Vững vàng trên con đường đầy thử thách của năm 2022


Năm 2022 là thời điểm đầu tiên của 3 năm phục hồi sau dịch Covid-19 (giai đoạn 2022-2024). Những thách thức lớn đặt ra cho doanh nghiệp bài toán xây dựng kế hoạch năm đảm bảo rõ mục tiêu, chỉ tiêu, đích đến trên cơ sở những dự báo sát với thực tiễn và mang tính khoa học được đăng tải trên Tạp chí Dệt may và Thời trang số này.

Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex

Sau 17 tháng sống trong đại dịch Covid-19, việc tiêm vắc-xin được triển khai trên diện rộng đang đem lại hy vọng đại dịch sẽ chấm dứt, nhưng cuộc khủng hoảng này cũng đã gây nhiều bất định và đau thương trên thế giới. Gần 240 triệu người nhiễm bệnh đến cuối tháng 9, trong đó có gần 5 triệu người tử vong. Ở Việt Nam, cũng đã có trên 750.000 ca bệnh với trên 18.000 ca tử vong.

Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, nhất là doanh nghiệp phía Nam đang trải qua 3 tháng “kinh hoàng” nhất trong lịch sử phát triển. Sản xuất hoàn toàn đình trệ, đóng cửa ở phía Nam với trên 45.000 lao động, chiếm 30% lao động toàn Tập đoàn phải nghỉ việc. Miền Bắc và miền Trung có khả quan hơn nhưng cũng chỉ đang huy động được 60-70% lao động vì các chính sách giãn cách ở từng địa phương. Vỡ hợp đồng, mất khách hàng, mất lao động, thua lỗ, cạn kiệt các nguồn lực tài chính là câu chuyện hàng ngày ở các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, mạnh trong thời gian trước.

Tuy nhiên, đến thời điểm có thể mở cửa trở lại cho sản xuất thì khó khăn vẫn rất gay gắt, đó là tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc, là trang thiết bị máy móc sau vài tháng không vận hành, là khách hàng và các đơn hàng tới đây sau khi đã phải tìm nhà sản xuất khác trong 3-4 tháng qua. Có những tỷ lệ khảo sát nhanh, số mẫu nhỏ cho thấy tỷ lệ không khả quan về số công nhân quay lại nhà máy, họ đã lựa chọn trở về quê, không ở lại những khu công nghiệp lớn. Áp lực trong trở lại năng lực sản xuất như mức trước đại dịch và giãn cách sẽ còn là chủ đề của doanh nghiệp trong 3 năm tới. Ngoài việc cạnh tranh trong ngành dệt may về lao động còn là sự cạnh tranh gay gắt hơn với các ngành công nghiệp khác ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang cùng thiếu lao động trên diện rộng. Chi phí ngoài sản xuất sẽ còn tiếp tục tăng cao với các doanh nghiệp trong năm 2022 mà lớn nhất là 2 nhóm chi phí (1) xét nghiệm Covid -19 cho người lao động – nếu dự báo đến tháng 6/2022 chúng ta mới phủ kín vắc- xin toàn dân; (2) chi phí logistic trong và ngoài nước.

Về bình diện kinh tế thế giới, quan hệ giữa mức độ phủ vắc- xin và tốc độ tăng trưởng, phục hồi kinh tế ngày càng rõ rệt. Các nước phát triển nhất là Anh và Mỹ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất 80 năm qua, trong khi các nước đang phát triển và chậm phát triển có tốc độ phục hồi chậm, liên tục bị dự báo thấp đi so với đầu năm do tỷ lệ phủ vắc-xin đủ 2 mũi vẫn dưới 20%. Tại Việt Nam, tới cuối tháng 9, với khoảng 40 triệu liều vắc-xin đã được tiêm, chúng ta cũng mới chỉ đạt mức quy đổi trên 20% người dân được phủ đủ vắc- xin, vì thế các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB đều hạ mức tăng trưởng từ 6.7% đầu năm xuống còn 3.5% trong dự báo mới nhất. Điều cần lưu tâm là mức tăng này lại trên nền của năm 2020, năm có mức tăng thấp nhất trong nhiều chục năm qua. Gộp lại cả hai năm 2020, 2021 tổng lượng tăng trưởng của cả nước chỉ ngang với 1 năm trước đây.

