Khắc ghi lời Bác – Tự hào truyền thống ngành Dệt May Việt Nam


Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 – 19/5/2025), ngành Dệt May Việt Nam trân trọng ôn lại những lời dạy quý báu của Người dành cho cán bộ, công nhân viên ngành Dệt May miền Bắc trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày 6/1/1965 tại Hội nghị ngành công nghiệp nhẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ngành công nghiệp nhẹ quan hệ rất khăng khít với đời sống hàng ngày của nhân dân. Vì vậy, nhiệm vụ của công nghiệp nhẹ là rất quan trọng.”

Từ năm 1956 đến năm 1965, dù bận trăm công nghìn việc, Bác đã dành nhiều thời gian đến thăm các xí nghiệp, công trường… đặc biệt là các đơn vị dệt may miền Bắc như: Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Dệt 8/3, May 10, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân để tận mắt chứng kiến tinh thần lao động của công nhân, chia sẻ khó khăn và trực tiếp căn dặn những điều thiết thực, sâu sắc.

 

Bác Hồ về thăm Xí nghiệp Dệt 

Bác nói chuyện, căn dặn cán bộ, đảng viên, công nhân Dệt may

Tại Nhà máy Dệt Nam Định – nơi vinh dự được đón Bác ba lần vào các năm 1957, 1959 và 1963, trong các buổi mít tinh nói chuyện với cán bộ, đảng viên, công nhân, Người đã nhấn mạnh vai trò của người công nhân trong việc làm chủ, tính cần cù lao động, tiết kiệm, học hỏi nước bạn, chống tư tưởng tự mãn và lãng phí. Người dặn dò cán bộ, đảng viên cần gần gũi công nhân, phát huy tinh thần dân chủ, thực hành phê bình, không ngại khó khăn, nêu gương trong sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng, giá thành theo đúng yêu cầu phục vụ nhân dân. Trong lần về thăm ngày 15/3/1959, Bác dành nhiều thời gian căn dặn Đảng ủy nhà máy 5 điều cốt lõi: phát động cải tiến quản lý phải gọn và hiệu quả, không được ảnh hưởng tới sản xuất; cán bộ, đoàn viên phải gương mẫu và giải thích rõ ràng để công nhân hiểu và đồng hành; phát huy dân chủ trong tham gia quản lý, tiếp thu thẳng thắn các ý kiến đúng sai; chú trọng công tác phát triển Đảng, Đoàn và đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nữ công nhân.

Cũng trong năm 1959, khi đến thăm Xưởng May 10, Bác nhấn mạnh vai trò của tiết kiệm trong sản xuất, không tiết kiệm thì chẳng khác nào gió vào nhà trống.

Chiều ngày 8/3/1965, trong lễ khánh thành dây chuyền sản xuất đồng bộ của Nhà máy Dệt 8-3, Bác Hồ thân mật trò chuyện với cán bộ, công nhân viên, căn dặn mọi người cần phát huy tinh thần tự chủ, làm tốt công tác quản lý, sản xuất nhiều sản phẩm chất lượng để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ; đồng thời phải nỗ lực học tập kỹ thuật, tiến kịp với trình độ công nghệ dệt tiên tiến trên thế giới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và thống nhất đất nước.

Bác Hồ nói chuyện với CBCNV nhân dịp Lễ khánh thành Nhà máy Dệt 8-3

Bác Hồ thăm nhà máy

Với Nhà máy Dệt kim Đông Xuân – nơi vinh dự được đón Bác tới thăm ba lần vào các năm 1959, 1961 và 1963, ký ức về hình ảnh Bác giản dị, gần gũi vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên. Những lời căn dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam trong rèn luyện tay nghề, giữ vững kỷ luật lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần đưa ngành Dệt May ngày càng phát triển.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những giá trị tư tưởng, tấm gương đạo đức và sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Dệt May vẫn còn nguyên tính thời sự, trở thành nguồn động lực to lớn để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước, nỗ lực đổi mới, sáng tạo, xây dựng ngành phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng, tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh như mong ước của Người.


Các tin khác