Ngành DMVN 6 tháng đầu năm 2019: Phấn đấu đạt 40 tỷ KNXK


Sáng ngày 19/7 tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức buổi Họp báo công bố tình hình ngành Dệt May 6 tháng đầu năm 2019 tới các cơ quan thông tấn báo chí.

Chia sẻ với báo giới, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế thế giới có xu hướng tăng chậm lại do những biến động và xung đột chính trị, đặc biệt chính sách bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng ngày càng phức tạp, khó lường. Do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình hình xuất khẩu của mặt hàng dệt may, nhất là ngành Sợi.

Theo ông Trương Văn Cẩm, mặc dù nhìn chung tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn có tăng, nhưng nếu tính theo kế hoạch của năm 2019 vẫn chưa được như kỳ vọng. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước khoảng 40 tỷ USD, nhưng trong 6 tháng đầu năm mới chỉ thực hiện được 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Để “cán đích” mục tiêu của năm 2019, trong 6 tháng cuối năm toàn ngành cần có mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 11% – 12% so với cùng kỳ.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may Việt Nam 6 tháng ước đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%. Mặt hàng vải đạt 1,02 tỷ USD tăng 29,9%, các mặt hàng xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD tăng 1,1%, vải địa kỹ thuật tăng 16,9%, phụ liệu dệt may giảm 0,29%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) ước đạt 11,39 tỷ USD tăng 5,66%. Trong đó, nhập khẩu bông đạt 1,52 tỷ USD giảm 1,99%, nhập khẩu xơ sợi các loại đạt 1,23 tỷ USD tăng 6,65%, nhập khẩu vải đạt 6,75 tỷ USD tăng 7,56%, nhập khẩu phụ liệu đạt 1,89 tỷ USD tăng 5%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 9,56 tỷ USD tăng 7,04%. Giá trị nội địa của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD tăng 10,45%.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các DN dệt may trong nước đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động SXKD. Theo đó, nhiều DN các đơn hàng chỉ đạt 70% so với năm 2018.  Đặc biệt, tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng. Trong khi đó, mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng. Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều DN lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì thời điểm năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng. Tâm lý chung của các “buyer” đều lo ngại chiến tranh thương mại sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị “chia nhỏ” thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, trong đó Hoa kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với KNXK 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP đạt 2,57 tỷ USD tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71% (riêng Nhật Bản đạt 1,79 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 11,68%); EU đạt 2,05 tỷ USD tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD tăng 5,59% chiếm tỷ trọng 8,91%.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên do các đơn hàng liên tục thay đổi, nên các DN phải có nhiều biện pháp nhằm thay đổi phương thức SXKD để phù hợp với tình hình. Trong bối cảnh đó, chi phí giá điện, tiền lương đều tăng so với năm 2018, nên theo đại diện của VITAS, lợi nhuận thu lại của các DN sẽ giảm, dù vẫn có tăng trưởng.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS

Trong 6 tháng cuối năm 2019, ông Trương Văn Cẩm cho biết, VITAS sẽ tập trung xây dựng các buổi Hội thảo và tham dự một số Hội chợ lớn của ngành Dệt May trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục lắng nghe những ý kiến của DN để gửi các đề xuất tới cơ quan quản lý Nhà nước về các thủ tục, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho DN.

5 nhiệm vụ trọng tâm của VITAS trong 6 tháng cuối năm:

  1. Tổ chức các chương trình XTTM quốc gia 2019:
  • Hội chợ “Sourcing at Magic” từ 11 – 14/8/2019 tại Las Vegas, Hoa Kỳ;
  • Hội chợ “The Sourcing Connection – Premiere Vision Paris”từ 17 – 20/9/2019 tại Pháp;
  • Hội chợ “Federal Trade Fair Textillegprom” từ 18 – 21/9/2019 tại Moscow, Nga.
  1. Hội chợ HANOITEX 2019: Thời gian: từ ngày 23 – 25/10/2019 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội – 91 Trần Hưng Đạo- Hà Nội
  2. Tổ chức các chương trình Hội thảo, đào tạo: chương trình về phát triển bền vững VITAS phối hợp với các tổ chức quốc tế IDH, V-LEEP của USAID Mỹ, WWF, GIZ… về năng lượng tái tạo, chỉ số Higg, tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường, tăng năng suất…; Hội thảo tác động của CPTPP và EVFTA đến dệt may; tiếp tục mở lớp về xuất xứ và tự chứng nhận XX; Hội thảo về nhà máy thông minh, in 3D, kỹ thuất số để thích ứng với cách mạng CN 4.0…
  3. Tiếp tục vận động chính sách tạo thuận lợi cho DN, giảm chi phí tuân thủ, chi phí sản xuất, chính sách tiền lương, làm thêm giờ, chế độ BH…, chính sách thuế, thủ tục hải quan, các loại phí, phụ phí, chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm…
  4. Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập VITAS (1999 – 2019) – Tổng kết năm 2019: dự kiến trong tháng 12/2019 tại Hà Nội.

Bài và ảnh: Quang Nam


Các tin khác