Ngành quản lý công nghiệp trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghệ 4.0


Chúng ta đều nhận biết tầm quan trọng của việc nhận diện thương hiệu là bước khởi đầu cho hành trình của khách hàng và thường thấy mọi hoạt động tiếp thị đều hướng tới việc có được nhận diện thương hiệu cao nhất (TOM – Top of mind).

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với sự đột phá của sáu trụ cột chính: (1) Dữ liệu lớn, (2) Internet vạn vật, (3) Công nghệ đám mây, (4) Công nghệ 3D, (5) Không gian mạng và (6) Trí tuệ nhân tạo, đã và đang làm thay đổi phương thức sản xuất, cung cấp dịch vụ, tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may trên thế giới nói chung và các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh những cơ hội to lớn, cuộc cách mạng này sẽ tạo ra rất nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến phương thức hoạt động sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp dệt may nói chung và quản lý công nghiệp của ngành nói riêng. Trong bối cảnh đó, các trường đào tạo ngành quản lý công nghiệp cần thay đổi và áp dụng đào tạo những kiến thức mới, các công nghệ mới để tận dụng tốt cơ hội và giải quyết những thách thức mới đặt ra cho ngành dệt may.

TÓM TẮT VỀ NHỮNG THÀNH TỰU CỦA CMCN 4.0 TRONG NGÀNH DỆT MAY

Sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin, Internet, số hóa, tự động hóa và hệ thống robot đã làm thay đổi diện mạo của hoạt động quản lý, sản xuất tại các doanh nghiệp may, đặc biệt CMCN 4.0 tích hợp nhiều lĩnh vực thành hệ thống duy nhất và xuyên suốt từ đầu chuỗi đến cuối chuỗi cung ứng của ngành.

Hệ quản trị tài nguyên doanh nghiệp ERP là một ví dụ điển hình về quản lý tập trung thông qua hệ thống thông tin, số hóa và điều khiển trung tâm cho phép nhận phản hồi và điều hành doanh nghiệp ở thời gian thực. ERP bao gồm các phân hệ như quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), quản lýchuỗi cung ứng (SCM), quản lý khách hàng (CRM), quản lý kho hàng (BOM), quản lý sản xuất (MES) v.v.

Tất cả những thành tố đó đều vận dụng các công nghệ đương đại của CMCN 4.0 như công nghệ nhận diện sóng vô tuyến (RFID), công nghệ in 3D, công nghệ mạng vạn vật (IoT). Ví dụ một công ty may mặc có trụ sở tại Boston sử dụng công nghệ hình ảnh nhiệt, in 3D và đan 3D để tạo ra những chiếc áo cộc tay, áo sơ mi, váy và áo len. Các mặt hàng này được tùy chỉnh cho khách hàng cá nhân và điều quan trọng là không có lãng phí hay chất thải ra môi trường do công nghệ in 3D mang lại.

(1) Dữ liệu lớn trong ngành may

Tất cả các dữ liệu liên quan đến một sản phẩm dệt may được gọi là dữ liệu dệt may. Dữ liệu này có thể được sử dụng để phân tích xu hướng, phân tích hành vi khách hàng, dự báo, vv. Ngành dệt may đã và đang tạo ra nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Tất cả các dữ liệu này có nhiều dạng khác nhau như từ ngữ, hình ảnh, v.v. Vì đó là thời đại của dệt may nhanh, dữ liệu đang phát triển và thay đổi nhanh chóng. Do đó, dữ liệu này có thể được gọi là dữ liệu lớn, nó mô tả tất cả các tính năng của dữ liệu lớn, và đây là cơ sở để doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu khách hàng để từ đó sản xuất ra sản phẩm đáp ứng mong đợi của khách hàng.

(2) IoT trong ngành may

Hàng tỷ sản phẩm may mặc trên toàn thế giới sẽ có khả năng kết nối kỹ thuật số với IoT. Điều này sẽ cho phép người bán tạo điều kiện cho sản phẩm của họ tương tác nhiều hơn đối với khách hàng, nhiều thông tin hơn và được cá nhân hóa cho khách hàng của họ. IoT cũng sẽ cho phép phân tích dữ liệu thời gian thực để giải quyết các vấn đề như xác thực sản phẩm, bảo vệ thương hiệu, cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của chuỗi cung ứng.

