Bangladesh mất giá 7,65%, Trung Quốc mất giá 5,44%. Tốc độ mất giá đồng Taka của Bangladesh từ đầu năm 2023 đến nay đã chậm lại đáng kể so với 2 năm trước đây (riêng năm 2022 Bangladesh mất giá so với đồng USD ở mức 17%), lợi thế về tỷ giá của các quốc gia này không còn rõ rệt như 2 năm vừa qua.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Những tín hiệu tích cực của thị trường đã bắt đầu xuất hiện, xuất khẩu theo tháng có dấu hiệu hồi phục, tất nhiên thị trường chưa có động lực để sáng lên rõ rệt từ nay đến cuối năm 2023 cũng như quý đầu năm 2024 nhưng phải khẳng định thời điểm khó khăn nhất của thị trường trong năm 2023 đã đi qua, thị trường hướng đến sự phục hồi tuy chậm nhưng chắc chắn. Tăng trưởng thương mại hàng hóa năm 2024 của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) dự báo ở mức 3,3% (gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa năm 2023 ở mức 0,8%).

Thêm vào đó, Mỹ – thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% – 45% thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam cũng có thêm động lực hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới khi Việt Nam và Mỹ đã nâng tầng quan hệ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sau khi ký kết Tuyên bố chung vào ngày 10/9/2023. Điều này hứa hẹn việc hợp tác cũng như phát triển thương mại giữa hai quốc gia trong đó có cả ngành dệt may. Từ nay đến cuối năm 2023, dự báo 2024 Mỹ nhiều khả năng thoát khỏi cuộc suy thoái, lạm phát được kéo giảm từ mức đỉnh gần 9% xuống 3% sau 1 năm mà việc làm và thu thập của người Mỹ vẫn duy trì tăng, nền kinh tế quy mô hơn 25.000 tỷ USD có thể nói đã “hạ cánh mềm”, trong khi kinh tế EU vẫn đang bất định, việc đẩy mạnh  thị trường Mỹ nên được đặt lên hàng đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam đặc biệt khi tháng 9, KNXK dệt may Việt Nam cả nước suy giảm nhưng riêng thị trường Mỹ lại có sự tăng trưởng ở mức 2%, đây là dấu hiệu cho thấy việc tiếp tục xúc tiến thị trường Mỹ là kim chỉ nam cho ngành dệt may Việt Nam trong tương lai. Để tiếp tục thúc đẩy xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tích cực tìm nguồn đa dạng trong chuỗi cung ứng cũng như xác định nguồn gốc rõ ràng của nguyên liệu sản phẩm, tuân thủ các quy định của CBP, đáp ứng linh hoạt yêu cầu của nhà mua hàng, tích cực tham gia rà soát chuỗi cung ứng, tận dụng được những khe hở của thị trường, biến nguy thành cơ trong bối cảnh kinh tế bất định như hiện nay.

Bài: Văn phòng HĐQT Vinatex


Các tin khác