Soi chiếu thị trường dệt may năm 2023 – Tìm xung lực cho năm 2024


Trải qua một năm 2023 đầy khó khăn sóng gió đã làm cho nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đuối sức. Năm 2024 đang đến với những cơ hội và thách thức đan xen, song song với sự phục hồi kinh tế là những rủi ro tiềm ẩn từ xung đột địa-chính trị và những quy định, yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng dệt may. Đồng thời xu hướng đổi mới và phát triển công nghệ cũng sẽ là bài toán cần chúng ta đưa ra lời giải. Cùng soi chiếu thị trường dệt may 2023 từ cả phía cung và cầu, nhận định cho năm 2024 và rút ra bài học cho năm con Rồng.

THỊ TRƯỜNG XUẤT NHẬP KHẨU DỆT MAY 2023

Tổng cầu dệt may của các thị trường chính

Mỹ vẫn là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Tính đến hết tháng 10/2023, tổng KNNK hàng dệt may của Mỹ đạt 90 tỷ USD (giảm 21% so với cùng kỳ), trong đó mặt hàng may mặc có KNNK đạt 67,3 tỷ USD (giảm 23% so cùng kỳ). Ước cả năm 2023, KNNK hàng dệt may của Mỹ năm 2023 đạt 108 tỷ USD, (trong đó riêng hàng may mặc KNNK đạt khoảng 81 tỷ USD), giảm 19% so với năm trước, bằng 97% so với năm 2019 trước dịch Covid, sát với kịch bản thấp theo dự báo hồi đầu năm của Tập đoàn.

Đối với thị trường châu Âu (27 quốc gia), nếu xét theo khu vực thì EU27 là khu vực nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới với nhu cầu nhập khẩu từ ngoại khối trung bình mỗi năm đạt xấp xỉ 112 tỷ Euro (tương đương 123 tỷ USD) trong giai đoạn 2018 – 2022 và nằm trong TOP 3 thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam. Tương tự như thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu dệt may của EU27 trong năm 2022 tăng đột biến 30% (từ 103,4 tỷ Euro năm 2021 lên 135,5 tỷ Euro) do hiện tượng quá mua sau Covid-19 tại các thị trường lớn, là 1 phần nguyên nhân dẫn đến hàng tồn kho tăng cao trong năm 2023 và làm xáo trộn thị trường khi nhu cầu sụt giảm đột ngột.

Lũy kế đến hết tháng 10/2023, khối EU27 đã nhập 95 tỷ Euro hàng dệt may từ ngoại khối, giảm 17% so với cùng kỳ 2022. Ước tính cả năm 2023, KNNK của khối này đạt khoảng 113 – 114 tỷ Euro, giảm 17% so với năm trước và chỉ tương đương mức năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19.

Về thị trường Trung Quốc, mặc dù là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, song đây là 1 trong 5 thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam, tiêu thụ 60% sợi xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2023 nhu cầu nhập khẩu dệt may của Trung Quốc, chủ yếu là bông và sợi, giảm 10% so năm trước đạt 24,2 tỷ USD, xuất phát một phần từ thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU giảm nhập khẩu hàng may mặc, mặt khác do suy giảm nhu cầu nội địa (cả phục vụ tiêu dùng lẫn sản xuất) vì các biện pháp cứng rắn trong phòng chống dịch Covid – 19 (các hạn chế dịch Covid mới được gỡ bỏ hoàn toàn từ đầu tháng 3/2023) và những khó khăn trong nền kinh tế của cường quốc này.

Trong khi các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đều suy giảm nhu cầu, Nhật Bản và Hàn Quốc nổi lên là 2 thị trường giữ được mức tiêu thụ so với năm trước. Ước tính cả năm 2023, Nhật Bản sẽ nhập khẩu khoảng 33-34 tỷ USD hàng dệt may (tương đương năm 2022), trong đó hàng may mặc chiếm trên 70%. KNNK dệt may của Hàn Quốc năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, giảm nhẹ 5% so với năm 2022.

Kết quả xuất khẩu dệt may của một số quốc gia cạnh tranh

Trong các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn, Trung Quốc và Ấn Độ đều suy giảm xuất khẩu, cụ thể xuất khẩu dệt may Trung Quốc năm 2023 ước đạt gần 300 tỷ USD, giảm 8% so năm trước (dệt may Trung Quốc chỉ duy trì tăng trưởng được trong 2 tháng 3 và tháng 4 sau khi mở cửa hoàn toàn từ đầu tháng 3, sau đó suy giảm liên tục đến cuối năm). Xuất khẩu dệt may Ấn Độ năm 2023 ước giảm 13% so với năm trước (mặc dù có cải thiện trong quý 3 song suy giảm trở lại vào quý 4).

