TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 3/2025


I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030

Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân mà còn là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cao hơn, chuỗi sự kiện này là một trong những yếu tố then chốt tạo nền tảng chính trị vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và ước vọng của toàn dân tộc.

Để tiến hành tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, các cấp ủy cần tập trung vào 3 vấn đề chính sau đây:

1.Cần thống nhất nhận thức, những thành tựu của đất nước đạt được sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt sau 40 năm đổi mới là rất vĩ đại, rất đáng trân trọng, tự hào. Nhưng đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải nỗ lực đoàn kết, quyết tâm hơn nữa để vượt qua, trong đó Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có trách nhiệm phải tham gia và là lực lượng nòng cốt giải quyết hiệu quả những khó khăn, thách thức này. Nhiều điểm nghẽn, rào cản, nút thắt về thể chế tồn tại lâu năm vẫn chưa được tháo gỡ, loại bỏ. Nguy cơ “giậm chân tại chỗ”, nguy cơ tụt hậu, nhất là tụt hậu về kinh tế, về khoa học, công nghệ và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” còn tiềm tàng.

Gần đây, thiên tai, bão lũ và nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu, môi trường liên tiếp xảy ra đã để lại những hậu quả nặng nề đối với nhiều địa phương. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được khắc phục triệt để; tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”, “đánh trống bỏ dùi”, “lạc quan tếu”, báo cáo không trung thực, cán bộ thiếu năng lực, thiếu gương mẫu, cục bộ, bè phái… đều là những “miếng mồi” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ ta.

Những nguy cơ, thách thức này đe dọa trực tiếp đến quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Định vị chính xác “nguy và cơ”, đặt rõ mục tiêu vươn tới để thống nhất cao về quyết tâm chính trị, với những bước đi, hành động đúng, trúng, quyết liệt để giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, khắc phục triệt để điểm nghẽn, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

2.Về xây dựng văn kiện và tham gia ý kiến vào văn kiện đại hội cấp trên, văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Báo cáo chính trị trình đại hội đảng bộ các cấp cần bám sát tinh thần dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; tập trung phân tích, đánh giá khách quan việc thực hiện nghị quyết Đại hội vừa qua; phản ánh đầy đủ, sát thực tình hình và thực tiễn phát triển của các địa phương, ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Làm rõ những thành tựu đổi mới, nổi bật trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng; trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại, nhất là những điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển chưa được tháo gỡ, khắc phục. Phân tích sâu sắc nguyên nhân của thành tựu và hạn chế, nhất là về đường lối, chủ trương, biện pháp, giải pháp tại đơn vị, địa phương; về khâu tổ chức thực hiện; về tính chất quyết định của nhân tố con người và công tác cán bộ; về sự tham gia, đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Chú trọng tổng kết những mô hình mới, cách làm hay, rút ra những bài học kinh nghiệm có giá trị phục vụ phát triển. Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo sát tình hình; phân tích thấu đáo những vấn đề nổi lên đang tác động trực tiếp đến các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan, đơn vị; xác định rõ tiềm năng, lợi thế phát triển, với phương châm “Tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, đồng hành của doanh nghiệp, trách nhiệm của người dân”, đề ra các định hướng, các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, đối sách phù hợp; tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cần được xây dựng thống nhất với Báo cáo chính trị. Không để xảy ra tình trạng sao chép, rập khuôn báo cáo một cách máy móc hoặc kiểm điểm qua loa, đại khái, hình thức cho có. Việc kiểm điểm cấp ủy cần bám sát quy chế làm việc, chương trình hành động, kết quả lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng bộ, chi bộ, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Lấy kết quả đầu ra cụ thể của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cùng với sự hài lòng của quần chúng, nhân dân làm tiêu chí đánh giá. Cần thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, mức độ khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém đã được phát hiện, trên tinh thần tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh. Nhận diện, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để từ đó rút kinh nghiệm, đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ 2025-2030.

Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo hướng thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh góp ý theo kiểu hình thức. Căn cứ điều kiện cụ thể của tổ chức đảng và đại hội để định hướng, gợi mở những nội dung cốt lõi, những vấn đề mới, những vấn đề có nhiều phương án cho thảo luận; lựa chọn hình thức trao đổi, góp ý cho phù hợp, từ đó tiếp nhận, tiếp thu được nhiều ý kiến tâm huyết, có chất lượng. Trong quá trình thảo luận, bàn bạc, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, nhất là đối với những vấn đề mới, vấn đề khó, đồng thời kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, không được phép ngả nghiêng, dao động; luôn tỉnh táo, cảnh giác với mọi âm mưu lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, chống phá.

