Đón thời cơ từ thị trường biến động
Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5 do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức, nhận định về các cơ hội của thị trường, TS. Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, 6 tháng đầu năm thị trường ngành May có nhiều cơ hội về đơn hàng, thậm chí có thể kéo dài tới hết quý 3/2025, do đó các DN trong hệ thống cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường, hoàn thành ít nhất 2/3 kế hoạch lợi nhuận năm để có dự phòng cho tổ chức sản xuất, tránh các rủi ro khi thị trường đảo chiều.
Mỹ – Trung đạt thỏa thuận, thị trường còn điểm sáng
Chia sẻ về một số thông tin thị trường, tình hình thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump 2.0, ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó Chánh VP HĐQT cho biết, trong bối cảnh các chính sách thuế quan của chính quyền Trump có nhiều diễn biến khó lường, mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 xuống 2,8% (giảm 0,5 điểm so với tháng 1), năm 2026 xuống 3% do bất ổn từ chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Donald Trump. Cùng với đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đều bị điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2025 như: Mỹ giảm từ 2,8% xuống 1,8%; Châu Âu giảm còn 0,8% (thấp hơn 0,2% so với dự báo tháng 1/2025). Đức không có tăng trưởng; Trung Quốc: Giảm còn 4% năm 2025 (thấp hơn 0,6% so với lần dự báo trước); Nhật Bản: Kỳ vọng tăng trưởng 0,6% năm 2025 (giảm 0,5% so với lần dự báo trước)… Đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng 2025 là 5,2% (giảm so với 6,1% hồi tháng 10/2024).
“Trong bối cảnh đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế đến 4 tháng đầu năm 2025, KNXK đạt 13,9 tỷ USD tăng 11% so với cùng kỳ. Một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật, Châu Âu đều có sự tăng trưởng, riêng thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm do thị trường này chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng sợi để sản xuất vải. Việc căng thẳng giữa Mỹ – Trung cũng ảnh hưởng tới các DN dệt vải của quốc gia này dẫn tới nhu cầu nhập khẩu sợi bị giảm” – Ông Hoàng Mạnh Cầm nhấn mạnh.
Nhận định chung về thị trường trong thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng HĐQT dự đoán, quan hệ thương mại Mỹ – Trung có xu hướng hạ nhiệt với một số thỏa thuận đạt được; Giá cước vận tải giảm, tỷ giá VND/USD đang có diễn biến tích cực hơn; Tồn kho thực tế tại Mỹ (thông tin từ Sourcing Journal) đang ở mức rất thấp, nhiều nhãn hàng chỉ đủ dùng cho 6-8 tuần tới, khan hiếm hàng cho mùa tựu trường và lễ hội cuối năm; thiếu hụt mạnh ở dòng hàng sweaters từ Trung Quốc; Một số quốc gia cạnh tranh như Pakistan xảy ra bất ổn chính trị với Ấn Độ, trong khi đó Bangladesh gặp tình trạng về khủng hoảng năng lượng, nhiều nhà máy sợi phải đóng cửa do thiếu điện, đồng thời chính quyền của nước này cũng chưa có dấu hiệu xúc tiến đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng. Bên cạnh những thuận lợi, thì ngành dệt may vẫn còn có những thách thức khi mà kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ vẫn chưa “ngã ngũ”. Do đó, các chính sách về thuế quan của Mỹ vẫn còn nhiều bất định; Sức tiêu thụ tại Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn yếu, nhu cầu giảm chưa thể phục hồi ngay; Giá điện tăng từ 10/5/2025 cũng ảnh hưởng tới chi phí sản xuất cho các DN, nhất là DN sợi.
- Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng, từ nay tới 10/7, có thể Mỹ sẽ có các chính sách về thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam và còn phải chờ kết quả đàm phán của Bộ Công thương và Chính phủ. Tuy nhiên, về mặt tích cực thì tồn kho của Mỹ đang ở mức thấp, do đó các đơn hàng trong quý 3/2025 có thể vẫn tốt, nhưng quý 4/2025 có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm. Theo dự báo thì nhu cầu tiêu dùng của quốc gia này có thể bị giảm khoảng 5% trong năm 2025. Cùng với đó, các chính sách đàm phán thuế quan hiện nay đang được triển khai theo nhóm mặt hàng, do đó có thể có cơ hội đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam. Ngoài ra, để giảm các áp lực từ phía khách hàng, các DN cũng cần đàm phán lại với các đơn vị cung cấp trong chuỗi cung ứng như: vải, nguyên phụ liệu, vận tải – logistics nội địa… để san sẻ khó khăn cùng DN khi giá điện bắt đầu tăng từ tháng 5/2025.
