Văn hóa số cùng doanh nghiệp hiện thực hóa chiến lược sản xuất kinh doanh
Với ngành dệt may, trong kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường. Trong sự chuyển động này, văn hóa doanh nghiệp – văn hóa số được coi là mạch nguồn để hiện thực hóa những mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Văn hóa thích ứng với biến động
Văn hóa doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là những quy tắc ứng xử hay giá trị truyền thống mà là hệ thống tư tưởng, triết lý và hành động xuyên suốt trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ số, văn hóa doanh nghiệp càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà những giá trị cốt lõi không chỉ được duy trì mà còn phải liên tục thích ứng để phù hợp với xu hướng số hóa và toàn cầu hóa. Nếu trước đây, văn hóa doanh nghiệp chủ yếu dựa vào sự gắn kết trực tiếp giữa con người với con người thì ngày nay, yếu tố công nghệ đã tạo ra những cách thức giao tiếp, làm việc và quản lý hoàn toàn mới. Trong ngành dệt may, nơi mà chuỗi cung ứng phức tạp và mạng lưới sản xuất trải rộng trên nhiều địa phương, việc áp dụng công nghệ số giúp nâng cao hiệu suất, giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Sự khác biệt giữa văn hóa truyền thống và văn hóa số:
Chuyển đổi số đòi hỏi một văn hóa doanh nghiệp phù hợp hơn, đổi mới sáng tạo, linh hoạt và thích ứng hơn. Trong kỷ nguyên công nghiệp trước đây, các doanh nghiệp đặt chính mình tại vị trí trung tâm; tối ưu hóa hiệu quả và năng suất dựa trên các nguồn lực hiện có; trong mối quan hệ nội bộ, vận hành theo hình thức ra lệnh và kiểm soát dựa trên chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi trong kỷ nguyên bứt phá – kỷ nguyên dùng chuyển đổi số làm trọng tâm. Các doanh nghiệp lấy khách hàng là trọng tâm, ưu tiên khách hàng, cùng hợp tác trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi; sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, thử nghiệm và học hỏi, chấp nhận rủi ro; trong các mối quan hệ, doanh nghiệp ưu tiên tinh thần hợp tác và thích ứng nhanh, linh hoạt.
Theo Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông “Văn hóa số là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và sự hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người trong môi trường số”. Để phát huy vai trò là nền tảng vững chắc cho phát triển sản xuất kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số cần được xây dựng trên 4 trụ cột:
*Khách hàng là trung tâm – Tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng thông qua sản phẩm, dịch vụ và các mối quan hệ.
*Định hướng dữ liệu – Sử dụng dữ liệu để ra quyết định với sự hỗ trợ của công nghệ.
*Đổi mới – Xây dựng và liên tục cải tiến sản phẩm, quy trình; chấp nhận rủi ro và thử nghiệm các sáng kiến mới.
*Hợp tác – Hợp tác liên phòng ban trong tổ chức và với các đối tác trong hệ sinh thái để cùng tạo ra các giải pháp đột phá.
Bốn trụ cột này cần xây dựng dựa trên nền tảng của một tổ chức có mục tiêu, sứ mệnh gắn với tiêu chuẩn: Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp – Tài chính, bằng những cam kết, hành động bên trong và xuyên suốt trong tổ chức. Như vậy, thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi số, không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, đạt được các mục tiêu sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra những giá trị tích cực về môi trường, xã hội và quản trị góp phần phát triển một hệ sinh thái kinh doanh bền vững.
Trên hành trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, chúng ta không tránh khỏi những thách thức như: văn hóa và cách thức làm việc truyền thống, theo lối mòn ở hầu hết các doanh nghiệp, tạo thành thói quen, lực cản ngại thay đổi cho mỗi người lao động; nhiều cá nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số…
Lộ trình xây dựng văn hóa số
Văn hóa số hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (ESG):
E – Môi trường:
- Giảm tiêu thụ năng lượng và lãng phí tài nguyên nhờ số hóa quy trình
- Họp trực tuyến và giảm đi lại giúp giảm lượng khí thải carbon
S – Xã hội:
- Đa dạng, cởi mở, linh hoạt; tạo cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người
- Thúc đẩy sự hòa hợp và gắn kết qua môi trường làm việc đa dạng và bình đẳng
G – Quản trị:
- Tăng cường minh bạch nhờ dữ liệu chính xác và kịp thời
- Cải thiện quản trị rủi ro, nâng cao tuân thủ quy định và chuẩn mực
Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, chúng ta cần một lộ trình chuyển đổi rõ ràng, bao gồm 4 bước:
(1) Đánh giá hiện trạng, nhận diện những điểm mạnh và hạn chế trong văn hóa tổ chức;
(2) Xác định các đặc tính cốt lõi, phù hợp với ngành và chiến lược chuyển đổi;
(3) Khi đã có định hướng rõ ràng, cần triển khai các hành động cụ thể, từ xây dựng đội ngũ đại sứ văn hóa số đến tổ chức các chương trình đào tạo nhằm thống nhất nhận thức và tư duy;
(4) Quá trình này không dừng lại ở việc khởi xướng mà phải được đo lường định kỳ để đảm bảo hiệu quả, điều chỉnh kịp thời và tạo động lực duy trì văn hóa số trong dài hạn.
Để thích ứng với kỷ nguyên bứt phá, chúng ta không chỉ dừng lại ở những giá trị cốt lõi này mà cần mở rộng tư duy đổi mới sáng tạo. Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã xác định đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy, các đơn vị thành viên cần đẩy mạnh sự sáng tạo từ quản trị đến sản xuất, trong từng công đoạn sản xuất, từ thiết kế sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất đến cải tiến dịch vụ khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) hay các hệ thống quản lý sản xuất thông minh sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường. Song hành với vận dụng công nghệ thì việc xây dựng một nền văn hóa số sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra nguồn nhân lực mới với giá trị mới như tư duy đổi mới, thích ứng với sự thay đổi, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi biến thành cơ hội mới. Có thể nói, văn hóa số được thực hiện tốt sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường trong dài hạn.
Bài: Nguyễn – Nguyễn