3.Đặc biệt chú trọng chuẩn bị nhân sự Đại hội. Cần ý thức sâu sắc, chuẩn bị nhân sự không chỉ cho một kỳ đại hội; xa hơn, đó là sự chuẩn bị nhân sự cho tương lai phát triển của tổ chức đảng, sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; rộng hơn, đó là vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất, giới thiệu nhân sự, nhất là người kế nhiệm theo các quy định mới của Trung ương. Chuẩn bị nhân sự phải kết hợp hài hòa giữa nguồn nhân sự tại chỗ với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Đối với các địa phương, đơn vị có cơ cấu cấp uỷ nhưng chưa chuẩn bị được nhân sự tại chỗ, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, điều động nhân sự từ nơi khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để giới thiệu, chỉ định tham gia cấp ủy hoặc bổ sung sau đại hội. Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ từ 10% trở lên, tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác nhân sự đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán theo hướng dẫn của Trung ương; phải bảo đảm lựa chọn được những người tốt nhất, người xứng đáng nhất, không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đồng thời kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen. Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề, cho nên trong quá trình lựa chọn nhân sự bên cạnh việc phát hiện đúng- trúng thì cố gắng không bỏ sót nhân tài bởi không tìm chọn, sử dụng nhân tài là sự lãng phí về tài nguyên và tiềm năng con người.

Quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội, đặc biệt ở các đảng bộ mới thành lập, kiện toàn, cần giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “đoàn kết thống nhất”, “tự phê bình và phê bình”; quán triệt các nguyên tắc kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển để chuẩn bị thật nghiêm túc, chu đáo, toàn diện các nội dung đại hội,vừa tập trung chuẩn bị cho đại hội, vừa lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Tổ chức đại hội theo hướng thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí, bảo đảm trang trọng, ý nghĩa; gắn với đổi mới cách thức xây dựng, ban hành, quán triệt nghị quyết; tăng cường trao quyền và ủy quyền, giảm thiểu các ban bệ và đầu mối trung gian; phát huy sự chủ động, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự tham gia đóng góp, ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân. Chủ động, tích cực làm tốt công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong toàn đảng bộ và sự đồng thuận trong tập thể quần chúng nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với tổ chức cơ sở đảng. Tạo điều kiện và môi trường thật tốt để phát huy trí tuệ và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng các văn kiện và công tác cán bộ, góp phần tích cực, có hiệu quả vào thành công của đại hội, sớm đưa nghị quyết đại hội Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân.

(Trích bài viết “Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030” của Tổng Bí thư Tô Lâm)

Nguồn: Nhân dân.vn

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

Nhận diện bối cảnh trong kỷ nguyên mới

Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng” với biến đổi rất nhanh và khó lường. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, hình thành phương thức sản xuất số, đòi hỏi chuyển đổi số là một tất yếu. Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cũng nằm trong bối cảnh đó, có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tiễn. Do vậy, cần nhận diện chính xác, phân tích đầy đủ bối cảnh hiện tại và dự báo tương lai để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.

Thứ nhất, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đến năm 2030, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong những điểm đến chính của thương mại thế giới. Vì vậy, trước thời cơ đó, chúng ta cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; phải phát triển được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, có đủ năng lực, phẩm chất và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu đặt ra đối với công tác giáo dục, đào tạo nhân lực nói chung và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng là thích ứng với phương thức sản xuất số, chuyển đổi số trong xã hội. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, để gia tăng năng lực nội sinh thì yêu cầu cần thiết là hợp tác quốc tế về khoa học – công nghệ. Hợp tác, làm việc hiệu quả, nhưng không lệ thuộc vào nước ngoài là một nhiệm vụ, thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Thứ ba, giáo dục – đào tạo dựa trên cơ sở vật chất – kỹ thuật của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phương pháp dạy – học tiên tiến. Trong một thế giới biến đổi khó lường và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều xu thế, mô hình, công nghệ đào tạo và học tập mới làm thay đổi cách thức theo đó tổ chức, cá nhân học tập. Việc chuyển dịch, cải tiến hình thức, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ là xu thế không thể đảo ngược.

Yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên phát triển mới

Để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên phát triển mới, cần chú trọng một số nội dung, yêu cầu cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và nhân dân, thực sự phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm cơ sở cho mỗi quyết định, hành vi; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thể hiện khát vọng vươn lên của dân tộc.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải là những người có trí tuệ lớn, có tư duy chiến lược; thực sự thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; biết vận dụng lý luận vào thực tiễn, dùng lý luận để soi sáng thực tiễn và từ thực tiễn mà tổng kết, phát triển lý luận. Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải có khả năng dự báo trên cơ sở khoa học để luôn chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có năng lực tổ chức thực tiễn, thực hiện hiệu quả Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, có tri thức, phong cách phù hợp, am hiểu về luật pháp, đời sống chính trị, kinh tế, xã hội quốc tế; có tầm nhìn thời đại để đối thoại, trao đổi, khẳng định được diện mạo và tầm vóc của dân tộc, về khát vọng của dân tộc và mong muốn được đóng góp chung vào sự phát triển của nhân loại.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải có năng lực tiếp cận phương thức sản xuất số, hiểu biết sâu sắc về chuyển đổi số và có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực được phân công, góp phần hình thành phương thức sản xuất số trong kỷ nguyên mới.