Điểm trái chiều, tạo ra áp lực và rủi ro khá lớn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam đó là trong khi các thị trường chính của chúng ta phục hồi mạnh, nhu cầu tăng nhanh trở lại thì chúng ta lại không được tổ chức sản xuất vì dịch bệnh. Lượng khách hàng phải dịch chuyển đơn hàng đi chắc chắn sẽ lớn, với mức dự báo khoảng 3-4 tỷ USD trong quý 3 khi chúng ta chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong khi mức trung bình 2019 là khoảng 13 tỷ. Dịch chuyển của khách hàng đồng nghĩa với vị trí và thị phần của chúng ta trong chuỗi cung ứng có sự rung động, chưa khẳng định ngay là sẽ giảm, nhưng tín hiệu của xu thế giảm là có. Đồng thời tạo tâm lý cần đa dạng hoá quốc gia đặt hàng của các hãng, có nguy cơ dài hạn làm giảm tốc độ tăng trưởng của dệt may Việt Nam đang đạt được 3 năm trở lại đây, đưa chúng ta lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu dệt may trên thế giới năm 2020.

Trên nền tảng các điều kiện đầu vào hết sức thách thức, cần đặt ra một phương pháp tiếp cận trong xây dựng kế hoạch 2022 như sau:

  • Xây dựng kế hoạch 2022 là năm đầu tiên của 3 năm phục hồi sau dịch bệnh 2022-2024. Mục tiêu vừa phục hồi sản xuất, phục hồi tài chính, phục hồi khách hàng và thị trường đồng thời với cấu trúc lại, tinh gọn kể cả phải thu hẹp quy mô, chuyển đổi công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý, tái phân bố địa bàn sản xuất.
  • Chỉ tiêu trọng tâm của năm 2022 là:
    1. Tỷ lệ phục hồi năng lực sản xuất so với trước đại dịch.
    2. Tỷ lệ phục hồi lực lượng lao động so với trước đại dịch.
    3. Tỷ lệ phục hồi đơn hàng với khách hàng chiến lược.
    4. Tỷ lệ khắc phục mất cân đối tài chính so với 2021.
  • Mục tiêu phấn đấu với các khu vực
    1. Ngành May: khắc phục 2/3 mức sụt giảm do đóng cửa, huy động tỷ lệ lao động thấp của 2021. Riêng các đơn vị ở khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, không bị giãn cách 2021 cần quay lại mưc trước khi có dịch bệnh của 2019.
    2. Ngành Sợi: duy trì xu thế tiến bộ đáng kể của năm 2021, tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận từ 0.5-1% doanh thu.
    3. Ngành Dệt: gia tăng sản lượng dệt kim trên 50%, tiếp tục bám sát khách hàng và thị trường đã khai thông năm 2021. Tập trung cải thiện thực chất hiệu quả nhờ quy mô và kinh nghiệm tích luỹ trong sản xuất 2021.
    4. Đầu tư phát triển:
      1. Tập trung cho đầu tư sản xuất nguyên liệu.
      2. Phát triển sản phẩm nguyên liệu khác biệt.
  • Phát triển hướng sản phẩm mới như gia dụng, bảo hộ chuyên ngành.

Trong số Tạp chí số này cũng sẽ cung cấp những thông tin cập nhật nhất cho lãnh đạo các doanh nghiệp về:

  • Dự báo kinh tế thế giới, kinh tế các nước là thị trường chính của doanh nghiệp.
  • Dự báo nhu cầu và diễn biến thị trường dệt may.
  • Dự báo lãi suất, tỷ giá.
  • Hành động của các quốc gia cạnh tranh và các nhà mua hàng lớn.
  • Năng lực cung ứng thiết bị của các hãng lớn trên thế giới.
 Thử thách lần này là cam go nhất trong suốt 25 năm qua, con đường duy nhất là toàn bộ hệ thống chúng ta vững vàng, sáng suốt và quyết tâm cao để có thể đề ra và triển khai thành công kế hoạch phục hồi, điều chỉnh, nâng cấp với định vị mới phù hợp diễn biến của thị trường.

Bài: Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex


Các tin khác