Kinh tế tuần hoàn – Cơ hội và định hướng sản xuất kinh doanh


Theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Bên cạnh đó, sự biến động giá nguyên liệu theo chiều hướng tăng, chuỗi cung ứng tiềm ẩn nhiều rủi ro và áp lực ngày càng tăng đối với các nguồn lực là hồi chuông báo động tới lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách về sự cần thiết phải tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn từ việc sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn

Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế tất yếu, là nền kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, nhằm mục đích giúp cho sản phẩm, thành phần, nguyên liệu luôn giữ được tính hữu ích và giá trị cao nhất. Mô hình kinh tế mới này thực chất muốn giải quyết những thách thức liên quan đến nguồn tài nguyên cho doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời có thể tạo ra tăng trưởng, việc làm và giảm thiểu các tác động đến môi trường. Khi hướng tới một mô hình kinh tế mới dựa trên tư duy hệ thống cùng với sự liên kết giữa các yếu tố công nghệ và xã hội sẽ có thể cho phép chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH.

Mô hình nền kinh tế tuyến tính hiện nay đang bị thách thức bởi chính bối cảnh mà nó đang vận hành, đó là: Tổn thất kinh tế, rủi ro về giá cả, nguồn cung ứng, suy thoái hệ thống tự nhiên, các quy định về môi trường và phát triển bền vững ngày càng siết chặt; trình độ khoa học công nghệ phát triển không ngừng và liên tục đạt những thành tựu mới, xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh thay thế những mô hình truyền thống; quá trình đô thị hóa tiếp tục tăng nhanh. Chính vì những thách thức kể trên mà cho tới nay, mặc dù vẫn còn phổ biến nhưng mô hình kinh tế tuyến tính ngày càng yếu đi và dần sẽ định hình nền kinh tế mới trong nhiều năm tới, cơ sở lý luận của việc chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn ngày càng được ghi nhận.

Tổ chức Ellen Macarthur đã xác định ba nguyên tắc chính của một nền KTTH đó là:

Thứ nhất, bảo tồn và nâng cao vốn tự nhiên bằng cách kiểm soát hợp lý các nguồn tài nguyên không thể phục hồi, cân đối với các nguồn tài nguyên có thể phục hồi và các nguồn năng lượng tái tạo.

Thứ hai, tối ưu hóa tài nguyên bằng cách tuần hoàn hóa sản phẩm, thành phần, nguyên liệu để chúng đạt giá trị hữu dụng cao nhất tại mọi thời điểm cả về chu kỳ công nghệ và chu kỳ sinh học.

Trong chu trình kỹ thuật, thiết kế sản phẩm để sau khi sử dụng, sản phẩm đó có thể tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế với thành phần và vật liệu luôn tuần hoàn trong nền kinh tế. Hệ thống tuần hoàn sử dụng vòng tròn chặt chẽ hơn, khép kín hơn, ưu tiên bảo trì hơn tái chế. Bằng cách này, sản phẩm được kéo dài tuổi thọ, tối ưu hóa thời gian sử dụng trong mỗi chu kỳ. Trong chu trình sinh học, các chất dinh dưỡng từ các vật liệu phân hủy sinh học được trả lại cho Trái đất, thông qua các quá trình như ủ phân hoặc phân hủy kỵ khí. Điều này cho phép đất tái sinh để chu kỳ có thể tiếp tục.

Thứ ba, tăng cường tính hiệu quả của hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực (thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm).