Một số giải pháp cơ bản nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong kỷ nguyên mới

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; tiếp tục hoàn thiện quy định, cơ chế, chính sách nhằm tạo cơ sở chính trị, pháp lý đầy đủ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn để công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đi vào nền nếp, khoa học; chất lượng, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên tầm cao mới; chỉ đạo xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể dài hạn, bài bản về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, để xây dựng đội ngũ này từ sớm, từ xa.

Thứ hai, các cơ quan tham mưu ở Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động, tích cực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham mưu, đề xuất hoàn thiện quy định, cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể, dài hạn về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên phát triển mới. Tăng cường xây dựng nội dung đào tạo, bồi dưỡng về kỷ nguyên mới, về phương thức sản xuất số.

Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải theo hướng bám sát nhu cầu của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược để xây dựng nội dung, chương trình phù hợp (hướng tới cung cấp kiến thức, kỹ năng mà cán bộ cần) về các khối kiến thức, kỹ năng, như lý luận chính trị; đường lối, chính sách; tầm nhìn, tư duy chiến lược; chuyển đổi số; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng dự báo; kỹ năng xử lý tình huống; kỹ năng đàm phán, xử lý vấn đề quốc tế… Trong đó, đặc biệt chú trọng năng lực rất cần thiết trong kỷ nguyên mới, đó là khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế(10). Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế cần bao quát ba nhóm kiến thức, kỹ năng: 1- Hệ thống tri thức chuyên môn, pháp luật, thông lệ quốc tế; 2- Hệ thống công cụ làm việc, như ngoại ngữ, tin học; 3- Hệ thống kỹ năng mềm, phản biện, đàm phán.

Thứ tư, đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược dựa trên nền tảng chuyển đổi số. Chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp bồi dưỡng, từ cung cấp kiến thức một chiều sang trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thảo luận. Điều này đòi hỏi người trao đổi thực sự có kỹ năng, có đủ tầm tri thức, thực sự am hiểu lý luận, sâu sát thực tiễn và người học rất chủ động, tích cực trong quá trình học tập. Cần phát huy hiệu quả từ việc nghiên cứu, khảo sát mô hình thực tiễn, thảo luận vấn đề thực tiễn đặt ra. Đẩy mạnh hình thức bồi dưỡng trực tuyến và học tập trên internet… Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên đề, tài liệu để đội ngũ cán bộ cấp chiến lược chủ động tự học, tự nghiên cứu; đưa việc tự học, tự trau dồi tri thức trở thành văn hóa, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu thực tế, không tổ chức nghiên cứu thực tế ở trong nước và nước ngoài cho tất cả học viên. Cần lựa chọn từng chuyên đề, từng nhóm học viên để tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế thực sự hiệu quả. Lựa chọn đối tác nước ngoài uy tín, chất lượng để cử cán bộ sang nghiên cứu, học tập. Nội dung, chương trình nghiên cứu ở nước ngoài phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể để khai thác tối đa hiệu quả của việc nghiên cứu; cần trao đổi với phía đối tác về nội dung, vấn đề mà cán bộ quan tâm để phía bạn chuẩn bị chu đáo, đáp ứng đúng yêu cầu. Kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế ở trong nước và nước ngoài cần phổ biến rộng rãi cho tất cả nhóm đối tượng bồi dưỡng, để tham khảo và học tập; đồng thời, tránh tình trạng trùng lặp về nội dung nghiên cứu.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của cơ quan liên quan. Công tác tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức phải được chuẩn bị từ sớm (để cán bộ cấp chiến lược có thời gian sắp xếp kế hoạch công tác, tham gia học tập đầy đủ); xây dựng kế hoạch tổ chức phải bảo đảm bài bản, khoa học. Phân công nhiệm vụ đối với thành viên trong Ban Chỉ đạo và cơ quan, đơn vị liên quan phải cụ thể, rõ trách nhiệm trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; tránh trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Thiết lập chế độ thông tin, báo cáo kịp thời vấn đề liên quan đến lớp học; cơ quan, đơn vị, bộ phận liên quan thường xuyên phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả mục tiêu, yêu cầu mà kế hoạch đề ra. Cần quản lý chặt chẽ quá trình học tập, coi đánh giá kết quả học tập của cán bộ như là một trong những hình thức xem xét, lựa chọn cán bộ phù hợp.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Bổ sung kế hoạch phát KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra vào sáng 19/2, với 463/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Nghị quyết được thông qua quyết nghị mục tiêu tổng quát là: Củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.

Đồng thời, điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu cụ thể là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ đô la Mỹ (USD). GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 – 5%.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.

Về giải pháp đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, Nghị quyết nêu rõ yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Về tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, Nghị quyết yêu cầu trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia. tăng tốc, bứt phá, về đích.

Bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 để thực hiện ngay trong năm 2025.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 – 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Về tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.

Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin – cho”, đầu tư công dàn trải (Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 – 2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án).

Tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành. Triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Khẩn trương có giải pháp phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo…; xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng mô hình “đầu tư công – quản trị tư”, “đầu tư tư – quản trị công”, bảo đảm quyền chủ động của nhà khoa học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

II. TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH VINATEX

Kỷ niệm 95 năm Ngày Truyền thống ngành Dệt May Việt Nam (25/3/1930-25/3/2025)

Với truyền thống tự hào và những thành tích nổi bật của ngành Dệt May, ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-TTg lấy ngày 25 tháng 03 làm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam. Việc lấy ngày 25/3 là Ngày Truyền thống ngành Dệt May Việt Nam không chỉ có ý nghĩa sâu sắc với đối với nhân dân Nam Định, công nhân Dệt Nam Định, với ngành Dệt May Việt Nam mà còn là niềm tự hào chung của giai cấp công nhân Việt Nam.

Không chỉ là một ngành công nghiệp, ngành Dệt May còn gắn liền với lịch sử đấu tranh kiên cường của giai cấp công nhân. Ngay từ những ngày đầu, phong trào công nhân dệt đã khẳng định sự tiên phong, sức sáng tạo và sự tổ chức chặt chẽ, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường của người lao động, tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa liên minh công – nông.

Từ những xưởng dệt nhỏ bé, những nhà máy sơ khai, ngành Dệt May Việt Nam đã từng bước vươn lên, vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từ chiến tranh đến những cuộc khủng hoảng kinh tế, địa chính trị, dịch bệnh và những biến động khôn lường của thị trường. Trong chặng đường ấy, chúng ta đã đoàn kết, tự chủ – tự lực – tự cường biến thách thức thành cơ hội, biến khó khăn thành động lực.

Lớp lớp thế hệ người lao động ngành Dệt May đã kế thừa và tiếp nối, không ngừng dệt nên những hoài bão, cùng nhau viết nên khúc tráng ca đầy tự hào và kiêu hãnh. Chính dòng chảy bất tận của ý chí, của lòng quyết tâm và khát vọng đã tạo nên hào khí của ngành, hun đúc tinh thần dệt may bền bỉ và kiên cường như ngày hôm nay. Đây không chỉ là nền tảng vững chắc mà còn là động lực để chúng ta tiếp tục bứt phá, chinh phục những đỉnh cao mới, khẳng định vị thế xứng đáng của một trong những ngành công nghiệp trụ cột của đất nước.

Ngành Dệt May Việt Nam hôm nay khi đứng TOP3 trên thị trường Dệt May quốc tế, chính là nhờ chiến lược đúng đắn và tinh thần đoàn kết, bền chặt của những con người Dệt May không ngừng sáng tạo, đổi mới, tận tâm với từng đường kim, mũi chỉ. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn nhất, tinh thần ấy càng rực sáng.

Khi đối mặt với cơn bão Covid-19, ngành Dệt May đã chứng minh tinh thần đoàn kết, sức mạnh bền bỉ khi không một doanh nghiệp nào, không một người lao động nào bị bỏ lại phía sau. 3 năm gần đây, đặc biệt là năm 2023, 2024, khi khủng hoảng hậu Covid nặng nề đã tác động đến thị trường toàn cầu, ngành Dệt May Việt Nam vẫn vượt gió rẽ sóng, giữ vững năng lực sản xuất kinh doanh, bảo vệ người lao động, lấy tinh thần “cởi mở – dân chủ” làm kim chỉ nam, khai thác hiệu quả cao năng lực nội tại, dựa vào nền tảng liên tục đổi mới để nâng cao năng lực nắm bắt cơ hội sản xuất kinh doanh.

Kế thừa và phát huy truyền thống từ những thế hệ trước, người Dệt May hôm nay luôn nắm rõ, hiểu, giỏi và yêu việc mình làm, luôn tận tâm với từng nhiệm vụ, sẵn sàng học tập, cải tiến liên tục, đổi mới sáng tạo cùng phát triển, cảm thấy tự hào khi được góp công sức vào thành quả tập thể, chung tay, đoàn kết, tự tin để hội nhập quốc tế.

Kỷ niệm 95 năm Ngày Truyền thống là thời khắc để các thể hệ người dệt may cùng nhau nhìn lại những gì đã qua, khẳng định những giá trị văn hóa cốt lõi và định hướng tầm nhìn chiến lược, đưa ngành Dệt May tiếp tục vững bước, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Ôn lại những thời khắc lịch sử hào hùng là động lực để người lao động phấn đấu, đưa ngành Dệt May vượt qua những thách thức, đón đầu cơ hội để hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và vươn mình trong kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn.

