Năm 2020 lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 5,5%
Mức tăng 5,5% được cho là sẽ đáp ứng 100% mức sống tối thiểu cho người lao động.
Sau cuộc thương lượng thứ 2 tổ chức chiều 11/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5% so với 2019. Phương án này được cho là sẽ đáp ứng 100% mức sống tối thiểu cho người lao động và sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định trong năm nay.
Theo đó, năm 2020, lương tối thiểu mỗi tháng ở vùng 1 sẽ tăng từ 4,18 lên 4,42 triệu đồng (tăng 240.000 đồng), vùng 2 tăng từ 3,71 lên 3,92 triệu đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3,25 lên 3,43 triệu đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2,92 lên 3,07 triệu đồng (tăng 150.000 đồng).
Tham gia cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, với mong muốn cải thiện tốt nhất đời sống của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 8,18% hoặc 7,06% (lần thương lượng đầu tiên), sau đó đưa thêm một phương án tăng 6,52% ở lần thương lượng thứ 2.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện cho phía doanh nghiệp), cho rằng cần giãn lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đến năm 2020 hoặc chỉ nên điều chỉnh mức tăng thêm 1-2%. Lý do là để hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, xử lý rủi ro suy giảm tăng trưởng có tính chu kỳ. Sau khi thảo luận, VCCI nhích mức tăng lên 2,5-3,5%, sau đó là 4%.
Cuối phiên thương lượng, các bên đã thống nhất mức tăng 5,5% và đạt được đồng thuận khi bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên sau 6 năm thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, các thành viên đã đạt được đồng thuận ngay trong phiên đàm phán thứ 2, thay vì phải qua 3-4 phiên như trước.
Lương tối thiểu vùng năm 2020 dự kiến tăng 5,5% so với 2019.
Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nói: “Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật, hiện nay lương tối thiểu đã đáp ứng 95% mức sống tối thiểu, chỉ còn thiếu khoảng 5% nữa là đạt yêu cầu theo Nghị quyết của Trung ương đề ra là năm 2020 lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Mức 5,5% cao hơn mức độ thiếu hụt đề ra, để đôi bên đều cảm thấy chấp nhận được”.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tăng lương tối thiểu sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp, nhưng đó là động lực cho người lao động để có điều kiện công hiến. Trong bối cảnh hội nhập, giải quyết thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, chính sách tiền lương thấp quá thì phía hưởng lợi là các doanh nghiệp FDI.
“Chúng tôi hy vọng mức tăng khoảng 5,6-6,5%, song phương án 5,5% cũng có thể chấp nhận được”, ông Lê Đình Quảng nhận xét.
Kỳ vọng mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ thấp hơn để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết: “Chỉ cần tăng thêm 1% tối thiểu thì chi phí của doanh nghiệp cũng tăng trên dưới 10%. Tuy nhiên, với tinh thần thiện chí để hài hòa lợi ích giữa các bên, chúng tôi đồng ý với mức tăng 5,5%”.
Trước phiên đàm phán lần hai, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã dự báo, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 khoảng 5-5,5% là hợp lý. “Người lao động mong muốn hưởng mức lương cao hơn, thế nhưng người sử dụng lao động cũng đối mặt với không ít khó về năng suất lao động, sức cạnh tranh. Tiền lương tăng sẽ tăng cao chi phí đầu vào trong khi, giá thành đầu ra không thay đổi hoặc thay đổi rất ít”, ông Phạm Minh Huân nói.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp, người lao động thỏa thuận và trả lương. Người được áp dụng mức lương này làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Theo Vnexpress