Vinatex khai giảng chương trình đào tạo nội bộ cho đội ngũ cán bộ cấp trung


Sáng 18/9, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam khai giảng khóa đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cấp trung của Vinatex. Chương trình đào tạo được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của hơn 300 học viên là cán bộ quản lý cấp trung, cán bộ nguồn của Tập đoàn, đến từ 16 đơn vị thành viên của Vinatex tại 61 điểm cầu.

Tới dự buổi khai giảng có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex; lãnh đạo Cơ quan điều hành, các Ban chức năng thuộc Tập đoàn cùng sự tham dự của TS. Phạm Kim Ngọc – Trưởng bộ môn Khoa học Quản lý – Viện Kinh tế và quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Về phía lãnh đạo các đơn vị thành viên, có sự tham dự của lãnh đạo của: TCT CP Dệt May Hòa Thọ, TCT CP Dệt May Hà Nội, Dệt kim Đông Xuân, Dệt 8/3, Công ty CP Phát triển Hạ tầng Dệt May Phố Nối, Công ty CP Vinatex Phú Hưng…

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn phát biểu khai mạc khóa học.

Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cho biết, so với khoảng 20 năm trước, quy mô của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phát triển lớn hơn khoảng 5 lần. Tuy nhiên, trong 20 năm đó, cán bộ quản lý nguồn lại không tăng tương xứng với quy mô của Tập đoàn. Do đó, việc tổ chức các quá đào tạo cho cán bộ nguồn là một trong những nhiệm vụ nhằm xây dựng đội ngũ quản lý, đáp ứng được tốc độ phát triển của các đơn vị trong Tập đoàn.

“Có thể về số lượng vẫn đảm bảo, nhưng về chất lượng, có sự đào tạo và chuẩn bị trước khi đề bạt vào các vị trí để đảm bảo kiến thức, kinh nghiệm nhằm triển khai công việc một cách có hiệu quả thì chúng ta chưa tìm được giải pháp một cách phù hợp. Chúng ta đang chấp nhận việc thiếu hụt cán bộ; đội ngũ cán bộ còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về quản trị nhưng vẫn phải vận hành tại tất cả các lĩnh vực. Đây, cũng chính là một trong những lý do làm cho tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn chưa cao. Nếu như có đội ngũ cán bộ chất lượng hơn nữa, Tập đoàn sẽ có thể tăng trưởng mạnh hơn khi mà trong 5 năm qua, chúng ta có CPTPP, EVFTA và đầu tư nước ngoài rất mạnh vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may”- Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Sau khi phát biểu khai giảng, ông Lê Tiến Trường đã giới thiệu sơ lược về nội dung 12 buổi đào tạo, đồng thời trực tiếp giảng dạy tiết học đầu tiên với nội dung về những yêu cầu của người quản lý cấp trung. Theo đó, một trong những yếu tố mà người quản lý cấp trung của Vinatex cần hiểu rõ, đó chính là việc nắm chắc, tiếp cận và thực hành 6 giá trị cốt lõi của Tập đoàn. Cụ thể, người quản lý cấp trung cần: Hiểu rõ công việc mình làm; Chấp nhận rủi ro có cân nhắc; Không đổ lỗi; Cạnh tranh như tổ nhóm thống nhất; Tự hào thành quả tập thể; Bền bỉ đổi mới sáng tạo.

Ông Vương Đức Anh – Chánh VP HĐQT, nguyên Trưởng nhóm đàm phán quy tắc xuất xứ Hiệp định CPTPP giới thiệu tổng quan và vị trí của ngành DMVN trên thế giới.

Tiếp nối buổi học, ông Vương Đức Anh – Chánh VP HĐQT, nguyên Trưởng nhóm đàm phán quy tắc xuất xứ Hiệp định CPTPP đã giảng về tổng quan ngành dệt may thế giới, dệt may Việt Nam, vị trí của ngành Dệt May Việt Nam trong chuỗi giá tri dệt may toàn cầu; giới thiệu về các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh; tiềm năng một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; vai trò của các Hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là FTA) đối với ngành dệt may trong đó tập trung vào các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, cùng các Hiệp định FTA mới như UKFTA, RCEP.

Kết luận buổi học, ông Lê Tiến Trường cho rằng, trong thời gian tới dư địa cho ngành dệt may phát triển vẫn còn. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra ở đây là quỹ lương cho người lao động sẽ tăng cao, và tới năm 2030, ngành dệt may sẽ phải trả tới hơn 500 Đô la Mỹ /tháng/ NLĐ. Bài toán đặt ra là, làm sao để tăng được năng suất cao hơn, trong khi Ấn Độ, Bangladesh lợi thế của họ vẫn là nguồn nhân lực giá rẻ. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, cần đặt ra cho người quản lý những yêu cầu thực tiễn, và đây chính là nội dung xuyên suốt của khóa học sẽ được đề cập trong những buổi học tiếp theo.

Bài và ảnh: Quang Nam


Các tin khác