Vinatex tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 2

Ngày 24/2, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 2 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại Hội thảo, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu đã thông tin nhanh về tình hình SXKD những tháng đầu năm 2025 của Tập đoàn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, kết quả SXKD của Vinatex tháng 1/2025 có tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Các đơn vị ngành Sợi về cơ bản đã có đơn hàng cho sản xuất, nhiều đơn vị ngành Sợi đã có lợi nhuận trở lại khi sản xuất các sản phẩm sợi đặc thù cho thị trường ngách. Với ngành May, hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết tháng 6/2025 và đang tiếp tục đàm phán ký kết các đơn hàng trong quý 3, tuy nhiên khách hàng còn thận trọng khi các chính sách về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ảnh hưởng nhiều tới chuỗi cung ứng, nhất là xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó Chánh Văn phòng HĐQT đã trình bày một số thông tin cập nhật về thị trường gồm: Kinh tế vĩ mô và các nền kinh tế lớn; Thị trường xuất nhập khẩu dệt may; Phân tích tác động thuế quan Trump 2.0; Cập nhật các quy định phát triển bền vững.

Trao đổi tại Hội thảo, đại diện các đơn vị tại Dệt May Huế, Dệt May Hòa Thọ, Dệt May miền Nam – Vinatex và PD&B có chung nhận định, thị trường ngành May có những tín hiệu phục hồi của thị trường trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên từ quý 3/2025 có dấu hiệu chững lại vì khách hàng còn đang nghe ngóng tác động của các chính sách thuế của Mỹ đối với nền kinh tế. Cùng với đó, thời điểm 6 tháng đầu năm 2025 hầu hết các đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam đều là những đơn hàng có tính kỹ thuật cao, quy mô nhỏ, kể cả hàng dệt kim nhưng các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật cao hơn so với dệt kim thông thường số lượng lớn. Do đó, các đơn vị đều tận dụng tối đa các cơ hội của thị trường để sản xuất hàng FOB, gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2025, nếu như các tác động của chính sách thuế rõ ràng hơn, thì có thể sẽ phải chuẩn bị các phương án sản xuất CMT để giảm thiểu rủi ro về nguồn gốc xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Kết luận Hội thảo, ông Lê Tiến Trường cho biết, hiện các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ chưa có sự định hình rõ ràng, các chính sách về thuế đối ứng có thể thay đổi liên tục và phải tới tháng 4/2024 mới “ngã ngũ” giống như trường hợp của Canada và Mexico. Do đó, có 3 nhiệm vụ trọng tâm các đơn vị trong hệ thống cần tập trung triển khai, đó là: (1) Tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường trong 6 tháng đầu năm để tăng trưởng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu khi các chính sách bất ngờ của Mỹ chưa xảy ra. Từ đó, hiện thực hóa kết quả SXKD năm 2025 nhanh nhất khi thị trường còn dồi dào đơn hàng, tập trung vào việc đàm phán các đơn hàng có thời gian giao hàng nhanh, không xử lý đơn hàng theo nguyên tắc thông thường; (2) Có các biện pháp đàm phán đối với các đơn hàng FOB, làm rõ nguyên tắc trong các hợp đồng đàm phán đối với trường hợp giao hàng sau tháng 6/2025 về nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu, cũng như cam kết đồng hành của các nhà mua hàng đối với nhà sản xuất; (3) Năm 2025 được dự đoán là năm có tốc độ phá giá đồng Việt Nam cao nhất để thực hiện các chính sách tài chính của Chính phủ cũng như để nới trần nợ công tạo đà cho tăng trưởng trên 8% của nền kinh tế. Điều này sẽ có lợi đối với các đơn vị xuất khẩu, nhưng với các đơn vị có tỷ trọng nhập siêu nguồn nguyên phụ liệu hay đầu tư chiều sâu cho máy móc thiết bị… thì cần nghiên cứu kỹ khi có sự chênh lệch tỷ giá hối đoái, có khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục lên, thậm chí ở ngưỡng 26.000 VND/1 USD…

Vinatex tổ chức thành công Đại hội điểm tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030

Ngày 25, 26/02, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) long trọng tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ trường lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030. Đảng bộ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam lựa chọn là đơn vị tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030 và đã thành công tốt đẹp.

Ngày thứ nhất 25/2, triển khai phiên trù bị đại hội, Đảng bộ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định.

Tại phiên chính thức sáng 26/2, Dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ nhà trường nêu rõ: Nhiệm kỳ 2020-2025, đảng bộ HTU đã hoàn thành 16/24 chỉ tiêu về thực hiện nhiệm vụ chính, trong đó có 4/4 chỉ tiêu xây dựng đảng hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Các Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm của đảng ủy đều bám sát Nghị quyết đại hội Đảng bộ trường, chỉ rõ các mục tiêu quan  trọng của nhiệm vụ chính trị về tuyển sinh, sản xuất, đào tạo, nghiên cứu khoa học, … Duy trì được mô hình tự chủ mặc dù không có ngân sách nhà nước từ năm 2021 và nằm trong tốp 6,6% các đơn vị sự nghiệp tự chủ tốt nhất cả nước. Đảm bảo đủ nguồn cán bộ cho việc bổ nhiệm, tổ chức Đại hội Đảng các cấp theo quy định. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số cho khu vực đào tạo, nhiều thành tựu công nghệ của cuộc CMCN 4.0 được đưa vào công tác quản lý và đào tạo. Đào tạo quản lý và trình độ đại học dần đi vào ổn định, sinh viên trình độ đại học đáp ứng tốt yêu cầu, nhận được phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp và người học.

