Hỗ trợ DN dệt may nội địa bơi ra biển lớn
Để giúp các DN dệt may có chỗ đứng trong thị phần nội địa, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã và đang phát triển hệ thống Trung tâm Thời trang Vinatex nhằm giúp các DN có thêm 1 kênh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, nhất là các DN vừa và nhỏ.
Trung tâm Thời trang Vinatex thứ 2 tại địa chỉ 57B Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Làm nội địa có “dễ”?
Vụ việc Big C dừng nhập đột ngột các mặt hàng may mặc nội địa, khiến các doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) không kịp trở tay, đã “dấy” lên nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian vừa qua. Thực tế, để xây dựng được kênh phân phối tại thị trường trong nước, DN không chỉ cần có tiềm lực kinh tế mạnh để chi trả cho thuê mặt bằng, điện, nước, … mà còn cần có cả đội ngũ nghiên cứu thị trường, sale, marketing hùng hậu. Trong khi đó, với khoảng 80% các DN trong ngành Dệt May có quy mô vừa và nhỏ, việc tạo dựng được mô hình phân phối là điều khó khả thi.
Để tiếp cận với NTD, các DN thường đi theo thị trường ngách, đó là bắt tay với một bên thứ 3, như các hệ thống siêu thị để giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm may mặc. Cách làm này không đòi hỏi các DN phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh để tìm kiếm và đầu tư các địa điểm kinh doanh. Hơn nữa, tại các siêu thị, kênh phân phối bán lẻ thường có đội ngũ sale, marketing hùng hậu với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, được đông đảo NTD biết đến và lựa chọn. Việc làm đó giúp các DN dệt may có thể tiếp cận được với tối đa phân khúc khách hàng và “thừa hưởng” nguồn khách hàng ổn định từ nhà bán lẻ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự việc Big C ngừng nhập hàng của 200 DN dệt may trong nước không chỉ gây xôn xao dư luận, mà còn bộc lộ nhiều bất cập trong việc các DN dệt may dựa vào bên thứ 3 để phân phối sản phẩm. Theo đó, các DN sẽ nhận các đơn hàng của Big C sau đó thực hiện các đơn hàng, từ vải cho đến nguyên phụ liệu để sản xuất ra một sản phẩm may mặc hoàn chỉnh. Các đơn hàng thường được ký kết từ nhiều tháng trước đó để các DN chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu, cũng như chủ động trong hoạt động SXKD. Tuy nhiên, việc Big C ra thông báo ngừng mua hàng đột ngột đã khiến nhiều DN “lao đao” vì ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DN, thậm chí là cả NLĐ.
Việc “phụ thuộc” quá nhiều vào đơn vị phân phối thứ 3 đã cho thấy nhiều “lỗ hổng”, nhất là với các đối tác nước ngoài. Bởi lẽ, khi thực hiện phương pháp phân phối qua đối tác thứ 3, các DN dệt may có thể gặp nhiều rủi ro khi đối tác thay đổi chiến lược kinh doanh, thậm chí là tìm được nguồn hàng có giá rẻ hơn so với các DN nội địa. Đối với các nhà bán lẻ nước ngoài, lợi nhuận là yếu tố được họ đặt lên hàng đầu. Do đó, để tối ưu hóa lợi nhuận, họ sẵn sàng đặt ra không ít “luật ngầm” với mức chiết khấu vô cùng cao, buộc các DN phải chấp nhận nếu như muốn hợp tác lâu dài. Sự việc Big C thông báo tăng mức chiết khấu lên 25% với các mặt hàng thủy sản vào năm 2016 cũng là một ví dụ điển hình.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Doanh nghiệp không thể cứ ỷ lại vào lòng tốt của các đối tác nước ngoài, bởi đã đầu tư kinh doanh thì mục tiêu đầu tiên phải là lợi nhuận. Mặt hàng dệt may chỉ là mặt hàng đầu tiên chứ không phải là mặt hàng cuối cùng sẽ gặp phải trường hợp như trên. Chỉ khi mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh hơn hẳn thì các doanh nghiệp nước ngoài mới không thể thay thế bằng hàng của các nước khác được. Nếu các nhà sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, chắc chắn sản phẩm sẽ đứng vững được trên thị trường, tận dụng được thế mạnh “sân nhà” để phát triển.”
