Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch May Hưng Yên: Tạo hướng phát triển vết dầu loang
Bất cứ khi nào gặp vị Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Dương, tôi đều thấy ở ông toát lên vẻ điềm tĩnh, thông thái, trải đời. Nụ cười nhẹ và ánh mắt nửa hóm hỉnh, nửa bao dung của ông khiến người tiếp xúc thấy tin tưởng, khiến người lao động thấy an tâm. Ông chính là điểm tựa tinh thần và là người góp phần quan trọng vào hướng phát triển vững chắc của một đơn vị may lớn nhất miền Bắc.
Rèn ý chí từ chiến trường
Ông Nguyễn Xuân Dương từng là người lính trong chiến trường. Những năm tháng chiến đấu rèn cho ông một ý chí kiên cường, sức chịu đựng bền bỉ và bồi bổ một tâm hồn lãng mạn, luôn muốn vươn tới sự phát triển, muốn góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước ngày một tươi đẹp hơn. Chính vì lẽ đó, sau khi rời quân ngũ, ông đã tiếp tục học Đại học, chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc để thực hiện sứ mệnh cuộc đời mình – đó là góp phần phát triển ngành May rộng khắp ở miền Bắc, tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước.
Khi tốt nghiệp Khoa Chế tạo máy tại Đại học cơ điện Thái Nguyên, ông về công tác tại Bộ Công nghiệp nhẹ. Khi được hỏi nguyện vọng muốn công tác ở Hà Nội hay ở nơi nào, ông đã chọn về với quê mình ở tỉnh Hưng Yên, làm việc tại Nhà máy May Hưng Yên – đó là năm 1981. Tiếp nhận chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Dương với tấm bằng chế tạo máy, ông Giám đốc May Hưng Yên khi ấy đã đùa rằng, Nhà nước trang bị cho anh cây gậy dài quá, khó làm được việc ngắn ở đây, vậy anh chịu khó đi học thêm nghề may, nghề quản lý.
Không nản lòng, mà ông Nguyễn Xuân Dương coi đó là một cơ hội để mình được phát triển năng lực. Ông hiểu rằng ở nhà máy rất thiếu cán bộ, nên mình có thể học thêm được chuyên môn nào, thì sẽ xắn tay vào cùng đội ngũ phát triển nhà máy trong chuyên môn đó. “Hồi đó tại May Hưng Yên rất thiếu bộ khung nhân sự cốt lõi. Kỹ sư điện chỉ có 2 người, kỹ sư chế tạo máy như tôi cũng chỉ 2 người, kỹ sư kinh tế có 3 người, công nhân được 1.000 người. Xưởng và các chuyền may còn đang được dựng lên từ những gì ở nơi sơ tán trong chiến tranh chuyển về, tình hình tài chính của nhà máy rất khó khăn. Ban ngày tôi đi làm, buổi tối đi học nghề may công nghiệp nâng cao bậc 3, 4. Lúc đầu cũng khá cực nhọc. Tôi là anh kỹ sư cơ điện lại học nghề may, rồi học kinh tế. Nhưng có lẽ tôi cũng có chút năng khiếu nghề may, nên dần dần việc học không quá khó khăn. Tôi đã mua máy khâu về nhà, tự cắt may quần áo cho các ông bà già. Tại phòng kỹ thuật của nhà máy, tôi cũng đảm đương được nhiều việc.” – Ông Nguyễn Xuân Dương nhớ lại.
“Nhưng có lẽ, khó khăn về cơ sở vật chất lại dễ vượt qua hơn khó khăn về sự mất đoàn kết nội bộ. Vin vào cớ Giám đốc nhà máy không phải người quê Hưng Yên, một số cán bộ, Đảng viên hẹp hòi đã kéo bè cánh bao vây, tẩy chay, khiến việc điều hành nhà máy gặp vô vàn trở ngại. Do đó, tình hình sản xuất cứ bị đình trệ. Năng lượng của nhân sự không tập trung vào việc phát triển nhà máy, phát triển sản xuất, mà bị tiêu hao rất nhiều trong việc đối phó lẫn nhau. Đến năm 1986, thấy tình hình tại May Hưng Yên quá khó khăn do mâu thuẫn nội bộ, bên trên quyết định rút Giám đốc nhà máy về Hà Nội và cử người khác làm thay. Tuy nhiên, người ở nơi khác không muốn về May Hưng Yên do đơn vị mang tiếng là đơn vị mất đoàn kết, làm ăn kém cỏi. May sao, lúc đó bà Lương Thị Hữu, đang là Phó Giám đốc May Hưng Yên, đã được đề bạt lên chức vụ Giám đốc đơn vị năm 1987. Từ đây, tình hình mất đoàn kết nội bộ đã dần được giải quyết. Bà kiên quyết, thẳng thắn trong hành xử. Ai làm được việc thì bà cất nhắc vào vị trí xứng đáng, không thích nghe người khác nịnh nọt. Bà Hữu đã làm một “cuộc cách mạng” trong cơ cấu nhân sự, giảm biên chế, sắp xếp lại các phòng, ban, luân chuyển các trưởng, phó phòng vào vị trí hữu dụng hơn. Sự quyết liệt và thông thái trong dùng người của bà Hữu thật đáng nể trọng và học tập.” – Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định.