Nhiệm kỳ 2025-2030, đảng bộ HTU tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh cạnh tranh trong tuyển sinh ngày càng gay gắt. Đẩy mạnh mô hình trường đại học tự chủ, đa ngành với quy mô ổn định khoảng 3.500-4.000 sinh viên/năm. Nâng cao chất lượng tự chủ tài chính, phát triển chất lượng đào tạo nhân lực dệt may theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Trung tâm Sản xuất Dịch vụ phấn đấu đạt doanh thu và lợi nhuận tương đương với một DN loại vừa. Phát huy tính chủ động của các chi ủy, các tổ chức đoàn thể và bộ phận tuyên giáo – dân vận để giám sát tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và giải quyết kịp thời các phát sinh. Thường xuyên tổ chức và đổi mới các chuyên đề sinh hoạt hàng tháng/quý của chi bộ theo hướng gắn các nội dung tự chủ, tiết kiệm chống lãng phí, làm việc sáng tạo hiệu quả, đề cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, làm rõ vị trí, vai trò của mỗi cá nhân trong tập thể; gắn mục tiêu của từng đảng viên với mục tiêu của đơn vị.

Rà soát, củng cố các chương trình đào tạo theo đúng định hướng ứng dụng, nội dung gắn với thực tế tại doanh nghiệp. Tiếp tục củng cố chất lượng đào tạo và quản lý đào tạo đối với các ngành mới mở, ngành ngoài dệt may. Tăng cường tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng tại các doanh nghiệp dệt may. Rà soát điều chỉnh chiến lược phát triển trường cho phù hợp với giai đoạn mới, tiếp tục thực hiện thủ tục đổi tên trường. Điều chỉnh cơ cấu tổ chức cho phù hợp với cơ cấu tuyển sinh và thay đổi nhân sự.

Phát huy tinh thần dân chủ, tự lực, tự cường trong đảng để huy động được sức mạnh của cả Đảng bộ trong lãnh đạo thực hiện xây dựng đảng và hoàn  thành các chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là chỉ tiêu tuyển sinh, sản xuất, xây dựng đội ngũ GV… Phát huy tốt vai trò của ban giám hiệu, người đứng đầu là bí thư chi bộ, trưởng các đơn vị chức năng trong tổ chức thực hiện sáng tạo các nhiệm vụ tự chủ được giao. Các ngành nghề đào tạo của trường cần được đột phá phát triển theo hướng cung cấp nhân lực có chất lượng cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành dệt may từ khâu thiết kế thời trang, nguyên liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketing.

Thay mặt Đảng ủy Tập đoàn, đồng chí Lê Tiến Trường – UV BCH Đảng bộ Chính Phủ, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex biểu dương những thành tựu Đảng bộ HTU đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Lê Tiến Trường nhấn mạnh, nhiệm kỳ vừa qua Đảng bộ nhà trường đã triển khai tốt các mặt công tác xây dựng Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng tại đơn vị… HTU đã thực hiện tốt nghị quyết Đại hội lần thứ XV của trường với một số kết quả nổi bật. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về công tác kết nạp đảng. Công tác kiểm tra, giám sát được Đảng ủy HTU chú trọng thực hiện thường xuyên, bảo đảm đúng quy định của đảng. Nhà trường đã triển khai thành công mô hình đạo tạo đại học theo hướng ứng dụng cho ngành dệt may với hơn 3.650 cử nhân trình độ đại học tốt nghiệp trong giai đoạn 2020-2025.

Đảng ủy Tập đoàn nhận định nhiệm kỳ 2025-2030 là một nhiệm kỳ đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội để HTU có những bứt phá, khẳng định vai trò của một trường đại học đào tạo chuyên sâu cho ngành dệt may và hoàn toàn tự chủ. Đây sẽ là nhiệm kỳ cả nước vẫn tinh gọn bộ máy và với quan điểm tạo công bằng cho cả khu vực công và tư thì có thể sẽ có những điều kiện tốt hơn đối với nhà trường. Khu vực đào tạo các ngành nghề kỹ thuật chuyên sâu có mức độ cạnh tranh thấp hơn so với các ngành đào tạo xã hội và kinh tế. Thế mạnh của HTU là tập trung vào các ngành kỹ thuật vì tính cạnh tranh thấp hơn. Đây chính là bài học rút ra trong nhiệm kỳ vừa qua là khi đào tạo đa ngành vẫn phải nghĩ tới đào tạo từ cái lõi là đào tạo kỹ thuật dệt may và phát huy lợi thế, năng lực canh tranh ở đó.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, nhằm xây dựng Đảng bộ nhà trường vững mạnh, phát triển bền vững, đảng bộ HTU cần tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng. Xây dựng Đảng vẫn phải là yếu tố nòng cốt, tiên quyết cho thành công của nhiệm kỳ tới của Đảng bộ nhà trường. Đây sẽ là tiêu chí, chuẩn mực để đánh giá chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm người lãnh đạo. Xây dựng Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo chính là thông qua chất lượng của Nghị quyết, nắm trúng, phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp tốt trong nhiệm kỳ. Nghị quyết chính là chuẩn mực để đánh giá năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng HTU. Tới đây nhà trường cần chuẩn bị thêm việc tự chủ về nhân sự lãnh đạo, người hoạch định chiến lược phát triển.

