Hệ lụy từ phân chia tuần hoàn và biện pháp phòng tránh


Sự biến động của chuỗi cung ứng và áp lực kinh tế do Covid 19 gây ra đã khiến các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc áp dụng tính tuần hoàn như một chiến lược kinh tế trong nước. Mục tiêu của họ là củng cố chuỗi cung ứng và an ninh tài nguyên, đồng thời thúc đẩy khả năng cạnh tranh thương mại. Ở góc độ này, có thể thấy rằng nếu các quốc gia tiếp tục đi theo con đường tiếp cận đơn phương và nhỏ lẻ đối với nền kinh tế tuần hoàn, họ không những không giải quyết được các vấn đề môi trường trong nước mà còn tạo ra một hệ quả mới, chúng ta gọi là sự phân chia tuần hoàn”, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng toàn cầu.

Khái niệm phân chia tuần hoàn

Nếu gọi sự thay đổi nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một cuộc chạy đua thì các quốc gia công nghiệp tiên tiến sẽ là những đầu tàu và nắm được nhiều lợi thế để cạnh tranh. Lợi thế này tăng lên khi các cuộc cạnh tranh và rủi ro của nó trong nền kinh tế toàn cầu gia tăng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì thế giới có sự phân chia đáng kể về mọi mặt. Đồng nghĩa với điều đó là các nước đang phát triển sẽ gặp phải nhiều bất lợi và thiếu quyền bình đẳng trong chuỗi giá trị nêu trên. Chính lịch sử văn hoá và các nguồn nội lực đang diễn ra mà không được điều tiết về quyền lực đã dẫn đến một thế giới bất bình đẳng. Điều này sẽ cho phép các nước phát triển chuyển đổi sang nền KTTH nhanh hơn các nước kém phát triển, từ đó tạo ra sự phân chia tuần hoàn.

Sự phân chia tuần hoàn ngày càng mạnh sẽ góp phần thúc đẩy những bất bình đẳng về cấu trúc này. Có thể thấy, phân chia tuần hoàn là sự bất bình đẳng về phương diện kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Sự phân chia tuần hoàn sẽ mở rộng thông qua một loạt các vòng phản hồi tăng cường hoạt động giữa một loạt các “sự phân chia” đã tồn tại từ trước.

Đầu tiên phải kể đến là sự phân tầng về khoa học k thuật, trong đó có mảng kĩ thuật số, tiêu biểu cho sự phân chia này thể hiện rõ ở Bắc và Nam bán cầu, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội kinh tế, các điều kiện xã hội phát sinh từ những ứng dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng.

Thứ hai là khoảng cách đổi mới, tức là khả năng các quốc gia công nghiệp hóa tận dụng năng lực đổi mới và nền tảng kỹ năng công nghiệp của mình để thiết kế, sản xuất các công nghệ và quy trình tuần hoàn tiên tiến mà cuối cùng sẽ định hình và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Đổi mới và công nghiệp hóa tuần hoàn có thể tạo ra việc làm có giá trị cao tại địa phương và các quy trình sản xuất hiệu quả, linh hoạt hơn, dẫn đến lợi thế cạnh tranh ngày càng tăng so vơi các đối tác thương mại.

Thứ ba là khả năng thương lượng của các nước phát triển trong việc thúc đẩy các hiệp định thương mại nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô và thứ cấp quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, bao gồm cả Net-Zero và chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời gây áp lực buộc các nước đang phát triển phải chấp nhận đổi lại là sân sau rác thải nguy hại và các giá trị kinh tế thấp. Khi nền kinh tế tuần hoàn nổi lên như một lĩnh vực cho các hiệp định thương mại trong tương lai thì sự bất bình đẳng hiện có trong quá trình xây dựng và đàm phán các chính sách thương mại có thể dẫn đến sự chia rẽ thương mại giữa các nước sâu sắc hơn.

Thứ tư là khả năng tiếp cận tài chính định hướng kinh tế tuần hoàn không bình đẳng. Cả tài chính công và đầu tư tư nhân đều cần thiết để tài trợ cho việc triển khai cơ sở hạ tầng công nghiệp liên quan đến tuần hoàn, đầu tư vào đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh, đồng thời phát triển nền tảng kỹ năng cần thiết. Cho đến nay, phần lớn đầu tư vào nền kinh tế tuần hoàn chủ yếu tập trung vào các nước phát triển.

 Thứ năm là các nước đang phát triển cũng phải tập trung vào những thách thức trước mắt. Một bộ phận đáng kể dân số ở các nước đang phát triển vẫn đang mải miết tìm kiếm và tạo dựng cho mình một cuộc sống với các điều kiện cần thiết và cơ bản. Vậy nên việc tăng cường tham gia và đổi mới cho tuần hoàn là điều thứ yếu.

Những yếu tố này sẽ củng cố lẫn nhau, dẫn đến sự gia tăng của quá trình chuyển đổi tuần hoàn ở phía Bắc bán cầu và làm chậm lại quá trình chuyển đổi ở phía Nam bán cầu. Sự phân chia tuần hoàn càng lớn thì sự bất bình đẳng về giàu nghèo, kinh tế và quyền lực giữa hai bờ Bắc – Nam càng gia tăng. Vậy nên cần có biện pháp rõ ràng để thực hiện và giải quyết những vấn đề bất bình đẳng đó.

