Vinatex tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022


Sáng 24/5 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Tới dự Đại hội có ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Đại diện Ban Đầu tư, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Về phía Vinatex có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; ông Cao Hữu Hiếu – TGĐ Vinatex, cùng lãnh đạo HĐQT, Cơ quan điều hành, Trưởng/Phó các Ban chức năng của Tập đoàn.

Đến dự còn có ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas); Ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên của Vinatex và đại diện các cổ đông.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Vinatex

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex chủ trì Đại hội

Tại Đại hội, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex đã trình bày những điểm nổi bật trong kết quả SXKD năm 2021, kế hoạch SXKD và đầu tư năm 2022 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Theo đó, năm 2021 mặc dù trải qua một năm khó khăn với những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhiều đơn vị phải đóng cửa dừng SXKD hoặc sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng Vinatex đã cán đích thành công với nhiều kết quả “ấn tượng”. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 16.985,35 tỷ đồng, bằng 114,4% so với cùng kỳ, đạt 97,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất đạt 1.456,491 tỷ đồng, bằng 245,5% cùng kỳ, đạt 208,1% kế hoạch năm; Doanh thu công ty mẹ đạt 1.629,154 tỷ đồng, bằng 112,7 % so với cùng kỳ, đạt 107% kế hoạch năm; Lợi nhuận công ty mẹ đạt 310,939 tỷ đồng, bằng 212,47% so với cùng kỳ, đạt 154,9% kế hoạch.

Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex trình bày về kết quả SXKD năm 2021, kế hoạch SXKD và đầu tư năm 2022

Theo Tổng Giám đốc Vinatex, đây là năm có nhiều bước tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó có đóng góp rất lớn từ ngành Sợi. Đây cũng là năm đóng góp vào lợi nhuận của Công ty mẹ đến từ các đơn vị chi phối chiếm 60%, còn lại 40% là các công ty liên kết. Điều này thể hiện quyết tâm của HĐQT, Cơ quan điều hành trong việc tái cơ cấu các đơn vị Vinatex có phần vốn chi phối.

Đúc kết bài học thành công trong năm 2021, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong công tác dự báo, đánh giá thị trường để đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời, xoay chuyển các mặt hàng phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó là sự phục hồi nhanh chóng của các đơn vị khu vực phía Nam sau thời gian giãn cách, ngừng sản xuất đã giúp giữ vững được kết quả SXKD chung của Tập đoàn; Gia tăng sự liên kết giữa Công ty mẹ và các đơn vị thành viên là tiền đề để Vinatex hoàn chỉnh chuỗi cung ứng, hướng tới sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các Ban sản xuất kinh doanh mềm của Tập đoàn như Ban SXKD sợi, Ban SXKD vải đã làm tốt vai trò dẫn dắt, gắn kết giữa các đơn vị trong hệ thống từ thị trường, đầu tư đến công nghệ… Ngoài ra, năm 2021 Vinatex cũng đã tăng quy mô của ngành Sợi thêm 5,5 vạn cọc với việc đi vào vận hành Nhà máy Sợi số 2 Vinatex Phú Hưng và Nhà máy sợi số 3 của Sợi Phú Bài với chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả ngay sau khi vận hành.

Với những dự đoán về nền kinh tế năm 2022 nhiều bất ổn, chi phí nguyên phụ liệu đầu vào tăng cao, cùng với đó là xung đột Nga – Ucraina, lạm phát tăng cao trên toàn cầu,… Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 18.067 tỷ đồng bằng 106,4% so với 2021; Lợi nhuận hợp nhất: 951 tỷ đồng bằng 65,3% so với 2021; Doanh thu Công ty mẹ: 1.750 tỷ đồng bằng 107,4% so với 2021. Lợi nhuận Công ty mẹ: 330,655 tỷ, bằng 106,3% so với cùng kỳ.

