Thị trường cầu yếu có làm “giảm nhiệt” xu hướng xanh & phát triển bền vững ngành dệt may?


Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự biến động của nền kinh tế và ngày càng nhiều mối đe dọa đối với môi trường thì xu hướng xanh và phát triển bền vững vẫn là xu hướng của tương lai. Tuy nhiên, thị trường cầu yếu hiện tại đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc triển khai các giải pháp cho xu hướng này. Các hãng thời trang và doanh nghiệp nguyên phụ liệu bền vững ngoài việc phải đối mặt với áp lực lớn từ sự chậm trễ trong triển khai chiến lược bền vững của họ, còn phải đối diện với những khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.

Một số luật và quy định về phát triển bền vững tại Liên minh châu Âu (EU) đã phải chịu ảnh hưởng và tạm hoãn do tình hình kinh tế khó khăn. Khi một quốc gia hoặc khu vực đối mặt với thách thức kinh tế, chính sách và quy định mới thường được tạm gác lại để dành sự ưu tiên vào việc khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trì hoãn triển khai biện pháp phát triển bền vững có thể gây ra mâu thuẫn về mục tiêu và cam kết của EU về giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Trong tình hình đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên tự nhiên, việc thúc đẩy phát triển bền vững vẫn là một ưu tiên quan trọng. Do đó, dù có thể có sự chậm trễ khi áp dụng các luật, quy định mới trong ngắn hạn thì thúc đẩy phát triển xanh và bền vững vẫn là một phần quan trọng của chính sách của EU trong dài hạn.

Câu chuyện phá sản của một số nhà sản xuất nguyên liệu bền vững và hãng thời trang

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu thời trang bền vững không những đang trong quá trình phát triển mà còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Như trường hợp của Renewcell, một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ tái chế, tuần hoàn, chuyên tái chế quần áo cũ thành nguyên liệu đầu vào kéo sợi viscose và lyocell tại Thụy Điển có cổ đông lớn nhất là hãng thời trang H&M, đã tuyên bố phá sản vào đầu tháng 3 năm 2024. Việc sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chi phí sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng vải tái chế và nguyên liệu thân thiện với môi trường, thường cao hơn so với quy trình sản xuất truyền thống kéo theo giá bán cao trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh nhìn chung còn yếu. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho Renewcell, với nguy cơ làm tăng chi phí hoạt động và giảm lợi nhuận. Thêm vào đó, biến động trong xu hướng thị trường và sở thích của người tiêu dùng có thể gây ra sự không ổn định trong doanh số bán hàng và doanh thu. Circulose – sản phẩm tái chế hoàn toàn từ chất thải dệt may – là một giải pháp thân thiện với môi trường, giá cả cao hơn và khó tích hợp vào chuỗi cung ứng đã làm suy yếu sự phát triển của công ty. Quản lý tài chính không hiệu quả cũng là một vấn đề quan trọng dẫn đến sự phá sản của họ. H&M tuyên bố rằng mặc dù họ tin vào tầm nhìn của Renewcell nhưng quyết định không đầu tư thêm bởi công ty đã không thể đảm bảo đủ nhu cầu, dẫn đến khó khăn tài chính và phải thông báo phá sản. Nếu không thể quản lý được nợ hoặc chi phí vận hành, các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu bền vững mới như Renewcell sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này là một tín hiệu cảnh báo cho ngành công nghiệp thời trang, khi các cam kết về bền vững cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và có trách nhiệm hơn.

Ngày 22/4/2024, công ty bán lẻ thời trang hàng đầu Express đã chính thức đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 của Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ. Quyết định này đến sau một thời gian khó khăn đối với ngành bán lẻ, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của họ. Không chỉ Express, mà nhiều công ty bán lẻ khác như The Body Shop – thương hiệu mỹ phẩm của Anh cũng đang phải đối diện với những thách thức tương tự. Đầu tháng 3/2024, thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng The Body Shop đã nộp đơn xin phá sản và đóng cửa toàn bộ chi nhánh tại Mỹ cùng nhiều cơ sở ở Canada. Trong thời gian gần đây, lạm phát đã tác động mạnh mẽ đến các nhãn hàng bán lẻ mỹ phẩm như The Body Shop. Các nhãn hàng này đã theo đuổi chiến lược mở cửa hàng riêng thay vì tập trung vào các trung tâm thương mại, và hướng đến khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu, nhưng giờ đây, họ đang phải siết chặt chi tiêu để thích nghi với tình hình kinh tế hiện tại.