Dài vốn đường trường
Vào năm 1989, trước những thành quả từ sự nhiệt huyết đóng góp công sức của ông Nguyễn Xuân Dương trong quá trình tái cấu trúc và phát triển nhà máy, ông đã được tín nhiệm đề bạt làm Phó Tổng Giám đốc Xí nghiệp May Hưng Yên, tuy rằng lúc đó ông chưa là Đảng viên. Trước khi được đề bạt lên vị trí Phó Tổng Giám đốc, ông Dương từng kinh qua các vị trí công việc khác nhau, từ kế toán, nhân sự, tổ chức, rồi tới vị trí Phó phòng kỹ thuật (năm 1987), Trợ lý Tổng Giám đốc (1988). Cũng trong năm 1988, ông được cử đi học tại Trường Quản lý kinh tế TP. HCM.
Khi làm Phó Tổng Giám đốc, ông Dương là cánh tay phải của bà Hữu. Tâm đắc với sự kiên tâm, tinh thần lấy sự đoàn kết làm trọng của bà Hữu, ông đã cùng bà Hữu dẫn dắt May Hưng Yên từng bước vững chắc đi lên. Ông Dương đã tham mưu với Tổng Giám đốc về chiến lược phát triển mở rộng quy mô sản xuất khi ông nhìn ra xu hướng của thị trường. May Hưng Yên đã mở rộng cơ sở mới tại Phố Nối (Hưng Yên), đó là Công ty May Hưng Long, được thành lập năm 1991. Khi có thêm nhà máy, quy mô lớn hơn, May Hưng Yên phát triển thêm được nhiều khách hàng.
Cũng từ đó, May Hưng Yên âm thầm tích lũy nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển quy mô lớn. Được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp trên, tận dụng cơ chế cổ phần hóa năm 2001, May Hưng Yên đã tiếp tục mở thêm 5 nhà máy mới thành công.
“Cách làm của May Hưng Yên trong mở rộng quy mô là LÀM ĐẾN ĐÂU CHẮC ĐẾN ĐẤY. Chúng tôi ít khi phải vay ngân hàng, mà phát triển trên đồng vốn của mình. Chúng tôi hiểu rõ rằng, ngân hàng như người cho mượn ô vậy, lúc nắng thì cho mượn, lúc mưa thì thu lại. Vì lẽ đó, đã làm doanh nghiệp thì phải chủ động trong chính sách tài chính của mình. Chúng tôi có đi vay, nhưng vay rất ít và phải ước lượng rằng mình hoàn toàn có thể trả được nhanh chóng. Các cụ nhà ta đã tổng kết, rằng “Buôn tài không bằng dài vốn”. Dù chúng tôi có tiến bước hơi chậm, nhưng phải an toàn.” – Ông Nguyễn Xuân Dương bộc bạch.
Định hướng phát triển “Vết dầu loang”
Năm 2004 khi bà Lương Thị Hữu nghỉ hưu, ông Nguyễn Xuân Dương được tín nhiệm bầu làm Tổng Giám đốc TCT May Hưng Yên. Ông tiếp tục công cuộc phát triển mở rộng quy mô của Tổng Công ty. Sau này, khi đã có tới 5 đơn vị trực thuộc, thì trong lúc phát triển công ty mới, May Hưng Yên không chủ trương đi vay nữa, mà theo hình thức góp vốn từ công ty mẹ, và các công ty con đã thành lập trước đó. Với định hướng phát triển quy mô theo phương thức “Vết dầu loang”, May Hưng Yên phát triển đến đâu là vững đến đó, không có đơn vị nào phải thua lỗ tới mức đóng cửa. Khi công ty con làm ăn đã vững chắc thì công ty mẹ mới rút dần vốn. Đặc biệt là, trong quá trình đó, May Hưng Yên không những không phải đi vay ngân hàng mà còn có tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng, mang lại một nguồn thu từ lãi tiết kiệm không hề nhỏ.
