Triển khai xanh hóa ngành dệt may: Góc nhìn từ các quốc gia APEC


Trong khuôn khổ hợp tác APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) giữa các quốc gia, việc thúc đẩy phát triển ngành dệt may xanh là một trong những mục tiêu chiến lược nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu, trong đó có EU. Vậy các quốc gia trong khối APEC đã có những chuẩn bị như thế nào, hướng phát triển ra sao, cùng Dệt May và Thời trang Việt Nam đi tìm câu trả lời?

Trong bài viết này, Đặc san Dệt May và Thời trang Việt Nam trích dẫn ý kiến phát biểu của các chuyên gia hàng đầu ngành dệt may tại Hội thảo APEC về thúc đẩy ngành dệt may Xanh hướng tới tăng trưởng bao trùm và bền vững, với góc nhìn đa chiều và gợi mở cho các DN dệt may Việt Nam trong định hướng phát triển dệt may xanh, bền vững và tuần hoàn, hướng tới mục tiêu đưa phát thải ròng của ngành về 0% vào năm 2050, theo đúng cam kết từ Chính phủ tại COP26.

Bà Nguyễn Thị Hiền Trang – Tổ chức Act Renewable (Đức): Cần có tư vấn chiến lược và lộ trình thực hiện xanh hóa

Theo số liệu thống kê năm 2023 của AFL-CIO (Liên đoàn Lao động và Đại hội các Tổ chức Công nghiệp Hoa Kỳ), ngành dệt may tạo ra 100 tỷ sản phẩm mỗi năm, đứng thứ 2 trong các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, chiếm 8% lượng khí phát thải khí nhà kính toàn cầu và chiếm khoảng 20% lượng nước thải ra môi trường (chủ yếu tập trung ở ngành dệt nhuộm) với khoảng 15.000 loại hóa chất sử dụng trong chuỗi cung ứng.

Trong số các DN sản xuất dệt may trên toàn cầu, có khoảng 20% trong chuỗi cung ứng sản sinh ra 80% lượng khí thải. Do đó, để thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính về 0% tầm nhìn tới năm 2030, cần tập trung vào nhóm 20% DN này. Theo khảo sát của Act Renewable khi tư vấn với các đối tác, có  4 khía cạnh các DN đang tập trung triển khai và là công cụ để đánh giá lượng cắt giảm khí thải gồm: Cam kết; hành động; minh bạch; vận động chính sách. Với quan điểm của mình, tôi cho rằng 4 nội dung này không chỉ tập trung vào DN mà cần sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan hữu quan và sự chung tay của cộng đồng DN. Ví dụ: Adidas đặt mục tiêu tới năm 2030 cắt giảm 50% khí thải, hóa chất, lượng nước thải và năng lượng tái tạo. Ngoài Adidas, nhiều thương hiệu lớn cũng đặt rất nhiều mục tiêu tham vọng như Nike hay H&M. Để thực hiện hóa các mục tiêu này, ngoài việc có sẵn các nguồn lực tài chính mạnh thì cần có các đơn vị tư vấn chiến lược, cũng như có lộ trình để thực hiện hóa các cam kết.

Tuy nhiên, đối với các nhãn hàng nhỏ, trung bình chỉ chiếm 1-2% nguồn cung ứng, khi chưa có nguồn lực về tài chính, nhóm các thương hiệu vừa và nhỏ sẽ tham gia các tổ chức phi chính phủ, ví dụ như: Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ); Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)… nhằm xây dựng cộng đồng, cũng như có các chính sách và ngân sách để hỗ trợ các DN.

Hiện nay, đã có rất nhiều các thương hiệu lớn toàn cầu thực hiện công bố thông tin trên nhãn, cung cấp các thông tin cụ thể về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm, quy trình xử lý tới người tiêu dùng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngoài các khó khăn, trở ngại liên quan nhân lực, tài chính, các DN dệt may còn phải thực hiện các cam kết với các nhãn hàng, mỗi nơi lại có các quy định, tiêu chí khác nhau và không thống nhất các mục tiêu. Hơn nữa, hầu hết các DN đều thụ động trong việc cắt giảm phát thải, xây dựng quy trình sản xuất xanh mà chỉ thực hiện theo các yêu cầu của nhãn hàng.

