Vinatex tổ chức hội nghị nâng cao năng lực tài chính – kế toán – kiểm soát 


Ngày 30/6 tại Hạ Long, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực tài chính – kế toán – kiểm soát.

Toàn cảnh Hội nghị

Tới dự Hội nghị có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex, ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc thường trực Vinatex, lãnh đạo Cơ quan điều hành, các Ban chức năng của Tập đoàn cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát của các đơn vị thành viên có vốn của Vinatex.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, Hội nghị chuyên đề về Tài chính – Kế toán (TCKT) và kiểm soát được tổ chức ngay sau Hội nghị người đại diện vốn Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại doanh nghiệp nhằm xây dựng Vinatex và các đơn vị thành viên chuyển từ giai đoạn tài chính bị động sang vị thế tài chính chủ động, đồng thời Hội nghị cũng đánh giá và tìm ra các giải pháp để xây dựng sức mạnh tài chính cho các DN, hướng đến phát triển bền vững.

“Tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của Vinatex có 24 – 25% là vốn chủ sở hữu còn lại là vốn vay thương mại. Nguồn vốn vay lưu động đến từ các tổ chức tài chính, việc phụ thuộc lớn dòng vốn từ các tổ chức này là chưa bền vững” – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định. Do đó, việc tổ chức Hội nghị người đại diện vốn Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại doanh nghiệp và Hội nghị nâng cao năng lực tài chính – kế toán – kiểm soát nhằm giúp lãnh đạo, kế toán trưởng và trưởng ban kiểm soát các đơn vị có thể hiểu được nguyên nhân, vấn đề tài chính nội tại của từng DN, giúp DN có giải pháp chuyển sang hệ thống tài chính chủ động. Đồng thời, Hội nghị cũng là cơ sở để xây dựng kế hoạch hành động, triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025 nhằm xây dựng  các DN có kết cấu tài chính chặt chẽ, ổn định hơn. Từ những mục tiêu đó, có thể đảm bảo các DN có khả năng lựa chọn các hình thức huy động vốn đa dạng khác trên thị trường tài chính…” Chủ tịch Lê Tiến Trường nhận định.

Ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc Vinatex trình bày báo cáo đánh giá và cải thiện năng lực tài chính kế toán của Vinatex

Hội nghị đã nghe ông Phạm Văn Tân trình bày báo cáo đánh giá và cải thiện năng lực tài chính kế toán của Vinatex. Theo đó, Tập đoàn đã sử dụng kết quả 5 năm từ 2017 – 2021 theo Báo cáo tài chính để đánh giá tình hình tài chính hiện tại của DN trong Tập đoàn và dữ liệu hoạt động các đơn vị bên ngoài Tập đoàn nhưng cùng lĩnh vực hoạt động để làm cơ sở đánh giá và phân tích các dữ liệu.

Vinatex đánh giá sự bền vững tài chính của các DN thông qua 4 nhóm chỉ tiêu gồm: (1) Năng lực tài chính: đánh giá qua khả năng thanh toán, khả năng tự chủ tài chính từ đó nói lên sức mạnh và sự bền của DN; (2) Rủi ro tài chính: Sử dụng bộ chỉ số S&P phản ánh thu nhập từ hoạt động của doanh nghiệp có khả năng thanh toán cho các tổ chức tín dụng; (3) Chỉ tiêu hoạt động: là chỉ tiêu liên quan đến công tác quản trị hoạt động hàng ngày như: ngày tồn kho, ngày thu các khoản phải thu nói chung, ngày thu tiền bán hàng… là các rủi ro tiềm ẩn trong việc sử dụng vốn lưu động; (4) Chỉ số hiệu quả: Sử dụng các chỉ số ROA, ROE, sự tương quan để đánh giá và so sánh với các doanh nghiệp niêm yết.

Ông Nguyễn Ngọc Cách – Kế toán trưởng Vinatex đưa ra giải pháp để nâng cao năng lực tài chính

Từ nội dung đánh giá năng lực tài chính, ông Nguyễn Ngọc Cách – Kế toán trưởng Vinatex đã đưa ra 2 nhóm giải pháp trong đó nhóm 1 tập trung vào giải pháp cải thiện cơ cấu vốn, nhóm 2 tập trung vào nâng cao năng lực quản trị tài chính.

Bà Trần Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Kiểm soát Vinatex trình bày nội dung về kiểm soát hoạt động của Vinatex

Tại Hội nghị, bà Trần Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Kiểm soát Vinatex trình bày nội dung về kiểm soát hoạt động của Vinatex nhằm đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: trang bị bổ sung phương pháp đo lường sức khỏe tài chính doanh nghiệp; phân loại doanh nghiệp để đặt trọng tâm ưu tiên kiểm soát; tổ chức bộ máy để đảm bảo triển khai nhiệm vụ.

