“Xanh hóa” công nghiệp dệt may – Xu hướng và giải pháp cần có ở Việt Nam


Bài 2: Động lực và yêu cầu “Xanh hóa” ngành dệt may

Xanh hóa ngành dệt may không chỉ là vấn đề công nghệ. Xét về lâu dài, sự tăng trưởng có nghĩa là tính tới sự cân bằng các yếu tố môi trường, KT-XH. Sự chuyển đổi xanh ngành dệt may sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường.   

Xanh hóa mang lợi ích cho doanh nghiệp

Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động và đang có đà tăng trưởng tốt, với xuất khẩu năm 2021 đạt mức 39 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019) và kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 43,5 tỷ USD năm 2022 theo kịch bản tích cực nhất mà ngành đề ra.

Theo tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF)-Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), khái niệm xanh hóa ngành dệt may mang ý nghĩa là ngành sẽ hoạt động theo hướng sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên nhiên liệu tái tạo. Chiến lược hướng đến chuyển đổi xanh bao gồm: Tiếp cận chuỗi cung ứng xanh sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, giảm chi phí sản xuất song hành với giảm chi phí khai thác tài nguyên (cho nguyên liệu, nước, năng lượng và hóa chất) và phát thải nguy hại vào môi trường; áp dụng kinh tế tuần hoàn và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải, cộng sinh công nghiệp hướng đến một nền kinh tế dệt may tuần hoàn nhằm loại bỏ các chất gây quan ngại và phát thải vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu gom và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên liệu tái tạo. Thiết kế sản phẩm xanh và nhãn sinh thái cho các sản phẩm dệt và may mặc thiết kế sản phẩm xanh, nhãn sinh thái cho hàng dệt may có thể thực hiện được trong toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ các vật liệu tự nhiên sẽ đi vào sản phẩm và trong thiết kế có sử dụng sợi hữu cơ và thuốc nhuộm tự nhiên, vật liệu tái chế, sử dụng tối thiểu hóa chất và triệt để loại bỏ các hóa chất độc hại; phát triển kho vận xanh để vận chuyển và lưu trữ nguyên liệu và sản phẩm với chi phí thấp nhất trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất và giảm thiểu tác động đến môi trường, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất sợi và giám sát chất lượng

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID), ngành đã chi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho tiêu thụ năng lượng. Thống kê cho thấy, dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Đặc biệt, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) thường gây bất lợi nhất cho môi trường vì sự thâm dụng nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất. Nước thải xả ra với lưu lượng lớn và chứa nhiều hóa chất sau các quy trình xử lý. Nhiều loại hóa chất có thể được dùng trong sản xuất như thuốc nhuộm có chứa azo, PFOS và PFAS (các chất per- và poly-fluoro -alkyl) làm chất chống thấm nước, deca-BDEs làm chất chống cháy và clo để tẩy trắng. Những chất như vậy đều có tác động nghiêm trọng đến môi trường, an toàn và sức khỏe con người. Trong các cơ sở nhuộm và hoàn tất, tùy vào trình độ công nghệ và trang thiết bị, trung bình tiềm năng tiết kiệm tính mỗi tấn sản phẩm là khoảng 0,2 đến 0,5 kg thuốc nhuộm; 100 – 200kg hóa chất và các chất phụ trợ; 50 – 100m3 nước; giảm tiêu thụ khoảng 150 kg dầu và 50 – 150 KWh điện…

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa” để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường, đồng thời, mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Theo VITAS, mục tiêu đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS giảm được 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; trong đó có hai khu công nghiệp dệt may cải thiện hiệu quả năng lượng và tuần hoàn nước.

Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp chủ động

          Trên thực tế, doanh nghiệp dệt may đứng trước nhiều áp lực và động lực “xanh hóa”, tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên:

Thứ nhất, xu hướng phải “xanh hóa” quy trình sản xuất theo yêu cầu từ nhà mua hàng để giữ được đơn hàng. Hiện nay, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp. Theo kết quả điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu của tập đoàn McKinsey tháng 4/2020, 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời trang là xu hướng trong ngắn và trung hạn. Về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm nhiều về tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép này từ người tiêu dùng sẽ là lực đẩy để các nhãn hàng cam kết và hành động cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng của họ.

Thứ hai, “xanh hóa” giúp quản lý chặt chẽ hơn tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, hóa chất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh;

Thứ ba, những doanh nghiệp tham gia xanh hóa và kinh tế tuần hoàn sẽ được Nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi… giúp và tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và cho toàn xã hội. Ngành dệt may nằm trong số 20 ngành kinh tế đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng tại Sổ tay đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội, ban hành tháng 8/2018. Vì vậy, ngành dệt may cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, BVMT, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật BVMT, làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.

Hiện nay, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc tế ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” về thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Nhiều DN đã coi trọng xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống tái sử dụng nước, điện…; thay lò hơi dùng than đá trong các nhà máy nhuộm bằng các nguyên liệu sinh khối khác như trấu để giảm phát thải và nâng cao hiệu quả; ứng dụng phần mềm đo lường tác động môi trường trong nhà máy sản xuất ngay từ khâu phát triển mẫu để có thể đánh giá được các loại nguyên liệu, công nghệ tác động đến môi trường ra sao. Từ đó, đề ra kế hoạch sử dụng nguyên liệu và công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường.

Để đẩy nhanh quá trình xanh hóa ngành dệt may, các DN cần chủ động đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin về thu nhận và quản lý dữ liệu giúp quá trình nhuộm dần ít phụ thuộc vào kỹ năng của người lập đơn công nghệ, ổn định chất lượng mẻ nhuộm, cũng như tăng cường tỷ lệ RFT (đúng ngay từ đầu) ở mức 95-98% thay vì 70-80% nếu không ứng dụng; mở rộng sử dụng rô-bốt trong việc trải và cắt vải giúp giảm nhân công tới 80% và tiết kiệm vật liệu 3%; xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn, tập trung theo yêu cầu Khu Công nghiệp Xanh, có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường… để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành cũng cần là một trọng tâm ưu tiên của ngành trong thời gian tới.

Đồng thời, nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực khác như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh; triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp; rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn/yêu cầu quốc tế để thiết lập và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn và định mức của ngành dệt may về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu và hóa chất (danh mục các chất cấm sử dụng trong sản xuất, tuân thủ sức khỏe và an toàn) áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành; tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật môi trường;

Đặc biệt, cần tăng cường vai trò Hiệp hội phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai các dự án cho mục tiêu xanh hóa dệt may, như Dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” của Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam hay Nhóm Tài nguyên nước năm 2030 thuộc World Bank hoạt động ở Việt Nam từ năm 2016. Tổ công tác ngành dệt may thuộc nhóm được thành lập cuối năm 2019, do VEA,VITAS và MPI đồng chủ tịch, với mục tiêu xúc tiến xử lý tái chế và tái sử dụng nước thải ở các nhà máy trong khu công nghiệp nhằm góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho quốc gia.

Xanh hóa là yêu cầu bắt buộc với mỗi doanh nghiệp nói chung, trong ngành dệt may nói riêng phải thích ứng để thay đổi và đi xa hơn nữa vì một thế giới hội nhập và phát triển bền vững.

Bài: TS.Nguyễn Minh Phong


Các tin khác