“Xanh hóa” trong sản xuất dệt may: Lợi thế từ hành động nhanh, quyết liệt


Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã có những quy định liên quan đến đảm bảo tính bền vững, tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh hàng may mặc. Đi đầu là Châu Âu với “Thỏa thuận xanh” cùng hàng loạt những quy định về chuỗi cung ứng và tuân thủ báo cáo phát triển bền vững đã được đưa ra và có hiệu lực áp dụng trong 1-2 năm tới. Trong tương lai rất gần, nếu doanh nghiệp dệt may không có chiến lược phát triển bền vững, sản xuất xanh sẽ không thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các hãng và chắc chắn sẽ không có đơn hàng để phát triển sản xuất.

Phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng

Dệt May là ngành lớn thứ hai trong thị trường thương mại toàn cầu, theo các chuyên gia kinh tế thì thị trường ước đạt 1.230 tỷ USD vào năm 2024. Tại Việt Nam, ngành Dệt May không những đóng góp cho phát triển kinh tế thông qua xuất khẩu hàng hóa mà còn đảm bảo an sinh xã hội. Xuất khẩu dệt may cả nước năm 2001 chỉ đạt 1,96 tỷ đồng, sau 20 năm – năm 2021 đã vượt lên 40,4 tỷ USD chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, dự kiến đạt mục tiêu 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021.

Tuy nhiên, Dệt May cũng là ngành bị đánh giá là ảnh hưởng lớn đến môi trường. Với thực trạng nước thải sau quá trình sản xuất có lẫn hóa chất ô nhiễm và nhiều loại hóa chất khác nhau của các công ty dệt nhuộm xả thải ra môi trường đang không ngừng thách thức vấn đề quản lý bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, thời trang nhanh phát triển tạo ra xu hướng sử dụng hàng dệt may trong thời gian ngắn hơn trước, vứt bỏ nhiều hơn. Trên khắp thế giới, cứ mỗi giây lại có một xe tải chở hàng dệt may được chôn lấp hoặc đốt. Sản lượng dệt may toàn cầu tăng gần gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2015 và mức tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến sẽ tăng 63% vào năm 2030.

Chính vì thế, áp lực thay đổi các hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành theo hướng bền vững hơn đang trở thành một chủ đề được quan tâm hàng đầu. Tính bền vững là sự phát triển bền vững của các công ty dệt may nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không gây hại cho môi trường và khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã có những quy định liên quan đến việc đảm bảo tính bền vững, tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh hàng may mặc. Đi đầu là Châu Âu với “Thỏa thuận xanh” cùng hàng loạt những quy định về chuỗi cung ứng và tuân thủ báo cáo phát triển bền vững đã được đưa ra và có hiệu lực áp dụng trong 1-2 năm tới. Châu Âu cũng chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới.

Tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 đã có 150 nước trong đó có Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để thực hiện được cam kết này, giải pháp đánh thuế đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có cơ chế định giá carbon sẽ sớm được áp dụng rộng rãi. Một khi thuế suất được áp dụng thì các doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển có xuất khẩu hàng dệt may sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Về phía người tiêu dùng, theo kết quả các cuộc khảo sát của McKinsey trong năm 2021, một phần tư số người được khảo sát ở Anh cho biết quyết định mua hàng của họ được thúc đẩy bởi tính bền vững của sản phẩm; 80% số người được khảo sát ở Mỹ cho biết tính bền vững là yếu tố quan trọng khi lựa chọn mua một thương hiệu thời trang, 94% ở Ấn Độ sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm có tính bền vững; một nửa số khách hàng trẻ Gen-Z ở Trung Quốc cho biết họ sẽ giảm mua thời trang nhanh và bắt đầu quan tâm đến sản phẩm có tính bền vững.

Từ áp lực của các chính sách và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về tính bền vững trong sản xuất các sản phẩm may mặc, các hãng thời trang lớn đều đặt ra mục tiêu phát triển bền vững và chắc chắn sản xuất xanh đáp ứng được tính bền vững sẽ trở thành điều kiện tiên quyết trong việc lựa chọn nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ. Hiện nay đã có hơn 250 nhãn hàng may mặc đã tuyên bố sẽ chú trọng đến phát triển bền vững và có lộ trình thực hiện. Do vậy, họ đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng về nguyên phụ liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm đầu ra, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với xã hội, môi trường. Các mục tiêu chủ yếu đang được thực hiện:

  1. Sử dụng các vật liệu tái chế, cotton bền vững (BCI).
  2. Giảm phát thải CO2.
  3. Đổi mới công nghệ giảm sử dụng nước. Ví dụ: Từ năm 2019, Fast retailing (Uniqlo) đã sử dụng công nghệ sử dụng bọt khí nano và ozone giúp giảm 99% lượng nước trong quá trình giặt quần bò.
  4. Thời trang tuần hoàn: Thu thập tái sử dụng hoặc sản xuất từ quần áo cũ.
  5. Giảm sử dụng nhựa trong đóng gói bao bì.