Thị trường bán lẻ đang chịu áp lực từ sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nền tảng thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trực tuyến. Sự gia tăng của mô hình kinh doanh trực tuyến đã làm suy yếu ngành bán lẻ truyền thống, đặt ra những thách thức lớn trong việc duy trì sự cạnh tranh và sức hút trên thị trường. Để đối phó với tình hình hiện nay, Express quyết định tiến hành cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa một số cửa hàng không hiệu quả và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Mục tiêu của họ là tối ưu hóa hoạt động và phát triển một mô hình kinh doanh linh hoạt, có khả năng chống đỡ hơn trước những thách thức của thị trường ngày nay.

Chậm lại thực thi một số quy định phát triển bền vững khi thị trường cầu yếu

Hiện nay, xung đột địa chính trị vẫn tiếp tục leo thang, tăng trưởng kinh tế trì trệ, đồng thời lạm phát và lãi suất cao kỷ lục đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng và đe dọa đến sự phục hồi kinh tế thế giới. Sự suy giảm này đã khiến một số nhãn hàng gặp khó khăn về tài chính và nhiều nhãn hàng đã phải đệ đơn xin phá sản. Thị trường kinh tế đầu tàu như Mỹ và EU còn bất ổn, phục hồi ở mức yếu khiến hàng loạt ngân hàng cũng đã phá sản vào đầu năm 2023. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may 2023 tại các thị trường này đều suy giảm, EU giảm 17%, đạt 123 tỷ USD tương đương với năm 2020, Mỹ giảm 20% đạt quanh 80 tỷ USD.

Do đó, EU đang chậm lại quá trình triển khai một số quy định quan trọng liên quan đến phát triển bền vững trong những năm gần đây. Mặc dù đã có những cam kết rõ ràng về việc giảm khí thải, bảo vệ môi trường và thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhưng thực tế lại cho thấy một sự đánh giá lại về tiến độ của các nỗ lực này. Một phần nguyên nhân có thể là do sự phức tạp và đa dạng của hệ thống pháp luật và quy định của EU, cùng với sự khác biệt về tiêu chuẩn và quy định giữa các quốc gia thành viên. Điều này tạo ra môi trường kinh doanh không nhất quán và gây nên sự bất tiện cho các doanh nghiệp muốn tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững. Ngoài ra, việc thiếu đi sự đồng thuận và ủng hộ từ một số quốc gia thành viên cũng là một thách thức lớn. Một số quốc gia có nền công nghiệp mạnh mẽ có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững mới. Sự chậm trễ này có thể tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội cũng như ảnh hưởng đến uy tín và tầm ảnh hưởng của EU trên thế giới.

Cũng xuất phát từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của EU trong năm 2023 (tăng trưởng GDP của EU năm 2023 chỉ đạt 0,4%), EU đã phải điều chỉnh hàng loạt chính sách liên quan đến Thỏa thuận xanh của EU theo hướng tạm hoãn thực thi, thu hẹp phạm vi đối tượng bị tác động, cụ thể:

Ngày 25/3/2024, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã giải quyết được bất đồng và đạt được thỏa thuận về tương lai của việc sử dụng nhiên liệu tổng hợp trên ô tô, sau năm 2035 vẫn cho phép ô tô sử dụng công nghệ này được đăng ký mới, miễn là đảm bảo không có khí thải ô nhiễm. Trong khi trước đó, EU dự kiến sau năm 2035 cấm bán ô tô sử dụng năng lượng hóa thạch, nhằm đạt mục tiêu giảm thiểu khí thải và ô nhiễm không khí, đồng thời thúc đẩy sự chuyển đổi sang các phương tiện giao thông sạch hơn, như ô tô điện và xe chạy bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Ngày 24/4/2024, Nghị viện châu Âu đã thông qua Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD). CSDDD yêu cầu các công ty và các đối tác thượng nguồn và hạ nguồn của họ, bao gồm cung cấp, sản xuất và phân phối phải ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu tác động bất lợi của họ đối với nhân quyền và môi trường. Điều này bao gồm chế độ nô lệ, lao động trẻ em, bóc lột sức lao động, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm hoặc phá hủy di sản thiên nhiên. Trước đó, thỏa thuận này đã phải trải qua nhiều cuộc thảo luận chính trị sâu rộng, do đó dẫn đến một văn bản thỏa hiệp hạn chế phạm vi lập pháp được đề xuất ban đầu và kéo dài thời gian ban hành. Thay vì chỉ nhắm vào EU và các doanh nghiệp mẹ có hơn 500 nhân viên và doanh thu ròng toàn cầu là 150 triệu euro (160 triệu USD) thì CSDDD sẽ được áp dụng cho các công ty có hơn 1000 nhân viên và doanh thu trên toàn thế giới cao hơn 450 triệu euro (481 triệu USD). Các quốc gia thành viên sẽ có hai năm để chuyển các quy định mới thành luật quốc gia của mình. Các quy định mới sẽ áp dụng dần dần đối với các công ty EU từ năm 2027.

