Ngành dệt may thế giới và Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020


Tình hình kinh tế thế giới

Đại dịch mang tên Covid-19 có lẽ là sự kiện được nhắc tới nhiều nhất trong quý 1 năm 2020 nói riêng và cả năm 2020 nói chung. Sự lan tràn của dịch bệnh, khởi nguồn từ Vũ Hán – Trung Quốc đã lan ra khắp thế giới, tới Hàn Quốc, Nhật Bản, tới Ý, Châu Âu và Mỹ. Covid-19 đến vào thời điểm kinh tế thế giới đang tổn thương và đánh thêm 1 đòn “chí mạng”. Sự lây lan toàn cầu của đại dịch này đã dập tắt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2020, trái lại, nó khiến kinh tế toàn cầu trì trệ, tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Với tình hình tối tăm như trên, McKinsey đã đưa ra các phương án phục hồi như sau:

  • Phương án phục hồi nhanh: GDP toàn cầu chỉ tăng 2% từ mức dự kiến 2,5%, trong đó USA giảm từ 1,74%, xuống 1,34%; EU giảm từ 1,29% xuống 0,99%, Trung quốc giảm từ 5,99% xuống 4,68%.
  • Phương án phục hồi chậm: GDP toàn cầu chỉ tăng từ 1-1,5%, trong đó USA tăng 0,45%, EU không tăng, Trung quốc tăng 3,82%.

Trong cả 2 phương án thì tổng cầu đều giảm mạnh, phương án phục hồi nhanh thì ngành sản xuất hàng tiêu dùng vẫn giảm từ nay đến hết Q2, sau đó mới dần phục hồi. Phương án chậm thì sau Q3 mới có khả năng dần phục hồi. Kinh doanh online tăng trưởng trong khi kinh doanh offline sẽ khó khăn kéo dài ít nhất đến hết Q3.

Các số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 rơi vào tình trạng gần như đình trệ vì dịch Covid-19. Việc phong tỏa nhiều thành phố do dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển, khiến cho nguyên vật liệu sản xuất bị ách tắc, nhiều công nhân Trung Quốc không thể trở về nơi làm việc sau Tết, khiến cho các chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Mỹ, Nhật, Anh và nhiều nước G20 đang thâm hụt ngân sách nặng nề và nợ công đã ở mức rất cao. Đồng thời, lãi suất ở các nền kinh tế quan trọng nhất trong G20 đều đang rất thấp, thậm chí bằng 0 ở nhiều nước EU và âm ở Nhật Bản. Hệ quả là chính phủ có rất ít dư địa để can thiệp về tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế khi đại dịch toàn cầu hoành hành.

Ảnh hưởng tới ngành dệt may

Về cung, trong Tháng 1 và Tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán – Trung Quốc, nhiều nhà máy sợi, dệt đã bị đóng cửa, công nhân nghỉ kéo dài. Tình trạng này khiến tình hình cung ứng NPL cho các doanh nghiệp dệt may trên toàn thế giới bị ảnh hưởng, nhất là những quốc gia chuyên sản xuất gia công như Việt Nam, Bangladesh.

Về cầu, bước sang tháng 3, khi dịch bệnh lan rộng ra các nước Hàn, Nhật, Châu Âu và Mỹ, lập tức nhu cầu tiêu dùng toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Cầu bị ảnh hưởng tiêu cực do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, kinh tế bất ổn khiến người tiêu dùng chỉ tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay. Thứ hai, dịch bệnh khiến dân chúng hạn chế tụ tập đám đông, không đi lại khiến người dân không đi mua sắm ở các cửa hàng truyền thống, mà thay vào đó chỉ ở nhà. Kinh tế suy thoái và sự không chắc chắn khi nào hồi phục do dịch bệnh không có dấu hiệu ngừng lại cũng kéo theo tâm lý thắt chặt hầu bao. Vì lẽ đó nhà nhập khẩu và người mua hàng đều có xu hướng giãn hoặc hủy đơn hàng đã đặt.

Tổng cầu dệt may toàn thế giới năm 2020 có nguy cơ sụt giảm. Năm 2019 mức nhập khẩu dệt may thế giới là 780 tỷ USD. Nếu dịch bệnh không được đẩy lùi hết quý II/2020 mà kéo dài đến Quý III năm 2020, dự báo cầu nhập khẩu dệt may thế giới sẽ xuống đến ngưỡng 600 – 680 tỷ USD, giảm từ 15-25% so với mức 780 tỷ USD của năm 2019 do nhìn chung nhu cầu hàng hoá xuân hè đã qua đi, năm nay sẽ là năm thị trường mất mùa một vụ. Khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất thiết bị và hàng hoá dệt may cũng cho ra 1 dự báo về khả năng suy giảm 25% tổng cầu 2020 toàn thế giới