(3) Công nghệ đám mây ngành dệt may

Để phát huy hiệu quả trong ngành may mặc, các chức năng như lập kế hoạch sản xuất, quản lý nguyên liệu, chi phí, xử lý đơn đặt hàng, lấy mẫu, giám sát việc chuẩn bị đơn hàng và giao sản phẩm cuối cùng, giờ đây có thể được truy cập từ mọi nơi mọi lúc, sử dụng điện toán đám mây.

Tăng cường thực tế (AR) là một ứng dụng được giới thiệu bởi hệ thống điện toán đám mây, được sử dụng rộng rãi trong ngành may mặc và thời trang để có cái nhìn ảo về môi trường thực tế thông qua các ứng dụng do máy tính tạo ra. Nhiều ứng dụng như vậy có thể được giới thiệu thông qua điện toán đám mây trong tương lai.

Công nghệ in 3D và in 4D trong ngành may

Việc số hóa ngành công nghiệp dệt may và phát triển hơn nữa công nghệ 3D/4D đang dẫn đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành. Trong tương lai gần, các sản phẩm may đo sẽ trở thành hiện thực cho người tiêu dùng, sản xuất sẽ được thay thế bởi các cơ sở sản xuất linh hoạt tại điểm bán và các ứng dụng sáng tạo cho hàng dệt may chức năng và thông minh sẽ được phát triển. Môi trường cũng được hưởng lợi từ việc loại bỏ các tuyến đường vận chuyển và chất thải dệt được tạo ra trong quá trình sản xuất.

Không gian mạng/an ninh mạng trong ngành may

Nhằm mục đích cung cấp một phân tích hữu ích về an ninh mạng trong môi trường sản xuất và giải quyết sự hiện diện của các mối đe dọa và lỗhổng trong các hệ thống sản xuất dệt may. Nó cũng tập trung vào các mối đe dọa không gian mạng này trong hành động và phân tích cách tốt nhất đểđạt được an ninh mạng thành công trong sản xuất dệt may.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và sẽ được áp dụng hầu hết trong các khâu sản xuất ngành dệt may, nó có thể được sử dụng trong các quy trình sản xuất dệt khác nhau như phân loại sợi, dự đoán tính chất sợi, phân tích lỗi vải và dự đoán công thức nhuộm. Tương tự, AI có thể được áp dụng trong tất cả các giai đoạn (tiền sản xuất, sản xuất và hậu sản xuất) của sản xuất hàng may mặc. Sản xuất hàng may mặc bao gồm các quy trình như khái niệm hóa, phát triển thiết kế, PPC, trải, cắt, bó, may, ép và đóng gói.

Những cơ hội của ngành quản lý công nghiệp

Quản lý công nghiệp ngành dệt may là ngành đặc thù, được thiết kế dựa trên nền tảng của quản lý công nghiệp nói chung và quản lý ngành dệt may nói riêng. Mục tiêu chủ đạo của ngành quản lý Công nghiệp tạo ra giá trị về tri thức cho cộng đồng/ xã hội thông qua sự kết hợp các hoạt động sáng tạo tri thức (nghiên cứu khoa học), chuyển giao tri thức (đào tạo) và sử dụng tri thức (tư vấn & ứng dụng) trong lĩnh vực quản lý nói chung và quản lý ngành dệt may nói riêng. Do đó người học không những phải có chuyên môn tốt mà còn cần phải có kiến thức về khoa học, công nghệ để nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng những thành tựu nghiên cứu, sáng tạo mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Khác với đào tạo ngành quản lý công nghiệp tại các trường khác, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, ngoài việc cung cấp các kiến thức cốt lõi của ngành quản lý công nghiệp nói chung, sinh viên được đào tạo sâu về lĩnh vực dệt may, đây là lĩnh vực đang có sức thu hút rất lớn nguồn nhân lực bao gồm cả những trình độ nhân lực cao, được đào tạo đúng chuyên ngành.

Với những kiến thức chuyên sâu và kiến thức về công nghệ 4.0, rõ ràng sinh viên ngành quản lýcông nghiệp sẽ có được rất nhiều cơ hội được làm tại những doanh nghiệp hàng đầu không những chỉ trong lĩnh vực dệt may mà còn cả trong các lĩnh vực khác.

Sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp lớn, có trình độ công nghệ cao do đó sau khi tốt nghiệp dễ dàng thích nghi được với công việc và đáp ứng được các yêu cầu.

Việc học tập tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May cùng với những trải nghiệm về những công nghệ mới nhất của ngành may thông qua hội thảo, triển lãm công nghệ của ngành và giảng viên có kiến thức sâu, rộng về công nghệ sẽ là lợi thế cho các bạn sinh viên tiếp cận với công việc tại các doanh nghiệp tốt hơn.

