Top các sự kiện tiêu biểu Vinatex năm 2021


Được Chủ tịch nước gặp mặt và biểu dương là điển hình tiêu biểu trong thực hiện mục tiêu kép:

Tại buổi gặp mặt các điển hình tiên tiến trong thực hiện mục tiêu kép của ngành Dệt May Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi ân cần tới toàn thể công nhân, lao động toàn ngành Dệt May Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực vượt khó khăn của hơn 3 triệu lao động toàn ngành Dệt May, mang lại kết quả khá toàn diện, biến nguy thành cơ, thực hiện tốt mục tiêu kép đã đưa ra.

Hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD:

Năm 2021, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do làn sóng dịch Covid – 19 lần thứ 4 đem lại. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên và sự chia sẻ, đồng lòng cùng vượt khó của toàn thể CBCNV, lao động Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu Đại hội cổ đông giao. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 đạt 1.200 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch.

Tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường:

Với định hướng sẽ trở thành một điểm đến có thể cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong năm 2021, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các Tập đoàn lớn của Rieter, Dassy và Itochu để bàn về các kế hoạch hợp tác phát triển chuỗi giá trị mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tổ chức thành công ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình Xuân Tân Sửu 2021:

Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phối hợp với Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức thành công Chương trình Tết sum vầy – Ngày hội Công nhân – Phiên chợ nghĩa tình Xuân Tân Sửu 2021. Chương trình được tổ chức tại 3 khu vực Bắc – Trung – Nam, mỗi khu vực 2 điểm bán hàng. Việc tổ chức ngày hội bán hàng trợ giá vừa là hoạt động chăm lo cho người lao động, vừa là dịp để giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp dệt may, mang đến cho công nhân các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả phải chăng, nhằm giảm bớt một phần khó khăn cho người lao động.

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ trong dịch Covid- 19:

Để kịp thời hỗ trợ, động viên đối với các doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phối hợp với Công đoàn ngành Dệt May triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động như: Hỗ trợ thêm tiền ăn cho lao động sản xuất 3 tại chỗ mức 1 triệu đồng/lần; trợ cấp cho gia đình công nhân bị tử vong do Covid, mức 5 triệu/người; hỗ trợ hơn 800 lao động F0 với mức 3 triệu đồng/người; hỗ trợ hơn 1.000 trường hợp F1 có hoàn cảnh khó khăn với mức 1,5 triệu/người và hơn 15.000 lao động nghỉ dịch cách ly có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 200 đến 1 triệu/người). Hỗ trợ cho 33 công đoàn cơ sở với số tiền gần 1,4 tỷ đồng, trao sổ tiết kiệm cho 17 trẻ mồ côi có bố mẹ là đoàn viên, NLĐ không may tử vong vì dịch Covid-19 với số tiền 10.000.000 đ/một suất. Tổng số tiền chăm lo cho NLĐ và đồng hành cùng doanh nghiệp được chi từ nguồn kinh phí của Công đoàn Dệt May Việt Nam hơn 35 tỷ đồng. Nhờ luôn qua tâm, đồng hành cùng NLĐ mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh nên ngay sau khi các DN được hoạt động trở lại sau giãn cách thì trên 95% NLĐ trong hệ thống đã quay lại làm việc.

Chủ động tiêm vắc xin cho người lao động:

Ngay khi đợt dịch Covid -19 lần thứ 4 bùng phát ở Việt Nam, Vinatex đã có văn bản chính thức gửi đến Ban chỉ đạo Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19 với thông điệp các doanh nghiệp của Vinatex sẵn sàng chi trả tất cả các chi phí dành cho việc tiêm vắc xin cho toàn thể CBNV-NLĐ. Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chủ động trong việc vận động vắc xin, vì vậy, trước khi người lao động được tiêm ở địa phương thì đã được doanh nghiệp triển khai tiêm. Hiện tại, 100% người lao động thuộc Tập đoàn đã được tiêm vắc xin.

Trao tặng trang thiết bị phòng chống dịch cho các địa phương, bệnh viện:

Nhằm chung tay hỗ trợ các địa phương và bệnh viện trong cuộc chiến chống dịch Covid – 19, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các đơn vị thành viên đã tổ chức nhiều chương trình ủng hộ, đồng hành cùng các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, toàn Tập đoàn đã đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ gần 14 tỉ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn và các đơn vị trong hệ thống đã trao nhiều trang thiết bị cho địa phương và bệnh viện như áo choàng mổ bệnh nhân, quần áo bệnh nhân, chăn, ga, gối, khẩu trang… với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Xây dựng văn hóa học tập Vinatex:

Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ trực tuyến (không thu phí) cho các học viên là cán bộ quản lý cấp trung, cán bộ nguồn của Tập đoàn, đến từ các đơn vị thành viên. Các khóa đào tạo này đã củng cố và cập nhật kiến thức cho các cán bộ lãnh đạo cấp trung tại các doanh nghiệp trong hệ thống của Tập đoàn; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nhân sự quản lý cấp trung, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện mới. Đặc biệt, Tập đoàn đã tổ chức riêng một lớp đào tạo để hướng dẫn CBNV chủ chốt của văn phòng Tập đoàn và các đơn vị thành viên về năng lực triển khai chuyển đổi số của Vinatex. Cùng với đó, Tập đoàn đã tổ chức hơn 20 buổi Hội thảo trực tuyến để đào tạo chiến lược cho cán bộ các doanh nghiệp thành viên.

Tăng cường công tác chuyển đổi số:

Nhận thức rõ sự cấp thiết của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2021, Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn về Chuyên đề “Chuyển đổi số của Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã ban hành QĐ Thành lập BCĐ chuyển đổi số gồm 8 thành viên do ông Lê Tiến Trường- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT là Trưởng ban. Tổng Giám đốc Tập đoàn ban hành QĐ Thành lập Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi số của Tập đoàn Dệt May Việt Nam để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025” gồm 23 thành viên do ông Phạm Văn Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn là Trưởng ban. Trong năm 2021, Tập đoàn đã hình thành quy hoạch tổng thể mô hình quản trị vận hành sau khi số hóa các tác nghiệp cụ thể từ công ty mẹ đến các công ty thành viên.

Tăng tốc đầu tư nâng cao năng lực chuỗi cung ứng:

Để nâng cao năng lực cạnh tranh chung toàn Tập đoàn, đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ của các Hiệp định Thương mại tự do như CPTPP và EVFTA… trong năm 2021, bên cạnh việc đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực của các đơn vị thì Tập đoàn Dệt May đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy Sợi mới đó là:

  • Nhà máy Sợi 3, Công ty CP Sợi Phú Bài với quy mô 3,2 vạn cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 6/2021. Đây là Nhà máy có quy mô 2 tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị trực thuộc Vinatex.
  • Nhà máy Sợi 2, Công ty CP Vinatex Phú Hưng với quy mô 2,28 vạn cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 10/ 2021.


Các tin khác