Những nguyên tắc này giúp KTTH phá vỡ được mối liên hệ thường thấy giữa phát triển kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Không chỉ là tuần hoàn vật liệu mà còn là giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu khó tái chế, KTTH không phải là xử lý chất thải, ngược lại coi chất thải là tài nguyên bị đặt nhầm chỗ, hoặc bị đánh giá chưa đúng giá trị. Theo đó, không chỉ giảm phụ thuộc vào tài nguyên và hạn chế phát thải, mô hình này vẫn đem lại lợi ích rất lớn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nền KTTH được phác thảo theo sơ đồ hình con bướm, minh họa sự luân chuyển liên tục của nguyên vật liệu trong nền kinh tế, như dưới đây:

Các nguyên tắc nêu trên đóng vai trò là nguyên tắc hành động còn để hình dung được nền KTTH rõ nét hơn người ta thường xem xét đến các đặc điểm cơ bản sau đây:

  • Trong nền KTTH không tồn tại chất thải, chất thải được “thiết kế” theo chủ đích. Các nguyên vật liệu sinh học không độc hại được ủ phân, phân hủy kị khí làm giàu dinh dưỡng cho đất. Các nguyên vật liệu như polyme, hợp kim hay các nguyên liệu nhân tạo khác được thiết kế để thu hồi, làm mới và nâng cấp, giữ lại tối đa giá trị của chúng.
  • Nền KTTH coi sự đa dạng như một phương tiện để xây dựng sức mạnh. Trong hệ thống, sự đa dạng là động lực chính cho tính linh hoạt và khả năng phục hồi.
  • Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn.
  • Một nền kinh tế áp dụng rộng rãi tư duy hệ thống bởi lẽ doanh nghiệp, con người hay các yếu tố khác đều là một phần của hệ thống phức tạp được liên kết với nhau rất chặt chẽ và tạo ra những hệ quả, do vậy để chuyển đổi sang nền KTTH có hiệu quả, người ta cần xem xét đến những liên kết và hệ quả này.
  • Trong một nền KTTH, giá cả đóng vai trò như một thông điệp, và nó cần phải được phản ánh đầy đủ. Toàn bộ chi phí của các yếu tố ngoại tác tiêu cực được tính toán và thông báo công khai, các khoản không chính xác sẽ bị loại bỏ.

Cơ hội để đổi mới và tái tạo

Mặc dù các phân tích về cơ hội của nền KTTH hiện nay đều đa số dựa trên số liệu và giả định của các quốc gia tại Châu Âu nhưng từ những kết luận này ta cũng có thể áp dụng được cho các khu vực khác trên thế giới, chứng minh nền KTTH có thể tạo ra những cơ hội to lớn để đổi mới và tái tạo.

Nền KTTH được xác định mang lại cơ hội cho nền kinh tế, cho môi trường, doanh nghiệp và con người.

Thứ nhất, đối với nền kinh tế, KTTH tạo cơ hội nâng cao tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm đáng kể chi phí vật liệu, tạo ra các cơ hội việc làm và tăng cường đổi mới.

Tăng trưởng kinh tế, được xác định bằng GDP, sẽ đạt được qua sự kết hợp của việc tăng doanh thu từ các hoạt động tuần hoàn và chi phí sản xuất thấp hơn có được từ việc sử dụng hiệu quả hơn các yếu tố đầu vào. Những thay đổi này ảnh hưởng đến cung, cầu và giá cả của toàn nền kinh tế, biến động qua tất cả các lĩnh vực và dẫn đến một loạt các tác động gián tiếp bổ sung cho tăng trưởng chung. Những tác động này tạo nên sự thay đổi tích cực trong GDP. Ví dụ như châu Âu, nếu phát triển KTTH, GDP có thể tăng tới 11% và 27% tương ứng vào năm 2030 và 2050, so với 4% và 15%  của kịch bản hiện tại.

Tiết kiệm đáng kể chi phí nguyên liệu ròng. Tổ Ellen MacArthur Foundation đã sử dụng mô hình chi tiết ở cấp độ sản phẩm để tính được rằng: đối với các sản phẩm phức tạp có tuổi thọ trung bình ở châu Âu thì chi phí nguyên liệu ròng tiết kiệm hàng năm lên tới 630 tỷ USD trong một kịch bản KTTH tiên tiến. Còn đối với hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), chi phí này có thể lên tới 700 tỷ USD trên toàn cầu.

Tiềm năng tạo việc làm. Việc làm sẽ được tạo ra 1) trong các lĩnh vực công nghiệp, thông qua sự phát triển của logistics ngược; 2) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua hoạt động tăng cường đổi mới; 3) một nền kinh tế dựa trên dịch vụ mới.

