Tăng sức cạnh tranh cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam


Trong khuôn khổ triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt May- Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2022, chiều 27/7 tại SECC Tp HCM, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Đánh giá tác động của Chính sách kiểm soát phát thải khí Carbon trên thế giới đến sản xuất và kinh doanh hàng dệt may”.

 

Toàn cảnh hội thảo

Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các diễn giả đến từ Bộ Công thương và Tập đoàn Dệt May Việt Nam trình bày các nội dung về chính sách của Việt Nam liên quan đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí các-bon; Chính sách của EU, Mỹ và một số quốc gia khác đối với việc giảm phát thải các-bon liên quan đến hàng dệt may; Hướng dẫn tính toán kiểm kê khí nhà kính đối với hàng dệt may…

Ông Hoàng Văn Tâm – Phó Chánh Văn phòng Ứng phó với Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương trình bày tại hội thảo

Ông Hoàng Văn Tâm – Phó Chánh Văn phòng Ứng phó với Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã trình bày về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, cơ chế chính sách thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trên thế giới và Việt Nam.

Ông Tâm phân tích, theo World Resources Institue, 10 nền kinh tế lớn trên thế giới chiếm 2/3 tổng phát thải toàn cầu, trong đó Trung Quốc là nước phát thải nhiều nhất. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), các quốc gia thống nhất cắt giảm mạnh mẽ phát thải khí nhà kính với các mốc thời gian đến 2030, tầm nhìn đến 2050 không phân biệt quốc gia phát triển hay đang trên đà phát triển. Phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nâng cao hiệu quả và phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng. Nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu… Cam kết của Việt Nam tại COP26 là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông Tâm, việc giảm phát thải khí nhà kính, dấu vết các-bon trong nền kinh tế là xu thế chung, không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn về cơ hội và thách thức liên quan đến phát thải nhà kính. Sớm hành động giảm dần sự phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, giảm dấu vết các-bon trong chuỗi vòng đời sản phẩm…

Ông Tâm thông tin, trong thời gian tới, ngành công thương tập trung triển khai các giải pháp: xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý về giảm phát thải nhà kính. Thực hiện chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng, chuyển giao công nghệ phát thải các- bon thấp trong các ngành công nghiệp và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong thương mại, dịch vụ và dân cư. Đồng thời, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công thương triển khai các cơ chế, công cụ thị trường và phi thị trường liên quan đến Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…

Ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex chia sẻ về chiến lược của EU cho ngành Dệt May bền vững và tuần hoàn

Hội thảo cũng nghe ông Vương Đức Anh- Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Vinatex chia sẻ về chiến lược của EU cho ngành Dệt May bền vững và tuần hoàn. Theo ông Vương Đức Anh, sản xuất trong ngành Dệt May bao gồm cả trồng bông, sử dụng khoảng 93 tỷ mét khối nước/năm và chiếm 4% lượng khai thác nước ngọt trên toàn thế giới. 20% ô nhiễm nước công nghiệp toàn cầu là phát sinh từ các hoạt động xử lý hàng dệt nhuộm. Đồng thời ngành Dệt May đã phát thải 3.3Gt khí CO2 quy đổi và chiếm 6,7% tổng phát thải này của toàn cầu. Sản xuất hàng dệt may toàn câu tăng gần gấp đôi từ năm 2000 – 2015, tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến sẽ tăng 63% vào 2030. Tại EU, tiêu thụ hàng dệt may hầu hết được nhập khẩu, hiện đang có tác động tiêu cực đứng thứ 4 đối với môi trường và biến đổi khí hậu, đứng thứ 3 đối với việc sử dụng nước và đất. Do đó, ngành dệt may có ý nghĩa kinh tế và có thể đóng một vai trò quan trọng trong ngành kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, ông Vương Đức Anh cũng đã chia sẻ về cách định giá carbon của các quốc gia trên thế giới bao gồm hệ thống trao đổi giấy phép phát thải (Emission Trading System-ETS) và đánh thuế carbon, đồng thời giới thiệu về thuế biên giới carbon của EU và tác động có thể có đối với lĩnh vực dệt may, mặc dù dệt may chưa phải lịch vực được EU áp thuế biên giới carbon trong giai đoạn áp dụng chuyển tiếp 2023-2025. Tuy nhiên EU cũng có công cụ khác để đạt mục tiêu giảm phát thải carbon cho lĩnh vực dệt may – một trong những ngành có tác động lớn đến môi trường của EU. Một trong những công cụ EU sử dụng để giảm carbon thải ra của lĩnh vực dệt may được thể hiện qua Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn của EU vừa đưa ra vào 30/3/2022.

