Vinatex đoàn kết, kiên định thực hiện tốt kế hoạch năm 2023


Chiều 26/12 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023. Nhân dịp này, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng.

Toàn cảnh Hội nghị

Tới dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; đồng chí Nguyễn Long Hải – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Nguyễn Chí Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng các đồng chí lãnh đạo đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương tới dự.

Về phía Hiệp hội Dệt May Việt Nam có đồng chí Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội.

Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam có đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex; đồng chí Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Vinatex; đồng chí Cao Hữu Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinatex; đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm- Chủ tịch CĐ Dệt May Việt Nam cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐQT, Cơ quan điều hành, Lãnh đạo các Ban chức năng và các đơn vị thành viên của Tập đoàn.

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Thu Thảo – Ủy viên BTV Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý Nguồn Nhân lực Vinatex trình bày Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Theo đó, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị vượt qua khó khăn của thị trường, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai sâu rộng, bám sát các nội dung, nhiệm vụ. Công tác phát triển đảng vượt chỉ tiêu đề ra, kết nạp 82 đảng viên mới, đạt 103% kế hoạch, công nhận 84 đảng viên chính thức; Cán bộ, đảng viên, người lao động yên tâm công tác, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, vai trò dẫn dắt và định hướng phát triển của Đảng ủy Tập đoàn; Công tác kiểm tra chủ động, trọng tâm, trọng điểm; Công tác giám sát được tăng cường và mở rộng…

Nhằm đưa công tác xây dựng Đảng phát triển ngày một sâu rộng phù hợp với thực tiễn của các đơn vị trong khối sản xuất, Đảng ủy Tập đoàn đưa ra một số kiến nghị và đề xuất, trong đó kiến nghị Ban Tổ chức TW và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phân bổ chỉ tiêu đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho Đảng bộ Vinatex. Mở rộng tiêu chuẩn, bổ sung đối tượng cán bộ lãnh đạo quản lý tại các DN thuộc Tập đoàn được đào tạo cao cấp lý luận chính trị đáp ứng tiêu chuẩn quy hoạch; Điều chỉnh giảm tiêu chuẩn độ tuổi học Trung cấp lý luận chính trị đối với đối tượng quy hoạch các chức danh lãnh đạo Đoàn Thanh niên. Điều chỉnh tỷ lệ tập trung/không tập trung đối với cao cấp lý luận chính trị hiện nay theo hướng tăng thêm tỷ lệ đào tạo không tập trung; Đảng ủy Khối DN TW cho ý kiến chuyển giao 3 tổ chức cơ sở đảng về Đảng bộ địa phương và giải thể 01 Chi bộ Đảng tại các đơn vị không còn vốn Vinatex.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết Vinatex vượt các chỉ tiêu về hoạt động SXKD

Báo cáo kết quả SXKD năm 2022, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, năm 2022 nền kinh tế thế giới biến động phức tạp, ngành dệt may đối mặt với nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ, đơn hàng giảm đột ngột bắt đầu từ quý 3/2022. Tuy nhiên, Vinatex vẫn đạt các chỉ tiêu về hoạt động SXKD với doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch tăng 15% cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch, tương đương 75% năm 2021; Kết quả SXKD Công ty mẹ với doanh thu ước đạt 2.158 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch, tăng 32% cùng kỳ. Lợi nhuận ước đạt 336 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 8% so với năm 2021.

Đặc biệt, quý 4/2022 nhiều DN trong ngành thiếu 20% việc làm, nhưng Vinatex vẫn tăng thêm 1%, đảm bảo việc làm cho gần 64 nghìn lao động trực tiếp thuộc các đơn vị cấp 1, thu nhập bình quân đạt 9,69 triệu/người/tháng, tăng 14% so với cùng kỳ. Đây cũng là thu nhập tốt nhất của NLĐ kể từ năm 2015 đến nay. Đồng thời, Vinatex cũng đã xây dựng được môi trường học tập với nhiều khóa đào tạo cho cán bộ quản lý cao cấp, cán bộ quản lý cấp trung, đào tạo tài năng trẻ… nhiều khóa học dành cho các giám đốc phân xưởng tại các đơn vị cũng đã được triển khai với nhiều phản hồi tích cực từ phía các đơn vị tham gia khóa học.

Đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ của Vinatex năm 2023 trên cơ sở kịch bản thị trường tốt, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, Tập đoàn đặt ra kế hoạch doanh thu hợp nhất là 19.550 tỷ đồng, bằng 100,1% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế là 935 tỷ đồng bằng 85,8% so với 2022. Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Vinatex xác định 4 nhóm giải pháp chung bao gồm:

– Hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói: Xác định sản phẩm chủ lực, thích hợp nhất tại thời điểm này để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kíp; Tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các Ban SXKD với nhau.

– Phát triển sản xuất xanh: Tăng cường đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng hóa chất, giảm phát thải; Sử dụng tối đa năng lượng tái tạo; Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm tái chế, sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch; Cập nhật để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội.

– Thực hiện thành công công tác chuyển đổi số: Ưu tiên chuyển đổi số cho hoạt động cốt lõi, trên cơ sở nguồn lực hợp lý.

– Phát triển nguồn nhân lực chất lượng: Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, đánh giá cán bộ; Tăng cường đào tạo lại, đào tạo bổ sung và kiểm soát tốt việc ứng dụng sau đào tạo.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Vinatex trong năm 2022

Phát biểu tại Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhằm “cán đích” kết quả SXKD trong năm 2022. Việc đảm bảo cho gần 150 nghìn lao động toàn Tập đoàn với mức thu nhập bình quân đạt xấp xỉ 9,7 triệu/người/tháng và thưởng Tết Quý Mão năm 2023 bình quân đạt 15 triệu đồng trong bối cảnh nhiều DN phải cắt giảm lao động khi không có đơn hàng là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa với NLĐ. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Vinatex trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên các địa bàn có doanh nghiệp trú đóng. Đồng thời, với kết quả SXKD năm 2022, Vinatex cũng đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của ngành Dệt May Việt Nam, vượt trên 20% kế hoạch lợi nhuận được Đại hội đồng cổ đông giao, thể hiện nhiều nỗ lực trong điều kiện thị trường thắt chặt một cách bất ngờ.

Bên cạnh những thành công nhất định của năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phân tích, Vinatex vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, hạn chế, cụ thể là:

+ Chuỗi cung ứng nội bộ còn nhỏ, mặt hàng còn giản đơn, xuất phát mới chỉ có sản phẩm dệt kim căn bản là chủ yếu.

+ Tỷ trọng sản xuất xanh, nguyên liệu xanh, năng lượng xanh còn rất nhỏ trong tổng thể.

+ Tỷ lệ trang thiết bị công nghệ hiện đại đã chuyển đổi, nhưng số lượng còn ít, đổi mới chậm.

+ Hạ tầng quản lý chung của doanh nghiệp còn thấp, chưa đạt chuẩn kết nối toàn diện với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

+ Nhân lực, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội vẫn là các thách thức cả với yêu cầu trong nước và các yêu cầu quốc tế.

+ Quy mô vốn chủ sở hữu còn nhỏ so với yêu cầu phát triển sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Năm 2023 được dự báo là còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định, khó dự báo xa. Chính vì vậy đồng chí Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu lãnh đạo và NLĐ Vinatex, cơ quan đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinatex cần quan tâm:

– Tập trung ưu tiên cho việc đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ, đồng thời giữ, cải thiện tốt hơn vị trí của Tập đoàn trong chuỗi cung ứng.

– Giữ ổn định tình hình tài chính, dòng tiền để đảm bảo phục vụ sản xuất liên tục.