“Bốn đột phá phát triển của HTU trong nhiệm kỳ tới chính là đột phá trong công tác tuyển sinh với chỉ tiêu sống còn là đào tạo 3.500-4.000 SV/năm. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, củng cố ngành nghề đào tạo theo chuỗi hoàn chỉnh của ngành dệt may, có cơ sở khuyến khích giảng viên cơ hữu đạt tiến sỹ trên 70%. Thu hút đội ngũ giảng viên thỉnh giảng toàn thời gian, ưu tiên nhân sự có trình độ tiến sỹ, có năng lực dẫn dắt các nhóm nghiên cứu hướng về giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp trọng tâm là chuyển đổi số và nhà máy thông minh. Tiếp tục tinh gọn bộ máy theo hướng nhà trường số và thông minh. Đào tạo ra đội ngũ có năng lực làm trong lĩnh vực công nghệ dệt may nhưng chuyển đổi số được các nhà máy, năng lực thiết kế vận hành và hiểu về nhà máy thông minh. Đổi mới chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên luôn đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất kinh doanh. Ưu tiên cập nhật, hoàn thiện 2 ngành chính là Công nghệ May và Thời trang. Tích hợp đa nhiệm trong đào tạo ngành Công nghệ May để có thể đảm nhiệm tốt quản lý sản xuất, quản lý khách hàng, đảm nhiệm nhiều vị trí, có tính đa nhiệm, tùy biến cao nhất trong doanh nghiệp. Hình thành nhóm khách hàng truyền thống và đào tạo theo đặt hàng cho doanh nghiệp” – Đồng chí Lê Tiến Trường giao nhiệm vụ.

Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 15 đồng chí và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ Tập đoàn khóa IV. Đồng chí Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2025-2030.

Nâng cao nhận thức, gia tăng sự gắn kết, khơi gợi nguyện vọng gia nhập Đảng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức diễn đàn “Phấn đấu để xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Đại diện Công đoàn Dệt May Việt Nam, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành đã trình bày tham luận về “Mức độ quan tâm và nguyện vọng phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam của công nhân lao động”

Đồng chí Thanh Tâm khẳng định, qua tổng hợp 5 năm trở lại đây, kết quả phát triển Đảng trong công nhân của dệt may còn khiêm tốn. Dù các cấp ủy Đảng và Công đoàn đã có nhiều cố gắng, song từ 2020-2024 toàn hệ thống kết nạp được 1.416 đảng viên nhưng chỉ có 610 công nhân trực tiếp sản xuất, chiếm tỉ lệ gần 44%, chưa tương thích với tỉ lệ công nhân trực tiếp sản xuất.

Về nguyên nhân, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm cho hay, do trình độ người lao động không cao, nhận thức còn hạn chế, đời sống còn thấp so với các ngành nghề khác; hơn nữa, lao động nữ của ngành chiếm trên 70%, nên mối quan tâm hàng đầu của họ là chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Do đó, đại đa số người lao động đi làm chỉ chú trọng đến việc tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống, ít quan tâm đến các hoạt động chính trị.

Cùng đó, lao động của dệt may đa số nhập cư, thường xuyên biến động. Vì vậy, họ không muốn dành thêm thời gian cho những vấn đề chính trị, nhất là khi thay đổi nơi cư trú hay tìm kiếm các cơ hội việc làm khác ở các công ty FDI, tư nhân. Với công nhân lớn tuổi, họ không muốn vào Đảng vì nghĩ mình không còn nhiều cơ hội phát triển.