Thỏa thuận xanh là 1 trong 6 ưu tiên của EU cho giai đoạn 2019-2024 là chiến lược tăng trưởng mới của Châu Âu nhằm trở thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên trên thế giới vào 2050. EU tập trung vào các ngành sử dụng nhiều tài nguyên như dệt may, xây dựng, điện tử,… Để tăng cường hiệu quả nguồn tài nguyên nhờ chuyển đổi sang kinh tế sạch và tuần hoàn, đồng thời khôi phục đa dạng sinh học và giảm ô nhiễm. Nền kinh tế tuần hoàn có thể làm tăng GDP của EU thêm 0,5% vào năm 2030, tạo ra khoảng 700.000 việc làm mới.

Trong chiến lược phát triển dệt may, EU đưa ra các đề xuất cụ thể như: yêu cầu bắt buộc về thiết kế sinh thái; ngừng tiêu hủy hàng dệt tồn đọng/ bị trả lại; giải quyết ô nhiễm vi nhựa; giới thiệu các yêu cầu về thông tin và Hộ chiếu Sản phẩm Kỹ thuật số; tuyên bố xanh cho hàng dệt may thực sự bền vững; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy tái sử dụng và tái chế chất thải dệt may.

Bà Nguyễn Thanh Ngân – Phó Trưởng ban Đầu tư & Phát triển Vinatex đã chia sẻ về cách tính toán kiểm kê khí nhà kính đối với hàng dệt may

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thanh Ngân – Phó Trưởng ban Đầu tư & Phát triển Vinatex đã chia sẻ về cách tính toán kiểm kê khí nhà kính đối với hàng dệt may. Bà Ngân phân tích, các ngành, lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê và xây dựng kế hoạch giảm phát thải nhà kính là: quản lý chất thải; năng lượng; giao thông vận tải; công nghiệp; xây dựng; nông nghiệp dựa tên nguyên tắc chung: tính đầy đủ; tính nhất quán; tính minh bạch; độ chính xác; tính toàn vẹn của phương pháp luận và báo cáo phát thải; cải tiến liên tục cùng với quy trình kiểm kê 6 bước. Công cụ tính toán phát thải nhà kính tùy thuộc vào loại và hoạt động phát thải.

Bà Ngân cũng đưa ra một số khuyến nghị cho các DN dệt may: Xây dựng mục tiêu cụ thể trong chiến lược kinh doanh của đơn vị có tính đến giảm phát thải các-bon. Sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn. Tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm năng lượng. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong hoạt động sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từng bước xây dựng hộ chiếu kỹ thuật số cho sản phẩm dệt may. Xây dựng bộ máy quản lý, giám sát và tuân thủ quy định về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và quốc tế, thực hiện các cam kết giảm phát thải, tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định của khách hàng. Áp dụng triệt để các giải pháp về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh cho ngành dệt may…

Đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao thông tin về chính sách giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… các diễn giả đã chia sẻ tại hội thảo và mong muốn sẽ có thêm nhiều buổi hội thảo nhằm cung cấp kịp thời các thông tin giúp doanh nghiệp dệt may trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đối tác khách hàng.

Ảnh: Quang Nam/ Bài: Cẩm Hà


Các tin khác