Hiện thực hóa những cam kết hỗ trợ doanh nghiệp


Ngày 16-5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết đã thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong đổi mới môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết, một năm qua, các bộ, ngành đã hiện thực hóa bằng nhiều cam kết cụ thể nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp.

Sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành đã giúp doanh nghiệp ổn định phát triển. Ảnh: Nhật

Sự vào cuộc đồng bộ

Để hiện thực hóa Nghị quyết 35/NQ-CP, các bộ, ngành đã giao nhiệm vụ cụ thể tới các đầu mối, đơn vị trực thuộc cùng sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Có thể nói, những chuyển biến tích cực đã xuất hiện, đưa công tác hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực chất hơn và nhận được sự ghi nhận của hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Các bộ đã rà soát, xóa bỏ và đơn giản hóa hơn 4.000 quy định, điều kiện kinh doanh chưa phù hợp. Đơn cử, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, sửa đổi một số quy định về kiểm tra Formaldehite đối với hàng dệt may tại cửa khẩu; sửa đổi danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ mất an toàn, sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng, đơn giản hóa thủ tục khai báo hóa chất. Riêng động thái này đã giúp các doanh nghiệp thuộc ngành Dệt may tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.

Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu về cải cách hành chính, hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp. Ngân hàng đã rà soát, thực hiện bãi bỏ 6 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 10 thủ tục hành chính, đồng thời cắt giảm 26 thành phần hồ sơ, cắt giảm gần 50 điều kiện khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng. Năm nay, đơn vị này sẽ đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm cắt giảm 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian tới Bộ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa thủ tục một cách thiết thực, kịp thời. Đó là, tiếp tục cải tiến, rút ngắn thời gian thực hiện các việc liên quan đến thuế, hải quan của doanh nghiệp. Bộ và các đơn vị chức năng sẽ chủ động tổ chức các cuộc gặp, đối thoại với doanh nghiệp theo chuyên đề và khu vực để nắm bắt tình hình, tìm cách tháo gỡ khó khăn cũng như không ngừng tạo điều kiện thuận lợi, hợp lý để các đơn vị thực hiện nghĩa vụ của mình. 

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, công tác cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần nhất quán, đồng bộ sẽ là mục tiêu quan trọng hàng đầu để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Công tác quản lý phải được quan tâm thỏa đáng, cải thiện căn bản, có sự chuyển biến đồng bộ từ cấp điều hành vĩ mô đến từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó, cần thay đổi cung cách làm việc để hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, vì quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác cải cách, phục vụ doanh nghiệp đang trên đà chuyển biến tích cực, tạo điều kiện để doanh nghiệp ra đời, tham gia thị trường và đóng góp xã hội. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tiếp tục tăng qua thời gian, chứng tỏ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đang đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng. Cần xác định tinh thần quyết tâm xóa bỏ các rào cản, tôn trọng quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sắp được thông qua, sẽ là tác nhân để cơ quan chức năng phục vụ doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực hơn. 

Sự chuyển biến rõ rệt

Thực tế cho thấy, chặng đường cải cách còn dài, không ít thách thức, đặc biệt là cần có sự đồng thuận, nghiêm túc trong triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị đồng hành cùng doanh nghiệp vừa qua. Theo đó, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi những nỗ lực, biện pháp, đặc biệt là hiện thực hóa những cam kết từ các bộ, cơ quan chức năng trong hoạt động chuyên môn.

Báo cáo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đến nay chất lượng, tính dễ tiếp cận về thông tin, quy định về chính sách, cách ứng xử của cơ quan quản lý nhìn chung có chuyển biến tốt. Đơn cử, 90% doanh nghiệp hài lòng khi tiếp cận thông tin, thủ tục hành chính về hải quan, 86% doanh nghiệp xác nhận cơ quan hải quan cung cấp thông tin thống nhất về nội dung… 

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thời gian qua đang phát huy tác dụng, hầu hết doanh nghiệp đều cảm nhận được và cố gắng nắm bắt, tận dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, thực tế vẫn đòi hỏi sự chuyển biến đồng bộ, nhịp nhàng hơn nữa, nhất là chính quyền địa phương, các bộ, ngành phải chuyển động kịp thời, song song với yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, thái độ, ý thức phục vụ doanh nghiệp cần được xác lập một cách vững chắc, và là thước đo đánh giá chất lượng công tác đối với mỗi cán bộ, công chức trong giao tiếp với đại diện doanh nghiệp…

Theo Baomoi.com


Các tin khác