HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG DOANH NGHIỆP HẠNH PHÚC TẠI TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM


Theo học giả Đào Duy Anh trong cuốn Việt Nam văn hoá sử cương thì văn hoá không chỉ là những học thuật tư tưởng của loài người, không phải chỉ có tính cao thượng đặc biệt. Mà văn hoá còn bao gồm cả các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, cùng hết thảy các phong tục tập quán thường ngày. Tóm lại Văn hoá tức là Sinh hoạt.

Với cách hiểu như vậy, có thể thấy Văn hoá doanh nghiệp chính là bao gồm cả triết lý, tôn chỉ, tầm nhìn, mục đích của doanh nghiệp nhưng lại cũng bao gồm cả những tập quán hoạt động hàng ngày trong doanh nghiệp, là cách thức ứng xử với nhau và với công việc trong quá trình làm việc.

Việc xác lập các triết lý, tôn chỉ, tầm nhìn là nhiệm vụ của lãnh đạo cấp cao, mang tính dài hạn với thách thức lớn nhất là đạt được sự thấu hiểu và đưa toàn bộ doanh nghiệp hướng về mục tiêu đó. Đồng thời luôn có sự cập nhật, hiệu chỉnh bước đi cho phù hợp các biến đổi của môi trường kinh doanh. Nhưng rõ ràng, phần quan trọng còn lại của văn hoá doanh nghiệp, với sự tham gia của tất cả các thành viên lại là các “sinh hoạt” hàng ngày trong tập thể.

Ở Vinatex, trong suốt 10 năm qua, chúng ta đang phấn đấu xây dựng văn hoá doanh nghiệp trên cơ sở 5 trụ cột chính đó là:

  • Hiểu công việc mình làm;
  • Yêu công việc mình làm;
  • Cạnh tranh bằng sức mạnh tập thể;
  • Liên tục đổi mới;
  • Tự hào với thành quả của tập thể qua nhiều thế hệ.

Điểm thuận lợi trong xuất phát điểm xây dựng và cập nhật văn hoá tại Vinatex chính là truyền thống gắn bó, chia sẻ, thương yêu lẫn nhau được hình thành từ khi thành lập ngành. Trải qua nhiều khó khăn và thử thách, chỉ trong 25 năm lịch sử Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã hứng chịu ít nhất 4 cuộc khủng hoảng – khủng hoảng thị trường Đông Âu những năm 90, khủng hoảng kinh tế châu Á giai đoạn 97-2000; khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008; và khủng hoảng vì dịch bệnh COVID-19 hiện nay mà chúng ta đã, đang và sẽ vượt qua với từ khoá chung là TỰ LỰC TỰ CƯỜNG – ĐOÀN KẾT SÁNG TẠO. Năm trụ cột của văn hoá con người Vinatex chính là được xây dựng trên triết lý TỰ LỰC TỰ CƯỜNG – ĐOÀN KẾT SÁNG TẠO đã được nhiều thế hệ người làm dệt may xây dựng và vun đắp.

Bước vào thập kỷ mới, bắt đầu với dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, cùng áp lực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đứng trước những thách thức mới vượt qua, vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới được tái bố trí hay tuột dần khỏi các chuỗi và thoái trào. Trong bối cảnh đó, nhìn lại nền tảng văn hoá của doanh nghiệp như là cái gốc để xây dựng năng lực cạnh tranh mà bắt đầu từ chính sự rà soát, nâng cấp, chuẩn hoá các hoạt động hàng ngày tại doanh nghiệp.

Sau 10 năm xây dựng, đến nay thành quả của Công ty Mẹ là đã hình thành lớp chuyên viên mới với độ tuổi bình quân dưới 35, cán bộ quản lý cấp ban tuổi bình quân dưới 45, cán bộ lãnh đạo Tập đoàn dưới 50 tuổi. Khắc phục được cơ bản hiện tượng cán bộ chuyên viên Văn phòng Công ty Mẹ thiếu thực tiễn, chưa trải qua cơ sở, xử lý công việc mang tính hành chính. Công ty Mẹ đã tham gia trực tiếp quản lý điều hành các chi nhánh, tham gia kinh doanh nội địa, hình thành hệ thống thiết kế – tiếp thị – sản xuất trong lĩnh vực đồng phục công sở… tạo ra sự trưởng thành, gắn bó với nghề, yêu nghề, hiểu nghề hơn như các giá trị cốt lõi đã đặt ra.

Hệ thống truyền thông nội bộ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp, là nơi thông đạt hiệu quả các tôn chỉ, mục đích, quan điểm của Lãnh đạo Tập đoàn, đồng thời là diễn đàn chia sẻ giữa các doanh nghiệp, nêu gương tốt, nhận phản hồi của người lao động. Sự đa dạng trong các hình thức truyền thông, bắt kịp với đời sống số là nền tảng hạ tầng quan trọng cho việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Trong giai đoạn mới, trên cơ sở các thành công ban đầu trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp hơn 10 năm qua, Tập đoàn định hướng trong thời gian tới, mục tiêu xây dựng một Doanh nghiệp Hạnh phúc với các đặc điểm chủ yếu là:

  • Mọi thành viên trong doanh nghiệp được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ với nhau. Tạo môi trường sinh hoạt hàng ngày văn minh, chuyên nghiệp, nhưng ấm áp. Hướng tới mỗi nhân viên đều cảm nhận – “mỗi ngày đi làm là một ngày vui”.
  • Nhân viên chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ. Thấu hiểu công việc của mình và chia sẻ cả những khó khăn thách thức của đồng nghiệp, cũng như các công ty thành viên. Thực hiện công sở thông minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu mới của xã hội số.
  • Tự giác làm việc, hoàn thành công việc trên cơ sở tự nguyện, giảm thiểu giám sát, đánh giá. Tập trung vào động viên khuyến khích. Tạo môi trường sáng tạo cao trong doanh nghiệp.
  • Thực hiện các công việc có ý nghĩa, có đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Giảm dần hướng tới loại bỏ các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất kinh doanh theo thị trường luôn có những áp lực mới, có thời điểm thuận lợi, thời điểm khó khăn, kết quả của mỗi năm chỉ là một cột mốc nhỏ trên hành trình lâu dài của doanh nghiệp. Chỉ có văn hoá doanh nghiệp mới là giá trị lâu dài, đồng thời là nền móng vững chắc cho phát triển bền vững, nhất là trong những ngành đông lao động, cần sự thống nhất cao như ngành Dệt May. Xây dựng được Doanh nghiệp Hạnh phúc chính là thước đo cho sự thành công bền vững của Tập đoàn Dệt May Việt Nam chúng ta!

Bài: Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex


Các tin khác