Thực tế, khi khảo sát tại các DN, những khái niệm về: năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, net-zero… các DN chỉ nắm bắt tương đối mơ hồ và mỗi năm lại có thêm rất nhiều thuật ngữ mới được đưa ra. Có tới 80% các DN, ngay cả tại các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ… các DN vừa và nhỏ không có các hành động triển khai cụ thể để cắt giảm phát thải và sản xuất tuần hoàn.

Tại Việt Nam, giai đoạn từ 2018 – 2021 là một điểm nóng về năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Nam Á với quy trình cấp phép thuận lợi, được mời chào đầu tư và phát triển dự án, thời điểm này nhiều dự án điện mặt trời mái nhà tại các DN dệt may được đầu tư. Tuy nhiên, thực tế nhiều dự án chưa thống nhất được giá bán và đưa vận hành lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mãi tới năm 2022 khi quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thì mới tháo gỡ được một số nút thắt cho năng lượng tái tạo, nhưng dư địa cho thị trường này không còn quá lớn, các DN cũng dè dặt đầu tư hơn.

Nhìn sang Trung Quốc, quốc gia này đã xây dựng chính sách thí điểm mua điện năng lượng tái tạo cho các DN tại một số tỉnh có nguồn quang năng lớn với những cam kết rất mạnh mẽ, thực hiện các hành động hỗ trợ về giá mua cho các dự án điện tái tạo… Do đó, các chính sách và quy định này ảnh hưởng rất rõ ràng tới các DN có ưu tiên đầu tư năng lượng tái tạo vào sản xuất hay không và đây cũng là một trong những sự lựa chọn của các nhãn hàng đối với các đơn vị cung ứng.

Ông Chanchai Sirikasemlert – Viện Dệt May Thái Lan: Đưa Thái Lan trở thành trung tâm nguyên liệu xanh tại Đông Nam Á

Tại Thái Lan, quy mô ngành dệt may hiện nay khoảng 5 tỷ USD chiếm 1,2% tổng GDP và chiếm 4,4% trong ngành SX công nghiệp. Từ một ngành thâm dụng lao động, năm 2021 chúng tôi bắt đầu chuyển đổi sang mô hình ODM và OBM, với việc nâng cao chuỗi giá trị cung ứng, sử dụng nhiều công nghệ, giá trị gia tăng cao. Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi này, Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ thông qua các chính sách, sử dụng mô hình kinh tế xanh tuần hoàn bắt đầu từ tháng 1/2011 với các hành động chính như: Hỗ trợ mua bao bì sinh thái dễ phân hủy; Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tiếp cận các chính sách về ngành công nghiệp xanh; Phát triển sợi từ cây dứa, sợi dừa…; hỗ trợ các DN tư vấn, tập huấn về tái chế sợi, giảm chất thải, cung cấp tài liệu online trên toàn quốc; phát triển nền tảng số dệt may tuần hoàn kết nối người mua và người cung cấp… với 5 cấp độ gồm: Green Commitment (Cam kết xanh); Green Activity (Hành động xanh); Green System (Hệ thống xanh); Green Culture (Văn hóa xanh); Green Network (Mạng lưới xanh).

Đặc biệt, dự phát phát triển sợi của Thái Lan đã đáp ứng các yêu cầu của quốc tế và kinh tế tuần hoàn từ năm 2020, ví dụ như công ty SC Grand đã thành công đưa các phế phẩm của ngành dệt may để tái chế thành các loại sợi và nguyên liệu, với 1kg sợi tái chế đã tiết kiệm được 440 lít nước, 6.5 kWh điện và giảm 3,83kg CO2 thải vào môi trường. Bên cạnh đó, để thúc đẩy năng lượng tái tạo, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (Bol) khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời mái nhà tại các nhà máy, với mục tiêu sẽ có 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2036 là từ các nguồn tái tạo, gần gấp đôi tỷ lệ hiện tại.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai về phát triển các loại nguyên liệu mới từ xơ dứa, xơ dừa, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Với điều kiện thổ nhưỡng hiện tại, Thái Lan vẫn phải nhập khẩu bông từ Úc, Mỹ, do đó khi triển khai các loại nguyên liệu có sẵn trong nước, công nghệ sản xuất sợi hiện tại không đáp ứng được do chúng tôi chủ yếu sử dụng loại xơ ngắn từ bông để sản xuất sợi. Với nguồn nguyên liệu mới này, chủ yếu là các loại xơ dài nên không thể kéo sợi. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã kết hợp với Philippines để kết hợp công nghệ sản xuất sợi và sản xuất vải thủ công truyền thống hoặc phải cắt ngắn xơ nguyên liệu để kéo sợi thành phẩm với phương pháp phương thức se tròn, se xoắn hoặc không dệt. Bên cạnh đó, do thổ nhưỡng và khí hậu các vùng khác nhau, nên chất lượng sợi cũng khác nhau. Ngay trong tháng 9/2023, tôi đã tham dự triển lãm dệt may tại Trung Quốc, nhưng hầu hết các đơn vị cung cấp máy móc đều không có các công nghệ phù hợp và phải đặt hàng riêng với chi phí lớn.

