VITAS tổ chức buổi đào tạo “Sáng kiến vươn tới đỉnh cao và sáng kiến về xây dựng an toàn và cuộc sống”


Ngày 10/07/2018 tại Hội trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cùng với Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) của Hà Lan đã tổ chức lớp đào tạo “Sáng kiến vươn tới đỉnh cao và sáng kiến về xây dựng an toàn và cuộc sống” để truyền đạt lại những kinh nghiệm với nhiều bài học bổ ích được đúc kết cho các doanh nghiệp dệt may và da giày tại miền Bắc.

Buổi lễ có sự hiện diện của bà Nguyễn Thu Phượng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, cùng đại diện VITAS, IDH  cũng như đông đảo đại diện của các doanh nghiệp dệt may, da giày tại miền Bắc tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện của IDH tại Việt Nam cho biết: “Để giải quyết một số vấn đề về phát triển bền vững trong ngành Dệt may và Da giày, IDH đã triển khai chương trình Vươn tới Đỉnh cao (Race to the Top – RTTT) – một sáng kiến hợp tác đa phương trong khuôn khổ Diễn đàn Tăng trưởng Xanh Toàn Cầu (3GF), được đồng tổ chức bởi các đối tác trong khối nhà nước và tư nhân như Chính phủ Hà Lan và Đan Mạch, các nhãn hiệu lớn trên thế giới (GAP, NIKE, MARKS & SPENCER, LEVI STRAUSS & Co), các tổ chức quốc tế (Liên Hiệp Dệt May Bền Vững – SAC, IFC), các nhà sản suất (SAITEX) và các tổ chức dân sự xã hội (Better Work). Với tầm nhìn là cung cấp và cải thiện các lợi ích về kinh tế, xã hội, danh tiếng cho ngành công nghiệp may mặc bền vững, người lao động và cộng đồng. Hiện tại chương trình “Vươn tới đỉnh cao” có sự cộng tác của các Bộ và các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức quốc tế và các đối tác trong khu vực tư nhân đã ký Thỏa thuận Hợp tác ngày 27/10/2016. Và buổi đào tạo hôm nay nằm trong khuôn khổ của Thỏa thuận này. Đây là một chương trình tự nguyện đa đối tác, nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại có trách nhiệm đối với mặt hàng dệt may và da giày Việt Nam do IDH là đơn vị điều phối thực hiện”.

Bên cạnh đó, đại diện của IDH cũng cho biết, sau buổi đào tạo tại miền Bắc, IDH và VITAS sẽ tiếp tục tổ chức cho các doanh nghiệp dệt may và da giày phía Nam để nắm bắt những kỹ năng trong việc quản lý, cũng như hội nhập trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang đến gần.

Tại buổi đào tạo, các doanh nghiệp dệt may được các chuyên gia hàng đầu trên thế giới giảng dạy các chương trình bao gồm: 1. Giới thiệu và tập huấn cho DN về Gắn kết người lao động, do bà Hương Vũ – Trưởng nhóm tư vấn về Gắn kết NLĐ giảng dạy; 2. Giới thiệu và hướng dẫn cho các Doanh nghiệp tập huấn về Lean – Nâng cao năng xuất được giảng dạy bởi ông Khoa Đặng – Trưởng nhóm tư vấn về Lean – Nâng cao năng suất; 3. Giới thiệu và hướng dẫn cho các nhà máy về tiết kiệm năng lượng, nước do ông Đặng Quang Vinh – Trưởng nhóm tư vấn về các giải pháp tiết kiệm năng lượng và nước; 4. Tập huấn về an toàn lao động và xây dựng trong nhà máy được giảng dạy bởi 2 chuyên gia đầu ngành là Ông Khabir Abdul – Quản lý  vùng Nam Á – TUV-SUD & Ông Lương Nguyễn Hoàng Anh, Kỹ sư dự án, TUV-SUD Việt Nam.

Với không khí sôi nổi, buổi đào tạo đã thực sự mang đến một sân chơi, là nơi chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết. Đây được coi là tiền đề để doanh nghiệp dệt may Việt Nam cất cánh, cũng như tạo chỗ đứng trong khu vực.

Quang Nam

 

 

 

 

 


Các tin khác