Người dân và doanh nghiệp trông chờ vào hiệu lực, hiệu quả của chính sách


Có vẻ như những nhiễu động của thị trường thế giới liên quan đến mâu thuẫn địa chính trị và xung đột khu vực chưa thể lắng xuống trong một sớm, một chiều nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cứ thế mà tăng, ăn theo giá xăng dầu, khí đốt vốn là đầu vào quan trọng của bất kỳ nền kinh tế nào khiến người dân và doanh nghiệp đều khó khăn. Trong khi đó, có thể dư địa chính sách cũng không còn nhiều khi những gì đã quyết được thì Quốc hội, Chính phủ đã quyết rồi. Do đó, vấn đề thực thi chính sách cực kỳ quan trọng.

Theo Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6/2022 trên gso.gov.vn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng giá lương thực và giá xăng dầu. Trong đó, sau 16 đợt điều chỉnh từ đầu năm đến nay, bình quân quý II năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 1,98 điểm phần trăm, giá gas tăng 30,99% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm, còn giá vật liệu xây dựng quý II/2022 tăng 7,81% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm… Đó là báo cáo chính thức, còn theo tôi được biết thì chính các bà nội trợ và chủ doanh nghiệp mới là người hàng ngày cảm nhận được giá trị thực tế của những con số thống kê đó.

Trong bối cảnh đó, thực sự là người dân và doanh nghiệp chỉ mong sao giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá xăng, dầu, vật tư cho sản xuất kinh doanh được duy trì ở mức độ hợp lý chứ không dám mong muốn là được bình ổn vì hiểu được khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước qua chính sách thuế, phí và chi tiêu công. Tình trạng nhiều quyết sách quan trọng hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp hậu đại dịch Covid-19 chậm đi vào cuộc sống đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội nêu bật tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vừa bế mạc.

Từ góc nhìn đánh giá tác động của chính sách (policy impact assessements) hay đánh giá tác động pháp lý (regulatory impact assessement) theo luật định và giải bài toán chi phí – hiệu quả, việc chậm thực thi các chính sách, nhất là các chính sách được thiết kế với sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, chính là sự lãng phí vô cùng lớn nếu tính đến tác động lan tỏa tích cực của các nguồn lực tài chính công đó tới khả năng chống chọi với những bất lợi của thị trường và  phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, tăng trưởng chung của nền kinh tế khi cả người lao động và doanh nghiệp đều được tiếp sức đáng kể.

Chính vì vậy, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Quốc hội đã yêu cầu khẩn trương triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sát thực tiễn, diễn biến của tình hình, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Mới đây, theo baochinhphu.vn tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Ngành dệt may cũng không nằm ngoài quỹ đạo khó khăn đó khi mặt bằng giá cả leo thang, thị trường tài chính, tiền tệ còn nhiều rủi ro, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chưa phục hồi, chi phí logistics vẫn cao ngất ngưởng và hiện hữu nguy cơ thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề trong xu thế chuyển dịch cơ cấu lao động trẻ sang các ngành nghề khác có giá trị, năng suất lao động cao hơn, tiền lương tốt hơn.

Do đó, ngoài các giải pháp tăng thu nhập để bảo đảm cho người lao động và gia đình ổn định cuộc sống, gắn bó với doanh nghiệp, tập trung đầu tư đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động, các doanh nghiệp dệt may mong muốn Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động được triển khai một cách thực chất, có hiệu quả để thu hút lao động quay trở lại làm việc các trung tâm công nghiệp lớn. Thị trường diễn biến khá thuận lợi, đơn hàng nhiều mà thiếu lao động thì quả là trớ trêu thật!

Bài: TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội


Các tin khác