Với các nước cung ứng dệt may như Ấn Độ và Bangladesh, tình trạng hủy đơn, giãn đơn hàng cũng tương tự. Xuất khẩu dệt may của Ấn Độ và Bangladesh trong quý I/2020 cũng giảm mạnh, với Ấn Độ giảm tới 12% về khối lượng đi các quốc gia. Hiện tại Liên đoàn Công nghiệp dệt may Ấn Độ đang kêu gọi Chính phủ nước này có gói cứu trợ cho ngành dệt may để giảm thiểu khủng hoảng do Virus Corona gây ra. Các biện pháp được đề cập đến là giảm lãi suất ngân hàng, gia hạn các khoản vay, tạm ngừng thu các khoản nợ gốc và lãi, miễn thuế nhập khẩu tất cả các nguyên liệu đầu vào…

Với ngành Dệt May Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020, thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. DN càng làm nhiều FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu. DN trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, với các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu giờ chỉ hoạt động trong trạng thái cầm cự trong tháng 4, còn đến tháng 5 hoàn toàn chưa có đơn hàng mới. Nhiều doanh nghiệp còn chuyển sang may khẩu trang với hy vọng sẽ duy trì được việc làm cho công nhân, tuy nhiên hiện nay khi thị trường trong nước đã bão hòa, khẩu trang chỉ là giải pháp tạm thời, không đảm bảo được cho các doanh nghiệp may sống sót được hết năm 2020.

Với tình hình trên, có thể ước tính nhanh thiệt hại do dịch bệnh đối với toàn ngành dệt may:

  • Về tiền lương: 30% công nhân thiếu việc tháng 4, 50% thiếu việc tháng 5 với mức lương tối thiểu theo luật, bình quân 4,2 triệu đồng/tháng, dẫn đến tổng thiệt hại ước tính 5.040 tỷ đồng. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài thêm, mỗi tháng thiệt hại trung bình khoảng 3.000 tỷ đồng.
  • Về nguyên liệu nhập về bị hủy đơn hàng không dùng đến: giá trị nguyên liệu nhập khẩu mỗi tháng là 1,5 tỷ USD, nếu giả thiết có 20% hủy đơn hàng thì sẽ có 300 triệu USD vật tư nhập về không được sử dụng, tiểm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển. Ước đến hết năm 2020, số hàng tồn của 2 tháng 4 và 5 sẽ mất giá trị khoảng 300 triệu USD (tương đương 50% giá trị hàng tồn kho).

Vì vậy, nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 5, phục hồi từ tháng 6 thì toàn ngành sẽ thiệt hại xấp xỉ 11.000 tỷ đồng.

Tình hình nhập khẩu dệt may của thế giới

Do kinh tế toàn cầu suy yếu, tình hình nhập khẩu dệt may quý I/2020 tại các quốc gia nhập khẩu lớn cũng giảm rõ rệt.

Kim ngạch nhập khẩu dệt may các quốc gia lớn (Đvị: Triệu USD)

 Thị trường Q1.2018 Q1.2019 Q1.2020 Q1.19/

Q1.18 (%)

Q1.20/

Q1.19 (%)

Thế giới 160.180 152.309   136.557 -4,91          -10,34
Mỹ     27.607      28.959     25.831 4,90          -10,80
EU     72.930      70.410     62.031 -3,46          -11,90
Trung Quốc       7.747        8.164        6.629 5,38          -18,80
Nhật Bản       8.914        9.049       9.257 1,51              2,30
Hàn Quốc       3.746        3.849       3.433 2,75          -10,80
Khác     39.236      31.878     29.375 -18,75            -7,85

 Tình hình xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong Quý I/2020 đạt 8,4 tỷ USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ 2019. Kết quả kim ngạch xuất khẩu của quý I/2020 giảm chưa nhiều do tác động của dịch bệnh Covid 19 do các doanh nghiệp có các đơn hàng đã đặt từ quý III, quý IV/2019. Riêng tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã chứng kiến mức sụt giảm 7,42%. Thực tế các thị trường EU, Mỹ mới có chủ trương đóng cửa từ giữa tháng 3, cho nên quý 1 chưa thể hiện các khó khăn như hiện nay đang thấy. Dự kiến Quý 2 sẽ là quý có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, sau đó giảm dần từ quý 3, nhưng sớm nhất có thể trở lại giao dịch thông thường là quý 4.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam quý I/2020 (Đvị: triệu USD)

  Q1.2018 Q1.2019 Q1.2020 Thay đổi Q1.19/Q1.18 (%) Thay đổi Q1.20/Q1.19 (%)
Mỹ 3094 3405 3558 10,05 4,49
EU (28) 1329 1486 1413 11,81 -4,90
Nhật Bản 904,41 948 967 4,82 2,00
Hàn Quốc 837,32 876 889 4,62 1,48
Trung Quốc 794,79 913 785 14,87 -14,02
Khác 848,5 953,0 795,8 12,32 -16,49
Tổng 7808 8581 8408 9,90 -2,02

