Vinatex chuẩn bị nguồn lực “đón sóng” thị trường 2023


Sóng gió của năm 2022 sẽ vẫn còn ảnh hưởng, nhưng dẫu vậy nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng năm 2023 sẽ có những điểm sáng về kinh tế, thị trường. Nhân dịp này, PV Dệt may và Thời trang Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) để cùng hình dung những thuận lợi, khó khăn cũng như giải pháp ứng phó với biến động thị trường, tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dệt may trong năm 2023.

*PV: Mọi dự báo của năm 2023 đều cho thấy đây là một năm khó khăn với ngành dệt may, đặc biệt là ngành sợi đã đối mặt với rất nhiều khó khăn từ 6 tháng cuối năm 2022. Xin ông cho biết, Vinatex đã có những giải pháp gì để đối phó nếu tình hình khó khăn tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2023, cụ thể là các giải pháp trọng tâm cho các đơn vị sản xuất sợi?

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu: Vinatex cũng nhận định 2023 thật sự là một năm khó khăn khi hầu hết các dự báo về kinh tế thế giới, thị trường tài chính, tiền tệ đều có xu hướng tiêu cực. Đặc biệt, đối với ngành dệt may, dự báo tổng cầu thế giới 2023 sẽ chỉ tăng trưởng từ 2,5 đến 4% – tỷ lệ tăng trưởng thấp so với các năm trước. Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam cũng có xu hướng giảm, đặc biệt hai thị trường chính là EU và Trung Quốc sẽ giảm 2 đến 4%. Thực tế hiện nay, cầu dệt may thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và Châu Âu. Trung Quốc vẫn đang “tiêu hóa” dần lượng bông sợi tồn kho nội địa trong bối cảnh ngành may thiếu đơn hàng nên thị trường sợi chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Ngành Sợi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trải qua năm 2022 với sự tăng trưởng trái chiều. Sáu tháng đầu năm, các doanh nghiệp sợi đều có kết quả kinh doanh rất tốt do hưởng lợi từ giá bông đầu vào thấp và giá sợi đầu ra tốt với mức chênh lệch giá sợi – bông trung bình khoảng 1 USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm thị trường nhanh chóng “bẻ lái” với rất nhiều yếu tố bất lợi như: (i) giá nguyên liệu bông tăng cao đột biến, đạt đỉnh cao thứ 2 trong lịch sử 20 năm, chỉ sau mùa vụ 2010/2011 (ii) xung đột Nga – Ukraina tạo ra khủng hoảng năng lượng và lương thực, (iii) nguồn cung bị thắt chặt ở châu Âu, (iv) chính sách zero Covid của Trung Quốc làm ngưng trệ sản xuất, cầu sợi giảm mạnh, (v) chính sách siết chặt tiền tệ của Mỹ và một số nước khác. Ngành Sợi phải đối mặt với giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá sợi đầu ra giảm sâu do cầu vô cùng yếu. Hầu hết các doanh nghiệp sợi đều lỗ khoảng 0,4 – 0,8 USD/kg sợi tùy mặt hàng. Thậm chí, có những doanh nghiệp giá sợi chỉ đủ bù giá bông đầu vào, lỗ hoàn toàn phần tiêu hao và chi phí sản xuất. Với các doanh nghiệp sợi thuộc Vinatex, mặc dù đã dự báo trước được diễn biến tình hình trong 6 tháng cuối năm nhưng vẫn không thể tránh khỏi “cú đảo chiều” của thị trường.

Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ngành May: đa số các đơn vị mới có đơn hàng hết tháng 2/2023; đơn hàng các tháng sau rất thấp tải; đơn hàng có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn; giá gia công giảm và cạnh tranh cao. Dự báo các đơn hàng ngành May sẽ phục hồi vào quý 2/2023, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Ngành Sợi: thị trường sợi vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay. Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các đơn vị sợi có thể tận dụng cơ hội khi cầu khôi phục tại thị trường này, tuy nhiên cạnh tranh trên thị trường dệt may thế giới nói chung sẽ rất gay gắt khi các nhà sản xuất của Trung Quốc nhập cuộc.

Lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường, Cơ quan Điều hành Tập đoàn đã sớm đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm. Đặc biệt, tăng cường giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, đảm bảo dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên. Cụ thể:

*Đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim của Tập đoàn. Điều này vừa giúp các đơn vị sản xuất vải và may trong Tập đoàn chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần tạo sự liên kết giữa các đơn vị sợi, dệt kim, may với sự điều phối tập trung của Tập đoàn.

*Tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để đảm bảo vừa tiết giảm chi phí vừa theo đúng lộ trình đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng.

