Tăng lương trong mối quan hệ đòn bẩy hay gánh nặng cho doanh nghiệp
Tiền lương và cách điều tiết, quản lý tiền lương có ảnh hưởng rất lớn đối với cả người lao động và doanh nghiệp. Tiền lương là một chỉ số quan trọng cho thấy một xã hội sẽ trở nên bình đẳng hơn hay bất bình đẳng hơn. Hiện nay, tiền lương cần được điều chỉnh hợp lý để tạo sự cân bằng giữa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và giúp người lao động được hưởng thành quả một cách công bằng từ tăng trưởng năng suất của doanh nghiệp. Xác lập mức tiền lương hợp lý là cơ sở khoa học vững chắc để phát triển bền vững cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tiền lương tối thiểu
Tiền lương tối thiểu theo định nghĩa của ILO là “mức tiền công tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm công ăn lương cho công việc đã thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định và không thể giảm bớt bằng thỏa ước tập thể hoặc hợp đồng cá nhân”[1]. Trong bài viết này, tiền lương tối thiểu được hiểu là mức lương theo luật định của mỗi quốc gia quy định theo vùng, khu vực địa lý hoặc theo ngành. Mục đích của tiền lương tối thiểu là để bảo vệ người lao động khỏi bị trả mức tiền công quá thấp, đảm bảo sự chia sẻ công bằng và hợp lý thành quả đóng góp của tất cả mọi người. Về mặt lý thuyết, mức lương này phải đủ để đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu như nhà ở và thực phẩm.
Việc thiết kế lương tối thiểu cần chú trọng đến mức chi trả và khả năng chi trả của người sử dụng lao động và của nền kinh tế. Mức lương tối thiểu không phù hợp sẽ tạo ra các tác động vĩ mô bất lợi cho nền kinh tế. Sau khi xác định được mức lương tối thiểu, việc điều chỉnh cần được tiến hành định kỳ nhằm đảm bảo cho người lao động có được mức sống tương đối ổn định và tái tạo sức lao động.
Hệ thống lương tối thiểu đang được thực hiện ở hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với cơ quan xác định lương tối thiểu khác nhau. Đó có thể là do Chính phủ, Chính quyền liên bang, cơ quan lập pháp, hay liên đoàn lao động. Nhìn chung các tổ chức đại diện người lao động đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát mức lương tối thiểu.
Lương tối thiểu vùng của Việt Nam những năm gần đây
Ở Việt Nam từ năm 2017 cho tới nay, Chính phủ đã nâng mức lương tối thiểu hằng năm, ngoại trừ năm 2021 do đại dịch Covid-19, từ 3,75 triệu đồng/ tháng lên 4,6 triệu đồng/tháng cho vùng 1; 3,32 triệu đồng lên tới 4,68 triệu đồng/tháng cho vùng 2; 2,9 triệu đồng lên tới 3,64 triệu đồng cho vùng 3; 2,58 triệu đồng lên tới 3,25 triệu đồng cho vùng 4. Như vậy, Việt Nam đã tăng lương tối thiểu vùng ở mức 25% trong 5 năm, trung bình 5% một năm.
Việc tăng lương góp phần cải thiện đời sống của người lao động làm công ăn lương, giúp tiến gần tới nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình, góp phần tái sản xuất sức lao động, duy trì nguồn nhân lực để phát triển kinh tế – xã hội. Tăng lương là tốt đối với người lao động, nhưng việc tăng lương luôn có tác động đa chiều và có nhiều hệ lụy về chi phí, sức cạnh tranh, ổn định tài chính vĩ mô và vi mô, cũng như công bằng xã hội.
Tương quan giữa tiền lương tối thiểu và GDP tại Việt Nam và một số quốc gia
Trong top 5 các quốc gia xuất khẩu dệt may, Bangladesh giữ vị trí cuối cùng trong danh sách về tỷ lệ lương tối thiểu so với GDP do mức độ chênh lệch lớn giữa lương tối thiểu và GDP đầu người. Trung Quốc và Ấn Độ xếp ở vị trí 3 và 4 với tỷ lệ tương quan khá đồng đều ở mức 2,6 – 2,8%. Việt Nam đang xếp vị trí cao thứ 2 trong danh sách, cao hơn gấp 1,5 lần so với Trung Quốc và Ấn Độ. Tiền lương tối thiểu ở Việt Nam so với GDP đầu người đang cao hơn so với các quốc gia cạnh trạnh về xuất khẩu dệt may. Điều này đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp dệt may, khi tiền lương đóng góp phần lớn vào chi phí, nhất là các doanh nghiệp làm đơn thuần hàng CM.