Thách thức với doanh nghiệp

Ngoài các phân tích đánh giá các tác động bên ngoài kể trên thì tính bền vững chính là cơ hội lớn nhất trong năm 2023 mà các công ty trong ngành cần nắm bắt. Đây là kết quả khảo sát và đánh giá của McKinsey vừa được công bố (Minh hoạ 1).

Cho dù nhận thức được tính bền vững là cơ hội lớn và các công ty đều mong muốn có thể thực hiện được, nhưng thách thức để đạt được là không hề nhỏ. Bởi, đầu tư nhà máy xanh cần có nguồn lực tài chính lớn, để đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu xanh, sạch cũng có chi phí cao hơn và để tuân thủ cũng như thực hiện tốt được các yêu cầu trong quản trị (bao gồm thực hiện các tiêu chuẩn chuỗi cung ứng, báo cáo phát triển bền vững…) cần có đội ngũ nhân lực giỏi. Và quan trọng hơn cả là có được sự đánh giá và chọn lựa của người tiêu dùng. Như vậy, cần tính đến khía cạnh người tiêu dùng đang lựa chọn mua sản phẩm dự theo tiêu chí nào hay từ cảm quan của những thông tin được truyền thông của các nhãn hàng.

Theo kết quả khảo sát với các giám đốc điều hành trong ngành thời trang của McKinsey, họ tin rằng việc thiếu công cụ và cơ sở dữ liệu được tiêu chuẩn hóa là trở ngại lớn nhất để cải thiện sự nhìn nhận của người tiêu dùng đối với những nỗ lực phát triển bền vững của họ. Minh họa 2.

Cần sớm hành động thay vì cam kết bằng lời nói

Cuối cùng, những doanh nghiệp tốt nhất tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa và đáng tin cậy sẽ là những doanh nghiệp đảm bảo rằng mọi hoạt động SXKD đều hướng đến gia tăng tính bền vững chứ không chỉ là nói về nó. Trong 2 đến 3 năm tới, nếu doanh nghiệp dệt may không có chiến lược phát triển bền vững, sản xuất xanh sẽ không thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các hãng và chắc chắn sẽ không có đơn hàng để phát triển sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng đó. Tuy nhiên, phát triển bền vững không thể một sớm một chiều đạt được mà doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và để thực hiện được cần sự quyết tâm, sự chuẩn bị và lộ trình triển khai. Hiện nay, các doanh nghiệp tiên phong đã thực hiện theo các nội dung sau: (i) Tìm hiểu nắm rõ thông tin về chính sách và quy định yêu cầu bắt buộc đối với phát triển bền vững; (ii) Nghiên cứu cập nhật chiến lược phát triển bền vững của các thương hiệu lớn (thương hiệu dẫn dắt thị trường); (iii) triển khai chương trình đánh giá thực trạng phát triển bền vững, sản xuất xanh của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có quy mô lớn thì sẽ xây dựng bản đồ xanh hóa của đơn vị theo ngành nghề (sợi, dệt nhuộm và may), theo năng lực/định hướng phát triển của doanh nghiệp. Các nội dung cụ thể:

  • Chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng (quy hoạch khu công nghiệp xanh, nhà máy xanh), về nguồn lực (tài chính, công nghệ thiết bị, con người). Trong đó, công nghệ và các công cụ kỹ thuật số sẽ đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo có nền tảng dữ liệu và khả năng truy suất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
  • Cập nhật và ưu tiên chú trọng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
  • Xây dựng năng lực thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG) theo kế hoạch các doanh nghiệp đặt ra.
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng hình ảnh doanh nghiệp trách nhiệm với người lao động, người tiêu dùng và môi trường sống.
  • Truyền thông mạnh mẽ thông điệp của doanh nghiệp về phát triển bền vững và những kết quả đã đạt được.

Bài: Đặng Thanh Huyền


Các tin khác