Hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự HanoiTex & HanoiFabric 2024


Sáng 23/10, Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May – Thiết bị & Nguyên phụ liệu (HanoiTex & Hanoi Farbic 2024) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội (Cung Văn hóa Việt- Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Lãnh đạo Vitas, Vinatex cùng các đại biểu cắt băng khai mạc HanoiTex & Hanoi Farbic 2024

Tới dự khai mạc triển lãm có Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas); Ông Nguyễn Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP. HCM (Agtex) cùng lãnh đạo một số cơ quan hữu quan, tham tán thương mại của Liên Bang Nga tại Hà Nội; Về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT và Lãnh đạo CQĐH, đại diện các Ban chức năng.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, HanoiTex & HanoiFabric được tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 10 tại Hà Nội, trưng bày những xu hướng, công nghệ mới nhất trong sản xuất nguyên liệu dệt may, cùng với các loại vải đa dạng, tập trung vào các thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế về thiết bị, máy móc dệt may. Trung bình mỗi năm, triển lãm đón tiếp gần 10.000 lượt khách tham quan thương mại. Năm nay, triển lãm có quy mô hơn 6.000m² – tăng 10% so với năm 2023, thu hút hơn 210 nhà triển lãm đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kong, Litva, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Trung Quốc và Việt Nam…

Lãnh đạo Vinatex nhận định, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính của dệt may có sự cải thiện về nhu cầu tiêu dùng, cùng sự bất ổn chính trị của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Myanmar… Các DN dệt may Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi, nhiều doanh nghiệp may đang có các đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III/2025.

Đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt kỷ lục 4,66 tỷ USD trong tháng 8/2024, trong đó đi Mỹ đạt 1,9 tỷ USD cũng là mức kỷ lục theo tháng từ trước tới nay. Dự kiến, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt. Với các yếu tố thuận lợi như vậy, ngành dệt may Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về thị trường và khẳng định tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới.

“Trong nhiều năm qua, Vinatex đã phối hợp cùng VCCI, Công ty Tổ chức Triển lãm CP Việt Nam tổ chức thành công các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, trong đó có HanoiTex & HanoiFabric 2024. BTC tin tưởng rằng, Hanoitex HanoiFabric 2024 sẽ mang lại cơ hội để các DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tại thị trường dệt may của khu vực phía Bắc Việt Nam, đón đầu các cơ hội về thị trường”- Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas cho biết HanoiTex & HanoiFabric 2024 mang tới các giải pháp về công nghệ cho DN để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất từ thị trường

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas chia sẻ, ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong tiến trình hội nhập và phát triển. Năm 2024, ngành dệt may có thể đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 10% so với năm 2023. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu sang 104 thị trường, đa dạng hoá được đối tượng khách hàng và mặt hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng thì ngành dệt may còn đứng trước nhiều thách thức trong chiến lược phát triển chung của toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn khắt khe hơn từ nhà mua hàng tại thị trường EU, Mỹ… Cùng với đó là xu thế phát triển xanh, bền vững, số hoá… khiến các DN cần tập trung đầu tư công nghệ để thích ứng, đón nhận các cơ hội từ thị trường.

“HanoiTex & HanoiFabric 2024 mang lại những thiết bị và công nghệ tiên tiến, nhất là các giải pháp về nguyên phụ liệu để các DN dệt may trong nước thích ứng với các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các giải pháp về công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất từ thị trường, cũng như hưởng lợi từ các FTAs”- Chủ tịch Vitas nhấn mạnh.

Các đại biểu tham quan gian hàng

Nhiều gian hàng nổi bật, trình diễn các công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao tại triển lãm

Cũng trong khuôn khổ triển lãm, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) tổ chức Hội thảo “Ngành Dệt May Việt Nam: Tầm nhìn 2045 – Nơi tăng trưởng xanh gặp năng suất”.

Nội dung của hội thảo tập trung vào khai thác các dự báo về tăng trưởng của dệt may tầm nhìn tới 2045, các giải pháp về nâng cao năng suất kỹ thuật cũng như các tiêu chuẩn về năng lượng và môi trường. Hội thảo gồm 3 phiên trình bày với 3 nội dung: (1) Ngành Dệt May Việt Nam trong xu thế tăng trưởng xanh và công nghệ toàn cầu: Các yêu cầu kỹ thuật để gia tăng tính cạnh tranh do TS. Nông Ngọc Duy – Nhà khoa học nghiên cứu cao cấp, Trưởng nhóm – CSIRO, Trường Đại học Griffith, Úc trình bày; (2) Ứng dụng AI trong ngành dệt may và ảnh hưởng của nó đến năng suất và hiệu quả do TS. Nguyễn Phi Lê – Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế về AI – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình bày; (3) Hiệu quả năng lượng trong ngành dệt may do TS. Mai Sỹ Thanh, Trường Đại học Điện lực trình bày.

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU cho biết, nhu cầu dệt may toàn cầu đạt đỉnh vào năm 2022 với 820 tỷ USD, nhưng giảm xuống còn 700 tỷ USD vào năm 2023. Mặc dù tín hiệu của thị trường đã có sự hồi phục vào năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2022. Xu hướng của thị trường hiện nay là liên tục biến động, trồi sụt, gây ra áp lực cạnh tranh lớn cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, ngành Dệt May Việt Nam phải cạnh tranh với các nước như Bangladesh, Campuchia… có chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Cùng với đó, các tiêu chuẩn về môi trường, lao động của các thị trường lớn như Mỹ, EU… ngày càng khắt khe, đòi hỏi minh bạch trong chuỗi cung ứng và Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn này để duy trì và mở rộng thị phần.

Đứng trước thách thức này, các DN dệt may trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các giải pháp: (1) Đẩy mạnh công nghệ hóa, tự động hóa, tích hợp công nghệ vào quá trình sản xuất; (2) Đầu tư vào công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường; (3) Nghiên cứu và dự báo các xu hướng thay đổi của thị trường, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp…

Tại Hội thảo lần này, các chuyên gia mang đến một mô hình dự báo mới, với các nghiên cứu chuyên sâu, có sự đánh giá kỹ lưỡng các tác động đối với nền kinh tế để đưa vào dự báo với các chuyên gia từ Úc, Tổ chức Năng suất châu Á (APO)…

TS. Nông Ngọc Duy – Nhà khoa học nghiên cứu cao cấp, Trưởng nhóm – CSIRO, Trường Đại học Griffith, Úc trình bày tại hội thảo

PV


Các tin khác