Hậu quả của sự phân chia tuần hoàn ngày càng tăng

Phân chia tuần hoàn diễn ra ngày càng mạnh đồng nghĩa với việc những hậu quả mang tới cũng dần tăng theo. Điều quan trọng là phải phân tích và hiểu các yếu tố này diễn ra như thế nào trong bối cảnh cụ thể của từng quốc gia khác nhau.

Đầu tiên, sự phân chia tuần hoàn ngày càng tăng sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác và giữ lại của cải được đẩy nhanh thông qua việc kiểm soát tài nguyên tuần hoàn. Các nước công nghiệp hóa sẽ tiếp tục phát sinh nhu cầu và khai thác tài nguyên từ các nước đang phát triển để xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự dịch chuyển trong nước ngày càng tăng, họ sẽ có thể tái vận chuyển các nguồn tài nguyên này trở lại nền kinh tế trong nước, dẫn đến sự tổng hợp của cải tài nguyên theo thời gian, nơi hàng hóa và vật liệu có giá trị cao ngày càng chảy theo một hướng từ Nam bán cầu sang Bắc bán cầu. Quá trình sửa chữa, tân trang, tái sản xuất được đảm bảo nghiêm ngặt để ổn định chất lượng và giá trị hàng hoá. Đồng thời kiểm soát các nguyên liệu được vận chuyển vào nội địa nhằm giảm khả năng tiếp cận hàng hóa thứ cấp chất lượng cao của các nước đang phát triển.

Thứ hai, thông qua khả năng nâng cao để mở rộng quy mô công nghệ kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh doanh tiên tiến cũng như truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng thông qua các công nghệ kỹ thuật số như blockchain, các nền kinh tế công nghiệp hóa có thể tăng đáng kể năng suất, năng lực quản lý dữ liệu lớn cũng như giảm chi phí và thời gian giao dịch thương mại. Điều này làm tăng lợi thế cạnh tranh thương mại so với các đối thủ ở các nước đang phát triển.

Thứ ba, do các nền kinh tế tiên tiến có thể tiến tới vòng tuần hoàn nhanh hơn các nền kinh tế mới nổi nên các nền kinh tế này ít bị ảnh hưởng hơn từ các cú sốc chuỗi cung ứng toàn cầu, nhờ đó khả năng phục hồi kinh tế được nâng cao. Ngược lại, nền kinh tế của các quốc gia kém phát triển nhất phải hứng chịu những tác động và hệ quả tồi tệ của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, làm giảm thêm khả năng đạt được tính tuần hoàn của họ. Sự thiếu hụt khả năng phục hồi cũng sẽ tác động gián tiếp đến các nước phát triển thông qua tính liên kết của nền kinh tế toàn cầu.

Làm thế nào có thể tránh được sự phân chia tuần hoàn?

Nếu muốn giải quyết sự phân chia tuần hoàn, cần phải vượt ra khỏi khuôn khổ chính trị hạn hẹp của quá trình chuyển đổi. Đây một trong những điều cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi trong nước và khả năng cạnh tranh kinh tế sang khuôn khổ nhận thức được sự cần thiết phải giải quyết sự bất bình đẳng cũng như mối liên kết vốn có của nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể như sau:

  • Ưu tiên hợp tác và phối hợp đa phương. Điều này có thể bao gồm tăng cường các chương trình hợp tác quốc tế và các liên minh chính trị như Liên minh toàn cầu về kinh tế tuần hoàn và hiệu quả tài nguyên (GACERE), xác định các cơ chế thương mại tuần hoàn cùng có lợi, tài trợ cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn ở các nước đang phát triển, tăng cường phối hợp giữa các nước và chiến lược ODA.
  • Thu hẹp khoảng cách kỹ năng số. Đây là điều cần thiết để tạo ra việc làm trong nước có với đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, có giá trị lớn ở các nước đang phát triển. Đó là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự đổi mới theo hướng tuần hoàn trong công nghiệp và sản xuất, đồng thời tạo ra các giải pháp toàn diện cho các lĩnh vực thu gom, tái chế và quản lý chất thải.
  • Phối hợp chính sách quốc tế và xây dựng năng lực về các tiêu chuẩn tuần hoàn. Đây là giải pháp đầy triển vọng, chẳng hạn như sáng kiến sản phẩm bền vững của EU giúp tránh tạo ra rào cản thương mại cho các nước đang phát triển, những nước sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm tuần hoàn. Những nỗ lực của thế giới là điều cần thiết để có thể đảm bảo được sự hài hòa, công nhận lẫn nhau và thực hiện các tiêu chuẩn này nhằm tạo thuận lợi cho thương mại tuần hoàn hướng tới giảm tác động môi trường toàn cầu.

Bài: Đặng Bá Nam

Nếu vấn đề bất bình đẳng không được giải quyết trong vấn đề chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu thì hậu quả là sự phân tầng giữa các quốc gia sẽ ngày càng sâu rộng. Cộng đồng kinh tế toàn cầu cần nhận thức được những vấn đề này và xem xét hướng giải quyết trong tương lai để có thể cân đối được thị trường kinh tế bằng những giải pháp thực tế và chính trị.


Các tin khác