Trong quá trình xúc tiến với các nhãn hàng lớn như Levis, Mercedes, các loại sợi mới này được đánh giá rất cao, vừa thân thiện vừa bền vững, hiện Mercerses đã đặt hàng để sản xuất một số phụ tùng trên dòng xe cao cấp của hàng này, với Levis họ mong muốn có thể kết hợp các loại sợi mới này với sợi bông tự nhiên. Mong muốn của họ và cũng là cam kết của Chính phủ sẽ đưa Thái Lan trở thành trung tâm nguyên liệu xanh tại Đông Nam Á.

Bà Caya Jenneli E – Viện Dệt May Philipines: Xây dựng ngành du lịch dệt may và sợi từ cây nhiệt đới

Với thời tiết và khí hậu thuận lợi cho các loại cây nhiệt đới, nhìn nhận ra tiềm năng phát triển các loại sợi nhiệt đới từ những nguồn nguyên liệu mới, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất ra nhiều loại sợi có giá thành cao để phục vụ cho ngành du lịch và thị trường nội địa. Cụ thể: Phát triển công nghệ sợi từ cây abaca với diện tích trồng năm 2022 khoảng 1.270 km2, năng suất 667 kg/ha, giá nguyên liệu đầu vào khoảng 60 peso/kg (tương đương 25.000 VNĐ); Với lá từ cây dứa, diện tích trồng khoảng 700km2, chi phí nguyên liệu đầu vào 41,74 peso/kg, giá sợi thành phẩm hiện 400 peso/kg; Sợi từ cây chuối, diện tích trồng 4.400 km2, giá đầu vào 13,13 peso/kg, giá bán sợi thành phẩm 400 peso/kg, cao hơn 32 lần so với giá bán quả chuối tươi; Sợi từ cây tre có chi phí đầu vào 10 peso/kg, giá bán ra 250 peso/kg.

Hiện nay, chúng tôi đã tự chủ được về công nghệ và sẵn sàng để xây dựng ngành sợi từ các loại cây nhiệt đới có tính bền vững. Với dân số 100 triệu người thì quy mô cho thị trường nội địa đã tương đối lớn, do đó chúng tôi đã có những tham vấn với Chính phủ xây dựng các chính sách nhất quán, chiến lược bền vững, đầu tư công, hạ tầng, nhân lực… đồng thời xin cơ chế về nguồn lực xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo từ Chính phủ nhằm thực hiện hóa và phát triển dự án. Hiện, Viện Dệt May Philipines đã xây dựng được 3 trung tâm lớn tại 3 vùng nguyên liệu trọng điểm, cung cấp sợi cho các DN vừa và nhỏ sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ thị trường nội địa và du lịch. Ngoài ra, các làng nghề dệt thủ công truyền thống cũng được nghiên cứu phát triển các khung dệt có năng suất cao hơn, sản xuất các loại vải độc đáo hơn. Với các vùng nguyên liệu, chúng tôi đã có những cam kết với các vùng sản xuất để chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ và sinh thái.

Mới đây, Chính phủ Philipines đã thông qua Luật sợi từ cây nhiệt đới, bắt buộc 100% công chức – viên chức của Chính phủ và các cơ quan hành chính công, quân đội… (khoảng 1,8 triệu người) sử dụng đồng phục từ loại sợi từ cây nhiệt đới. Các loại sợi này đã được trải qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt và đạt các chứng nhận để thay thế nguồn sợi nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về môi trường. Bên cạnh công tác bảo hộ sợi nội địa, Chính phủ cũng xây dựng các chiến dịch truyền thông, sử dụng các KOLs, nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng để truyền thông về nhận thức sử dụng các loại sợi trong nước, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.