 

Bangladesh là quốc gia xuất khẩu dệt may duy nhất giữ được đà tăng trưởng trong thị trường nhiều cơn gió ngược. Lũy kế 11 tháng năm 2023, KNXK dệt may của Bangladesh đạt 45,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2022. Ước cả năm 2023, KNXK dệt may Bangladesh đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tạo khoảng cách 10 tỷ USD so với dệt may Việt Nam nhờ lợi thế cạnh tranh về giá do chi phí lao động thấp và ưu đãi thuế quan cho nước kém phát triển.

 

Kết quả xuất khẩu dệt may của Việt Nam

Lũy kế 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 36,1 tỷ USD hàng dệt may, giảm 12,3% so với cùng kỳ 2022 nhưng tương đương mức cùng kỳ 2021 (36,1 tỷ USD) và cao hơn cùng kỳ 2019 trước đại dịch (35,6 tỷ USD). Ước tính cả năm 2023, KNXK hàng dệt may của Việt Nam giảm khoảng 10% so với 2022, đạt xấp xỉ 40 tỷ USD.

Xét theo các thị trường xuất khẩu chính, đa số đều ghi nhận tín hiệu cải thiện tích cực qua từng tháng về cuối năm. Đơn cử, thị trường Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2023 giảm 24%, sau 6 tháng tăng trưởng liên tục, lũy kế 11 tháng năm 2023 xuất khẩu đi Trung Quốc chỉ còn giảm 1,4% so cùng kỳ năm trước, riêng tháng 11 ghi nhận sự tăng trưởng 18%. Thị trường Mỹ 6 tháng đầu năm 2023 giảm 26%, đến hết 11 tháng chỉ còn giảm 18,8%, riêng tháng 11 chỉ giảm 4,6% so cùng kỳ năm trước. Nhật Bản là thị trường giữ được KNXK như năm 2022.

VÌ SAO THỊ TRƯỜNG SỤT GIẢM?

Nguyên nhân khách quan

* Các yếu tố tác động đến từ xung đột địa-chính trị, lãi suất điều hành được nhiều ngân hàng trung ương đẩy lên mức cao nhất trong lịch sử để chống lạm phát tạo áp lực lên giá cả sinh hoạt và các mặt hàng cốt yếu (nhà đất, nhiên liệu, thực phẩm..) làm cho nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm.

* Các nhãn hàng có xu hướng dịch chuyển đơn hàng (đặc biệt là đơn hàng nhỏ) sang các nước có lợi thế về mặt địa lý (lũy kế 10 tháng 2023, thị phần XK hàng may mặc đến Mỹ của Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Cambodia và Indonesia đều giảm, trong khi Trung Mỹ duy trì thị phần, Bắc Mỹ tăng 0,6%) đồng thời đặt ưu tiên về giá lên hàng đầu.

* Lợi thế cạnh tranh của các đối thủ từ chính sách ưu đãi thuế quan dành cho nước kém phát triển (Bangladesh, khu vực châu Phi). Chính phủ một số nước dành ưu đãi đặc thù cho ngành dệt may của họ để vượt qua giai đoạn khó khăn (ví dụ như Trung Quốc hỗ trợ giá điện cho doanh nghiệp sản xuất sợi, kích thích sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu). Việc Trung Quốc mở cửa với vai trò là nhà cung cấp dệt may lớn nhất thế giới cũng trực tiếp ảnh hưởng đến thị phần xuất khẩu của Việt Nam.

* Xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều bất lợi hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác do yếu tố tỷ giá khi Việt Nam đồng ổn định so với đồng USD trong suốt 8 tháng đầu năm 2023, ngược lại, các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu (thậm chí phá giá đồng tiền). Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 4,9%, đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá 31%, đồng Rupee Pakistan mất giá 21,2%, đồng Bảng Ai Cập mất giá 19,9%, đồng Taka Bangladesh mất giá 5,9%.

* Ở trong nước, doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng với lãi suất vay cao trong nửa đầu năm 2023. Đã có những thời điểm, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 10-12%, cao hơn khoảng 3% các nước khác.

* Chi phí tiền lương cao dẫn đến khó khăn trong cạnh tranh đơn hàng về giá. Hiện nay trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn, Việt Nam đứng thứ 2 về tiền lương (sau Trung Quốc) với mức lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc là 300 USD/người/tháng. Trong khi đó, Bangladesh chỉ ở mức 95 USD/người/tháng trong suốt năm 2023 (hiện đã tăng tiền lương tối thiểu lên mức 113 USD/người/tháng từ 1/12/2023, kéo tiền lương thực tế chỉ lên khoảng 125-230 USD/người/tháng), Campuchia 190 USD/người/tháng, Ấn Độ 145 USD/người/tháng.

