GÓI KÍCH THÍCH KINH TẾ CỦA JOE BIDEN – LIỆU CÓ CỨU ĐƯỢC CẢ THẾ GIỚI?


Gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 nghìn tỉ USD được kì vọng sẽ tăng GDP của nước Mỹ lên 4%, và từ đó thúc đẩy cả nền kinh tế toàn cầu. Chi tiêu tiêu dùng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vì thế sẽ có nhiều khởi sắc, liệu đó có phải là tín hiệu tươi sáng cho ngành Dệt May?

 Vào thứ Năm ngày 11/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đặt bút kí vào Dự luật chuyển giao gói cứu trợ trị giá 1.900 tỉ USD, dành cho các cơ quan liên bang và các tiểu bang, hàng triệu học sinh, sinh viên, công nhân và một phần cho chương trình tiêm chủng vacxin ngừa Covid-19 của Mỹ.

Những đối tượng đầu tiên được tiếp cận gói cứu trợ sẽ là các hộ gia đình, dưới hình thức các tấm séc được phát tận tay từng hộ ngay trong tuần này, giúp xoa dịu những khó khăn do đại dịch gây ra đối với những người đang thất nghiệp và lâm vào cảnh túng thiếu, cũng như những người vẫn giữ được việc làm.

Trong thời gian còn lại của năm, gói cứu trợ này được kỳ vọng sẽ giúp nâng mức thu nhập quốc dân của Mỹ lên khoảng 3-4%, và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo vốn có trước khi đại dịch xuất hiện.

Hơn thế nữa, tác động từ việc kim ngạch xuất nhập khẩu Mỹ tăng trở lại sẽ có thể giúp nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng thêm 1%, tương đương với mức tăng của 1 Quý đối với tốc độ tăng trưởng của năm 2021, theo dự báo mới nhất từ Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD). Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Paris này còn dự đoán, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay sau giai đoạn chững lại do đại dịch, cao hơn so với mức dự báo 4,2% được đưa ra từ hồi tháng 12 năm ngoái.

Với tầm quan trọng của gói kích thích kinh tế này, các thành viên Đảng Dân chủ đã khá bất ngờ khi cuộc bỏ phiếu diễn ra sát nút ở cả hai viện của Quốc hội, với chiến thắng sít sao 220 phiếu thuận – 211 phiếu chống tại Hạ viện, sau khi được Thượng viện thông qua từ ngày 06/3 với số phiếu 50/49.

Dư luận Mỹ cho thấy sự đồng thuận cao hơn hẳn khi cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành vào tuần trước chỉ ra rằng, tới 70% người dân Mỹ ủng hộ gói kích thích kinh tế này.

Chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Mỹ David Blanchflower của Trường Đại học Dartmouth cho rằng, Đảng Cộng hòa sẽ phải hối tiếc vì hành động chống phá của mình. “Đây chính là những gì mà nền kinh tế Mỹ cần trong thời điểm hiện tại. Dưới tác động khủng khiếp của đại dịch, nền kinh tế của chúng ta đang suy yếu hơn nhiều so với những gì mà họ có thể hiểu được, với đầy rẫy người dân bị mất việc làm và hàng triệu người đang kêu cứu.” Ông Blanchflower là người đã dành 3 năm làm việc tại Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh trước và sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Bằng những kinh nghiệm của mình, ông cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn hơn cả so với những con số được công bố, vì thế gói kích thích khổng lồ của ông Biden thậm chí vẫn có thể thất bại trong việc đưa nước Mỹ quay trở lại con đường tăng trưởng lâu dài.

Mới đây, báo cáo của Cục Thống kê lao động Mỹ cũng cho thấy, tại thời điểm giữa tháng 2, nền kinh tế Mỹ vẫn đang thiếu hụt khoảng 9,5 triệu việc làm so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Elise Gould, chuyên gia kinh tế của Viện Chính sách Kinh tế cho rằng, con số này tương đương với khoảng 11,9 triệu việc làm nếu tính toán theo tốc độ tăng trưởng khi không có đại dịch.

Gói kích thích kinh tế của ông Biden sẽ là cứu cánh khi hướng tới rất nhiều đối tượng mục tiêu. Gói này sẽ cấp 350 tỉ USD cho chính quyền từ cấp bang tới các địa phương, nhằm ngăn cản vết xe đổ của cuộc khủng hoảng năm 2008 khi có rất nhiều đơn vị đã phải cắt giảm tối đa các khoản chi nhằm cân bằng sổ sách tài chính. 30 tỉ USD sẽ được dành cho các đơn vị vận tải để bù đắp cho sự thiếu hụt nghiêm trọng về lượng hành khách di chuyển. 130 tỉ sẽ được phân bổ cho các trường tiểu học và trung học trên toàn nước Mỹ. Tương tự như ở Anh, Mỹ sẽ cấp một khoản trợ cấp cho những đối tượng không thể thanh toán tiền thế chấp, nhưng sẽ bao gồm cả những người thuê nhà.

