Dự báo dệt may Thế giới và Việt Nam năm 2022: “Lấy lại những gì đã mất”


Mặc dù phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là các biến chủng của virus Sars-Covi-2 nhưng mới đây Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu vẫn đạt 5,9% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, và dự báo nhu cầu dệt may thế giới năm 2022 sẽ quay trở lại bằng mức của năm 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD.

Tổng cầu dệt may thế giới

Nếu theo thống kê của Trademap tổng cầu dệt may nói chung của thế giới năm 2020 đạt 714 tỷ USD, chỉ giảm 5% so với năm 2019 trước dịch Covid, tuy nhiên năm 2020 số liệu bị nhiễu bởi nhu cầu nhập khẩu đồ bảo hộ (gọi tắt là PPE) như khẩu trang, bộ đồ gown có kim ngạch nhập khẩu tăng 80 tỷ USD so với mức ở điều kiện bình thường của các năm trước. Vì vậy, nếu loại trừ nhu cầu đồ PPE tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 giảm 15% so với năm 2019 (nhu cầu nhập khẩu riêng hàng may mặc toàn cầu có mức giảm sâu hơn khoảng 20%). Tuy nhiên cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, các quốc gia phát triển tiêm vắc xin rộng rãi, cuộc sống người dân tại các nước này trở lại trong điều kiện bình thường mới khiến nhu cầu hàng may mặc cũng tăng trở lại.

Nhu cầu nhập khẩu dệt may tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hồi phục nhanh chóng trong năm 2021, tuy nhiên có sự phân hóa:

Nguồn: Tổng hợp từ Trademap

Trong 6 tháng đầu năm 2021, trong 5 thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc:

  • Nhu cầu nhập khẩu dệt may của EU và Hàn Quốc đã trở về ngang bằng mức của năm 2019, thậm chí vượt nhẹ 1-2%. Các thị trường khác tuy chưa về mức cùng kỳ của năm 2019 nhưng đều có sự tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2020.
  • Riêng thị trường Nhật Bản kim ngạch nhập khẩu dệt may vẫn dậm chân tại chỗ, tương đương cùng kỳ năm 2020.

Sau đây, chúng ta cùng nhìn lại biến động tại một số thị trường chính:

Biến động tại thị trường Mỹ:

Theo nghiên cứu của giáo sư Shenglu – Đại học Delaware, Hoa Kỳ so sánh phục hồi nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 với khủng hoảng do Covid-19 đã đưa ra nhận xét nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ (được điều chỉnh theo mùa) bắt đầu có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước (YoY) vào tháng 2 năm 2021 (tức khoảng 11 tháng sau sự bùng nổ của Covid-19 vào tháng 3/2020). Nếu so sánh, khi hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, phải mất gần 15 tháng để chuyển tốc độ tăng trưởng YoY từ âm sang dương).

Nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ đã hồi phục rõ ràng hơn trong tháng 8/2021 sau khi các hạn chế được nới lỏng ở châu Á giải phóng các lô hàng đã bị trì hoãn trước đó. Nhập khẩu tăng 17,1% về khối lượng, trong khi tăng 23% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước. So với mức nhập khẩu của Mỹ vào tháng 8 năm 2019, nhập khẩu đã tăng 3% về khối lượng sau khi giảm 11% trong tháng 7.

Nhập khẩu từ Việt Nam tăng 28% và 21% trong tháng 8 so với cùng tháng năm 2019. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã tăng 12% và 6% về khối lượng và giá trị trong khi đó nhập khẩu từ Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021 đã giảm 12% và 35% về khối lượng và giá trị.

Đơn giá của các lô hàng Trung Quốc đã giảm đáng kể, mất 20% trong tháng 8 so với năm 2019, thậm chí giảm 27% trong hai năm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8.

Đồ thị so sánh nhập khẩu dệt may của Mỹ từ Thế giới theo tháng trong 3 năm 2019, 2020, 2021

Nguồn: EmergingTextiles

Đồ thị so sánh nhập khẩu dệt may của Mỹ từ Trung Quốc theo tháng trong 3 năm 2019, 2020, 2021

Nguồn: EmergingTextiles

Đồ thị so sánh nhập khẩu dệt may của Mỹ từ Việt Nam theo tháng trong 3 năm 2019, 2020, 2021

Nguồn: EmergingTextiles

Biến động tại thị trường EU

Năm 2020 nhập khẩu quần áo giảm 15% về khối lượng và 12,5% về giá trị (tính theo USD) và giảm 10% về giá trị (tính theo Euro).

Đồ thị so sánh nhập khẩu quần áo của EU năm 2019 và 2020 theo tháng

Nguồn: EmergingTextiles

Nhập khẩu quần áo của EU đã tăng mạnh trong quý II và nửa đầu năm 2021 so với mức thấp của năm ngoái. Nếu theo số liệu của Trademap, nhập khẩu dệt may của EU nói chung 6 tháng đầu năm đã về bằng mức cùng kỳ của năm 2019 trước dịch.