Một nền KTTH với khát vọng đổi mới tạo ra những sản phẩm “tuần hoàn theo thiết kế”, mạng lưới logistic ngược. Lợi ích mang lại từ nền kinh tế này bao gồm tốc độ phát triển công nghệ cao hơn; cải thiện vật liệu, lao động; tiết kiệm năng lượng và nhiều cơ hội khác nữa cho doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với môi trường, chuyển đổi sang nền KTTH chắc chắn sẽ tạo nhiều cơ hội để giảm lượng khí thải và tiêu thụ nguyên liệu sơ cấp; bảo tồn và cải thiện năng suất đất đai; giảm thiểu các yếu tố ngoại tác tiêu cực. Đối với Châu Âu, sẽ giảm được một nửa lượng khí thải CO2 vào năm 2030, hoặc 83% vào năm 2050; giảm tiêu thụ nguyên liệu sơ cấp tới 32% vào năm 2030 và 53 % vào năm 2050, so với hiện nay. Tăng năng suất và sức khỏe của đất thông qua quá trình phân hủy kị khí hoặc ủ phân đưa dinh dưỡng tự nhiên trở về đất, giảm nhu cầu bổ sung chất dinh dưỡng từ phân bón hóa học. Một nền KTTH sẽ quản lý các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như sử dụng đất, ô nhiễm không khí, nước và tiếng ồn, thải ra các chất độc hại và biến đổi khí hậu nhờ vậy Giảm các yếu tố ngoại tác tiêu cực.

Thứ ba, cơ hội cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội thu lợi nhuận nhiều hơn do đạt được mức chi phí đầu vào thấp hơn và/hoặc tạo ra các luồng lợi nhuận hoàn toàn mới. Nếu sử dụng phương pháp tiếp cận nền KTTH đối với:

Các sản phẩm tiêu dùng nhanh tại Anh: ví dụ như quần áo, mỗi tấn quần áo được thu gom và phân loại có thể tạo ra doanh thu 1.975 USD – hoặc lợi nhuận gộp 1.295 USD từ các cơ hội tái sử dụng; hay chi phí đóng gói, chế biến và phân phối bia có thể giảm 20% – bằng cách chuyển sang chai thủy tinh tái sử dụng; hay xử lý rác thực phẩm hỗn hợp từ các hộ gia đình và khách sạn sẽ tạo ra nguồn thu nhập 1,5 tỷ USD hàng năm.

Các sản phẩm phức tạp có tuổi thọ trung bình như: 1) điện thoại di động, chi phí tái sản xuất nó có thể giảm tới 50% trên mỗi thiết bị nếu nó được thiết kế dễ tháo lắp hơn và tăng cường khuyến khích khách trả lại điện thoại không sử dụng; 2) thay vì sở hữu một chiếc máy giặt, các hộ gia đình có thể thuê chúng, được sử dụng các dịch vụ bảo dưỡng, được tư vấn cách dùng tiết kiệm năng lượng, chất giặt và hiệu quả, được cung cấp các số liệu thống kê từ lúc bắt đầu sử dụng dịch vụ cho đến khi kết thúc hợp đồng, nhờ vào dịch vụ này mà khách hàng sẽ tiết kiệm được khoảng một phần ba cho mỗi chu trình giặt và nhà sản xuất sẽ được thêm khoảng một phần ba lợi nhuận.

Giảm biến động và an toàn hơn về nguồn cung cấp. Việc chuyển sang một nền KTTH hơn có nghĩa là giảm sử dụng nguyên liệu thô và tăng nguyên liệu tái chế; giảm mức độ tiếp xúc của doanh nghiệp với giá nguyên liệu thô đang biến động liên tục. Mối đe dọa chuỗi cung ứng bị gián đoạn do thiên tai hoặc mất cân bằng địa chính trị cũng giảm bớt.