Học sinh, sinh viên Mỹ sẽ được miễn nộp thuế cho các khoản vay, đồng thời khoản thanh toán thất nghiệp liên bang trị giá 300 USD/tuần sẽ được gia hạn đến tận tháng 9. Đặc biệt, gói cứu trợ này sẽ lặp lại một đợt trợ cấp trực tiếp nữa cho các hộ gia đình, với các tấm séc trị giá đến 1.400 USD/người cho các đối tượng với mức thu nhập dưới 80.000 USD, bố/mẹ đơn thân với thu nhập 120.000 USD trở xuống và các cặp vợ chồng với tổng thu nhập dưới 160.000 USD.

Ông Barry Naisbitt, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Viện Nghiên cứu kinh tế – xã hội Quốc gia của Vương quốc Anh cho rằng, nhiều phần của gói kích thích này có thể sẽ bị thiếu hụt, đặc biệt đối với khoản 350 tỉ USD dành cho các bang và địa phương khi họ phải đối mặt với những khoản chi phí khổng lồ cho đại dịch.

Các nhà kinh tế tại Viện Brookings có trụ sở tại Washington cũng bày tỏ sự băn khoăn khi cho rằng, gói 700 tỉ USD thanh toán trực tiếp sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, nhưng mặt khác nếu kéo dài trong cả năm sẽ mang đến nhiều bất ổn. Các nhà nghiên cứu tại Viện này cũng đưa ra dự đoán về việc GDP của Mỹ sẽ có sự sụt giảm nhẹ vào cuối năm 2021, tuy nhiên vẫn nhấn mạnh khả năng về một cuộc suy thoái đột ngột và mạnh mẽ hơn so với những dự báo đã đưa ra.

Ông Biden đã phải đối mặt với cuộc tấn công 2 chiều hướng tới gói kích thích kinh tế này. Một phía là các Đảng viên Đảng Cộng hòa, mặc dù đã bỏ phiếu thông qua gói 2,2 nghìn tỉ USD vào năm ngoái, nhưng họ cũng bày tỏ lo ngại rằng gói kích thích lần này sẽ làm gia tăng nợ quốc gia lên mức nguy hiểm.

Về phía Đảng Dân chủ, một số nhà kinh tế học, trong đó nổi bật là ông Larry Summers, cựu cố vấn dưới thời Tổng thống Bill Clinton và cựu Chủ tịch Trường Đại học Havard đã cũng nêu lên quan điểm rằng, gói kích thích này là vượt quá mức cần thiết, bởi bất cứ chính sách nào trị giá trên 1 nghìn tỉ USD đều có thể tạo sức nóng nguy hiểm cho nền kinh tế và gây ra lạm phát lâu dài.

Các dự báo về mức lạm phát của Mỹ cho thấy, tỉ lệ lạm phát của nước này sẽ tăng từ mức 1,7% của tháng 2 lên đỉnh điểm vào tháng 4-6 ở mức 2,9%, sau đó sẽ giảm nhiệt còn 2,5% trong nửa cuối năm 2021, và xuống mức 2,2% vào năm 2022.

Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell khi trả lời phỏng vấn trong tuần trước cho biết, chỉ số lạm phát tăng trên mức mục tiêu 2% chỉ là tạm thời, và điều đó là cần thiết để đạt được những mục tiêu lớn lao hơn, đặc biệt là đối với một quốc gia đã trải qua 10 năm không xảy ra lạm phát như nước Mỹ. Ông cũng trấn an rằng, việc giá cả hàng hóa tăng nhẹ là dấu hiệu tốt cho một nền kinh tế mạnh mẽ, và một vài hệ quả kéo theo như tỉ lệ lãi suất gia tăng cũng không phải là điều quá đáng ngại.

Ở một vài khu vực khác trên thế giới, viễn cảnh về việc nền kinh tế trở nên sôi động hơn vẫn còn khá xa vời. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu hiện vẫn đang chật vật để đẩy nhanh chương trình tiêm vacxin phòng Covid-19, trong khi gói kích thích kinh tế trị giá 740 tỷ EUR dường như sẽ được triển khai với tốc độ tương đối chậm, có thể kéo dài tới hơn 2 năm.

Ngay cả đối với nước Anh, khi đang đuổi kịp Mỹ về tỉ lệ tiêm chủng và kì vọng vào sự phục hồi nhanh chóng vào khoảng giữa năm nay, Chính phủ Anh cũng đang lo ngại về tình trạng lạm phát ở mức cao và nợ công tăng chóng mặt có thể đe dọa đến các kế hoạch kích thích kinh tế của nước này.

Trong lúc này, kế hoạch của ông Biden, cũng như nhiều chính sách đã được Chính quyền mới đưa ra gần đây, có thể tạo hiệu ứng vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ và khiến nhiều đối tượng cùng được hưởng lợi.


Các tin khác