Tuy nhiên, biến động nhập khẩu hàng may mặc tại từng thị trường cụ thể trong khối EU có sự khác biệt, cụ thể:

  • Các lô hàng đến Đức từ bên ngoài khu vực EU (27 thành viên) chỉ giảm 7%, trong khi nhập khẩu quần áo của Tây Ban Nha giảm 20%.
  • Cuộc khủng hoảng Covid-19 không phải là yếu tố duy nhất làm gián đoạn thương mại mà Brexit cũng góp phần gây ra sự gián đoạn này.
  • Các lô hàng trực tiếp đến Vương quốc Anh đã tăng vọt vào năm 2021 sau khi nước này rời khỏi Liên minh Châu Âu. Kết quả là nhập khẩu của Hà Lan giảm 21% về khối lượng so với mức của họ hai năm trước đó. Ngược lại, nhập khẩu của Ba Lan tăng 29% về khối lượng trong hai năm.
  • Đơn giá trung bình của các chuyến hàng đến Đức đã giảm hơn 10% trong nửa đầu so với mức của họ vào năm 2020. Đơn giá nhập khẩu của Bỉ tăng 10,1% do không có các lô hàng giá rẻ đến Anh.

Nhập khẩu dệt may từ các quốc gia ngoài EU tăng 52,3% và 48,1% về khối lượng và trị giá, cụ thể:

  • Nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 24,7% về khối lượng, chỉ tăng 4% tính theo đồng đô la.
  • Sự khác biệt lớn giữa số liệu khối lượng và giá trị chủ yếu là do đơn giá quần áo dệt thoi chương 62 giảm 36%.
  • Ngược lại, xuất khẩu của Bangladesh sang EU tăng 75% cả về khối lượng và trị giá.
  • Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ tăng 73% và 81%, về khối lượng.
  • Thị phần của Trung Quốc giảm từ 26,1% xuống 21,3% về khối lượng, giảm đáng kể về khối lượng từ 30,3% xuống 21,3%.
  • Bám sát Trung Quốc, Bangladesh đã tăng 20,4% về trị giá từ mức 17,2% trong quý 2 năm 2020. Về khối lượng, Bangladesh tăng từ 26,3% lên 30,1%, trở thành là nhà cung cấp hàng đầu, vượt Trung Quốc (21,3%).
  • Maroc đã đạt được mức tăng đáng kể từ mức thấp (+ 182% về khối lượng), do người mua tìm kiếm nguồn cung cấp đảm bảo hơn từ các nước EuroMed.
  • So với cùng kỳ của 5 năm trước đó, các lô hàng Trung Quốc giảm 9% về khối lượng, trong khi nhập khẩu quần áo từ Bangladesh tăng 18%. Thổ Nhĩ Kỳ tăng 9% và Ấn Độ giảm 15%. Việt Nam, Sri Lanka và Pakistan tăng mạnh. Myanmar chỉ tăng 3,8% về khối lượng trong quý II so với một năm trước đó, dự báo trước mức giảm dự kiến ​​trong năm tới.
  • Cũng vì lý do chính trị và việc mất một phần quyền tiếp cận miễn thuế, Campuchia chỉ tăng 8,9% về lượng trong quý II, nếu so sánh trong 5 năm đã giảm 26% về khối lượng.

Dự báo nhu cầu dệt may tại một số thị trường chính trong năm 2022

Về cơ bản dự báo nhu cầu nhập khẩu dệt may của 5 thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam sẽ trở về ngang bằng mức của năm 2019 trước khi xảy ra Covid-19.

Dệt may Việt Nam sẽ về đích năm 2022 theo kịch bản nào?

Căn cứ theo triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng các yếu tố tác động như đã phân tích trong Tạp chí số này, chúng tôi đưa ra 3 kịch bản dự báo kim ngạch xuất khẩu của Dệt may Việt Nam năm 2022 như sau:

Kịch bản cao: Sản xuất trở lại từ quý 4/2021 đến quý 1/2022 đã có trên 80% lao động trở lại nhà máy, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, vượt kết quả năm 2019 ở mức 39 tỷ USD.

Kịch bản trung bình: Sản xuất trở lại từ quý 4/2021 đến quý 1/2022 đã có trên 70% lao động trở lại và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10% lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 38 tỷ USD.

Kịch bản thấp: Quý I/2022 vẫn chưa ổn định hoàn toàn, chỉ huy động được dưới 60% lao động và mỗi quý tiếp theo tăng thêm 10%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 36 tỷ USD.

Tác giả: Văn phòng HĐQT


Các tin khác