Lãnh đạo Vinatex tiếp đoàn lãnh đạo Tập đoàn Rieter


Chiều 26/6 tại Hà Nội, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cùng ông Phạm Văn Tuyên – Trưởng Ban Đầu tư và Phát triển Vinatex đã tiếp đoàn lãnh đạo Tập đoàn Rieter do ông Gerald Steiner – Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Rieter; ông Rolf Zimmermann, Quản lý kinh doanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đoàn.

Tập đoàn Rieter là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về máy móc, hệ thống và thiết bị kéo sợi có trụ sở tại Winterthur (Thụy Sĩ). Với 18 cơ sở sản xuất trên toàn cầu, Rieter cung cấp các giải pháp toàn diện cho ngành dệt may, từ khâu kéo sợi đến khâu hoàn thiện.

Tại buổi gặp mặt, hai bên đã có những trao đổi liên quan đến tình hình thị trường ngành dệt may thế giới, ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất vẫn chưa hạ nhiệt trên các thị trường nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, EU,… điều này dẫn tới nhu cầu mua quần áo của người tiêu dùng giảm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dệt may của Việt Nam.

Thông tin tới Tập đoàn Rieter về tình hình thị trường dệt may Việt Nam, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho biết: Sau đại dịch Covid, thương mại toàn cầu suy giảm, trong đó ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm trên 10%, đây không phải là trường hợp riêng của bất kỳ doanh nghiệp nào mà là tình trạng chung của toàn bộ ngành do nhu cầu và đơn giá suy giảm mạnh. Năng lực sản xuất và xuất khẩu của dệt may Việt Nam mặc dù suy giảm trong năm 2023 nhưng vẫn tương đối lớn so với nhiều quốc gia trong cùng khu vực. Sang năm 2024, ngành dệt may hứa hẹn sẽ có sự phục hồi mặc dù chưa thực sự bền vững do nhiều yếu tố khách quan do tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường và tỷ giá.

“Trong vòng vài năm tới, chúng tôi kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ quay trở lại nhịp tăng trưởng với tốc độ khoảng 5-6%/năm khi thị trường ổn định. Mặc dù các dự án nhà máy sợi vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vốn do lãi suất ngân hàng cao, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 chưa được tích cực và chi phí đầu tư tăng so với các năm trước. Nhưng một trong những yếu tố tích cực cho dệt may Việt Nam gần đây là xu hướng dịch chuyển sản xuất và mua hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do những vấn đề liên quan đến siết chặt quy định về lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) và khu vực Châu Âu. Ngành sợi Việt Nam, cũng như ngành dệt may nói chung sẽ có những lợi thế nhất định trong chuỗi cung ứng nếu tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế này”- Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Tại cuộc trao đổi, ông Gerald Steiner – Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Rieter đồng tình và chia sẻ với Vinatex về những khó khăn, thách thức mà ngành dệt may của Việt Nam đang phải đối mặt. Rieter nhận định, thời điểm hiện nay đang là khoảng thời gian có nhiều biến động đến từ việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong thời gian dài khiến doanh nghiệp phải cân nhắc khi đầu tư máy móc, trang thiết bị, lãi suất ngân hàng cao cũng như các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ chưa đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, Rieter cũng đề xuất hỗ trợ Tập đoàn về công nghệ tái chế hàng may mặc, hướng đến các giải pháp chuyển đổi mô hình kinh tế xanh.

Đáp lời Phó Tổng Giám đốc Rieter, Chủ tịch Lê Tiến Trường bày tỏ, trong chiến lược sản xuất và hợp tác của Tập đoàn, lãnh đạo Vinatex đã dự trù kế hoạch, chiến lược ngắn và dài hạn để sẵn sàng vượt qua những rủi ro có thể xảy ra trong thời gian tới, đồng thời Chủ tịch Vinatex mong muốn hai bên tiếp tục chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để hướng tới sự đổi mới trong chuỗi cung ứng dệt may của Vinatex.


Các tin khác