Nền KTTH sẽ tạo ra nhu cầu mới về dịch vụ kinh doanh, đó là tạo ra những công ty cung cấp dịch vụ logistic ngược, công ty thu gom sẽ hỗ trợ việc đưa các sản phẩm cuối đời quay về hệ thống; Tái sản xuất các bộ phận và linh kiện; tân trang sản phẩm theo kiến ​​thức chuyên ngành. Việc thu thập, tháo rời, tân trang sản phẩm, tích hợp vào quy trình tái sản xuất và đưa sản phẩm đến tay người dùng đều đòi hỏi bí quyết về quy trình và công nghệ. Đa phần những công việc này đều được thực hiện bởi các công ty con của các nhà sản xuất hiện tại, đây chính là cơ hội về mô hình kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.

Tăng cường sự tương tác và lòng trung thành của khách hàng. Các giải pháp tuần hoàn sẽ đưa ra những cách thức mới để thu hút khách hàng một cách sáng tạo. Các mô hình kinh doanh mới như cho thuê hoặc hợp đồng cho thuê sẽ thiết lập mối quan hệ lâu dài hơn với khách hàng, vì số lần tiếp xúc với khách hàng tăng lên trong suốt thời gian “sống” của sản phẩm. Mô hình kinh doanh này giúp cho doanh nghiệp có cơ hội hiểu biết rõ bản chất của mô hình đang sử dụng, hướng tới chu kỳ cải tiến sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, và sự hài lòng của khách hàng cao hơn.

Thứ tư, cơ hội cho mỗi cá nhân trong nền KTTH đó là tiện ích lớn hơn do có nhiều lựa chọn hơn, giá thấp hơn và cuối cùng tổng chi phí sở hữu thấp hơn.

Tăng thu nhập khả dụng. KTTH có thể tăng thu nhập khả dụng của một hộ gia đình trung bình ở Châu Âu nhờ vào việc giảm chi phí sản phẩm, sử dụng các dịch vụ phù hợp và chuyển đổi thời gian sản xuất không hiệu quả sang những hoạt động có ích hơn.

Tiện ích hơn. Khách hàng sẽ có cơ hội tiếp cận những tiện ích hoặc lợi ích tốt hơn nhờ vào những lựa chọn bổ sung hoặc chất lượng mà các mô hình KTTH cung cấp.

Giảm sự lỗi thời của sản phẩm. Nhờ vào đặc tính có thể tái sử dụng, đối với các sản phẩm bị lỗi việc khắc phục lỗi sớm sẽ mang lại nhiều tiện lợi hơn cho khách hàng vì chúng sẽ tránh được những phiền toán liên quan đến việc sửa chữa và trả lại.

Doanh nghiệp khai thác, tận dụng và thúc đẩy nền KTTH thế nào?

Từ cơ sở lý thuyết kinh doanh, đặc điểm cũng như các cơ hội của nền KTTH nêu trên việc khai thác, tận dụng và thúc đẩy nền KTTH từ phía doanh nghiệp về cơ bản sẽ dựa vào 4 nội dung dưới đây:

Ưu tiên thiết kế và sản xuất sản phẩm theo hướng tuần hoàn. Đặc điểm chính của nền KTTH là được phục hồi và tái tạo theo thiết kế. Thu hồi vật liệu và sản phẩm không chỉ được giải quyết khi kết thúc sử dụng, mà còn được kích hoạt ở cấp độ thiết kế bằng cách lựa chọn vật liệu hoặc thiết kế để tháo rời. Doanh nghiệp cần xây dựng năng lực cốt lõi trong thiết kế tuần hoàn để tạo điều kiện cho tái sử dụng, tái chế và phân tầng sản phẩm. Thiết kế sản phẩm và sản xuất tuần hoàn cần đến các kỹ năng chuyên sâu, thông tin cụ thể và phương pháp làm việc mới. Công nghệ và lựa chọn vật liệu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thiết kế sản phẩm. Các nhà sản xuất nên chỉ rõ mục đích và công năng của sản phẩm cuối, nên ưu tiên sử dụng vật liệu đơn chất để sản xuất vì dễ dàng phân loại hơn vào cuối vòng đời. Bên cạnh việc lựa chọn vật liệu, cần chú tâm đến các lĩnh vực khác để thiết kế tuần hoàn thành công về mặt kinh tế là: tiêu chuẩn hóa từng thành phần; sản phẩm được thiết kế cho đến cuối cùng; thiết kế để dễ dàng phân loại, phân tách hoặc tái sử dụng cả về sản phẩm và vật liệu; tiêu chí thiết kế để sản xuất có tính đến các ứng dụng hữu ích có thể có của các sản phẩm phụ và chất thải. Các mô hình kinh doanh theo nền KTTH cũng cần được tính đến khi thiết kế sản phẩm. Cuối cùng, nên triển khai cơ chế phản hồi giữa các hoạt động thiết kế và quá trình sử dụng cuối.