Các nguyên liệu thô mà chúng tôi sử dụng đều là nguồn nguyên liệu dư thừa của ngành nông nghiệp như lá dứa, bẹ chuối… Do đó, đây là một trong những biện pháp giảm thiểu nguồn chất thải ngành nông nghiệp, kết nối giữa nông – công nghiệp trong phạm vi sản xuất quy mô lớn. Các loại sợi mới này sẽ không cạnh tranh với các mặt hàng dệt may có chi phí thấp, chúng tôi có thị trường và định hướng khách hàng riêng. Chắc chắn đây là bước đi đúng hướng với khát vọng, thực hiện hóa ngành dệt may bền vững.

Ông Sungho Joo – Liên đoàn Dệt May Hàn Quốc: Luật chơi của thị trường bị dẫn dắt bởi các doanh nghiệp lớn

Tại Hàn Quốc, hầu hết các DN dệt may đều gặp những khó khăn trong việc xanh hóa ngành dệt may, nhất là nhóm các DN trong khối tư nhân, cũng như hầu hết các DN trực thuộc Liên đoàn. Chúng tôi nhận thấy, luật chơi của thị trường hầu hết bị dẫn dắt bởi các DN lớn và những nhà thực thi, đồng thời thị trường đang thay đổi do nhu cầu khách hàng và những tiến bộ của khoa học công nghệ. Việc xanh hóa là điều bắt buộc để mở rộng và phát triển thị trường, khi các nền kinh tế hàng đầu sẽ tiếp tục thắt chặt các yêu cầu về chính sách phát thải, net-zero và hướng tới dệt may tuần hoàn.

Năm 2022, chúng tôi đã xây dựng các chính sách về giảm phát thải, tuyên bố về thời trang sinh thái với sự tham gia của 50 thương hiệu nội địa; Mở rộng và công nhận tài nguyên tuần hoàn, thực hiện hệ thống dán nhãn với các thiết kế sinh thái. Trước đó, ngay từ năm 2010, Hàn Quốc đã thúc đẩy sản xuất các vật liệu tái chế, mở rộng các loại nguyên phụ liệu, hóa chất có tính bền vững hơn với môi trường và tiết kiệm nước…

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nhu cầu về thị trường cho các sản phẩm thời trang tái chế chưa lớn; thiếu các quy trình sản xuất về sản phẩm sinh thái; thiếu nguồn nhân lực chuyên biệt cho sản xuất tuần hoàn, đồng thời chưa có các quy định rõ ràng… 10 năm trở lại đây, với những tiến bộ của khoa học công nghệ, các DN dệt may tại Hàn Quốc đã có những cải thiện đáng kể, nhất là trong ngành hóa chất nhuộm và sợi, dưới sự hỗ trợ và tài trợ từ EU. Trong các vấn đề truy xuất nguồn gốc và quản lý thông tin, chúng tôi đã số hóa trên các nền tảng về chuỗi cung ứng với các cam kết về ESG, tuy nhiên những mục tiêu và cam kết về ESG (Environmental – Môi trường; Social – Xã hội và Governance – Quản trị doanh nghiệp) vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, do đó nhiều DN không biết liệu rằng triển khai ESG có đúng hay không?

Thời gian qua, Hàn Quốc đã triển khai dự án của Chính phủ về tái chế lưới đánh cá – nguồn ô nhiễm rất lớn đối với hệ sinh thái đại dương, bằng việc thành lập liên minh giữa Chính phủ và ngư dân toàn quốc, đảm bảo các tiêu chí đầu vào về chất lượng lưới đánh cá có thể tái chế và hiện dự án này đã được Tập đoàn SK Group – tập đoàn kinh tế lớn thứ 3 Hàn Quốc triển khai thành công và dự kiến sẽ triển khai tiếp tại một số quốc gia lân cận và trong khối. Với các công ty dệt nhuộm, để xử lý bài toán về hóa chất nhuộm và nước thải, các DN này đã liên kết thành lập các liên minh hợp tác xã để liên kết để cùng tập trung xử lý nguồn nước thải, tiến tới tái tuần hoàn dưới sự bảo trợ, hỗ trợ từ Chính phủ, điều này giúp các DN có thêm tiềm lực và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thực tế, để sản xuất ra các sản phẩm thời trang tuần hoàn, ngay từ công đoạn đầu tiên – ý tưởng thiết kế, cần phải quan tâm đến thiết kế sinh thái và nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, nhưng các loại sản phẩm thời trang hiện nay hầu hết là nguồn nguyên liệu hỗn hợp, pha trộn giữa các loại xơ, không phải 100% poly hay 100% cotton, điều này khiến cho việc tái chế trở nên khó khăn hơn. Nhưng với công nghệ hiện nay, Hàn Quốc đã xử lý được “bài toán” đó và sản xuất ra xơ recycle từ nhiều nguồn, bao gồm cả chất thải dệt may (vải dư thừa) và quần áo đã qua sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Thông – Nguyên Viện trưởng Viện Dệt May (Việt Nam): Xây dựng mô hình “đàn sếu”, dẫn dắt các DN xanh hóa