– Đẩy nhanh tốc độ số hóa và chuyển đổi số trong quá trình sản xuất kinh doanh tại DN, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tái cấu trúc doanh nghiệp thành viên cho phù hợp yêu cầu mới của thị trường, tạo chuỗi giá trị nội tại hiệu quả cao.

– Tăng tốc thực hiện chiến lược sau khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt theo hướng sản xuất xanh, bền vững, từng bước có sản phẩm tuần hoàn.

– Đa dạng hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để tăng tốc quá trình đổi mới đúng vào thời điểm có chuyển dịch toàn cầu sang mô hình kinh tế tuần hoàn, không để lỡ thời cơ bước lên bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

Đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đặt 4 nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex trong năm 2023

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex trong năm 2023, gồm: (1) Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện là hạt nhân lãnh đạo hiệu quả hoạt động toàn Tập đoàn; (2) Hoàn thành kế hoạch SXKD đề ra ở mức cao trong điều kiện thị trường có nhiều diễn biến khó lường; (3) Tiếp tục nâng cao tỷ lệ xanh hóa, số hóa, giá trị gia tăng trong kết cấu hoạt động SXKD của Tập đoàn; (4) Phối hợp Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ đạo thành công Đại hội Công đoàn cơ sở; Chăm lo hiệu quả đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.

Với các giải pháp trọng tâm về sản xuất kinh doanh, Chủ tịch HĐQT Vinatex đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cụ thể: (1) Kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên các nhà sản xuất, phân phối lớn trên thế giới; (2) Kiên định xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược “Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh”; (3) Kiên định thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG); (4) Kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định và chuyển đổi số; (5) Kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam” do đồng chí Nguyễn Thị Kiều Giang – Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo – Truyền thông Vinatex trình bày; Thị trường dệt may năm 2022 và dự báo năm 2023 do đồng chí Vương Đức Anh – Chánh VP HĐQT Vinatex phân tích.

Đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Đồng chí Lê Tiến Trường, Cao Hữu Hiếu, Vương Đức Anh nhận Bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Các tập thể, cá nhân nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Các tập thể, cá nhân nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương

Nhân dịp này, với những thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu SXKD, đồng chí Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao Cờ thi đua, Bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho các cá nhân và tập thể của Vinatex có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào việc hoàn thành kế hoạch SXKD chung trong những năm qua. Các đơn vị thành viên có doanh thu, lợi nhuận, cổ tức chi trả… cao cũng được lãnh đạo Tập đoàn trao thưởng.

Các đơn vị thành viên nhận trao thưởng từ Lãnh đạo Tập đoàn

Đồng chí Lê Tiến Trường tặng kỷ niệm chương vì những đóng góp của đồng chí Lê Nho Thướng tới Đảng bộ Vinatex và Công đoàn Dệt May Việt Nam

Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương cho đồng chí Lê Nho Thướng – nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam nghỉ chế độ từ ngày 01/11/2022. Đồng chí Lê Nho Thướng là một trong những điển hình tiên tiến có đóng góp to lớn trong công tác xây dựng Đảng kể từ khi Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam còn là Đảng bộ lâm thời, tới nay đã có 20 chi, đảng bộ trực thuộc với gần 2.000 đảng viên. Gần 40 năm công tác trong ngành Dệt May với 20 năm tại May 10, 18 năm tại Tập đoàn – Công đoàn Dệt May Việt Nam, đồng chí Lê Nho Thướng luôn là tấm gương đảng viên mẫu mực, trách nhiệm, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác Đảng và phong trào CNVCLĐ ngành Dệt May. Đồng thời trong công tác tổ chức, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn cũng có sự chuẩn bị về đội ngũ cán bộ, Ban Tổ chức của Đảng bộ Tập đoàn nay là Ban hợp nhất Quản lý Nguồn Nhân lực với những thế hệ kế cận có năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bài và ảnh: Quang Nam


Các tin khác