Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
Về tổng thể, dự báo năm 2023 là năm kinh tế thế giới có nhiều khó khăn hơn năm 2022, gắn với áp lực lạm phát, nợ công, nợ xấu cao, trong khi suy giảm tổng cầu tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự tiếp tục đứt gãy nhiều chuỗi kinh tế và thị trường thương mại truyền thống ở châu Âu; đặc biệt, thị trường năng lượng vẫn diễn biến bất thường và vòng xoáy của khủng hoảng nợ và thu hẹp sản xuất, tăng sa thải lao động, gia tăng các vụ vỡ nợ doanh nghiệp… sẽ tạo nhiều tình huống khó lường cho nhiều nước cả phát triển và đang phát triển. Thậm chí, không ít quốc gia đối mặt với áp lực ngày càng tăng về cuộc khủng hoảng nợ, tăng trưởng âm và khó tìm điểm cân bằng giữa tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, với để lạm phát tiếp tục tăng cao khiến bất ổn kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Ngoài ra, sự mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc từ ngày 08/01/2023 vừa tạo nhiều động lực và kỳ vọng tích cực về khôi phục các chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế, vừa đặt ra không ít quan ngại về sự gia tăng các động thái phức tạp của dịch bệnh Covid-19 với các biến chủng mới nguy hại kèm theo sự gia tăng dịch chuyển lao động và du khách đi lại giữa Trung Quốc với các nước khác trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam…
Triển vọng phát triển kinh tế năm 2023 của Việt Nam gắn với những khó khăn chung của thế giới và những điều kiện cụ thể trong nước, đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, hành động và quyết liệt, thực chất của cả hệ thống chính trị…
Với phương châm điều hành: “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, Việt Nam tự tin vượt qua các thách thức năm 2023 trên cơ sở tiếp tục phát huy đà phục hồi và các thành tựu tích lũy được của năm 2022, sự cải thiện về quy mô nền kinh tế, Hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn, Thương hiệu Quốc gia và Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ (Government AI Readiness Index); đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cũng như nâng cao chất lượng năng lực, hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước các cấp, ngành trong dự báo, chủ động kịch bản cho những tình huống mới; phát triển liên kết kinh tế vùng; đồng bộ và lành mạnh hóa các thị trường; giảm thiểu rủi ro và giữ vững lòng tin chính trị, đầu tư, tiêu dùng… cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và dài hạn.
Bài: TS.Nguyễn Minh Phong