Nguyên nhân chủ quan

* Suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến cho thị phần giảm. Hiện nay mặt bằng chung về năng suất lao động của doanh nghiệp trong ngành còn thấp do hạn chế về máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, trong khi chi phí lao động trên một sản phẩm cao hơn các đối thủ. Nhiều mặt hàng sợi, vải cao cấp chưa đủ khả năng sản xuất.

* Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong ngành còn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước do đó vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất.

* Khi thị trường gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất định như năm 2023, việc thanh lọc, đào thải nhà cung cấp của nhà mua hàng bắt đầu diễn ra mạnh mẽ. Bản thân các hãng thời trang lớn phải đối mặt với áp lực giảm giá để giảm hàng tồn kho tăng lên mức cao nhất trong thập kỷ qua, chi phí tiết giảm cũng gần như đã tới hạn, buộc các hãng lớn phải cắt giảm số lượng đơn hàng, giảm đơn giá, giảm số lượng nhà cung cấp. Nhiều doanh nghiệp trước đây chỉ tham gia trong chuỗi cung ứng với vai trò nhà sản xuất thứ cấp (gia công lại) hoặc phụ thuộc số ít khách hàng chủ lực mà không chú trọng phát triển đội ngũ thị trường, đa dạng hóa khách hàng thực sự đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay. Ngược lại, với những doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, trực tiếp sản xuất cho các nhãn hàng, có đội ngũ phát triển thị trường mạnh lại đứng vững hơn khi thị trường khó với sự suy giảm ít nhất, sau cùng. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong hệ thống Tập đoàn tồn tại ở 2 thái cực: một số doanh nghiệp đã trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng và là đối tác ưu tiên của người mua hàng; mặt khác, một số doanh nghiệp có thời điểm ghi nhận đơn hàng giảm đột ngột, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất do không khẳng định được năng lực của mình trong toàn chuỗi.

* Kết quả SXKD chưa đạt được như kỳ vọng, suy giảm mạnh so với năm 2022 một phần do việc lựa chọn mục tiêu. Ngay từ thời điểm cuối năm 2022 đầu năm 2023, ban lãnh đạo Tập đoàn đã tích cực chỉ đạo, điều hành, đưa các dự báo, nhận định tình hình thị trường sát với thực tế. Trong 3 kịch bản tăng trưởng, kịch bản tốt nhất được lựa chọn để làm mục tiêu phấn đấu và kỳ vọng những tín hiệu khởi sắc từ thị trường toàn cầu trong năm, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Do đó, vào lúc thị trường khó khăn nhất, một số doanh nghiệp trong hệ thống đã rơi vào thế bị động, thiếu hụt đơn hàng. Các giải pháp phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù mới trong giai đoạn thăm dò thị trường, chưa đủ quy mô để thay thế sự suy giảm của các đơn hàng phổ thông. Ngành sản xuất nguyên liệu, chủ yếu là sợi gặp khó khăn kéo dài do các chính sách của Trung Quốc như đã nêu ở phần trên.

07 BÀI HỌC KINH NGHIỆM

  • Việc cân bằng và đa dạng hóa giữa các thị trường, khách hàng và chủng loại sản phẩm cung ứng rất quan trọng. Vừa có thể duy trì được khách hàng và thị trường truyền thống, vừa tránh được việc “bỏ trứng vào 1 giỏ” khi thị trường gặp khó khăn.
  • Khẳng định năng lực, tham gia vào sâu trong chuỗi cung ứng như một mắt xích quan trọng mang lại giá trị cao sẽ giúp doanh nghiệp có được sự ưu tiên trong chuỗi. Bên cạnh đó, vị thế mắt xích chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp trở thành điểm đến của khách hàng khi có sự dịch chuyển đơn hàng trong chuỗi cung ứng (dưới tác động của các sự kiện kinh tế – chính trị – xã hội), nhất là trong xu hướng tìm nguồn cung thay thế Trung Quốc.
  • Trong bối cảnh các thị trường và sản phẩm truyền thống đã trở nên “chật chội” với sự cạnh tranh bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, cần đẩy mạnh công tác R&D để phát triển các sẩn phẩm mới, sản phẩm chuyên biệt từ đó tạo ra thị trường ngách cho riêng mình.
  • Bài học rõ nét trong năm 2023 khi lãi suất liên tục tăng dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận tín dụng cho thấy doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn, nguồn tài chính cho hoạt động SXKD của mình từ các kênh đầu tư, tài trợ ngoài nguồn vay từ ngân hàng thương mại.
  • Sự linh hoạt trong quy mô và phương thức tổ chức sản xuất trở nên đặc biệt quan trọng khi khách hàng thay đổi nhu cầu nhanh chóng: từ đơn hàng lớn có nhiều thời gian chuẩn bị chuyển sang đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu giao nhanh. Do đó, các doanh nghiệp cần bố trí, sắp xếp nguồn lực sản xuất một cách linh hoạt, chủ động nắm bắt, khai thác thông tin từ phía khách hàng để chuẩn bị sản xuất một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần ưu tiên sản xuất các dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, duy trì tỷ lệ hợp lý các sản phẩm truyền thống để đảm bảo việc làm, thu nhập cơ bản cho người lao động.
  • Số hóa một cách đồng bộ để ứng dụng hệ thống quản trị thông minh, tăng cường tính minh bạch trong cả khâu sản xuất và quản lý.
  • Từng bước thực hiện tái cấu trúc về thị trường, khách hàng, tổ chức sản xuất cho phù hợp với điều kiện mới, hướng đến mục tiêu sản xuất xanh và bền vững.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG – TẠO XUNG LỰC CHO NĂM 2024

