Kiên cường – Dũng cảm – Sáng tạo – Đoàn kết: Đáp ứng nhanh nhất mọi diễn biến của thị trường


Năm 2023 được nhiều chuyên gia dự báo có thể là “đáy” của kinh tế thế giới kể từ giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 với tất cả yếu tố tiêu cực, bất lợi xảy ra trong cùng một năm. Mặc dù liên tục bám sát thị trường để đưa ra những chỉ đạo chiến lược ứng phó với tình hình thực tế, tuy nhiên kết quả SXKD của Tập đoàn không được như mong đợi do các yếu tố khách quan và chủ quan. Nhìn lại kết quả của năm 2023, rút ra bài học và định hướng hành động cho năm 2024 với một số tín hiệu từ sự phục hồi thị trường toàn cầu và sự duy trì ổn định của các yếu tố vĩ mô trong nước, toàn hệ thống Tập đoàn cùng quyết tâm, kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đoàn kết, tận dụng mọi cơ hội quay trở lại thị trường một cách bền vững.

Nếu để tổng kết bài học lớn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam có thể gói gọn trong 8 chữ:

KIÊN CƯỜNG – DŨNG CẢM – SÁNG TẠO – ĐOÀN KẾT

Tại sao lại tổng kết như vậy?

Nếu không tính năm 2020 vì dịch bệnh Covid – 19 mà toàn thế giới đóng cửa thì năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập Tập đoàn, cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành Dệt May Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm ~10%. Nguyên chỉ một con số đó đã nói lên sự khó khăn mà các doanh nghiệp phải trải qua trong suốt năm qua.

Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích thì khó khăn không chỉ dừng lại ở lượng đơn hàng ít, kim ngạch xuất khẩu suy giảm mà khó khăn còn chồng chất hơn nhiều lần, cụ thể là:

  • Do tổng cầu thế giới thấp hơn năng lực cung ứng của các quốc gia xuất khẩu dệt may nên giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng. Lúc này các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, lương tối thiểu sẽ có trọng số lớn trong cạnh tranh ở các quốc gia. Với đặc điểm thu nhập ngành Dệt May Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng), còn lại cao gấp 3 lần ở Bangladesh, gấp trên 2 lần Ấn Độ, gấp 1,8 lần Campuchia, trong khi tiền lương tiền công chiếm tỷ trọng trên 55% giá thành ngành may. Tỷ giá VND ổn định trong suốt 8 tháng đầu năm trong khi NDT giảm giá 5%, taka Bangladesh giảm 5,9%, Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 31%. Lãi suất tại Việt Nam 6 tháng đầu năm cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%. Tổng hợp các yếu tố trên cho một vị thế hết sức bất lợi với doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%.
  • Để tránh bất lợi về giá, doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, rất khó, ít lặp lại, chịu sự hy sinh đáng kể về năng suất và phương thức tổ chức sản xuất. Bài toán cân đối giữa chi phí sản xuất tăng mạnh vì đơn hàng nhỏ và giá cao hơn so với đơn hàng lớn điều này gây áp lực lên những người điều hành doanh nghiệp.
  • Thời gian giao hàng rất ngắn. Với sự thận trọng trước thị trường biến động, các nhà mua hàng có xu thế đặt số lượng lớn, nhưng cụ thể hoá thành hợp đồng chỉ theo từng đợt nhỏ, nếu đưa ra thị trường thuận lợi mới ra lệnh sản xuất các đợt tiếp theo. Lúc này thời gian giao hàng thường rất ngắn 10 ngày đến 2 tuần trong khi trước đây là 40 ngày với hàng CM, 70 ngày với FOB. Áp lực giải quyết giật cục về đơn hàng lên toàn hệ thống cũng lại làm cho chi phí sản xuất tăng.

Trên nền thị trường như vậy, từ khoá quản trị của các doanh nghiệp trong Tập đoàn trong suốt năm 2023 là:

KIÊN CƯỜNG – có thể nói đây là từ khoá chính xác nhất để mô tả về hoạt động của các doanh nghiệp trong Tập đoàn suốt năm qua. Khó khăn không nản chí, không buông xuôi, không tìm lý do biện minh mà chỉ tập trung toàn lực để đưa ra giải pháp tốt nhất có được đơn hàng, tổ chức được sản xuất, giảm được thiệt hại nếu thiếu việc làm diện rộng. Kiên cường không chỉ ở lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp mà lan toả tới toàn thể người lao động, với phương châm giữ khách hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động là ưu tiên cao nhất của toàn hệ thống.