Năm 2004, khi May Hưng Yên bắt đầu cổ phần hóa, vốn điều lệ chỉ có 13 tỷ đồng, nhà nước giữ 51% cổ phần. Đến nay, vốn điều lệ của May Hưng Yên đã lên 160 tỷ đồng, trong đó nhà nước giữ 35,05% cổ phần. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của May Hưng Yên rất tốt với mức lợi nhuận từ 70 tỷ đồng – 100 tỷ đồng/năm. Tổng Công ty cũng có tới 14 đơn vị thành viên, tạo việc làm cho hơn 15.000 người lao động. Tổng Công ty đã phát triển từ một đơn vị trong nhóm các doanh nghiệp yếu của miền Bắc, lên thành “anh cả”, đứng trong Top 5 đơn vị May hàng đầu miền Bắc (May Hưng Yên, May 10, May Nam Định, May Chiến Thắng, May Đáp Cầu).
Là người lãnh đạo, ông Dương thường xuyên chia sẻ về đức tính người Hưng Yên với đồng sự và NLĐ trong Tổng Công ty, rằng với sự chăm chỉ, cặm cụi, cần mẫn, thu vén, tinh thần quyết tâm vượt khó, vượt khổ, người Hưng Yên luôn thành công theo cách riêng của mình, im lặng mà làm, không cần đao to búa lớn, cứ như vậy mà phát triển vững bền. Hình ảnh của ông Dương cũng là một tấm gương để thế hệ kế cận học tập và tiếp bước. Dù thị trường có chao đảo biến động ra sao, thay đổi chóng mặt thế nào, thì May Hưng Yên vẫn một mực lái con thuyền của mình theo định hướng, làm gia công thật giỏi, giữ uy tín với khách hàng, chăm sóc NLĐ tốt nhất.
Hơn nữa, khi đã là một Tổng Công ty mạnh, May Hưng Yên cũng sẵn sàng ứng cứu các đơn vị bạn với tinh thần sẻ chia. May Hưng Yên từng mua lại hoặc nhận quản lý những đơn vị thua lỗ, vực lại và phát triển thành công. May Hưng Yên cũng có tinh thần hợp tác cao với các đơn vị trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam, với tiêu chí cùng làm cùng có lợi, chia sẻ lợi ích công bằng, thể hiện là một doanh nghiệp có trách nhiệm, luôn sẵn sàng hỗ trợ những đơn vị gặp khó khăn. Do đó, trong chặng đường hơn 20 năm qua, May Hưng Yên được đánh giá là một đơn vị có vai trò đáng kể trong hỗ trợ, phát triển ngành và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Hiện nay, với cương vị là Chủ tịch HĐQT May Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Dương trở thành nhà thiết kế lộ trình phát triển ổn định của Tổng Công ty. Ông cho rằng, sự đi lên vững chắc của May Hưng Yên cũng chính là sự đóng góp vào thay đổi bộ mặt kinh tế đất nước. So sánh với các nước mạnh trong khu vực, thì năng suất lao động ngành May của Việt Nam còn chưa cao, do đó, ông cùng đội ngũ May Hưng Yên còn rất nhiều việc để làm, để cải tiến. Làm sao để cải thiện, nâng cao đời sống người lao động, nâng cao chất lượng sống con người lên vượt bậc? Nằm lòng câu hỏi đó, ông Dương và những nhà điều hành May Hưng Yên đang từng ngày thay đổi, nâng cấp điều kiện làm việc, đơn cử như đầu tư hệ thống điều hòa trung tâm để điều kiện làm việc của NLĐ được tốt hơn, thay đổi thiết bị để giảm tối thiểu phát thải ra môi trường, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo,… Bên cạnh đó là tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để cải tiến phương thức quản lý hiệu quả, thắt chặt mối quan hệ với khách hàng.
Còn đó biết bao thách thức từ đại dịch, từ chiến tranh thương mại và cả những dịch chuyển nhu cầu của khách hàng, nhưng dường như tất cả biến động đó đều đã trở thành thường trực, không thể khiến ông Dương phải quá lo lắng cho sự an nguy của May Hưng Yên. Gương mặt nhẹ nhõm, nụ cười vui và ánh mắt hóm hỉnh, ở ông toát lên vẻ thanh thản của người đã hoàn toàn vượt ra khỏi những lo toan ràng buộc. Vượt qua cả hoàn cảnh “nghề may bận như con mọn”, ông vẫn có thể phiêu du “Rong ruổi đường chiều” (tên một tập thơ mà ông mới xuất bản), để thư thái: “Quên đi tóc nhuốm sương tà/ Rượu bầu, cỏ gối, la đà cùng thu”.
Kiều Bích Hậu