Đề xuất với các lãnh đạo doanh nghiệp thành viên, Trưởng Ban Kiểm soát Vinatex cho biết, cần thành lập nhóm kiểm soát hoạt động của Tập đoàn, trước tiên là nhóm các công ty có chỉ số Z-score < 1.8, sau đó đánh giá và mở rộng sau giai đoạn 1. Các DN cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống kiểm soát nội bộ và các thành viên Ban kiểm soát thực hiện hiệu quả trách nhiệm được cổ đông giao. Bên cạnh đó, cử nhân sự tham gia vào nhóm kiểm soát hoạt động của Tập đoàn; phối hợp triển khai các khuyến nghị thành chương trình hành động.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex bày tỏ sự kỳ vọng của Lãnh đạo Tập đoàn và hệ thống điều hành doanh nghiệp đối với các Giám đốc tài chính

Thay mặt hệ thống điều hành doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng, các Giám đốc tài chính cần có sự chuẩn bị chu đáo kế hoạch hành động để đáp ứng các vấn đề ngắn và dài hạn của CEO.  Đồng thời, thay đổi tư duy, cách suy nghĩ đối với bộ máy tài chính kế toán của doanh nghiệp. Đội ngũ tài chính kế toán cần phải hướng tới việc phân bổ thời gian khoa học để đảm bảo cân bằng giữa kiến thức và yêu cầu công việc và có trách nhiệm xây dựng hệ thống TCKT 4.0

Kết luận Hội nghị, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Viantex cho biết, Hội nghị đã mang đến thông điệp rõ ràng giữa người làm điều hành và những người làm TCKT – kiểm soát. Những nguyên tắc chung này sẽ được thể hiện nghiêm túc tại các đơn vị Tập đoàn chi phối và thực hiện theo hình thức linh hoạt, thống nhất với các cổ đông và HĐQT ở các đơn vị Tập đoàn không chi phối. Hiện các đơn vị trong hệ thống của Vinatex là những đơn vị có năng lực cạnh tranh, hệ thống khá tinh gọn, hiệu quả, hệ thống tài chính về cơ bản đều ổn định. Điều này thể hiện năng lực của hệ thống đủ mạnh có thể phát triển cao hơn nữa.

Trong 5 năm vừa qua, các DN trong hệ thống đã tập trung ¾ nội dung trong hệ thống thẻ điểm cân bằng, chấp nhận đi qua khó khăn, thử thách để xây dựng, tạo ra động lực đổi mới và xây dựng hệ thống tài chính tích luỹ đủ cơ sở cho đổi mới về chất. Đó là bước đi có tính toán của Cơ quan điều hành Tập đoàn, lựa chọn những bước đi vững chắc, bền vững. Thời điểm hiện tại, là thời điểm thích để xây dựng, đổi mới quản lý trong hệ thống tài chính – góc ¼ cuối cùng của hệ thống thẻ điểm cân bằng.

“Hiện chúng ta đang ở ngưỡng phải đổi mới, nhưng nhờ quản trị tập trung nên toàn hệ thống TCKT đã có cải thiện. Việc đổi mới, nâng cấp hệ thống tài chính chính là động lực phát triển mới, tìm ra phương thức khả dụng về tài chính để những người làm thị trường, công nghệ, đầu tư, nhân lực… có điều kiện bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Đây là yêu cầu mới của hệ thống tài chính – kiểm soát trong tạo nền tảng cho sự phát triển chung của Vinatex. Xây dựng hệ thống tài chính cho sự phát triển là bước mở mới để thu hút những trụ cột về nhân sự, xây dựng một môi trường Vinatex mạnh hơn, lớn hơn, liên kết chặt chẽ hơn”- Chủ tịch HĐQT Vinatex nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tập đoàn chụp ảnh cùng Kế toán trưởng các đơn vị

Đặt ra mục tiêu “5 xây – 2 phòng” cho hệ thống TCKT, ông Lê Tiến Trường phân tích: 05 xây gồm: (1) Thượng tôn pháp luật, hiểu biết sâu sắc pháp luật; (2) Tiếp cận quốc tế, đưa hệ thống TCKT tiệm cận với quốc tế; (3) Tinh gọn – thông minh; (4) Hệ thống đồng nhất; (5) Nhân sự chuyên nghiệp; 02 phòng gồm: (1) phòng  hệ thống TCKT 1 chiều, thiếu phản biện; (2) Phòng  hoạt động quá phạm vi mà không trên cơ sở và dữ liệu khách quan.

Đối với hệ thống kiểm soát, ông Lê Tiến Trường cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng mạng lưới kiểm soát viên nội bộ cùng ngành nghề, đồng thời phát triển đội ngũ đánh giá viên, quy trình đánh giá chuyên nghiệp theo nhóm ngành sản xuất. Làm được những yêu cầu này sẽ từng bước đưa hệ thống TCKT – kiểm soát của Vinatex vững mạnh, từng bước đưa Vinatex nâng cao năng lực tự chủ về tài chính.

Quang Nam 


Các tin khác