*Đối với Cơ quan Văn phòng Tập đoàn, Cơ quan Điều hành đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay trong quý I năm 2023, tập trung vào các nội dung như:

  • Theo dõi và hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra, bằng cách xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản trị các lĩnh vực hoạt động; theo dõi chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời các giải pháp để đơn vị hoàn thành kế hoạch được giao;
  • Triển khai nhanh các giải pháp chuyển đổi số, trong đó ưu tiên cho quản trị tài chính và quản lý nguồn nhân lực; cải thiện phần mềm quản trị ngành Sợi;
  • Tăng cường hoạt động đào tạo nội bộ tại Tập đoàn;
  • Song song với đó, các ban chức năng của Tập đoàn cũng cần tham mưu các giải pháp quản trị rủi ro, đặc biệt cần thiết trong tình hình thị trường nhiều biến động như hiện nay;
  • Hoàn thiện hệ thống khung pháp chế chung cho Tập đoàn và một số đơn vị thành viên, đảm bảo sự quản trị chặt chẽ, quy trình triển khai chuẩn mực, tuân thủ đúng các quy định của Pháp luật cũng như của Tập đoàn.

Riêng đối với các đơn vị sản xuất sợi, Cơ quan Điều hành phối hợp cùng Ban Sản xuất kinh doanh Sợi đã đưa ra các yêu cầu, chủ yếu tập trung vào các giải pháp như:

  • Theo dõi chặt chẽ tình hình giá nguyên liệu để quyết định thời điểm mua và lượng mua phù hợp;
  • Thường xuyên bám sát thị trường, khách hàng và kế hoạch sản xuất để ra quyết định nhanh trong việc nhận đơn hàng và chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường trong điều kiện phù hợp với nguồn lực sản xuất của nhà máy;
  • Chủ động cân đối đơn hàng và kế hoạch sản xuất, đảm bảo giữ được nguồn lực lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất khi thị trường phục hồi;
  • Tập trung cải thiện hệ thống sản xuất, nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị sản xuất, tích cực thực hiện chuyển đổi số và ưu tiên giữ chất lượng sản phẩm sợi để tạo được lợi thế cạnh tranh sợi Việt Nam trên thị trường xuất khẩu;
  • Tập trung quản lý hàng tồn kho, công nợ, cân đối dòng tiền để hạn chế các rủi ro về thanh khoản, đặc biệt cân đối nguồn ngoại tệ để thanh toán các khoản mua nguyên liệu đúng hạn;
  • Nghiên cứu các mặt hàng mới, thị trường mới để đón đầu xu hướng sản xuất xanh tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng lớn, thị trường lớn.

* Thưa Ông, như Ông vừa chia sẻ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của Tập đoàn là kết nối thành công chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim. Ông có thể cho biết những giải pháp cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này?

Chiến lược phát triển giai đoạn 2022-2030 của Tập đoàn là hình thành “Một điểm đến cho sản phẩm dệt may thời trang Xanh”, đây cũng là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn gia nhập chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu. Thực hiện thành công chiến lược này sẽ giúp các đơn vị trong Tập đoàn nâng cao năng lực cạnh tranh, được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, cũng giúp các đơn vị sản xuất chủ động được nguồn nguyên vật liệu, kế hoạch sản xuất; kết nối chuỗi sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm của nhau trong chuỗi, ổn định sản xuất, tránh tồn kho, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm cuối cùng.

Trong thời điểm hiện tại, Tập đoàn lựa chọn sản phẩm dệt kim để bước đầu hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Với thế mạnh là các đơn vị sản xuất sợi, sản xuất may dệt kim và năng lực tương đối tốt của các đơn vị sản xuất vải dệt kim, HĐQT và CQĐH Tập đoàn tin rằng, đây là sản phẩm thích hợp để có thể xây dựng chuỗi thành công.

Để triển khai tốt kế hoạch này, Tập đoàn quyết tâm thực hiện các giải pháp sau:

  • Xây dựng Trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm dệt kim hiện đại, quy mô, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sản xuất dệt kim trong Tập đoàn, cũng như phục vụ chuỗi sản xuất trọn gói. Trung tâm được hình thành để bao quát tất cả các lĩnh vực như công tác thị trường, khách hàng; thiết kế, phát triển sản phẩm, xây dựng các bộ sưu tập; thử nghiệm sản phẩm…;
  • Lựa chọn các đơn vị phù hợp để kết nối chuỗi, đặc biệt ưu tiên các đơn vị có đủ các lĩnh vực sợi, dệt nhuộm, may như: TCT CP Dệt May Hà Nội, Công ty Dệt kim Đông Xuân, Công ty Dệt kim Đông Phương, CTCP Dệt May Huế, TCT CP Dệt May Nam Định…
  • Bổ sung năng lực sản xuất cho các đơn vị sản xuất vải, cân bằng năng lực giữa các khâu trong chuỗi;
  • Tăng cường chức năng điều phối, kết nối giữa các ban SXKD dưới sự chỉ đạo tập trung của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng một loạt các dự án đầu tư mới, chờ cân đối tín hiệu thị trường, chọn thời điểm phù hợp để triển khai thực hiện như:

  • Dự án Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định 2 quy mô 3,45 vạn cọc sợi với công nghệ hiện đại, tiên tiến;
  • Dự án Khu Công nghiệp Phú Bài 4 tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm phát triển Khu sinh thái sản xuất sợi Xanh. Trong đó, Tập đoàn sẽ xây dựng Trung tâm dịch vụ chia sẻ để phục vụ các đơn vị sản xuất Sợi trên địa bàn, bao gồm Trung tâm Kiểm định sợi, Phòng Thí nghiệm dệt và nhuộm mẫu;
  • Dự án Khu công nghiệp Quế Sơn tỉnh Quảng Nam với quy mô 4 vạn cọc sợi, 5,6 triệu sản phẩm may/năm với 760 lao động. Dự kiến, có thể đầu tư nhà máy may trước để đáp ứng yêu cầu may cho chuỗi dệt kim tại khu vực miền Trung;
  • Dự án tại khu vực Hương Trà, tỉnh TT. Huế, Tập đoàn sẽ cùng CTCP Dệt May Huế đầu tư sản xuất Dệt – Nhuộm (dệt kim) nhằm đáp ứng chuỗi sản xuất dệt kim của Tập đoàn.

Với việc triển khai đồng loạt các giải pháp trên, CQĐH Tập đoàn tin tưởng rằng việc hình thành chiến lược “Một điểm đến” đối với sản phẩm dệt kim sẽ sớm có kết quả khả quan.

* Để thực hiện thành công các nhiệm vụ của năm 2023, theo Ông điều gì là quan trọng nhất?

Nguồn lực lao động luôn là yếu tố quan trọng nhất trong mọi doanh nghiệp, tổ chức. Vinatex và các đơn vị thành viên luôn nhận thức rất rõ điều này và cố gắng duy trì ổn định nguồn lực lao động để có thể hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra.

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, số lượng lao động quay trở lại làm việc tại các đơn vị trong Tập đoàn đạt tới 97%. Một số đơn vị mở máy sớm từ mồng 4 Tết cũng ghi nhận số lao động đầy đủ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp của Vinatex làm khá tốt công tác tư tưởng cho người lao động, đồng thời cũng duy trì môi trường làm việc và mức đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân người lao động. Cụ thể, mức thu nhập trung bình của toàn Tập đoàn năm 2022 đạt 9,7 triệu đồng/ người/ tháng, tăng 15% so với 2022; mức thưởng Tết trung bình của các đơn vị là 1,5 tháng lương, trong đó có một số đơn vị thưởng tới 3 tháng lương.

Trong giai đoạn tới, dự báo tình hình thị trường sẽ rất khó khăn, vì vậy rất cần sự thấu hiểu và đồng lòng của đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống Tập đoàn. Các đơn vị cần tuyên truyền cặn kẽ những mục tiêu, chiến lược phát triển, giải pháp thực hiện của doanh nghiệp để đội ngũ nhân viên, người lao động hiểu và chung tay thực hiện. Đồng thời cũng cần phát động các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến sáng tạo trong toàn Tập đoàn để tìm các giải pháp tăng năng suất lao động, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm chi phí…

Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Cơ quan Điều hành luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực của mình. Trong năm 2023 này, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhằm tăng cường năng lực chuyên môn cũng như các kỹ năng cần thiết cho cán bộ trẻ, cán bộ lãnh đạo tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, Vinatex cũng đang thành lập hệ thống quản trị trên nền tảng số, từng bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhân văn, công bằng, minh bạch; hình thành môi trường làm việc văn minh, chia sẻ; thực hiện các chế độ đãi ngộ ngày càng tốt, theo đúng năng lực và khả năng đóng góp của cán bộ nhân viên, giúp người lao động trong toàn hệ thống Vinatex yêu nghề, yêu công việc của mình, sẵn sàng đóng góp cho hệ thống và có được mức thu nhập cũng như mức sống ngày càng tốt hơn.

Một năm sản xuất kinh doanh đã bắt đầu với tinh thần hứng khởi tại tất cả các đơn vị thành viên của Vinatex, chúng tôi đặt niềm tin vào đội ngũ nhân lực của mình và mong muốn người lao động trong toàn hệ thống Tập đoàn luôn đồng hành để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh và những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra năm 2023.

*Trân trọng cảm ơn Ông!

Bài: Nhóm PV (thực hiện)


Các tin khác