Tỷ lệ đóng góp bắt buộc từ lương vào các chế độ an sinh xã hội của Việt Nam và các quốc gia
Hiện nay tại Việt Nam, doanh nghiệp đang phải đóng góp cho các chế độ an sinh xã hội bắt buộc cho người lao động như BHXH, BHYT ở mức 21,5% trong khi ở Bangladesh là không bắt buộc, Campuchia ở mức 3,4%, Mỹ ở mức 7,7%, Đức ở mức 19,9%. Với mức lương tối thiểu dự kiến sẽ điều chỉnh tăng trong năm 2024 tại Việt Nam, lương bình quân và thu nhập bình quân cũng sẽ tăng, đi kèm theo đó là khoản đóng góp cũng sẽ tăng theo. Bên cạnh đó, các khoản thu nhập tăng thêm ngoài lương (thường được tính trên cơ sở mức tiền lương tối thiểu) cũng sẽ tăng theo, điều này sẽ tạo áp lực không hề nhỏ cho quỹ lương của doanh nghiệp.
Lợi ích và bất cập khi tăng tiền lương tối thiểu
Về mặt lợi ích, tăng lương tối thiểu vùng giúp cải thiện thu nhập của người lao động, đặc biệt là cho nhóm lao động có tay nghề thấp, cải thiện tinh thần góp phần làm cho người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp. Từ đó, có thể gián tiếp tăng năng suất lao động cũng như giảm bớt sự biến động lao động trong doanh nghiệp. Ở góc nhìn vĩ mô, tăng lương tối thiểu ngoài việc góp phần vào cuộc chiến giảm nghèo còn làm tăng trưởng và kích thích tiêu dùng trong nội địa, lan tỏa tích cực tới tình hình kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nội địa.
Tuy nhiên, việc tăng lương khiến cho doanh nghiệp chịu thêm nhiều chi phí, khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi, quỹ lương không thể tăng thêm thì việc cắt giảm lao động là điều khó tránh khỏi, đây có thể coi là rủi ro đối với cả doanh nghiệp và người lao động, nhất là nhóm lao động kỹ năng thấp sẽ bị ưu tiên cắt giảm. Bên cạnh đó, khi tiền lương tăng sẽ làm cho giá cả tiêu dùng tăng, nếu không có chính sách điều tiết, quản trị tốt có thể rơi vào vòng xoáy tiền lương – giá cả, là nguyên nhân gây ra lạm phát do chi phí đẩy.
Tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp hiện nay
Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%, nhập khẩu giảm 17,1%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 0,7% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo giảm 1% (cùng kỳ 2022 tăng 9,5%). Theo ước tính của Tổng cục Thống kê trong 7 tháng đầu năm, có 113,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,8% so với năm ngoái, bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Từ đầu năm tới nay, đã có 509.903 người lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương. Trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người. Nguyên nhân chính là do việc cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất. Những con số này phần nào đã thể hiện “sức khỏe” kém của doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu chủ đạo. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là xung đột leo thang giữa Ukraina- Nga cũng như căng thẳng giữa Mỹ -Trung Quốc kéo mối quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Tăng lương tối thiểu cần thời điểm hợp lý
Theo báo cáo tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội, thu nhập bình quân của lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã thể hiện nỗ lực và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc cải thiện tiền lương, thu nhập của người lao động trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Mức thu nhập bình quân thực tế của người lao động vẫn được cải thiện và cao hơn nhiều so với mức tiền lương tối thiểu theo luật định.
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2024 khi có kết quả từ nội dung thương lượng tiền lương vào tháng 11/2023. Tăng lương tối thiểu trong giai đoạn này liệu sẽ là một cú hích tăng trưởng hay sẽ là một gánh nặng cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may? Gánh nặng về chi phí lao động, cũng như khó khăn trong thị trường xuất khẩu đang là áp lực “kép” khiến cho doanh nghiệp rơi vào thế khó. Doanh nghiệp hiện nay mới chỉ có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7, tăng lương vào thời điểm nào để đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy nền kinh tế phát triển cần có sự tham mưu và tính toán kỹ lưỡng của các bên tránh những tác động tiêu cực có thể làm đảo chiều sự phục hồi hiếm hoi của doanh nghiệp sau thời gian khó khăn vừa qua.
Bài: Hoàng Mạnh Cầm – Nguyễn Trọng Nghĩa
[1] https://www.ilo.org/global/topics/wages/minimum-wages/