Sinh viên sẽ có nhiều lợi thế hơn trong các việc làm cụ thể trong ngành dệt may ứng dụng công nghệ 4.0 như:

  • Quản lý nhà máy dệt may: hoạch định sản xuất, quản lýmua hàng và tồn kho, quản lý nhân viên.
  • Quản lý mua hàng: đánh giá các chương trình mua hàng, thiếp lập cấp độ vận hành và phối hợp các công tác trong vận hành, định hướng các điểm mấu chốt trong vận hành.
  • Quản lý chất lượng sản phẩm may mặc: phân tích chi tiết cơ sở dữliệu và các bảng tính, kiểm định quá trình để xác định các khu vực cần cải tiến, quản lýviệc thực hiện những thay đổi.
  • Lập kế hoạch và quản lý chuổi cung ứng ngành may: thương lượng các hợp đồng, thiết lập mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp, duy trì sự chính xác của hệ thống mua hàng, hoá đơn và hàng hoá trả lại.
  • Tư vấn cải tiến quá trình: thiết kế và triển khai kế hoạch sản xuất tinh gọn và giảm thời gian sản xuất trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
  • Quản lý tài chính kế toán: theo dõi và quản lý các hoạt động tài chính kế toán của công ty, phân tích chứng khoán: phân tích, xử lýsố liệu chứng khoán.
  • Quản lý nhân sự: hoạch định nhân sự, khảo sát nhu cầu đào tạo và lên kế hoạch đào tạo, định biên, kế hoạch lương và thưởng, kế hoạch động viên và quan hệ lao động.
  • Quản lý kinh doanh: nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh, khai thác luật lệ và phương thức kinh doanh theo từng bối cảnh khác nhau.

Những thách thức

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 việc đào tạo nhân lực vừa đáp ứng chuyên môn sâu của ngành vừa phải có kiến thức và kỹ năng về công nghệ sẽ là một thách thức lớn đối với cả người học lẫn người giảng dạy.

Trước hết đó là kiến thức liên ngành, yêu cầu công nghệ 4.0 đòi hỏi lao động không những nắm vững chuyên môn mà còn phải năm vững về công nghệ, kỹ năng mềm, tiếng Anh và kiến thức an ninh mạng. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ, vì vậy cần phải xác định rõ ràng những vấn đề cốt lõi của công nghiệp 4.0 và có lịch trình chặt chẽ để trang bị những kỹ năng quan trọng này.

Thách thức lớn nữa là thực trạng về máy móc, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực dệt may còn hạn chế, do dệt may vẫn còn chủ yếu là gia công thuê (CMT), hơn nữa quy mô nhiều doanh nghiệp còn nhỏ, manh mún, vốn đầu tư hạn chế. Do đó những thiết bị, máy móc, công nghệ chưa được đầu tư đúng mức. Chính vì những điều này sự cọ xát thực tế cho sinh viên còn nhiều trở ngại.

Đối với người lao động sẽ là thách thức rất lớn và sẽ có nguy cơ bị đào thải nếu không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể là những kiến thức về số hóa, tự động hóa, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, nhà máy thông minh và những kiến thức về lập trình robot và làm việc trong môi trường số.

KẾT LUẬN

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự làm thay đổi phương pháp sản xuất và quản lý trong lĩnh vực dệt may. Nó mang đến những công cụ hữu ích, những kỹ thuật và công nghệ hiện đại giúp cho người lao động tham gia sản xuất được thuận lợi hơn, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động nhờ tự động hóa, robot và internet kết nối giữa các hệ thống máy móc thiết bị. Hiển nhiên là sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với các công nghệ truyền thống.

Mặc dù vậy những thách thức không nhỏ doanh nghiệp và người lao động cần phải vượt qua không những là các kiến thức chuyên môn mà còn cần phải những kiến thức về công nghệ, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc trong môi trường số và vì vậy chỉ những lao động được đào tạo bài bản ở trình độ đại học mới có nhiều cơ hội đáp ứng được những yêu cầu này, đặc biệt là sinh viên ngành quản lý công nghiệp trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, người được đào tạo bài bản về chuyên môn quản lý cũng như về công nghệ và thường xuyên được cập nhật những kiến thức mới nhất về kỹ thuật và công nghệ.

Bài: TS. Tạ Văn Cánh – Phó Trưởng khoa Kinh tế – Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Dệt May và Thời Trang Việt Nam số Tháng 3/2020 tại đây


Các tin khác