Về mặt dự báo tỷ giá lãi suất giữa VNĐ/USD, Chủ tịch Lê Tiến Trường cho rằng sẽ có thể chỉ mất giá cao nhất trong 6 tháng đầu năm, từ nửa cuối năm 2025 tỷ giá sẽ có xu hướng giảm khi VNĐ không tiếp tục phá giá để thực hiện các cam kết của Chính phủ để kiểm soát về vấn đề thao túng tiền tệ khi xu hướng các quốc gia khác đều có xu hướng tăng tỷ giá các đồng nội địa so với USD. Do đó với các DN xuất siêu, thì cần có những tính toán phù hợp để quy đổi sang VNĐ khi tỷ giá có xu hướng quay đầu giảm.
“Để vượt qua được giai đoạn khó khăn này, các DN trong hệ thống của Vinatex cần tăng cường liên kết chuỗi, xây dựng và chia sẻ danh mục nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước đối với các đơn vị ngành May nhằm nghiên cứu, sử dụng các nguồn nguyên phụ liệu trong nước khi xuất khẩu sang Mỹ. Từ những lưu ý trên, khi tình hình đơn hàng còn thuận lợi, các DN cần tối ưu hóa lợi nhuận, phấn đấu hoàn thành 2/3 kế hoạch lợi nhuận trong năm 2025 ngay trong 6 tháng đầu năm, để dự phòng cho tổ chức sản xuất, cũng như tránh các rủi ro về câu chuyện thuế quan của nửa cuối năm 2025” – TS. Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Ông Phạm Tiến Lâm- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đức Giang – CTCP
Liên quan đến các đơn hàng hiện tại, Đức Giang đang phát triển theo định hướng Tập đoàn đã chia sẻ trước đó. Thứ nhất, cần tranh thủ thời gian làm việc để xuất hàng trong thời hạn 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế. Thứ hai, với những tình huống phải đàm phán các mức chia sẻ thuế quan với khách hàng, tùy theo loại hình hợp tác (FOB hay CM) và quy mô quan hệ với từng đối tác, Đức Giang sẽ lựa chọn sao cho tối ưu, giảm thiểu tối đa phần chi phí phải chia sẻ.
Một số thị trường tiềm năng như Australia, Nhật Bản đang được Đức Giang hướng tới và gần đây đã xuất hiện thêm tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc. Tại thị trường Mỹ, không làm khách hàng rút lui hay giảm đơn hàng, cần duy trì để sản xuất ổn định, không chịu quá nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về giá cả. Do đó, hướng đi phù hợp là tập trung vào khách hàng và các thương hiệu có giá trị gia tăng cao, điều này cũng phù hợp với năng lực và thế mạnh của Đức Giang. Đức Giang vẫn duy trì ổn định đến hết tháng 7 và hiện đang tiếp tục nhận thêm đơn hàng cho tháng 8 và tháng 9.
Ông Nguyễn Ngọc Bình – Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ
Về các yêu cầu giao hàng sang thị trường Mỹ trong giai đoạn dừng áp thuế 90 ngày, Hòa Thọ ghi nhận ba trường hợp chính. Thứ nhất, một số khách hàng yêu cầu giao hàng chậm nhất vào ngày 6/6/2025 để đảm bảo hàng hóa đến Mỹ trước ngày 10/7/2025, thậm chí đã tính đến phương án vận chuyển tới cảng gần nhất để rút ngắn thời gian thông quan và vận chuyển nội địa. Thứ hai, một số khách hàng yêu cầu giao hàng chậm nhất vào ngày 8/7/2025. Thứ ba là nhóm khách hàng không thay đổi kế hoạch giao hàng đã được xác nhận từ trước tháng 3/2025 cho các lô hàng đến tháng 7. Tuy nhiên, các yêu cầu này liên tục thay đổi, có thời điểm khách hàng thúc đẩy tăng tốc sản xuất, nhưng sau đó lại yêu cầu tạm dừng, buộc Hòa Thọ phải theo dõi và điều chỉnh kế hoạch sản xuất hàng ngày.
Về đơn hàng giai đoạn sau ngày 10/7/2025, trong một tháng gần đây, tình hình các đơn hàng mới từ khách hàng Mỹ cho tháng 8 trở đi diễn ra rất chậm, thậm chí có trường hợp ngưng hẳn. Nguyên nhân chủ yếu do khách hàng cần theo dõi và đánh giá lại tình hình mua hàng, tiêu thụ, tồn kho và các tác động từ chính sách thuế mới. Nhiều khách hàng đã cắt giảm số lượng đơn hàng so với dự kiến hoặc đàm phán với mức giá giảm sâu, kể cả với hàng CM và FOB. Một số khách hàng quyết định chuyển đơn hàng sang nhà máy tại Bangladesh hoặc giữ sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Hòa Thọ cũng ghi nhận có một số đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc sang, tập trung vào các lô giao trong tháng 6 và tháng 7. Hiện tại, các đơn hàng xuất sang Mỹ từ tháng 8 trở đi của Hòa Thọ giảm mạnh. Thực hiện chỉ đạo từ Tập đoàn, Hòa Thọ đã chủ động chào hàng để bổ sung cho năng lực sản xuất còn trống vào tháng 8.
