Ngành Dệt May bày tỏ mong muốn Chính phủ có quy hoạch các KCN dệt may trọng điểm
Tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp”, đại diện cho ngành Dệt May Việt Nam, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã trình bày những khó khăn của ngành trong năm 2019, để trụ vững vị trí cường quốc xuất khẩu dệt may trên thế giới. Do đó, rất cần Chính phủ có những biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như có quy hoạch các KCN chuyên về Dệt May…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng chủ trì, điều hành Hội nghị
Sáng 23/12/2019 tại Hà Nội, Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp” đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, với sự Chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với 3 Phó Thủ tướng: ông Trương Hòa Bình, ông Vũ Đức Đam và ông Vương Đình Huệ. Bên cạnh đó, sự kiện còn có sự tham gia của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cùng đại diện các Bộ, Ban, Ngành trung ương và địa phương, cùng với đó là 1.600 đại biểu là lãnh đạo hơn 1.000 doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ tầm quan trọng của DN trong việc phát triển đất nước, tạo ra giá trị gia tăng, cũng như đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống. “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, có không ít DN giải thể, ngừng hoạt động, trong năm 2019 con số này còn tương đối cao. Do đó, Thủ tướng đề nghị các DN cần có tiếng nói trong việc nêu ra những khó khăn, trở ngại trong hoạt động SXKD. Thủ tướng cho biết: “Đặc biệt ta cần biết và xử lý sự trì trệ của nhiều sở ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp, làm mất thời cơ của doanh nghiệp; cần chỉ rõ văn bản của bộ ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, cản trở, không phù hợp; cơ quan nào gây nhũng nhiễu ở địa phương hay tập trung ở Trung ương”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cùng lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ đã được lắng nghe những bài tham luận, đóng góp ý kiến của các DN – đại diện cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước như: đồ gỗ, dệt may… cùng với ý kiến của các Hiệp hội ngành hàng trong việc đưa ra tiếng nói chung về những vướng mắc, kiến nghị với Chính phủ.
Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, TGĐ Vinatex trình bày tham luận về việc xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành Dệt May Việt Nam
Thay mặt cho ngành Dệt May Việt Nam – ngành xuất khẩu đứng trong top 3 của cả nước, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, TGĐ Vinatex đã chia sẻ về những thời cơ, thách thức của ngành Dệt May trong năm 2019. Đặc biệt là yêu cầu của ngành trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để duy trì đà tăng trưởng nếu như các DN muốn duy trì và phát triển bền vững. Đồng thời, nhờ đó cũng giúp các DN vượt qua những thách thức, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dự báo sẽ có nhiều biến động.
Kiến nghị với Chính phủ về những vướng mắc cần được tháo gỡ, ông Lê Tiến Trường cho biết, mong muốn chung của toàn ngành đó chính là Chính phủ có những chính sách tổng thể đẩy nhanh việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tương đối bình đẳng với các DN tại các quốc gia sản xuất dệt may trong top 5. Ngoài ra, ông Lê Tiến Trường cũng cho biết, rất mong Chính phủ có các chính sách hỗ trợ trở lại cho các DN đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường (giảm thuế TNDN trong 5 – 10 năm, không thu thuế GTGT các chi phí đầu tư…). Bên cạnh đó, có quy hoạch KCN dệt may quy mô từ 300 – 500 hecta/1 khu, số lượng khoảng 10 khu trên cả nước, có đủ hạ tầng về xử lý môi trường, để giúp các DN đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng; Có chính sách không thu thuế VAT khi sử dụng nguyên liệu nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu. Xem xét có khả năng cho vay lưu động bằng ngoại tệ với các DN có xuất khẩu thu ngoại tệ tương ứng; Tiếp tục đơn giản hóa, giảm chi phí vận tải nội địa, chi phí kho bãi, kiểm hóa…
Để có những cơ chế cho ngành phát triển, ông Lê Tiến Trường cũng cho biết, cam kết của DN với Chính phủ về việc xanh hóa ngành Dệt May, đầu tư công nghệ hiện đại, phát thải thấp nhất… để ngành Dệt May không còn là “nỗi lo” của nhiều địa phương như trước đây.
Bài: Quang Nam/ Ảnh: Trần Hải