Hàng may về dồn dập nhưng rủi ro còn đó


Tại châu Âu, nơi thị trường xuất khẩu chính của hàng may Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn hoành hành với làn sóng thứ ba, và tại Mỹ, con số người mắc bệnh vẫn không hề giảm dù đã có vaccine. Do đó, các đơn hàng may mặc dồn về Việt Nam dù đã phủ kín chuyền may, nhưng giá trị cũng như chủng loại hàng có những thay đổi khiến doanh nghiệp may còn phải đối mặt với những rủi ro mới.

Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng Giám đốc Vinatex:

Trong quý I/2021, khả năng phục hồi thị trường là tốt hơn hẳn so với năm 2020 do các thị trường xuất khẩu đã có cách ứng xử và quản lý xã hội trong dịch bệnh với một cách tiếp cận mới. Đơn hàng may mặc đã tăng trở lại, do đó các DN may kỳ vọng thị trường sẽ quay trở lại giúp đơn vị vượt qua khó khăn, lấy lại doanh thu như giai đoạn trước khi bùng phát dịch. Dù vậy, khả năng đạt đến mức tăng trưởng như năm 2019 còn là mục tiêu cao đối với các DN may trong Tập đoàn. Thị trường đang biến động rất nhanh, nhiều chiều ngược nhau, nhất là đơn giá sản phẩm và nguyên liệu. Tuy nhiên có những tín hiệu thuận lợi với việc tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng, có khả năng đạt miễn dịch cộng đồng.

Các mặt hàng xuất khẩu chính trong quí I/2021 vẫn tập trung vào các sản phẩm cơ bản, giá tương đối rẻ, các sản phẩm dệt kim. Lý do là xu thế tiêu dùng của may mặc thế giới đã thay đổi rất nhiều trong đại dịch Covid-19. Các mặt hàng veston, sơmi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%; quần âu giảm 45%; áo sơ mi giảm 30%). Trong năm 2021, các mặt hàng kể trên sẽ có sự phục hồi nhất định so với năm 2020 nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của các đơn vị.

Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10:

May 10 trong quý I/2021 lượng đơn hàng sản xuất tăng nhưng doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Lý do vào thời điểm quý III và IV/2020, tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi nên để đảm bảo duy trì sản xuất, May10 đã nhận một số đơn hàng với mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019, trong khi đó mặt hàng veston có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu tới 60% buộc chúng tôi phải thay thế bằng mặt hàng khác. Hiện nay đơn hàng jacket, quần âu, sơ-mi đã có đủ năng lực sản xuất tới tháng 8/2021. Riêng mặt hàng veston – mặt hàng chủ lực của May 10 thì vẫn chưa có đủ hàng để đáp ứng hết năng lực sản xuất hiện có của May 10, chỉ đạt 50% năng lực. Do phải chuyển đổi sản xuất mặt hàng khác thay thế, như dệt kim, hàng thường phục như quần, váy, jacket, quần áo trẻ em… để bù đắp sự thiếu hụt các mặt hàng truyền thống của May10 như sơ mi, veston, quần âu,  nên ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và doanh thu. Mặt khác, trong năm nay, đối với May 10 chúng tôi, lượng hàng quý I/2021 nhiều nhưng rất khó tuyển bổ sung được thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng và  mục tiêu doanh thu.

Ông Nguyễn Văn Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế:

Mặc dù vẫn còn chịu sự tác động theo xu thế chung của ngành như sự bất ổn về đơn hàng do dịch bệnh, giá giảm, cạnh tranh lớn về lao động,… nhưng Dệt May Huế vẫn duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nên kết quả sản xuất kinh doanh ngành May của Công ty trong quý I/2021 đã có những chuyển biến rất tích cực. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm may xấp xỉ 300 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2021, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thanh toán đạt hơn 12 triệu USD, đạt 40% kế hoạch năm, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, các nhà máy cũng đã thực hiện rất tốt các giải pháp tăng năng suất lao động, doanh thu CM mỗi nhà máy đạt tới ngưỡng 12 tỷ đồng/tháng, cao nhất từ trước đến nay, năng suất lao động bình quân đạt trên 25 USD/người/ngày.

Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II sẽ khó khăn hơn do đây là giai đoạn chuyển mùa, có sự thay đổi về giá, cơ cấu đơn hàng, chủng loại sản phẩm, tỷ lệ đơn hàng FOB giảm. Tuy nhiên, Công ty đã tiếp nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 6, một số nhà máy đã nhận được đơn hàng đến hết tháng 8 của khách hàng Kohl’s, Target, Perry Ellis,… tuy nhiên, doanh thu tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu sẽ thấp hơn so với quý I. Mặc dù vậy, Công ty vẫn phấn đấu doanh thu quý II đạt tương đương 25% kế hoạch năm.

Bà Phạm Thị Lan Hương – Giám đốc công ty may Xuất khẩu Ninh Bình

Vào Quý I/2021 May Ninh Bình còn ít đơn hàng nên chỉ đạt doanh thu 583.000 USD, bằng 70% so với năm 2020. Tuy nhiên, đến quý II/2021, đơn hàng đã dồn dập đến, khiến lượng hàng chúng tôi có đủ sản xuất tới tháng 9/2021. Chúng tôi cũng chưa thể biết quý cuối cùng của năm 2021 thì lượng đơn hàng sẽ ra sao, nhưng chúng tôi sẽ rất cố gắng để làm sao vừa quản trị được lượng đơn hàng hiện đang vượt quá năng lực sản xuất và tính toán cho đơn hàng quý cuối năm. Vào quý I/2021 hàng đã khó có và giá gia công lại rẻ, cho đến quý II thì hàng rất nhiều do chính biến ở Myanmar, giá cũng đã được nâng lên khá hơn. May Ninh Bình vẫn nhận được các đơn hàng của khách truyền thống nên không cần thay đổi thiết bị, năng suất lao động cũng vẫn tốt. Tuy nhiên, tại Ninh Bình, tình hình biến động lao động năm nay mạnh hơn, do có doanh nghiệp giày ra mới chuyển đến, đang tuyển dụng lao động. Họ thu hút lao động ở trong vùng do công việc đơn giản, chỉ làm một khâu, không bị áp lực và không đòi hỏi trình độ tay nghề cao như bên may. Do đó, chúng tôi cũng phải lưu ý chăm lo người lao động nhiều hơn để giữ chân họ. Một mặt đối phó lao động nhảy việc bằng việc tuyên truyền, gần gũi sẻ chia với họ trong vấn đề tư tưởng, tình cảm, phát triển năng lực bản thân. May Ninh Bình cũng đầu tư máy cắt tự động, góp phần tăng năng lực và chất lượng. Trong thời gian tới, chúng tôi phấn đấu tận dụng lượng đơn hàng đang có xu hướng nhiều lên, để tập trung sản xuất, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận và dùng lợi nhuận để đầu tư xây mới, nâng cấp khu sản xuất với nhà xưởng, thiết bị hiện đại, tiên tiến, đồng bộ cảnh quan với hoa, cây xanh đáp ứng tiêu chuẩn nhà máy xanh.

Kiều Bích Hậu

(Thực hiện)


Các tin khác