Nâng cao nhận thức về chính sách việc làm đến người lao động


Ngày 18/09/2019, tại TP. Cần Thơ, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị truyền thông về việc làm khu vực phía Nam năm 2019, nhằm cung cấp thông tin về kết quả thực hiện chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), phát triển nguồn nhân lực, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội gắn với phát triển thị trường lao động làm và định hướng trọng tâm các vấn đề lao động việc làm năm 2019 và trong những năm tới.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH); bà Nguyễn Thị Hoa Tâm – Phó Giám đốc Trường Đại học Lao động – Xã hội; ông Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Đào tạo kinh tế Quốc tế – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Dự báo nhân lực; đại diện các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Trung tâm dịch vụ việc làm khu vực phía Nam,  cùng gần 100 cơ quan báo chí trung ương và địa phương tới tham dự và đưa tin.

Ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh: “Lĩnh vực việc làm đang là vấn đề được toàn thể xã hội hết sức quan tâm, có nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực việc làm cần truyền tải như: Các chính sách liên quan đến giải quyết việc làm, chính sách việc làm với thanh niên, phụ nữ… Phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động, dự báo thị trường lao động đề án dự báo cung cầu lao động; Hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm; Đề án quản lý lao động, sử dụng lực lượng lao động, lao động nước ngoài tại Vệt Nam đang thu hút sự quan tâm của xã hội; Chính sách bảo hiểm thất nghiệp…Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều người chưa biết đến những chính sách này, chính vì vậy để truyền tải các nội dung, nội hàm về vấn đề việc làm, nâng cao nhận thức về chính sách việc làm đến người lao động thì vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí lại càng quan trọng”.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH xác định 3 đột phá trong năm nay, đó là về thể chế, thị trường lao động, gắn đào tạo với việc làm. Trong đó, vấn đề lao động việc làm hiện nay không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề kinh tế vì lao động là đầu vào của quá trình sản xuất, không có lao động kinh tế không phát triển được, và đang hướng tới sử dụng lao động năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Tại Hội nghị, cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đều nhận định, truyền thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân. Công tác truyền thông đối với thị trường lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong định hướng xây dựng và thực hiện chính sách, xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy các lực lượng thị trường vận hành phù hợp theo những định hướng và chính sách đó. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận, hiện công tác tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực thi chính sách việc làm đến với người dân còn chậm, độ bao phủ chưa cao, nhiều đối tượng chưa được tiếp cận với nguồn thông tin, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng xa.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Dự báo nhân lực, phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Dự báo nhân lực đã nêu lên thực trạng nguồn nhân lực và đào tạo – việc làm, nhu cầu nguồn nhân lực cũng như những giải pháp trong việc phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới. Ông Trần Anh Tuấn, cho biết: “Trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa. Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực nói chung và mỗi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo,… đang là yêu cầu cấp thiết”.

Xưởng may của chị Phạm Thị Tuyết Trinh được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm đạt hiệu quả

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tham quan thực tế, làm việc và phỏng vấn người lao động và người sử dụng lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ; tìm hiểu thực tế tại một số mô hình vay vốn giải quyết việc làm có hiệu quả tại Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Cẩm Hà


Các tin khác