Ngoài ra, trong Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD), Nghị viện châu Âu đã đưa ra quyết định cuối cùng đối với các quy định ngăn chặn việc bán và cung cấp hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ thị trường EU. Đây là một nỗ lực để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và đối tác của họ không tham gia vào việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. Quy định này yêu cầu các công ty ngăn chặn, chấm dứt hoặc giảm thiểu bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với nhân quyền, bao gồm cả lao động cưỡng bức. Các công ty cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng không có lao động cưỡng bức nào được sử dụng trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp hàng hóa của họ. Điều này là một phần quan trọng của nỗ lực toàn diện để xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng và bền vững.

Ngày 30/4/2024, Hội đồng châu Âu chấp thuận việc trì hoãn áp dụng đầy đủ Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững của doanh nghiệp (CSRD) và việc triển khai Tiêu chuẩn báo cáo bền vững của châu Âu (ESRS) cho yêu cầu về tiêu chuẩn cụ thể theo ngành của CSRD trong hai năm sau thời hạn ban đầu. Theo quyết định này, việc áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo bền vững chung cho các công ty ngoài EU sẽ trì hoãn đến năm 2026. Ngoài ra, ESRS đã được nhắc đến như một trong những yếu tố chính để ra quyết định trì hoãn của EU. ESRS tập trung vào việc xác định các tiêu chuẩn chung và nhất quán cho các báo cáo mang tính bền vững trên toàn EU, nhằm thay thế và cải thiện các tiêu chuẩn hiện có. ESRS như một cơ sở để xây dựng các yêu cầu cụ thể về báo cáo bền vững cho các doanh nghiệp có thể được áp dụng trong khuôn khổ của CSRD để đảm bảo rằng các doanh nghiệp tuân thủ các chuẩn mực nhất quán và thích ứng với các quy định mới của CSRD một cách hiệu quả. Tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử EU vào tháng 6/2024, các sáng kiến ​​bền vững khác cũng có thể bị trì hoãn.

Trong tình hình thị trường cầu yếu như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may cũng đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Việc phá sản của các doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất nguyên liệu xanh, bền vững cũng như việc tạm hoãn thực thi, giảm bớt đối tượng bị tác động trong bối cảnh thị trường yếu 2 năm qua cho thấy bài học về sự quan trọng của việc xác định đúng thời điểm đầu tư liên quan đến phát triển bền vững, đi trước, đi sớm nhưng sai thời điểm nhu cầu có thể hấp thụ cũng đem đến rủi ro thất bại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội để chúng ta học hỏi và thích ứng thông qua việc áp dụng và triển khai các biện pháp sản xuất xanh, hướng tới phát triển bền vững, đó là một phần quan trọng trong chiến lược của các doanh nghiệp thời trang hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, khi điều kiện tài chính dần khả thi hơn, việc đầu tư vào các giải pháp sản xuất thân thiện với môi trường và xã hội ngày càng cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì tầm quan trọng của việc cần có một chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) bài bản là không thể phủ nhận. Từ đó, các doanh nghiệp mới có thể tạo ra các giải pháp sáng tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, xã hội. Việc tiến hành hoạt động R&D cũng giúp chúng ta duy trì được sự cạnh tranh và tiên phong trong ngành công nghiệp thời trang, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu bền vững ngày càng tăng từ phía người tiêu dùng.

Bài: Kim Phượng


Các tin khác