Với hàng hóa xuất sang các thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là EU và Nhật Bản, tình hình đơn hàng hiện nay tương đương với các tháng cuối năm 2024. Các nhà máy sản xuất chuyên cho hai thị trường này của Hòa Thọ đã đảm bảo đủ đơn hàng. Bộ phận kinh doanh đang tiếp tục tập trung khai thác sâu hai thị trường EU và Nhật Bản, vừa duy trì khách hàng cũ vừa mở rộng tìm kiếm khách hàng mới.
Ông Nguyễn Hùng Quý- Tổng Giám đốc Công ty TNHH TCT Dệt May Miền Nam
Đến thời điểm hiện tại, VSC đã nhận đủ đơn hàng để sản xuất đến hết tháng 8. Trước những diễn biến liên quan đến thuế quan xuất khẩu sang Mỹ, VSC đã chủ động phát triển thêm các thị trường khác như châu Âu và Anh. Tỷ trọng đơn hàng từ các thị trường này trong những tháng cuối năm đã tăng cao hơn đáng kể so với đầu năm.
Chúng tôi đã nhận được một số yêu cầu giảm giá từ từng đối tác. Tuy nhiên, hiện VSC vẫn giữ quan điểm chưa điều chỉnh giảm giá ngay mà sẽ chờ thêm các tín hiệu rõ ràng từ thị trường. Dự kiến đến hết tháng 5, khi có thêm thông tin chính thức, chúng tôi sẽ cùng các đơn vị trong hệ thống thống nhất phương án chia sẻ phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ khi làm việc với khách hàng.
Về nhận định thị trường, chúng tôi đánh giá nếu mức thuế đối ứng được đàm phán tăng thêm trong khoảng 15–20% thì vẫn là ngưỡng chấp nhận được đối với thị trường Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi kiến nghị cần minh bạch trong chứng nhận xuất xứ, đặc biệt với những đơn hàng sử dụng nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bà Nguyễn Hồng Liên – Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế
Từ sau thời điểm Tổng thống Trump tuyên bố áp dụng thuế quan mới, tốc độ giao dịch và tỷ lệ chốt đơn hàng của Dệt May Huế trong tháng 4 đều giảm so với cùng kỳ. Về giá cả, yêu cầu từ phía khách hàng ngày càng tăng. Đại đa số các khách hàng cũ đều có những yêu cầu chia sẻ giá. Trong tháng 4 vừa qua, Huế chưa điều chỉnh giá đối với cả đơn hàng FOB và CM, nhưng nhiều khách hàng đã yêu cầu chia sẻ mức giá giảm từ 3–5% cho các đơn hàng được giao từ tháng 5–6.
Tình hình sản xuất và kế hoạch giao hàng cũng chịu nhiều biến động kể từ khi có tuyên bố áp thuế. Ban đầu, một số khách hàng tạm dừng đơn hàng, sau đó yêu cầu đẩy nhanh tiến độ khi thuế được áp 10% trong 90 ngày. Tuy nhiên, theo tính toán hiện tại, phần lớn các đơn hàng tháng 4, 5, 6 vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch ban đầu. Về đơn hàng quý 3 và quý 4, Dệt May Huế đã lấp đầy các đơn hàng tháng 7. Tuy nhiên, có khả năng xảy ra cạnh tranh do các yêu cầu đánh giá ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt là các tiêu chí về trách nhiệm xã hội, an ninh và hệ thống quản lý chất lượng. Dệt May Huế tiếp tục nhận thêm đơn hàng FOB trong quý 3. Đối với các loại vải nhập khẩu từ Trung Quốc, các nhà cung cấp đã đồng ý chia sẻ giá nguyên liệu, giảm từ 25–27% nhằm giữ chân khách hàng và hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn nếu bị áp thuế. Các khách hàng nhận định, đơn hàng quý 4 có thể giảm so với cùng kỳ năm trước trên tùy từng phân khúc.
Bà Phạm Thị Phương Hoa- Tổng Giám đốc TCT May Hưng Yên
Hiện tại, May Hưng Yên đã nhận được một số yêu cầu từ phía đối tác. Đối với khách hàng Hàn Quốc, dù đơn hàng không lớn, nhưng hiện đơn vị vẫn phải tiến hành đàm phán giảm giá nhẹ, dự kiến chia sẻ vào khoảng 1%. Về đơn giá hàng CM, May Hưng Yên vẫn giữ mức giá như trước.
