Xây dựng chuỗi cung ứng Dệt may toàn cầu: Nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Ngày 11/04/2019, tại TP. HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc (CNTAC) đã tổ chức Hội nghị Chuỗi cung ứng Dệt May Toàn cầu (TASCC) với sự phối hợp tổ chức của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, Văn phòng Trách nhiệm xã hội của CNTAC, Trung tâm trao đổi Quốc tế Dệt May Trung Quốc và Liên minh thúc đẩy năng suất Dệt May ASEAN. Đây cũng là năm đầu tiên Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị Chuỗi cung ứng Dệt may toàn cầu
Tham dự hội nghị có ông Sun Ruizhe – Chủ tịch CNTAC, ông Yang Jichao và ông Chen Dapeng – Phó Chủ tịch CNTAC; ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS; ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam; bà Bùi Hoàng Yến – Phó Trưởng Đại diện phía Nam, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); Ông Nawasmittawong Jumong – Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Dệt Đông Nam Á; Ông Christian P. Schindler -Tổng Giám đốc Liên đoàn các Nhà sản xuất Dệt May Quốc tế – ITM; Ông Li Jianliang, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM… cùng hơn 200 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Chen Dapeng – Phó Chủ tịch Hội đồng Dệt May Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc là nước sản xuất dệt may lớn nhất thế giới. Tổng sản phẩm dệt may đạt 54,6 triệu tấn, chiếm hơn 2/3 sản phẩm toàn cầu, trong đó xuất khẩu đạt 276,731 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang Việt Nam đạt 4,731 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, với các mặt hàng nhập khẩu chủ lực là quần áo các loại. Tôi tin tưởng Hội nghị Chuỗi cung ứng Dệt May Toàn cầu lần này, hai nước sẽ phát huy những thế mạnh của mình, tiếp tục mở rộng hợp tác, nâng cao vị thế, tăng khả năng cạnh tranh, cùng nhau phát triển bền vững và hội nhập nền kinh tế thế giới”.
Hội nghị tập trung thảo luận vào các vấn đề: “Toàn cầu hóa chuỗi cung ứng dệt may và xu hướng phát triển bền vững của ngành Dệt May”; “Làm thế nào để xây dựng chuỗi cung ứng dệt may xanh”; “Vai trò của Hiệp hội Quốc tế trong quá trình kết nối chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu”; “Hợp tác khu vực và đầu tư có trách nhiệm trong ngành Dệt May”; “Xanh hóa chuỗi cung ứng dệt may thông qua hành động – kinh nghiệm trên thế giới tới các hành động quốc gia”; “Tích hợp tài nguyên chuỗi cung ứng để đáp ứng khách hàng toàn cầu”.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS nhấn mạnh, với chủ đề: “Xu hướng hội nhập phát triển bền vững – hướng đến xanh hóa của ngành dệt may và giải pháp khu vực cho những thách thức toàn cầu”, Hội nghị TASCC 2019 sẽ là cơ hội cho những nhà máy may, công ty cung cấp vải, nguyên phụ liệu, cùng cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng, tiềm năng, giải pháp của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như xây dựng quá trình đàm phán và hợp tác liên kết giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á.
“Năm 2019, ngành Dệt May Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ đô la Mỹ, cũng như cam kết tuân thủ về mối quan hệ hợp tác gắn kết sự phát triển bền vững trong việc thực hiện chương trình xanh hóa ngành dệt may và tiết kiệm nguồn nước. Tiếp tục xây dựng giải pháp về công nghệ và quản trị, xây dựng tầm nhìn trong chiến lược phát triển xu hướng hội nhập, phát triển trên cơ sở đánh giá nội lực của ngành Dệt May Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung. Xây dựng chuỗi cung ứng nhằm tạo ra sự phát triển liên kết toàn cầu, trong đó Trung Quốc là chuỗi hợp tác toàn diện của Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp”. Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Năm 2018, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 36 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng 16%, chỉ đứng sau Trung Quốc và ngang hàng với Ấn Độ. Do đó, Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia có ngành công nghiệp dệt may phát triển tương đối nhanh trong thời gian gần đây.
Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS, Tổng Giám đốc Vinatex phát biểu về vai trò của các Hiệp hội Quốc gia trong việc xây dựng chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết: “Năm 2018, tổng giá trị thị trường vải vào khoảng 645 tỷ đô la Mỹ. Dự báo đến năm 2020, tổng giá trị thị trường dệt (cả sợi và vải) sẽ đạt 842,6 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay Việt Nam mua 45% vải từ Trung Quốc, tuy ngành may Việt Nam nhập vải rất lớn từ Trung Quốc nhưng chủ yếu theo sự chỉ định nguồn nguyên liệu từ nhà nhập khẩu…, quan hệ này chỉ dừng lại ở quan hệ khách hàng – nhà sản xuất thông qua hợp đồng mà không phải là quan hệ mắt xích trong một chuỗi cung ứng. Vì vậy các nhà sản xuất vải Trung Quốc và doanh nghiệp may của Việt Nam cần tiến tới các thỏa thuận cùng phát triển sản phẩm trọn gói với nhà nhập khẩu, nhằm hướng tới hình thành chuỗi cung ứng thực chất, hình thành lợi ích chiến lược giữa nhà sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp may, tránh việc bán phá giá, ép giá ở từng khâu của chuỗi cung ứng, đem lại lợi ích hài hòa lâu dài cho các thành viên trong chuỗi.”
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe các ý kiến thảo luận của các diễn giả giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dệt may. Theo các chuyên gia, xây dựng các chuỗi cung ứng dệt may bền vững mang ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp dệt may toàn cầu, duy trì tính cạnh tranh của công nghiệp dệt may Việt Nam và Trung Quốc.
Hình các đơn vị nhận giải cống hiến cho sự hợp tác phát triển công nghiệp dệt may
Cũng nhân dịp này, BTC Hội nghị đã trao “Giải cống hiến cho sự hợp tác phát triển công nghiệp dệt may” cho các đơn vị đơn vị, nhằm tuyên dương các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp dệt may khu vực Trung Quốc – ASEAN.
Cẩm Hà