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex trình bày về hoạt động của HĐQT năm 2021, một số giải pháp định hướng trong SXKD năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2025

Tại Đại hội, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex đã trình bày về hoạt động của HĐQT năm 2021, một số giải pháp định hướng trong SXKD năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2025. Đánh giá cao các kết quả đã đạt được và hoạt động của Cơ quan điều hành Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT đã chỉ ra những điểm tích cực và một số vấn đề cần khắc phục trong năm 2022. Năm 2021, HĐQT đã tổ chức 12 cuộc họp, ban hành 14 Nghị quyết và 12 Quyết định, trong đó tiểu ban thuộc HĐQT cũng đã tham mưu, nghiên cứu các vấn đề về pháp lý quốc tế; nghiên cứu chiến lược phát triển của dệt may Trung Quốc; Phân tích, đánh giá tình hình thị trường dệt may toàn cầu; Tham gia xây dựng chương trình đào tạo nội bộ; Phối hợp với Ban kiểm soát (BKS) phân tích, đánh giá và đưa ra kiến nghị đối với hoạt động SXKD tại các đơn vị… Trên cơ sở các hoạt động đó, HĐQT đã giám sát và chỉ đạo Cơ quan điều hành, giúp Cơ quan điều hành đưa ra những quyết định chiến lược để hoàn thành các chỉ tiêu về SXKD.

Đưa ra mục tiêu chiến lược năm 2022, Chủ tịch HĐQT Vinatex nêu rõ 8 kế hoạch trọng tâm: (1) Đổi mới – sáng tạo trong mô hình quản lý: Tập trung chuyển đổi số cho mô hình quản trị. Hình thành hệ thống quản trị số. Sáng tạo trong quản trị tạo môi trường làm việc mới, tạo động lực cho Tập đoàn; (2) Đổi mới – sáng tạo trong mô hình kinh doanh: Sáng tạo mới trong mô hình kinh doanh, làm chủ nguồn nguyên liệu, dần thay thế cho mô hình kinh daonh chỉ dựa trên gia công; (3) Đổi mới – sáng tạo trong công nghệ và sản phẩm: Yếu tố then chốt tạo ra sự khác biệt để phát triển năng lực cạnh tranh mới, tránh cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm hiện hữu; (4) Liên kết Sợi – Dệt – May để tăng giá trị gia tăng, tiếp tục hình thành các năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng yêu cầu trọn gói của khách hàng trong các chuỗi quy mô lớn của thế giới; (5) Củng cố năng lực sản xuất, liên tục cập nhật mô hình mới, hiện đại, tự động hóa để giảm lao động và đầu tư theo hướng sản xuất xanh, sạch; (6) Nâng cao tỷ lệ các sản phẩm xanh, sản phẩm kinh tế tuần hoàn. Xây dựng mô hình doanh nghiệp tiên phong trong ngành dệt may trong sản xuất sạch, sản xuất xanh và phát triển bền vững; (7) Xây dựng chiến lược tài chính dài hạn cho chu kỳ mới của đầu tư chiều sâu, công nghệ để tạo ra một ngành dệt may tự động hóa theo 4.0 mới; (8) Đào tạo lại đội ngũ nhân lực trong điều kiện mới, đặc biệt là đội ngũ nhân lực trẻ cho các mục tiêu chiến lược của Tập đoàn trong trung và dài hạn.

Giai đoạn 2022 – 2025, Vinatex đề ra mục tiêu chiến lược “Một điểm đến, cung ứng giải pháp xanh trọn gói cho ngành dệt may thời trang thế giới”, hướng đến phát triển ngành dệt kim phổ thông theo hướng sản xuất xanh. Trong đó, năng lực sản xuất đạt 50.000 tấn vải dệt kim/năm; Tối thiểu 50% sản phẩm sợi cung ứng nội bộ cho dệt kim; Tối thiểu 50% vải dệt kim sản xuất cung ứng cho ngành May trong nội bộ Tập đoàn. Đồng thời, xây dựng và tìm kiếm 3-5 khách hàng lớn có quy mô toàn cầu.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam bày tỏ mong muốn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC có những cơ chế, giải pháp về nguồn lực để Vinatex có thể phát triển bền vững

