Hướng tới hợp tác phát triển chuỗi giá trị mới giữa Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Itochu Nhật Bản
Trong chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 22 – 25/11/2021, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã có buổi gặp và trao đổi cấp cao với Tập đoàn Itochu tại Tokyo, Nhật Bản để bàn kế hoạch hợp tác về chiến lược phát triển chuỗi giá trị mới và các nội dung hợp tác liên quan đến tái chế nguyên liệu xơ polyester.
Tại cuộc gặp, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ về kết quả sản xuất kinh doanh của Vinatex, sau 9 tháng năm 2021, Tập đoàn đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2019, lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của Tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bù lại năm nay lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của Tập đoàn.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex trao đổi với ông Omuro – Tổng giám đốc lĩnh vực may mặc của Tập đoàn Itochu (ngoài cùng bên phải) và ông Matsumoto – Phó Tổng giám đốc lĩnh vực may mặc (ngoài cùng bên trái).
Vinatex định hướng trong thời gian tới sẽ trở thành một điểm đến có thể cung cấp giải pháp trọn gói cho khách hàng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ sợi, vải, dệt nhuộm hoàn tất đến may thành phẩm. Trong chiến lược phát triển nguyên liệu, Tập đoàn nâng cấp đầu tư hệ thống tự động hóa hoàn toàn và phát triển theo hướng xanh như việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái tại tất cả các nhà máy sợi trong hệ thống, sử dụng nguyên liệu xơ tái chế: 20% lượng sợi nhân tạo của Tập đoàn có sử dụng xơ tái chế.
Về phía Tập đoàn Itochu, ông Omuro – Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực may mặc của Tập đoàn Itochu rất vui mừng trước kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt May Việt Nam sau 9 tháng năm 2021 cũng như dự kiến kết quả cả năm 2021 (hiện Tập đoàn Itochu đang là cổ đông lớn, chiếm 13% vốn điều lệ của Vinatex) và đánh giá cao chiến lược trở thành một điểm đến “one-stop supplier” của Vinatex.
Trong chiến lược phát triển nguyên liệu theo hướng xanh của Vinatex, Tập đoàn Itochu nhận thấy hai bên có cơ hội hợp tác phát triển nguyên liệu tái chế, do Itochu có công nghệ hóa chất tái chế xơ polyester từ quần áo đã qua sử dụng (trên thế giới hiện chỉ có 3 nhà cung cấp sở hữu công nghệ này và phát triển thành công, trong đó có Itochu). Phía Itochu cho biết, mặc dù chi phí sản xuất xơ polyester từ quần áo cũ cao hơn 20% so với sản xuất từ hạt nhựa (PET) song lợi thế của công nghệ tái chế này có thể tái chế nhiều lần, không giới hạn trong khi công nghệ tái chế từ PET chỉ có thể quay vòng tái chế được 2-3 lần và nếu có đầu vào (quần áo, vải đã qua sử dụng) đủ và ổn định, cùng kết hợp với việc sử dụng hạt PET, chi phí vận hành nhà máy theo công nghệ của Itochu sẽ giảm đáng kể. Hiện tại Itochu mới đầu tư xây dựng một nhà máy tái chế xơ polyester từ quần áo cũ tại Trung Quốc với quy mô 25.000 tấn sản phẩm/năm.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex và ông Omuro – Tổng giám đốc lĩnh vực may mặc của Tập đoàn Itochu.
Vinatex sẽ tiếp tục tìm hiểu công nghệ tái chế nguyên liệu của Itochu để tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể trong năm sau. Phía Itochu mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Vinatex và tiếp tục đưa ra những ý tưởng phát triển mới cùng Vinatex trong tương lai.
Vương Đức Anh