 

Kim ngạch nhập khẩu dệt may Việt Nam quý I/2020 (Đvị: triệu USD)

 Q1.2018 Q1.2019 Q1.2020 So sánh 2019/2018 (%) So sánh 2020/2019 (%)
 Bông các loại 751,7 717,9 642,4 -4,5 -10,52
 Xơ sợi các loai 528,8 550,3 545,0 4,07 -0,97
 Vải các loại 2670,4 2702,4 2631 1,2 -2,64
NPL dệt may                  da giầy 1245,6 1339 894 7,5 -33,24
 Tổng 5196,5 5309,6 4069,9 2,18 -23,35

Với mức giảm nhập khẩu nguyên liệu lên tới 23% trong quý 1, có thể thấy chỉ dấu cho việc kim ngạch xuất khẩu quý 2 sẽ giảm trên 20% so với cùng kỳ.

 TÌNH HÌNH SXKD QUÝ I NĂM 2020 CỦA TẬP ĐOÀN

Trong Quý 1 năm 2020, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, ngành dệt may thế giới, ngành Dệt May Việt Nam và Vinatex không phải ngoại lệ. Tính đến nay, tình hình huỷ, dừng, tạm ngừng đơn hàng đang lan rộng. Trước mắt gần như 100% các đơn vị đã thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5 với tỷ lệ từ 30-70% công suất, phụ thuộc đang làm cho khách hàng nào. Thương hiệu càng cao tỷ lệ cắt giảm càng lớn. Chưa có một tín hiệu nào về thời gian phục hồi, hiện đang dự kiến sớm nhất là tháng 6 mới le lói chút hi vọng bắt đầu phục hồi trở lại. Với tình hình này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 thấp hơn năm 2019 là ~ 20%, doanh nghiệp sẽ có tỷ lệ hoạt động cả năm chỉ ở mức 70-75% công suất với giả thiết sản xuất bình thường từ tháng 6, áp lực thiếu hụt đơn hàng quy về tương ứng 2-3 tháng sản xuất. Mặt khác, rủi ro do Trung quốc đã hoạt động trở lại, cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới 1 đợt giảm giá mạnh toàn cầu với dự kiến đơn giá giảm trên 20%. Trong bối ảnh đó, quý 1 ghi nhận nỗ lực của các DN trong tập đoàn khi vẫn đạt mức trên 93% so với cùng kỳ năm trước về doanh thu, KNXK, tuy nhiên lợi nhuận chỉ bằng 85% cùng kỳ.

Dự báo các tác động và thách thức ảnh hưởng đến ngành Dệt May Việt Nam thời gian tới

Dệt May Việt Nam chưa thực sự được hồi phục khi bị ảnh hưởng gián tiếp từ chiến tranh Thương mại Mỹ-Trung thì đã phải bước qua tiếp một thực tế không mấy sáng sủa do dịch bệnh Covid-19 mang lại. Hiện tại với ngành may tình trạng hủy đơn hàng hoặc không đặt hàng bắt đầu diễn ra, khi người tiêu dùng tại Mỹ, EU thắt chặt chi tiêu bởi dịch bệnh. Với ngành Sợi tình hình cũng không diễn biến khá hơn do cầu từ Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh. Nhìn chung bức tranh xuất khẩu cho dệt may Việt Nam năm 2020 chưa đón nhận tin tức tốt đẹp, mà phủ bằng gam màu u ám. Kỳ vọng với sự nỗ lực của Chính phủ các nước, dịch bệnh có thể sớm được đẩy lùi vào cuối quý II/2020.

Với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng lan rộng, áp lực về tài chính và lao động là rất lớn đối với doanh nghiệp bắt đầu diễn ra vào những tháng đầu tiên của Quý 2/2020.

Với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau của kinh tế thế giới thì chắc chắn Dệt May Việt Nam sẽ có 1 năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu, trong đó kịch bản cao là chúng ta đạt KNXK khoảng 35 tỷ USD giảm 10% so với năm trước, và kịch bản hiện thực là khoảng 33.5 tỷ USD, kịch bản thấp chỉ đạt 30-31 tỷ USD KNXK.  Bảo toàn mọi nguồn lực của doanh nghiệp từ nhân lực, thị trường, tài chính là yếu tố quyết định chờ vượt qua cơn sóng thần Covid-19.

Bài: Hồng Hạnh

Bài đã được đăng tải trên Tạp chí số tháng 4/2020, xem chi tiết tại đây!


Các tin khác