Quản trị trong khủng hoảng


Có vẻ như đại dịch SARS-CoV-2 sẽ còn rất phức tạp, kéo dài với các đợt tái bùng phát đột ngột do lây nhiễm các biến chủng Covid-19 mới. Biến chủng sau nguyên hiểm hơn biến chủng trước. Đợt bùng phát thứ 4 ở nước ta hiện nay với biến chủng Delta lây nhiễm nhanh hơn và nguy hiểm hơn đã tác động nặng nề đến nước ta, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long với hạt nhân phát triển là thành phố Hồ Chí Minh và bây giờ là Thủ đô Hà Nội.

Chưa có hồi kết

Báo cáo với Quốc hội tại phiên họp đầu tiên của khóa XV, Chính phủ nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam đã cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách bằng cách vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế và bảo đảm đời sống của người dân. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vaccine và phương châm “4 tại chỗ”, tin tưởng cuộc chiến phòng, chống dịch sẽ mang lại kết quả tích cực.

Ảnh minh họa

Với mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 5,64%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định là những nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế năm 2021 khi đẩy lùi được đợt bùng phát thứ 4 này, vốn đã kéo dài 3 tháng kể từ đầu tháng 5 và có thể còn phải mất thêm một tháng để ổn định tình hình, chiếm hết 1 phần 3 thời gian vật chất của cả năm nay.

Năm 2021 là năm đầu của chiến lược 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 nên có ý nghĩa chạy đà, là tiền đề, nền tảng quan trọng cho việc thực hiện thành công các kế hoạch đó. Do đó, Chính phủ đang tập trung tập trung xây dựng, hoàn thiện các đề án quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch quốc gia chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030…, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và tạo chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trong khi đó, theo Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, HUBA, qua khảo sát nhanh online tại hơn 100 doanh nghiệp cho thấy, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh, giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường bị ảnh hưởng, phải cắt giảm lao động, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, bị gián đoạn kinh doanh do các biện pháp phòng dịch… Mặc dù năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn và chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền 168,8 nghìn tỷ đồng gồm: 147,3 nghìn tỷ đồng gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí; 21,5 nghìn tỷ đồng tăng chi ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, nhưng có vẻ các gói hỗ trợ chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ còn thấp, thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đó cũng là tình cảnh chung của phần lớn doanh nghiệp trong nước.

Chủ động ứng phó

Trong bối cảnh những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến nhanh, khó lường và triển vọng kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2021 phụ thuộc nhiều vào mức độ ảnh hưởng từ đại dịch và việc triển khai tiêm vaccine trên toàn cầu. Trong nước, kinh tế tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu.

Chính phủ hiện đang thực thi một số giải pháp để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế; kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tận dụng triệt để sự phục hồi thương mại toàn cầu, chuyển dịch đầu tư và các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam và phát triển mạnh mẽ các kênh phân phối thông qua nền tảng thương mại điện tử, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Ảnh minh họa

Chi tiêu công là một trong các kênh kích cầu hiệu quả nên cũng được đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hạ tầng chiến lược, các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, kết nối vùng và liên vùng, tạo sự liên kết, hiệu ứng lan tỏa, phát huy vai trò vốn “mồi” của đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được chú ý chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thông qua các giải pháp hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch.

Theo báo cáo Impact of Covid-19 on the global market and local industry of textile and clothing, ra tháng 12 năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả nguồn cung và nhu cầu của ngành dệt may thế giới theo nhiều cách khác nhau và mức độ ảnh hưởng tiêu cực vẫn đang biến động tùy thuộc vào tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Nhiều chuyên gia kinh tế còn chưa thống nhất với nhau, đưa ra nhiều dự báo khác nhau về cách thức và thời gian để nền kinh tế thế giới trở lại bình thường. Các quốc gia đã và tiếp tục phản ứng với đại dịch theo cách khác nhau dựa trên năng lực quản trị quốc gia, khả năng tiếp cận về y tế và quy mô nền kinh tế. Chính sự phức tạp của tình hình dịch bệnh và khả năng phục hồi quá khác biệt giữa các khu vực hay quốc gia mà việc việc dự đoán diễn biến của thị trường và xu hướng, hành vi tiêu dùng rất khó khăn.

Có vẻ như doanh số bán lẻ ngành dệt may năm nay sẽ tiếp tục đà suy giảm, trong đó mặt hàng thời trang, trang phục sang trọng, đắt tiền giảm nhiều hơn. Ngoài nhu cầu giảm, người tiêu dùng cũng đang thay đổi thói quen mua sắm khi chuyển dịch đáng kể từ trực tiếp sang trực tuyến, mua các sản phẩm cơ bản thay vì thời trang. Đại dịch đã làm thay đổi cấu hình của nền kinh tế, trong đó có ngành dệt may. Các đơn hàng nhỏ lẻ có thể sẽ là động lực mới cho các nhà sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh nhất mẫu mã, khi các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Amazon, eBay,… có vẻ đang hoạt động theo cách hàng lên kệ là hàng đặt của khách. Hơn nữa, xu thế làm việc tại nhà (WFH) đang thay đổi đáng kể mặt hàng may mặc khi khách hàng chú ý nhiều hơn tới quần áo mặc ở nhà và trang phục thể thao giá cả hợp lý. Sự thay đổi này trong tổ hợp sản phẩm may mặc cũng như các kênh bán hàng sẽ tác động đến lựa chọn nguyên phụ liệu, quyết định lượng hàng tồn kho và chu kỳ mua sắm. Người tiêu dùng cũng trở nên thông thái và có trách nhiệm xã hội hơn khi mong muốn tìm đến các sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường. Việc nắm bắt các xu hướng và triển vọng chung của thị trường thế giới có tính đến đặc thù, lợi thế so sánh và khó khăn của ngành dệt may Việt Nam, điều kiện cụ thể, riêng có của từng doanh nghiệp dệt may là điều kiện quan trọng cho việc hoạch định, lựa chọn định hướng, mục tiêu phát triển và quản trị doanh nghiệp.

Theo Global action to support the garment industry, ngành may mặc thế giới đang có sự đồng thuận cao để duy trì thu nhập, việc làm và bảo vệ sức khỏe lao động ngành dệt may và hỗ trợ các nhà sản xuất trong và sau đại dịch Covid-19. Nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Adidas, C&A, H&M, Inditex, Primark, Bestseller, PVH, Tchibo, VF Corporation và Zalando,.. cùng với các tổ chức xã hội nghề nghiệp và công đoàn ngành dệt may đã và đang ủng hộ các giải pháp giúp các nhà sản xuất kinh doanh ổn định và liên tục thông qua các chương trình hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng do đại dịch.

Mặc dù hiện nay việc tiêm chủng trên diện rộng hướng tới miễn dịch cộng đồng ở nước ta còn nhiều thách thức nhưng người dân tin tưởng vào chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022 do Chính phủ phát động ngày 10/7/2021 vừa qua, sẽ sớm đem lại cơ hội phục hồi cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

TS Trần Văn, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội


Các tin khác