Vinatex – chủ động ứng phó với đại dịch Covid – 19 lần thứ 4


Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 ập đến trong lúc các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam đang có rất nhiều đơn hàng và khẩn trương sản xuất để giao hàng đúng thời hạn. “Cú đánh” mới của Covid-19 dù không bất ngờ, nhưng liệu có thể gây những tổn hại gì cho DN, và các DN DMVN ứng phó ra sao?

PV Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Tập đoàn) về vấn đề này.

Thưa ông, Tập đoàn đã có những động thái gì thích ứng với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4? Ông suy nghĩ gì về những hệ lụy có thể đến với DN dệt may trong đợt dịch lần này?

Ngay từ khi xuất hiện dịch đến nay, Tập đoàn liên tục có chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tập đoàn đã tiến hành họp trực tuyến với Lãnh đạo các đơn vị, gửi công văn nhắc nhở các DN thành viên triệt để thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch. Toàn bộ hệ thống các đơn vị trong Tập đoàn đã nâng báo động lên mức cao nhất về tình hình lây lan. Công tác thông tin tuyên truyền từ trên xuống dưới và trong nội bộ các DN cũng được đẩy mạnh, để NLĐ tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 7K trong DN và trong cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức của NLĐ trong phòng chống dịch ở cả nơi họ sinh sống. Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo cập nhật thông tin dịch bệnh được tiến hành hàng ngày… Tập đoàn cũng như các đơn vị đã xây dựng kịch bản để ứng phó với đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Chúng ta đã thành công trong đẩy lùi các đợt dịch trước đây, tuy nhiên cần hết sức đề phòng, không lơ là chủ quan vì làn sóng dịch Covid-19 lần này hết sức phức tạp, mức độ nguy hiểm của chủng dịch Covid-19 từ Ấn Độ gây tử vong cao gấp 15 lần, có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng.

Chắc chắn khi làn sóng dịch Covid-19 diễn ra sẽ gây ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh thế giới và trong nước.  Năm 2020, ngành Dệt May cũng là một ngành bị ảnh hưởng không nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần này đã ảnh hưởng ngay đến giá bông thế giới tăng cao khi Ấn Độ – nước đang bị Covid -19 tàn phá nặng nề không xuất khẩu được bông.

Với sản xuất dệt may trong nước, nếu như chẳng may có DN nào đó có công nhân bị dương tính với Covid-19, hoặc công nhân sống trong vùng có dịch bị phong tỏa, không thể sản xuất được, thì thiệt hại cho DN rất lớn. Hiện nay, các DN đều đã ký hợp đồng tới quí III/2021, do đó nếu vì phong tỏa, không có công nhân đi làm, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hạn, DN sẽ mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà DN từng rất khó khăn mới tạo dựng được.

Tập đoàn đã tiếp cận được đến đâu trong các gói hỗ trợ của Chính phủ trước đây? Ông có ý kiến đề xuất gì đến Chính phủ trong việc hỗ trợ DN thích ứng và vượt qua được đợt dịch này?

Trong các gói hỗ trợ của Chính phủ, có một số DN cũng đã tiếp cận được một số chính sách hỗ trợ như lùi thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN,… tuy nhiên không đáng kể. Với gói hỗ trợ thiếu việc làm thì các DN thành viên Tập đoàn hoàn toàn không tiếp cận được, do các DN trong Tập đoàn vẫn tổ chức và duy trì được SX trong khi có dịch bằng cách sắp xếp linh hoạt, chuyển đổi mặt hàng nhanh. Vì nếu như đáp ứng được tiêu chí của các chính sách hỗ trợ thì đồng nghĩa với việc hàng loạt các đơn vị trong Tập đoàn đã phải đóng cửa với hàng chục nghìn lao động mất việc làm. Rất may mắn, trong năm 2020, toàn hệ thống Tập đoàn không có một nhà máy nào phải đóng cửa vì NLĐ bị nhiễm Covid-19 hay không có đơn hàng.

Đợt dịch thứ 4 này mức độ nguy hiểm rất lớn, chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục các gói hỗ trợ như trên, trong đó cần có các gói hỗ trợ phù hợp cho đặc thù ngành nghề, đặc biệt DN có số lượng lao động lớn trực tiếp thiệt hại vì ảnh hưởng của dịch bệnh do hợp đồng đã ký bị lùi, giãn và hủy đơn hàng.

Theo ông, kinh nghiệm chiến đấu với các đợt dịch trước có thể mang lại lợi thế như thế nào trong đợt dịch lần thứ 4?

Các đợt dịch trước đã tạo cho các DN tính thích ứng cao, luôn luôn cảnh giác và thường trực giải pháp, cũng như rèn NLĐ thói quen mới trong thời đại dịch. Do đó khi có đợt dịch thứ 4 này, mọi việc được triển khai nhanh chóng, nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên chính vì chúng ta đã thành công ở các đợt chống dịch trước nên rất dễ có tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên từ xưởng sản xuất đến các phòng/ban tại đơn vị. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tính tự chủ – tự cường của Tập đoàn và các đơn vị, linh hoạt trong chỉ đạo và sản xuất để vượt qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: PVH


Các tin khác