Phát biểu tại Đại hội, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), cũng là một trong những cổ đông của Vinatex nhất trí cao với báo cáo của HĐQT và cơ quan điều hành về kết quả SXKD và định hướng các mục tiêu chiến lược trong năm 2022, giai đoạn 2022 – 2025. Lãnh đạo Vitas cho biết, trong quá trình khảo sát tại các đơn vị trong Hiệp hội, Chủ tịch Vitas nhận thấy khối các DN FDI và tư nhân có sự đầu tư triển khai tương đối cao, đồng bộ, bắt kịp nhanh các yêu cầu mới của khách hàng. Bên cạnh đó, Chủ tịch Vitas cho biết lãnh đạo các đơn vị dệt may trong khối tư nhân có rất nhiều người được đào tạo từ hệ thống của Vinatex.

Trong bối cảnh mới đòi hỏi các DN sản xuất phải linh hoạt, nhạy bén thì Vinatex còn có những vướng mắc về cơ chế. Do đó, Chủ tịch Vitas đề xuất với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC cần có những cơ chế, giải pháp về nguồn lực để Vinatex có thể phát triển bền vững. Ông Giang đề xuất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN tạo cơ chế đặc thù cho HĐQT Vinatex, xây dựng niềm tin đối với người đại diện vốn nhà nước hoặc giao cơ chế khoán để công tác đầu tư, triển khai các dự án được nhanh hơn, tinh gọn hơn. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng nền tảng văn hóa của Vinatex, có cơ chế trong thu hút và gìn giữ cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung, đưa Vinatex là đơn vị sản xuất vững mạnh ở một tầm cao mới hướng tới kỷ niệm 30 thành lập Tập đoàn vào năm 2025.

Ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao kết quả SXKD năm 2021 và định hướng chiến lược của Vinatex

Ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao kết quả SXKD năm 2021 và định hướng chiến lược của Vinatex. Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, đây chính là kết quả bền vững, duy trì được hoạt động SXKD trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 được Tập đoàn tổ chức quy mô, trang trọng, đẩy đủ các nội dung quan trọng, thông tin đến cổ đông những kết quả, chiến lược một cách rõ nét và minh bạch. Ông Hùng cho biết, với trách nhiệm của mình, Ủy ban sẽ có trao đổi với SCIC, rà soát và nghiên cứu để Vinatex có cơ chế hoạt động phù hợp với đặc thù và quy mô phát triển theo đúng tinh thần mà Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Vinatex.

Đại hội đã nghe bà Trần Thị Thu Hằng – Trưởng Ban Kiểm soát Vinatex báo cáo về hoạt động của BKS năm 2022; ông Phạm Văn Tân – Phó TGĐ Vinatex thông báo về tờ trình phê duyệt BCTC 2021 và kế hoạch 2022; Tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021; Tờ trình lương, thù lao HĐQT và BSK 2021 và kế hoạch 2022; Tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC 2022 để Đại hội thông qua. Kết quả 100% cổ đông có mặt tại Đại hội tương ứng với 76,53% cổ đông có quyền biểu quyết thông qua các nội dung được thông báo tại Đại hội.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam chụp ảnh cùng lãnh đạo các Ban chức năng và CBNV Văn phòng Tập đoàn

Kết luận Đại hội, ông Lê Tiến Trường cho biết, Vinatex quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, đồng thời minh bạch các thông tin, tổ chức các buổi Hội thảo chuyên đề hàng tháng để dự báo tình hình dệt may thế giới và trong nước, đưa ra các giải pháp thích ứng linh hoạt… Tất cả thông tin được đăng tải trên các kênh truyền thông của Tập đoàn để doanh nghiệp, cổ đông có thể theo dõi, cập nhật kịp thời.

Quang Nam


Các tin khác