Cầu nối giúp DN Việt
Nhận định về những khó khăn trong việc sản phẩm may mặc tạo được thị phần tại thị trường nội địa, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng: “Trước hết phải khẳng định, sản xuất kinh doanh nội địa có thách thức gấp nhiều lần so với làm hàng hoá xuất khẩu. Nếu sản xuất xuất khẩu không phải lo thiết kế thời trang, không lo sản xuất số lượng bao nhiêu, kiểu nào, màu nào, kênh phân phối ở đâu, không phải lo nguồn vốn rất lớn cho hàng hoá tồn kho, tiền thuê mặt bằng, tiền nhân viên bán hàng, tiền quảng cáo, chăm sóc khách hàng, hậu mãi, … thì sản xuất nội địa phải lo các vấn đề này là chính. Trong khi đó, DN dệt may trong nước phần lớn chỉ mạnh về sản xuất và thiết kế, năng lực tài chính và con người cho xây dựng thương hiệu còn yếu kém. Đồng thời, rủi ro trong kinh doanh nội địa cũng rất cao, lượng vốn cần gấp 3-4 lần vốn cho sản xuất xuất khẩu, nguy cơ tồn kho giảm giá gây thua lỗ, nguy cơ mất mặt bằng kinh doanh tốt do chủ mặt bằng thu lại… Đặc biệt trong điều kiện thị trường hội nhập toàn diện, các thương hiệu lớn ngoại quốc với sức mạnh hơn hẳn doanh nghiệp Việt Nam sẽ là áp lực cạnh tranh không cân sức trên thị trường. Do đó nếu không có bước đi sáng tạo, riêng biệt, cẩn trọng thì rất khó thành công trên thị trường nội địa.”
Thấu hiểu được những khó khăn của DN dệt may vừa và nhỏ, trong những năm qua với vai trò là đầu tàu của ngành Dệt May, Vinatex đã xây dựng và phát triển mô hình Trung tâm Thời trang Vinatex, quy tụ các thương hiệu may mặc trong nước. Đây không chỉ là kênh phân phối, giúp các DN tới gần hơn với NTD, mà còn là một kênh bán hàng có doanh thu tốt.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, Trung tâm Thời trang Vinatex dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng đã cho thấy tín hiệu khả quan. Năm 2018, doanh thu của Trung tâm đạt 90 tỷ đồng tại cơ sở 25 Bà Triệu. Mô hình hoạt động của Trung tâm chỉ hợp tác với các DN dệt may trong nước, thậm chí có những thương hiệu chưa từng xuất hiện tại thị trường miền Bắc. Các DN có các gian hàng tại Trung tâm không phải trả chi phí mặt bằng mà chỉ phải trả % theo số lượng sản phẩm được bán ra theo ghi nhận trên máy POS của Trung tâm. Điều này giúp giảm gánh nặng cho các DN vào mùa thấp điểm, hoặc những thương hiệu còn non trẻ.
Mới đây, Trung tâm Thời trang Vinatex thứ 2 tại địa điểm 57B Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Tiếp nối những thành công của cơ sở 1, Trung tâm Thời trang thứ 2 của Vinatex tiếp tục là cầu nối giúp doanh nghiệp nội địa có thêm kênh quảng bá và phân phối hàng may mặc tới NTD. Nơi đây quy tụ hàng chục nhãn hàng lớn nhỏ, bao gồm cả thời trang nam, nữ, may đo veston, khăn, túi, giày dép… đến nhiều đơn vị hàng đầu trong ngành dệt may như: May 10, Nhà Bè, Hanosimex, Doximex, Phong Phú… thậm chí là cả những DN mới như: ON OFF+, Aristino… Và Trung tâm Thời trang thứ 3 cũng sẽ sớm được khai trương tại 21 Khâm Thiên, Hà Nội.
Vinatex cam kết, với sứ mệnh của mình trong thời gian tới sẽ mở thêm những Trung tâm Thời trang Vinatex trải dài trên cả nước. Bước từng bước đi “chậm mà chắc”, Trung tâm Thời trang Vinatex không chỉ là “cầu nối” giúp các DN giới thiệu sản phẩm, mà còn là một trong những địa chỉ uy tín để giúp các DN vừa và nhỏ có chỗ đứng trên thị trường nội địa.
Theo VTGF – Đón đọc Tạp chí Dệt May & Thời trang Việt Nam số tháng 8/2019 tại đây!