Năm 2023 dường như là “đáy” của kinh tế toàn cầu với nhiều rủi ro, biến cố như: chiến tranh Nga – Ukraine chưa có hồi kết; thị trường tài chính Mỹ, EU đứng trước rủi ro suy thoái với việc hàng loạt ngân hàng phá sản; lạm phát và lãi suất đạt đỉnh lịch sử tại nhiều nước; xung đột vũ trang lan ra nhiều mặt trận ở Trung Đông; bong bóng bất động sản đe dọa Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới; chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chủ nghĩa bảo hộ cản trở thương mại toàn cầu. Sang năm 2024, mặc dù vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhưng những thách thức kinh tế lớn nhất đã qua, đánh dấu bằng việc các ngân hàng trung ương đồng loạt thông báo kết thúc chu kỳ tăng lãi suất tại kỳ họp tháng 12 do lạm phát đã giảm và phát đi tín hiệu sẽ có những đợt giảm lãi suất trong năm 2024 và 2025. Điều này mở ra hy vọng phục hồi kinh tế và giảm áp lực lên chi tiêu tiêu dùng.

Kinh tế toàn cầu 2024 được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn so với kỳ vọng và những dự báo đầu năm. Trong đó kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn tiên phong tăng trưởng trong các nước phát triển. Kinh tế châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực trong năm tới nhưng vẫn ở mức thấp do sự chậm chạp ở các đầu tàu kinh tế như Đức, Pháp và Ý.

Ngành dệt may năm 2024 cũng sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, diễn biến những tháng cuối năm 2023 cho thấy một số tín hiệu tích cực cho dệt may Việt Nam từ phía đối thủ cạnh tranh. Áp lực của đồng Đô la đã giảm và các quốc gia cạnh tranh không thể phá giá nội tệ thêm. Việc tăng tiền lương tối thiểu từ ngày 1/12/2023 của Chính phủ Bangladesh hy vọng sẽ giúp giảm bớt cạnh tranh về giá từ nước này. Bên cạnh đó, các vấn đề về đảm bảo quyền lao động liên quan đến công đoàn và lương đủ sống của Bangladesh đứng trước những câu hỏi của người mua hàng. Các thương hiệu toàn cầu như Inditex, Fast Retailing, Primark, Marks & Spencer… rời Myanmar do nội chiến đã mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt khách hàng. Các cuộc đảo chính tại châu Phi và bất ổn chính trị-xã hội ở khu vực châu Mỹ Latinh cũng sẽ giúp giảm bớt cạnh tranh về đơn hàng trong xu hướng dịch chuyển sang khu vực các nước kém phát triển với chi phí nhân công giá rẻ.

Khi thị trường phục hồi với nhu cầu tiêu dùng cải thiện tốt, nhãn hàng sẽ có xu thế ưu tiên các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững trong sản xuất hơn là giá. Do vậy, với lợi thế tuân thủ tốt pháp luật trong nước và quy định quốc tế về lao động, môi trường và xã hội, doanh nghiệp may mặc có cơ hội nắm bắt đơn hàng quay trở lại sớm hơn. Trong khi đó, ngành sợi và dệt nhuộm vẫn còn gặp nhiều khó khăn cho đến hết quý 1/2024 do thị trường chính là Trung Quốc vẫn còn trầm lắng.

Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước sẽ tiếp tục ổn định hơn trong năm 2024 với dự báo tăng trưởng 6% – 6,5% (năm 2023 ước tăng trưởng 5,05%). Bên cạnh đó, sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua, sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp cho doanh nghiệp để phục vụ SXKD. Thuế VAT tiếp tục được giữ ở mức 8% cho đến hết nửa đầu năm 2024 sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa. Tuy vậy, việc tiền lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ 1/7/2024 và khả năng tăng tiền điện trong năm 2024 sẽ tạo ra áp lực không hề nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc quản trị chi phí, duy trì và mở rộng lực lượng lao động để đón chờ đơn hàng mới.

Bài: Văn phòng HĐQT Vinatex


Các tin khác