Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Vinatex TP.HCM đổi tên thành Trường CĐ Công nghệ TP.HCM


Hôm nay, ngày 23/04/2021, tại TP. HCM, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP. HCM (VETC) đã long trọng tổ chức Lễ công bố đổi tên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP. HCM thành  Trường Cao đẳng Công nghệ TP. HCM. Việc đổi tên này chính thức có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 4/2021. 

Báo cáo tại buổi lễ, TS. Phan Thị Hải Vân – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Trường Cao đẳng Công nghệ TP. HCM tiền thân là Trường Công nhân kỹ thuật may, được thành lập năm 1978 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ.

Năm 1998, trường được nâng cấp và đổi tên thành Trường trung học Kỹ thuật may và thời trang II. Tới năm 2006, Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Trường cao đẳng Công nghiệp – dệt may thời trang TP. HCM trên cơ sở nâng cấp Trường trung học Kỹ thuật may và thời trang II. Sau 3 năm hoạt động, trường tiếp tục đổi tên thành Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP. HCM cho đến nay. Với mục tiêu mở rộng quy mô, đa dạng hóa các trình độ, ngành nghề đào tạo, được sự đồng ý của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, từ tháng 1 năm 2021, trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP. HCM đã tiến hành các bước, trình các cấp quản lý đổi tên trường. Ngày 02/4/202, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 425/QĐ-LĐTBXH về việc đổi tên trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex Thành phố Hồ Chí Minh thành Trường Cao đẳng Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện quy mô đào tạo của nhà trường hơn 3.000 học sinh, sinh viên với 18 ngành nghề đào tạo với các trình độ cao đẳng, trung cấp. Trong đó, một số ngành thuộc thế mạnh của Nhà trường như: Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ Kỹ thuật điện – điện tử, Quản trị kinh doanh, Công nghệ may, Thiết kế thời trang, May thời trang, Công nghệ sợi – dệt, Sửa chữa thiết bị may… Ngoài ra, mỗi năm nhà trường còn tổ chức đào tạo sơ cấp nghề và bồi dưỡng thường xuyên gần 3.000 học viên.

Trải qua 43 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã cung cấp cho doanh nghiệp và xã hội hơn 44.000 lao động được đào tạo chính quy trình độ trung cấp, cao đẳng, bồi dưỡng hàng chục ngàn học viên ngắn hạn. Hầu hết HSSV tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ngay, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Mục tiêu phát triển của nhà trường đến năm 2025 hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, quy mô tuyển sinh tăng 10% hàng năm đạt 3.000 HSSV hệ chính quy, phấn đấu đến năm 2030 trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn, TS. Hoàng Xuân Hiệp – UV BTV Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường đã tặng hoa và chúc mừng BGH Nhà trường cùng các thầy, cô giáo nhân dịp trường được đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghệ TP. HCM.

Ông Hoàng Xuân Hiệp cũng đề nghị nhà trường tiếp tục tìm mọi giải pháp để bắt đầu từ năm 2021 nhà trường tự chủ toàn diện về tài chính. Với mục tiêu trường đào tạo đa ngành nhưng ít nhất trong 5 đến 10 năm đầu tiên xác định khối ngành dệt may vẫn là thế mạnh của nhà trường, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành dệt may. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho việc phát triển chuỗi cung ứng cho các ngành và các lĩnh vực, nhanh chóng đưa cách mạng công nghệ 4.0 thực chất vào trong nhà trường theo đúng định hướng như tên gọi mới của trường. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo để trường đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Thay mặt Đảng ủy và Ban giám hiệu Nhà trường, TS. Hồ Ngọc Tiến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ TP. HCM gửi lời cám ơn sâu sắc và ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành cũng như các tổ chức, doanh nghiệp… đã giúp cho nhà trường có những bước phát triển mới trong những năm qua và các năm tới.

Hồ Ngọc Tiến cho biết: “Đây là sự kiện rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nhà trường trong thời gian tới, bởi việc đổi tên lần này không chỉ thay đổi về tên gọi mà còn thay đổi cả về nội dung chương trình đào tạo để sao cho chương trình đào tạo của nhà trường phải được phản ánh đầy đủ những tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cả về con người và cơ sở vật chất nhằm xây dựng nội dung chương trình đào tạo của nhà trường để thực hiện được những mục tiêu mà trường đã đề ra”.

Cẩm Hà


Các tin khác