DŨNG CẢM – chưa bao giờ những người đứng đầu doanh nghiệp phải đứng trước các quyết định cân não, liên tục trong suốt cả năm 2023. Thường xuyên nhất là quyết định có ký kết các đơn hàng giá gia công thấp, không hiệu quả, nhưng cần để đảm bảo việc làm. Với ngành sợi là quyết định bán dưới giá thành nhưng là giá thị trường thế giới chấp nhận để có luân chuyển tiền tệ, đảm bảo huy động được thiết bị và việc làm cho NLĐ, quyết định mua nguyên liệu khi thị trường rất bấp bênh, dòng vốn khó khăn, tồn kho có những lúc lên đến 2 tháng sản xuất. Những quyết định của năm 2023 đều đòi hỏi sự dũng cảm của người quản lý mà cao nhất là người đứng đầu các doanh nghiệp, thiếu đi sự dũng cảm thường trực của Chủ tịch/TGĐ các doanh nghiệp thì chúng ta không thể giữ vững được đội hình như hiện nay.

SÁNG TẠO – được rèn luyện và thử thách qua thời gian dịch bệnh với nhiều mặt hàng mới, lạ, tổ chức sản xuất linh hoạt. Tinh thần và năng lực sáng tạo của các đơn vị được nâng lên một bước. Trong năm 2023, một lần nữa sáng tạo trở thành từ khoá giúp doanh nghiệp thích ứng được với sự khắc nghiệt của thị trường.

ĐOÀN KẾT – đây là truyền thống của Tập đoàn đã được nhiều thế hệ gây dựng, là nét văn hóa đặc trưng của Tập đoàn. Tuy nhiên, trong khó khăn của thị trường cũng đã thể hiện rõ hơn tinh thần đoàn kết trong giai đoạn mới, cũng bộc lộ rõ hơn văn hóa ở từng doanh nghiệp. Tục ngữ Việt Nam có câu “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tuy vậy cũng cần lựa chọn “cây” để cùng chụm lại, để có được quan hệ các bên đều thắng, chứ không phải chụm lại để có bên thắng bên thua. Sự “khôn ranh” ngắn hạn phải được thay thế bằng “quan hệ chiến lược cùng thắng” của các doanh nghiệp trong Tập đoàn. Cuộc đấu tranh để tư duy chiến lược dài hạn, đối tác quan hệ cùng thắng là nội hàm bổ sung quan trọng của văn hóa đoàn kết trong các doanh nghiệp của tập đoàn trong giai đoạn mới.

Rõ ràng, sau một năm kinh doanh khó khăn, dù đội ngũ được giữ vững, lực lượng lao động và thu nhập tương đương 2022, khách hàng cơ bản được giữ vững, đã có một số mặt hàng mới đưa ra thị trường thì trong thực tế, sức khoẻ từng doanh nghiệp đều có sự suy giảm. Chúng ta sẽ bước vào năm 2024 với tiềm lực sản xuất kinh doanh, tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ lên, nhưng sức khoẻ tài chính yếu đi, thực tế khách quan đó sẽ là áp lực mới lên từng doanh nghiệp, từng cán bộ quản lý ở các cấp.

Năm 2024, cơ bản các dự báo đều cho thấy một hy vọng có sự cải thiện của nền kinh tế thế giới, nhất là ở Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75% là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một động lực mới cho đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam tốt hơn. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023. Tất nhiên chúng ta cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 1/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023.

Với cơ sở của bài học năm 2023 và các dự báo 2024, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị toàn bộ hệ thống tiếp tục 5 kiên định trong thông điệp 2023, bởi đây là các giải pháp chiến lược lâu dài cần kiên trì thực hiện liên tục trong nhiều năm:

  • Kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới.
  • Kiên định xây dựng trong nội tại Tập đoàn mục tiêu chiến lược Một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh.
  • Kiên định thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG).
  • Kiên trì thực hiện liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định.
  • Kiên trì công tác đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ.

Bên cạnh 5 kiên định là tiếp tục phát huy những năng lực mới được xây dựng, phát triển trong năm 2023, tiếp tục ứng phó một cách chủ động với diễn biến phức tạp của thị trường. Chắc chắn 2024 vẫn sẽ là năm nhiều thách thức tiềm ẩn với các doanh nghiệp, KIÊN CƯỜNG  – DŨNG CẢM – SÁNG TẠO – ĐOÀN KẾT  tiếp tục là từ khoá cho mọi hoạt động của doanh nghiệp trong năm mới.

Với niềm tin ở sức mạnh của văn hóa Vinatex, chúng ta tin tưởng rằng thử thách của 2023 là cơ hội tích luỹ năng lực mới, năng lực vượt khó để tạo ra “điểm bùng nổ” trong tương lai gần khi kinh tế thế giới phục hồi.

Bài: Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex


Các tin khác