Về giải pháp phát triển Đảng viên tại doanh nghiệp, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm cho rằng: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong đó, đưa các chương trình tuyên truyền về Đảng, về vai trò của Đảng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, trong các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động vào các buổi sinh hoạt Đảng, Công đoàn, ca tổ sản xuất, chương trình truyền thanh Công đoàn đến từng phân xưởng; Cần cải thiện điều kiện làm việc và đời sống công nhân: Các cấp ủy Đảng cần có nhiều hơn nữa các chủ trương, đường lối, tạo cơ chế, chính sách tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến việc làm, đời sống của người lao động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an cư, an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm, nhà ở, trường học, khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi luyện tập thể thao… Cần tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia phong trào, hoạt động của Đảng, đoàn thể. Quan tâm tạo điều kiện về thời gian, chế độ đãi ngộ phù hợp cho người lao động tham gia các lớp nâng cao nhận thức về Đảng, trình độ kỹ năng nghề nghiệp; Cần xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa Đảng, Công đoàn và công nhân. Các cấp ủy Đảng cần chủ động tổ chức các buổi làm việc với Công đoàn, các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, gặp gỡ, thăm hỏi, tôn vinh người lao động; Cần đổi mới sinh hoạt Đảng; cải tiến quy trình, thủ tục phát triển, quản lý Đảng viên. Nên cho phép linh hoạt trong tổ chức sinh hoạt chi bộ, cung cấp, trao đổi thông tin bằng những hình thức, phương pháp, thời gian phù hợp với đặc thù của các tổ chức đảng trực tiếp sản xuất, làm việc theo dây chuyền…

* Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương 95 công nhân tiêu biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ nhất – năm 2025 nhằm khích lệ công nhân cả nước nỗ lực phấn đấu trở thành đảng viên, vững niềm tin tiến bước dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Công đoàn Dệt May Việt Nam vinh dự có 02 trong tổng số 95 cá nhân được vinh danh, đó là đồng chí Đỗ Thị Thúy – Tổng Công ty May 10-CTCP và đồng chí Đỗ Văn Tiền – Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội.

Lãnh đạo Vinatex chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2025

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu cùng đoàn công tác của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tới chúc mừng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế Trung tâm Y tế – Bệnh viện Dệt May.

Thay mặt tập thể CBNV-NLĐ gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, BS. Dương Trình Xuyên- Giám đốc Trung tâm Y tế – Bệnh viện Dệt May cho biết, sau buổi gặp mặt đầu xuân năm mới Ất Tỵ 2025 của Lãnh đạo Tập đoàn với Ban Lãnh đạo và tập thể đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện, ngay trong những ngày đầu năm, bệnh viện đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nhờ vào nhiều giải pháp đồng bộ, hiện số bệnh nhân điều trị ngoại trú đã tăng lên trung bình khoảng 250 – 300 người, cùng với đó số bệnh nhân nội trú cũng đạt trung bình khoảng 150 người, đảm bảo năng lực hoạt động của bệnh viện. Số bệnh nhân đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu của bảo hiểm y tế cũng đạt khoảng 45 nghìn người. Nhiều thời điểm số bệnh nhân tăng đột biến, cán bộ y bác sĩ phải “gồng mình”, túc trực cả ngày cuối tuần để phục vụ người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tích cực triển khai phát triển một số khoa chuyên sâu, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác khám chữa bệnh của người lao động dệt may và nhân dân trong khu vực…

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu bày tỏ, sau 27 năm thành lập, từ một bệnh xá cho người lao động Dệt 8-3 với trang thiết bị, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đến nay Trung tâm Y tế – Bệnh viện Dệt May đã vươn mình lên thành bệnh viện đa khoa hạng 2 với nhiều chuyên khoa, đặc biệt có thêm chức năng y tế dự phòng. Cùng với đó, bệnh viện còn xây dựng được niềm tin đối với bệnh nhân, trở thành đối tác và địa chỉ tin cậy cho người lao động dệt may và nhân dân. Giai đoạn dịch Covid-19, nhờ có bệnh viện, người lao động trong ngành tại khu vực miền Bắc đã được tiếp cận vắc xin kịp thời, phủ rộng số lượng người được tiêm vắc xin, nhờ đó ổn định sản xuất.

“Trong thời gian tới, dù ở môi trường và hoàn cảnh nào thì đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện vẫn luôn phải thực hiện tôn chỉ mà trong thư bác Hồ gửi đội ngũ thầy thuốc, với trọng tâm là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh lên hàng đầu. Đổi mới, áp dụng công nghệ y học hiện đại để triển khai và đưa vào các chuyên ngành mới. Bệnh viện cần quan tâm chăm lo đời sống cho cán bộ y bác sĩ, nhân viên, để mỗi người đều toàn tâm, toàn ý với công việc, tìm thấy niềm vui mỗi ngày đi làm, để mỗi bệnh nhân thấy được sự tận tâm, tận tuỵ của đội ngũ y bác sĩ đúng với câu nói “Lương y như từ mẫu”, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của người lao động ngành dệt may và nhân dân” – Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

III. VĂN BẢN VÀ CHÍNH SÁCH MỚI

  1. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/1/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
  2. Kết luận số 115-KL/TW, ngày 16/01/2025 của BCH TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/01/2019 của BCT khóa XII về về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
  3. Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của BCH TW về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35 CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về ĐHĐB các cấp tiến tới ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
  4. Công văn số 63-CV/BTGDVTW, ngày 20/02/2025 của Ban Tuyên giáo Dân vận Trung ương về định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 03/2025

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM


Các tin khác