May Hưng Yên đã có kế hoạch sản xuất liên tục đến khoảng trung tuần tháng 8 và đang tiếp tục trao đổi để nhận thêm đơn hàng. Tuy nhiên, có hai vấn đề đáng chú ý: các khách hàng cũ của thị trường Mỹ có xu hướng giảm đơn hàng, tuy nhiên, một số khách đang đặt hàng tại Trung Quốc lại dịch chuyển sang Việt Nam. Ngoài ra, thị phần từ các thị trường khác như Úc, Anh và châu Âu cũng đang có xu hướng tăng lên và chuyển dịch dần sang Việt Nam. Tuy nhiên, về đơn giá CM, vẫn có khả năng giảm nhẹ trong tháng 9–10, nhưng mức giảm không lớn. Dự báo tại thị trường Mỹ, May Hưng Yên nhận định nhu cầu sẽ tiếp tục giảm nhẹ.
Từ nay đến hết tháng 7, đặc biệt trong tháng 6 và đầu tháng 7, tình hình sản xuất của May Hưng Yên khá căng thẳng. Nguyên nhân là do khách hàng yêu cầu giao hàng đúng tiến độ, không chấp nhận lùi lịch như các năm trước. Việc chậm trễ giao hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro về vận chuyển và thời gian, vì vậy trong thời gian này, toàn bộ hệ thống sản xuất đang phải tập trung cao độ để hoàn thành các đơn hàng.
Ông Phạm Minh Đức – TGĐ Công ty May Nam Định
Với những khách hàng mà Nam Định đang làm việc, quan điểm chung là dù thuế quan có thay đổi, họ vẫn sẽ tiếp tục duy trì đơn hàng và hạn chế tối đa việc di chuyển chuỗi cung ứng. Khách hàng cũng chia sẻ, vấn đề cốt lõi trong giai đoạn tới sẽ là tối ưu giá cả và xem xét lại yếu tố xuất xứ hàng hóa, chứ không phải dừng các đơn hàng. Họ cũng nhận thấy rằng mức thuế áp dụng với Việt Nam khó có thể tăng quá cao, bởi Việt Nam vẫn là nguồn cung cấp dự phòng chiến lược trong trường hợp Trung Quốc không đáp ứng được một số yêu cầu.
Ông Nguyễn Bá Khánh Tùng – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội
Đến thời điểm hiện nay, Hanosimex đã chốt xong đơn hàng tháng 7, tháng 8 và đang tiếp tục đàm phán tiếp. Về đơn hàng từ tháng 8, tháng 9 trở đi, giá cả có xu hướng cạnh tranh hơn, đòi hỏi đơn vị phải cân đối kỹ lưỡng. Là đơn vị sản xuất có quy mô nhỏ, Hanosimex đang tập trung sản xuất, tăng cường làm thêm giờ, phối hợp chặt chẽ với Dệt May Huế để duy trì sản xuất ổn định từ nay đến cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Giám đốc điều hành Tổng Công ty May10-CTCP
Hiện tại đơn hàng của May10 đã kín đến hết tháng 7, một số chủng loại như quần jacket thì hết tháng 8, một số mặt hàng khác thì đến hết năm. Đối với các hàng đơn hàng vào đầu tháng 7, khách hàng đều yêu cầu đẩy tiến độ giao sớm, dẫn đến áp lực sản xuất rất lớn. May10 phải tổ chức sản xuất linh hoạt và tăng ca để đáp ứng.
Về tín hiệu thị trường, trong 4 tháng đầu năm, Mỹ vẫn chiếm phần lớn trong tỷ lệ phân khúc thị trường. May10 đã gia tăng xuất khẩu tại các thị trường khác như Nhật, Nga, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng từ các thị trường mới chỉ bù đắp được một phần nhỏ của thị trường Mỹ.
Dự báo cho quý 3 và quý 4, tín hiệu từ thị trường chưa thực sự khả thi, đặc biệt đối với mặt hàng sơ mi. Theo đánh giá giá từ khách hàng, do người tiêu dùng đã mua nhiều trong thời gian trước vì lo giá tăng, nên nhu cầu tiêu dùng trong quý 3 và 4 dự kiến sẽ giảm từ 10% đến 20%. Trong quá trình trao đổi, các khách hàng cũng ghi nhận: mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu tích cực hơn, nhưng các khách hàng vẫn duy trì xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khách hàng đánh giá mối quan hệ song phương tiện này vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và khó thay đổi trong vòng 5–10 năm tới. Một số khách hàng cũng đã đặt câu hỏi về tỷ lệ nguyên phụ liệu xuất xứ từ Trung Quốc trong cấu thành giá thành sản phẩm.
Hiện May10 đang chủ động tìm kiếm và mở rộng nguồn cung nguyên liệu qua kết nối với các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, cũng như một số doanh nghiệp tại Ấn Độ và Đài Loan…
Nhóm PV