Do yêu cầu của thị trường, người tiêu dùng và các nhãn hàng thì việc chuyển đổi sang xanh hóa ngành dệt may là một nhu cầu tất yếu, trong đó xanh hóa bao cả nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất. Một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình chuyển đổi sản xuất sang xanh hóa, chính là xây dựng khung năng lực cho các DN, cũng như sự phối hợp của các bên: nhà cung ứng nguyên liệu, Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, công ty cung ứng phụ trợ…

Tại Việt Nam, với các DN lớn, DN FDI có điều kiện và tiềm lực, cùng sự tiếp cận hỗ trợ từ các bên mua hàng, các tổ chức phi chính phủ, họ có cơ hội gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để triển khai các mô hình về xanh hóa… Tuy nhiên, với các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ, chiếm tới khoảng 80% thì nhận thức còn hạn chế, thiếu các kỹ năng cần thiết để hoạt động và vận hành quy trình sản xuất xanh hóa. Bên cạnh đó, mặc mặc dù Việt Nam đang rất tích cực triển khai các cam kết về cắt giảm phát thải, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, nhưng vẫn còn thiếu các hướng dẫn, chính sách và thực hiện chính sách cụ thể tới cho DN, cùng với đó là tư duy của nhiều địa phương còn “quan ngại” đối với ngành dệt nhuộm.

Nếu như ở các nước khác, họ có các mô hình, liên minh hợp tác thì Việt Nam đang rất thiếu các trung tâm có quy mô lớn để xử lý nước thải, tái chế rác thải từ dệt may. Đồng thời, chưa xây dựng được các trung tâm tư vấn đủ mạnh để giúp các DN vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi. Tại DN, hầu hết thiếu các công cụ đánh giá về việc tiêu thụ nước, năng lượng trong sản xuất, thiếu cán bộ quản lý cấp trung để vận hành hệ thống và tiếp cận nguồn tài chính có lãi suất thấp.

Tôi cho rằng, Chính phủ và các tổ chức cần có các thể chế để xây dựng mô hình “đàn sếu”, có các DN lớn dẫn đầu và dẫn dắt các DN nhỏ và vừa. Đồng thời, các DN cần có sự rà soát chiến lược, mô hình và phân khúc khách hàng để xây dựng chiến lược xanh hóa phù hợp với nguồn lực tài chính và lộ trình xanh hóa, bởi Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải tới năm 2050. Rõ ràng, việc xanh hóa là cần thiết, do đó ngoài sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các quốc gia trong khối APEC cũng cần có những hỗ trợ đối với các DN về yêu cầu SX xanh hóa và các công cụ tham chiếu giữa các quốc gia.

Saskia Anders – Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ): Cần có tham vấn giữa các quốc gia sản xuất dệt may

Hiện nay, các quy định về tái chế, dệt may tuần hoàn của EU mới chỉ đang ở giai đoạn thảo luận và chưa có các tham vấn từ các quốc gia sản xuất dệt may liên quan như: Việt Nam. Rõ ràng, các DN đã có những “phản ứng” và ý kiến về những quy định này của EU. Quan điểm cá nhân của tôi hiện nay, hầu hết các DN sản xuất dệt may hiện nay đều phải đáp ứng các quy định mới trong thời gian tương đối ngắn từ phía các nhãn hàng, buyer… Tuy nhiên, để có thể trả lời rằng EU có trì hoãn các quy định về sản xuất dệt may tuần hoàn, thời trang tái chế hay không thì không thể có câu trả lời ngay trong thời điểm này. Theo đó, tôi cho rằng, các DN cần có sự chuẩn bị, cũng như đưa ra nhìn nhận về xu hướng này vì chắc chắn nó sẽ xảy ra trong tương lai.

Bài: Quang Nam


Các tin khác