Xây dựng các mô hình kinh doanh mới. Mô hình kinh doanh chuyển từ quyền sở hữu sang mô hình thanh toán dựa trên hiệu suất hoặc mô hình sử dụng dịch vụ là công cụ chuyển các sản phẩm được thiết kế để tái sử dụng thành các đề xuất giá trị hấp dẫn. Các sáng kiến ​​và mô hình kinh doanh mới, phù hợp sẽ tạo hiệu ứng lan truyền cho nhiều doanh nghiệp, đồng thời sẽ được nhân lên và mở rộng trên phạm vi quốc gia, khu vực hoặc toàn  cầu.

Áp dụng nguyên lý vòng tuần hoàn ngược. Bảo toàn giá trị của nguyên vật liệu là yêu cầu cốt lõi để chuyển đổi sang nền KTTH, do vậy, nguyên liệu và sản phẩm sau khi sử dụng cần được thu gom và đưa trở lại thị trường. Logistics ngược và các phương pháp xử lý cho phép những nguyên liệu và sản phẩm nêu trên quay trở lại thị trường và tạo ra giá trị. Với hệ thống thu gom và xử lý chất lượng tốt, chi phí hiệu quả, phân khúc sản phẩm cuối đời rõ ràng thì việc thất thoát vật liệu ra khỏi hệ thống sẽ giảm. Chuỗi logistics ngược cần được tối ưu hóa từ đầu đến cuối.

Doanh nghiệp cần một hành lang thuận lợi. Doanh nghiệp sẽ chủ động thúc đẩy ba nội dung nêu trên tuy nhiên nội dung thứ tư là các yếu tố hỗ trợ và các chính sách thông thoáng từ bên ngoài để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi, đó là: Giáo dục, Tài chính, Nền tảng hợp tác và Một khuôn khổ kinh tế mới. Yếu tố quan trọng tạo nền tảng cho một mô hình mới đó là con người được đào tạo; Hợp tác xuyên chuỗi và liên ngành hiệu quả là điều cấp thiết để thiết lập quy mô lớn của một hệ thống tuần hoàn. Những thay đổi rộng hơn đối với hệ thống ngân sách hiện tại và việc đo lường hiệu quả hoạt động kinh tế có thể giúp tạo ra một quá trình chuyển đổi sang nền KTTH và phát triển một kế hoạch dài hạn để cân bằng lại các yếu tố chi phí và định giá một cách thỏa đáng các yếu tố ngoại tác quan trọng. Đây là những công cụ để các nhà hoạch định chính sách phát triển một khuôn khổ kinh tế mới hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền KTTH.

Bài: Ban Đầu tư và Phát triển Vinatex

Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang KTTH đang là xu thế chung của toàn cầu, đó là cách tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, hay nói một cách khác, không còn phải đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững.  

Để thực hiện được định hướng này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt, doanh nghiệp là động lực trung tâm, tranh thủ cơ hội, bắt kịp xu thế và nhanh chóng chuyển dịch sang mô hình KTTH; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện để thay đổi cả về nhận thức và hành vi của toàn xã hội.


Các tin khác